3 thg 10, 2014

"Vườn Kiều" độc nhất vô nhị ở Việt Nam

Đền thờ cụ Nguyễn Du trong vườn Kiều

Ở khu phố 4 (phường Bình Đa, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) có khu vườn vô cùng lạ mắt mang đậm chất truyện Kiều. Người dân trong vùng vẫn quen gọi đây là “biệt thự vườn Kiều” hay vườn thơ, vườn Kiều. Chủ nhân khu vườn lạ lùng ấy vốn là nông dân nuôi heo có tiếng Phạm Văn Khoát (bút hiệu Bá Khoát, SN 1933)

Vườn Kiều độc nhất vô nhị

Về phường Bình Đa, hỏi vườn Kiều ai đều biết. Đó là khu vườn rộng chừng 
3.000m2 nằm trong một con hẻm tĩnh lặng. Vừa bước vào đầu ngõ, du khách được chào đón bởi hai câu thơ: “Vườn Kiều đón khách du xuân/ Đọc thơ ngắm cảnh thương thân nàng Kiều”. Cảnh vật tại đây được chủ nhân bài trí đậm nội dung truyện Kiều như tượng Kim Trọng trên lưng ngựa, tượng hai chị em nàng Kiều e ấp trước mộ Đạm Tiên… Kế bên, chủ nhân dựng thêm tượng bà chúa thơ nôm Hồ Xuân Hương với chú thích “Người tình của Nguyễn Du”.

Đi sâu vào vườn Kiều, sẽ bắt gặp đền thờ Đại thi hào Nguyễn Du do chính tay ông Khoát thiết kế và xây dựng. Mỗi năm vào ngày 16/9, ông và những người yêu mến truyện Kiều lại tổ chức đám giỗ tưởng nhớ tác giả Nguyễn Du tại đây. Dẫn khách đến đâu, chủ nhân đều giải thích tỉ mỉ những cảnh vật được trưng bày mang nội dung gì.

Chẳng hạn như trong truyện Kiều có loại cây nào, ông chủ khu vườn đều sưu tầm mang về trồng bằng được. Hiện cả khu vườn có hơn 100 tượng động vật, giống cây như thế. Không chỉ trang trí khu vườn bằng cây cối, ông Khoát còn xây dựng những công trình được nhắc đến trong truyện Kiều như Liễu Chương Đài, Am Các Tự hay nhà của Hoạn Thư. Dưới mỗi bức tượng hay cây cảnh đều có chú thích bằng chính thơ trích ra từ truyện Kiều. Ví như cây Mai và Trúc được chú thích: “Muôn ngàn người thấy cũng yêu/ Xôn xao anh yến, dập dìu trúc mai”. Tỉ mỉ hơn, ông Khoát còn đề rõ rõ câu thơ mình trích ra nằm ở câu thứ bao nhiêu.

Tượng chị em Thuý Kiều trước mộ Đạm Tiên

Không chỉ trong vườn, ngay tường rào cũng trở thành diện tích khắc họa ngót nghét 20 chương trong truyện Kiều. Ông không quên thanh minh, vì tường rào chỉ dài 200m nên chỉ chép đủ 20 bức điêu khắc tương đương 20 chương. Những bức tường này do chính tay ông Khoát thiết kế. Kỳ công hơn, ông chủ vườn Kiều còn cho người đào ao thả sen và xây gác nhỏ giữa hồ lấy tên “Lầu Ngưng Bích”, nơi Thuý Kiều từng ngồi ngắm cảnh. 

Ông Khoát chia sẻ cơ duyên xây dựng nên khu vườn Kiều. “Lúc 32 tuổi, tôi bị suy tim và được khuyên thường xuyên tắm biển. Mỗi năm phải tắm ít nhất 15 ngày nên có thời gian đọc truyện Kiều. Rồi dần dần tôi cảm nhận được nội dung ẩn chứa bên trong”, chủ khu vườn nói. Thế rồi ông Khoát bắt đầu nghiền ngẫm từng câu từng chữ, tìm đọc đủ 104 điển tích trong truyện Kiều. Còn về khu vườn, chủ nhân bộc bạch, có nhiều cách thể hiện tình yêu truyện Kiều như phổ nhạc, vẽ tranh. 

Riêng ông muốn lập khu vườn tạo thú vui tuổi già. Ý tưởng ấy được biến thành hiện thực vào năm 1996 khi ông dứt bỏ cơ bản công việc làm ăn và hoàn thiện trong những năm sau đó. Hiện tại chủ nhân khu vườn vẫn tiếp tục cải tạo vườn Kiều để những du khách đến đây thực sự hoà mình vào câu chuyện trong truyện Kiều, cảm nhận hết nội dung tác phẩm.
“Vua” nuôi heo trở thành chủ vườn thơ 

Bộc bạch tâm sự, ông Khoát cho biết cảm thấy rất vui từ khi nghiên cứu truyện Kiều. Càng vui hơn khi hội Kiều học là nơi trao đổi về truyện Kiều được thành lập vào năm 2011. Đây được xem là diễn đàn giới nghiên cứu đưa ra quan điểm mới nhất về tác phẩm làm nên tên tuổi Đại thi hào Nguyễn Du. Ông Khoát bật mí, ngày giỗ năm nay sẽ ra mắt văn phòng đại diện hội Kiều học ở Đồng Nai, lấy nơi làm việc là lầu Ngưng Bích.

Chân dung ông lão mê truyện Kiều

Thông tin bất ngờ ít ai biết đó là chủ vườn Kiều vốn được biết đến với biệt danh “Vua” nuôi heo. Kể về bí mật này, ông Khoát tươi cười: “Tôi nuôi heo từ năm 1963. Có được biệt danh trên nhờ vào năm 1993, đài phát thanh truyền hình Đồng Nai mời tôi diễn vai trong bộ phim “vua nuôi heo” tham dự cuộc thi sản xuất giỏi. Phim đạt được giải 3 toàn quốc. Tên gọi “Vua” nuôi heo gắn luôn vào cuộc đời từ đó. Tôi cảm thấy vui bởi tên gọi có phần kỳ quái này lại hợp với nghề nghiệp của bản thân”.

Ngoài đời thường, ai cũng thừa nhận ông Khoát xứng đáng với “chức” “Vua” nuôi heo. Từ trang trại nhỏ ban đầu, người đàn ông này đã gầy dựng thành công ty chăn nuôi Thanh Bình. Ông kể: “Tôi vốn quê ngoài miền Bắc di cư vào Nam từ năm 1954. Nhận thấy nghề nuôi heo phù hợp nên đã đeo đuổi. Lúc đầu chỉ nuôi vài chục con, sau đó tăng lên 300 con và trên 10.000 vào lúc cao điểm”. Trang trại ông Khoát từng được các đối tác nước ngoài kí kết hợp tác làm ăn. Không chỉ làm giàu cho bản thân, ông Khoát còn tạo việc làm cho người dân địa phương, giúp họ ổn định cuộc sống. 

Bất ngờ hơn khi biết người đàn ông giỏi làm kinh tế, đam mê nghệ thuật này chỉ học hết lớp 5. Ông bộc trực chia sẻ, do không thi đỗ kì thi chuyển cấp đành bỏ học vào miền Nam lập nghiệp. Thời gian này, ông Khoát kiên trì theo học hệ bổ túc nâng trình độ học vấn đến lớp 9. 

Ông mê thơ đến mức bỏ tiền túi tự thưởng cho mình chuyến xuất ngoại sang Trung Quốc, tìm đến những nơi mà nhân vật Thuý Kiều từng đi qua như Giang Tô, sông Tiền Đường, Vô Tích, Châu Thai để thoả trí tò mò. Chưa hết, ông còn tự lập bản đồ riêng về hành trình cuộc đời của nhân vật nữ “hồng nhan bạc mệnh” Thuý Kiều. Từ khi nhường chức giám đốc trại heo cho con trai, ông Khoát “bán” phần đời còn lại cho truyện Kiều. 

Giải nghệ nghề nuôi heo hơn gần 20 năm nay, nỗi trăn trở lớn nhất của ông Khoát là niềm tiếc nuối bởi trang trại do mình sáng lập đã chuyển sang nuôi gà. Giải thích việc chuyển đổi vật nuôi, ông Khoát nói: “Bây giờ người nuôi heo sử dụng thuốc tăng trưởng nhiều quá khiến những người nuôi heo trung thực như tôi không cạnh tranh lại. Bởi vậy đành thay đổi, chuyển sang nuôi gà”.

Bùi Yên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét