22 thg 2, 2015

Dù Kê – loại hình nghệ thuật độc đáo của người Khmer Nam Bộ

Những tích truyện từ ca kịch dù kê, món ăn tinh thần của người Khmer Nam Bộ trong suốt mấy chục năm qua đã in sâu trong đời sống chân chất, mộc mạc, vun đắp nên tình làng nghĩa xóm để khẳng định, giữ gìn những nét đặc sắc riêng có của dân tộc mình.

Dù Kê – loại hình nghệ thuật độc đáo của người Khmer Nam Bộ. Ảnh: Internet

Người Khmer ở Nam bộ vốn có nền văn hóa nghệ thuật rất độc đáo, đa dạng đã phát triển khá lâu đời, trở thành một món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống xã hội của bà con dân tộc và luôn được bảo tồn, phát huy.


Sân khấu ca kịch dù kê là một sản phẩm được sáng tạo ra từ những năm 1920. Ngay từ khi ra đời, dù kê đã được công chúng khán giả dân tộc Khmer vùng Nam bộ đón nhận rầm rộ, không những trong khu vực mà ngay đất nước chùa Tháp cũng rất ngưỡng mộ.

Nghệ thuật dù kê của người Khmer còn có tên khác gọi là “Lakhôn Bassắc”, nghĩa là kịch hát của người Khmer ở vùng sông Bassắc (sông Hậu). Theo lưu truyền trong dân gian thì người sinh ra dù kê là ông Lý Cọn, một người Khmer ở xã An Ninh (thuộc tỉnh Hậu Giang ngày nay). Lý Cọn từng đi Tây học làm chủ sòng bạc rồi mở một đoàn hát ở Trà Vinh.

Loại hình sân khấu ca kịch dù kê của đồng bào Khmer có cốt truyện được xây dựng trên nền nhạc ca hát, đối thoại và các hình thái diễn xuất dân gian. Tương tự như rôbăm, tuồng tích biểu diễn của dù kê cũng được rút ra từ các trường ca của Ấn Độ (Ramayana và Mahabharada), những truyền thuyết, huyền thoại dân tộc như “Linhthôn”, “Mapthiđongkeo”, “Sackinhni”... đồng thời còn sử dụng cả những tuồng tích, điển tích của các dân tộc khác như “Thạch Sanh chém chằn”, “Tấm Cám” (của người Việt); “Phàn Lê Huê – Tiết Đinh San”, “Tam Tạng thỉnh kinh”, “Trụ Vương mê Đắc Kỷ” (của người Hoa)...

Đề tài và nội dung kịch bản của sân khấu dù kê rất phong phú và mang tính giáo dục cao. Các tích truyện diễn ra trên sân khấu dù kê, về cơ bản luôn đề cao đạo lý của con người. Vở diễn nào cũng mang tinh thần hướng thiện, ca ngợi cái tốt, cái đẹp, lên án cái ác, cái xấu. Cốt truyện của các vở diễn thường được rút ra từ thần thoại, cổ tích. Các vở diễn truyền thống bao giờ cũng kết thúc có hậu. Người không biết tiếng Khmer khi theo dõi diễn biến của vở dù kê vẫn có thể hiểu được cốt truyện.

Lối diễn dù kê tự nhiên và rất thật. Đêm diễn thường bắt đầu bằng một bài hát cúng tổ. Kế đó là hát mời các vị thần, rồi tất cả diễn viên có vai trong đêm hát ra hát chào khán giả, biểu diễn một điệu múa rồi mới vào tuồng. Vở diễn đến già nửa thì vai hề ra nói mấy câu chọc cười rồi lột cái nón đang đội, đi xuống chỗ khán giả “xin tiền”. Ai cho bao nhiêu cũng được, không cho cũng không sao.

Các nhạc cụ Khmer cổ truyền thường sử dụng trên sân khấu dù kê là đàn khưm, giàn nhạc pưnpết (ngũ âm) và nhiều nhạc cụ dân tộc khác. Trung bình, thời gian biểu diễn một vở tuồng dù kê dài khoảng 4- 5 giờ đồng hồ.

Loại hình nghệ thuật này thường được sử dụng trong các buổi lễ như Lễ dâng bông, tết Chôl Chnăm Thmây, các đoàn dù kê đều tới hát làm phước ở chùa, hay tại địa điểm cử hành lễ như Lễ đua ghe ngo để phục vụ khán giả suốt đêm ở đó. Những đêm diễn dù kê luôn thu hút đông khán giả, có cả người Hoa và người Kinh cùng xem. Dù kê đã góp phần làm phong phú thêm cho nghệ thuật sân khấu Việt Nam.

Với sự độc đáo và hấp dẫn của nó, loại hình nghệ thuật Dù Kê hiện nằm trong danh sách 12 di sản văn hóa phi vật thể dự kiến lập hồ sơ trình Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) giai đoạn 2012-2016.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét