3 thg 10, 2014

Chùa Hóc Ông Che

Cái tên Hóc Ông Che dễ khiến người ta tưởng là tiếng Khmer, hoặc nếu tiếng Việt thì khiến liên tưởng tới một chỗ hóc bà tó, thâm sơn cùng cốc nào đó.

Mà đúng thiệt, để đi tới ngôi chùa này ta phải đi qua các xóm làng tương đối hoang vắng (hoang vắng xét trong điều kiện đây là một địa điểm thuộc thành phố Biên Hòa, đô thị loại II, chứ không phải là rừng rậm hoang vu nghe!).

Tên chính thức của chùa là Hiển Lâm, địa chỉ tại số 88/18 ấp Tân Hóa, xã Hóa An, TP Biên Hòa, số điện thoại là (061)3954969. Ấy, nhưng đừng căn cứ theo địa chỉ ghi trên để đi tìm, vì ở Hóa An người ta chả ghi tên đường đâu (dân cũng chẳng biết tên đường luôn, nói chi tới số nhà). Bạn đến chùa bằng cách sau: Từ Biên Hòa qua cầu Hóa An, tới chợ Hóa An quẹo phải (đường Hoàng Minh Chánh) đi theo con đường rải đá khoảng 500 - 600 met thì có một ngã ba, phía trái có bồn nước cao của công ty Cấp nước, bạn quẹo trái đi khoảng 400 met nữa nhìn bên trái là thấy chùa.

Tam quan chùa là đây, nhìn rất uy nghi tráng lệ khiến ta quên mất rằng chùa có tên là... Hóc Ông Che!


(Điều khiến tôi cảm thấy hơi buồn là tam quan chùa toàn chữ Hán, kể cả 4 chữ Hiển Lâm Sơn Tự!)

Mặt trong tam quan

Chùa Hiển Lâm (Hóc Ông Che) do thiền sư Huệ Lâm (1887 - 1945, thế danh Bùi Văn Tươi) khai sơn năm 1920. Ông là con một pháp sư danh tiếng ở Biên Hòa, xuất gia học đạo với hòa thượng Khánh Lâm ở chùa núi Châu Thới. Sau một thời gian theo học, thiền sư theo lời thầy đi về hướng Hóa An (lúc bấy giờ còn rừng rậm hoang vu) vào một hóc rừng lập chùa. 

Ông tự chặt cây mở lối, dựng chòi để ở trong hóc rừng ấy. Ngày ngày ông đào đất đắp gò để từng bước dựng chùa và bốc thuốc chữa bệnh, rao giảng phật pháp cho người dân địa phương. Tên Hóc Ông Che ra đời từ đấy, nghĩa là cái hóc rừng nơi có ông sư che chòi. Khi chùa được tạo dựng, người dân quen miệng gọi chùa Hóc Ông Che luôn. Cũng có một cách lý giải khác cho rằng, ở chốn rừng có ngôi chùa này lúc ban đầu đêm đêm nghe tiếng rừng thiêng lảnh lót như tiếng của cái che ép mía đều đều vang lên nên gọi với cái tên như trên, tuy nhiên cách giải thích này nghe không thuyết phục lắm..

Dù sao đi nữa, cả 2 tên gọi Hóc Ông Che hay Hiển Lâm Sơn Tự đều gợi lên một chốn rừng sâu hoang vằng. Và thật vậy, mãi cho đến bây giờ dù chùa đã được xây dựng lại khang trang nhưng khi bước vào khuôn viên chùa những hàng cây cao che bóng mát vẫn khiến người ta có cảm giác lâng lâng thoát tục, như đi vào chốn rừng xanh u nhã. 

Cũng là những cụm tượng Đức Phật đản sinh, Thái tử Tất Đạt Đa xuất gia hay Đức Phật nhập Niết Bàn như những ngôi chùa khác, nhưng ở đây những tượng ấy thấp thoáng giữa rừng cây xanh thật hài hòa và thật sự nếu bạn không phải là một Phật tử đi lễ chùa thì đây cũng là một điểm tham quan yên ả và tuyệt đẹp.




À, ở ngay sau tam quan có cụm tượng Tam Tạng thỉnh kinh. Dù rằng những nhân vật Tây du ký này đã được phong thành Phật và cũng nhiều chùa có cụm tượng về họ, nhưng cá nhân tôi không thích cụm tượng này ở chùa, tạo hình cụm tượng này ở chùa Hóc Ông Che cũng không đẹp.


Theo ghi chép, chùa được trùng tu và mở rộng vào các năm 1930, 1975. Kiểu thức kiến trúc nghệ thuật cổ còn bảo lưu đậm nét với kết cấu dạng nhà tứ trụ. Nội thất chùa với những cột gỗ cao treo câu đối, bao lam và hoành phi được chạm trổ tinh tế. Chánh điện chùa bài trí các ban, tượng thờ Phật. Nối tiếp với chánh điện là nhà Tổ thờ Đức tổ Huệ Lâm Thiền sư và gian thờ Tam Thế Phật. Nhà Giảng được xây song song với nhà Tổ.

Chánh điện chùa

Tượng Phật ở chánh điện chùa

Tượng Phật Bà Quan Âm trên đài sen ở sân chùa

Hiển Lâm Sơn có các bộ tượng thờ bằng gốm đất nung và gỗ, là sản phẩm của những người thợ gốm không chuyên với những nét chạm trổ mộc mạc, gần gũi với đời thường, gồm tượng của các vị: Di Đà Tam Tôn, Di Lặc Lục Lặc, Địa Tạng, Đạt Ma Tổ Sư… Bộ tượng gỗ “mục đồng” với 66 tượng gồm ông ba mặt, ông hai sừng, ông một sừng và các tượng âm nhân lại được tạo hình bằng phương pháp chặt mảng lớn, ở dạng phác thảo, sơn vẽ và có quần áo. 

Nhóm tượng bên phải chánh điện

Nhóm tượng bên trái chánh điện

Hiển Lâm Sơn Tự cũng là nơi có quần thể tín ngưỡng đa dạng: chùa, miễu, am. Đảnh bà thờ Linh Sơn Thánh Mẫu, bà Ngũ Hành, bà Nữ Oa… Trong khuôn viên chùa còn có Am Chư vị, tháp Tổ sư. Am Chư vị thờ các âm binh âm tướng tương truyền là lực lượng đã từng trợ giúp hai thầy võ địa phương đánh cọp dữ cứu dân làng thời khai khẩn. Phía sau chùa trên gò đất cao có đảnh thờ các vị nữ thần: Linh Sơn Thánh Mẫu, Ngũ Hành, Nữ Oa.

Câu chuyện về Am Chư vị và một số truyền thuyết về ngôi chùa chốn sơn lâm này xin được giành cho một bài viết khác.

Chùa Hóc Ông Che ở không xa TP Biên Hòa, chỉ khoảng 3 km. Nếu bạn không nề hà một chút đoạn đường xấu khoảng 1 km để đến đây thì chùa là một điểm đến để bạn lắng lòng với rừng xanh, với Phật pháp và tưởng nhớ đến một thời cha ông khẩn hoang lập ấp rất tuyệt đấy bạn ạ!

Phạm Hoài Nhân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét