8 thg 7, 2013

Nhà cộng đồng Suối Rè

Với lối kiến trúc độc đáo mang đậm tính sinh thái, công trình Nhà cộng đồng thôn Suối Rè ở xã Cư Yên, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình được xây dựng bằng những vật liệu sẵn có từ thiên nhiên như tranh, tre, nứa, lá... đã xuất sắc giành Giải thưởng Green Good Design 2012 của Mỹ, Giải International Architecture Awards (IAA) của Mỹ và lọt vào Top 7 Giải thưởng Ecowan của Tổ chức World Architecture News.

Nhà cộng đồng Suối Rè nằm lưng chừng quả đồi thôn Suối Rè, được xây dựng bằng vật liệu đất, tranh, tre, nứa, lá... và nhân công sẵn có ở địa phương. Nhà hai tầng liên thông, mỗi tầng rộng 
90m2. Nhìn từ chân đồi lên, nhà lợp lá cọ trông tựa cây nấm hình chữ nhật úp xuống lưng đồi. Công trình do kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào, kiến trúc sư Nguyễn Duy Thanh và Công ty 1+1>2 thiết kế, xây dựng.

Theo kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào, sự gia tăng cách biệt giữa thành thị với nông thôn do quá trình bùng nổ đô thị và phát triển kinh tế khiến mối liên hệ cộng đồng ngày càng lỏng lẻo và có nguy cơ tan rã. Tại các thôn bản vùng núi, trung du, những không gian sinh hoạt cộng đồng, những trường lớp mẫu giáo, trạm thông tin, thư viện vẫn là thứ xa xỉ, nếu có thì hết sức tạm bợ, rơi vào hình thức không bản sắc. Chính vì vậy, nhóm kiến trúc sư đã thiết kế, xây dựng nên mô hình Nhà cộng đồng đa năng thôn Suối Rè với ý tưởng sẽ khắc phục những vấn đề trên nhằm đem lại một mô hình kiến trúc mới phù hợp cho môi trường sinh hoạt văn hóa của đồng bào các dân tộc miền núi trong thời buổi hiện đại.

Ngôi nhà nằm lưng chừng một quả đồi nhỏ và ẩn mình dưới tán cây xanh.

Ngôi nhà vừa mang dáng dấp ngôi nhà năm gian Bắc Bộ, vừa thấp thoáng nếp nhà sàn của người Mường.

Ngôi nhà có tường làm bằng đá và cửa bằng tre.

Phía trước nhà là một sân rộng dành để chơi thể thao và các hoạt động ngoài trời.

Hàng hiên cao và rộng có chức năng giống như một khán đài.

Cầu thang lên gác được làm bằng thân cây giống như cầu thang nhà truyền thống của đồng bào dân tộc vùng cao.

Đường vào nhà cộng đồng Suối Rè đi qua một chiếc cầu treo nhỏ. 

Kiến trúc sư Nguyễn Trực Luyện, Nguyên Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam đánh giá: "Cái đơn giản nhưng hữu ích của Nhà cộng đồng Suối Rè gợi cho chúng ta rất nhiều suy nghĩ là phải làm sao đưa kiến trúc vào đời sống nhân dân, nhất là khi đồng bào ta có tới 70 - 80% nông dân. Công trình đã bám sát đời sống thực tế, phục vụ bà con Suối Rè. Đây là 1 hình mẫu kiến trúc tốt, hoàn toàn khả thi, đáng được nhân rộng và trở thành phong trào xây dựng nhà cộng đồng trong từng thôn xóm Việt, từ đó góp phần cải thiện, nâng cao đời sống cho đồng bào các dân tộc".

Với tiêu chí trọng tâm "xanh", ngay từ giai đoạn thiết kế, kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào và các cộng sự đã đề xuất 3 trục chính: "xanh" về môi trường, "xanh" về văn hóa, "xanh" về kinh tế kỹ thuật. Công trình có thế phong thuỷ đắc địa, lưng tựa núi, tránh gió bão, lũ quét; mặt hướng ra thung lũng đón gió và ánh sáng tự nhiên. Cấu trúc không gian tổng thể theo lớp. Lớp trước là khoảng sân thoáng, nơi diễn ra các hoạt động ngoài trời. Không gian sinh hoạt chính ở lớp giữa, gồm hai tầng. Tầng trên là nhà trẻ, lớp mẫu giáo kết hợp thư viện, hội họp thôn... Hàng hiên rộng gắn liền vạt cỏ xanh, tầm nhìn tít tắp. Tầng trệt ăn vào khoảng lõm triền dốc nên giúp ngôi nhà có thể tránh gió Đông Bắc, hút gió địa hình Đông Nam, nên nhà ấm về Đông, mát về mùa Hè. Không gian mở ra lớp sau, hướng lên núi và rừng tre. Nhờ đó, dân làng có thể tụ họp, tổ chức làm nghề phụ, nhất là trẻ con, người già có thể sinh hoạt ở tầng trệt trong những ngày giá rét hay nắng gắt...

Từ bao đời nay, người Kinh và người Mường chung sống hòa thuận trên mảnh đất giao thoa văn hóa, bởi vậy các kiến trúc đã xây dựng ngôi nhà vừa mang dáng dấp ngôi nhà năm gian Bắc Bộ, vừa thấp thoáng nếp nhà sàn của người Mường.

Giải pháp kết cấu đơn giản, tiết kiệm, vật liệu địa phương sẵn có, theo nguyên tắc: thống nhất trong tương phản đa dạng. Tầng trệt xây đá gồ ghề, thô, kết hợp cửa tre. Tầng trên tường trình bằng đất nâu mịn. Mái làm bằng vật liệu nhẹ như tranh, tre, nứa, lá... Vì vậy, kết cấu của ngôi nhà là nặng phần dưới và nhẹ phần trên. Ngoài ra, nhà còn được trang bị hệ thống pin mặt trời, bể thu lọc nước mưa, đèn LED tiết kiệm điện, bể phốt 5 khoang không ô nhiễm môi trường. Đây chính là những giải pháp mang đậm yếu tố kiến trúc xanh, tiết kiệm năng lượng, thân thiện với thiên nhiên và cộng đồng.

Không gian bên trong thoáng rộng có thể dùng làm nhà trẻ.

Nơi sinh hoạt văn hóa của cộng đồng.

Nơi tổ chức các hoạt động vui chơi nhảy múa.

Nơi đọc sách của cộng đồng. 

Sau 15 tháng thi công với khoản đầu tư xây dựng khoảng 35.000 USD, tháng 12 năm 2012, công trình đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Việc đưa công trình Nhà cộng đồng Suối Rè vào sử dụng không chỉ góp phần tạo nên một địa chỉ sinh hoạt văn hóa - xã hội độc đáo cho cộng đồng địa phương mà còn khẳng định hướng đi mới cho một trào lưu kiến trúc còn khá mới mẻ ở Việt Nam, đó là kiến trúc xanh, gần gũi với thiên nhiên, thân thiện với môi trường sống của con người.

Tiếp ngay sau công trình Nhà cộng đồng Suối Rè, kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào và các cộng sự tiếp tục hoàn thành công trình Nhà cộng đồng Tả Phìn ở Sa Pa, Lào Cai.

Với những giải pháp kiến trúc độc đáo, năm 2012, công trình kiến trúc Nhà cộng đồng Suối Rè đã giành được nhiều giải thưởng kiến trúc uy tín trên thế giới. Trong đó có Giải thưởng Green Good Design 2012 của Mỹ, Giải International Architecture Awards (IAA) của Mỹ và lọt vào Top 7 Giải thưởng Ecowan của Tổ chức World Architecture News. Và năm 2013 này, công trình Nhà cộng đồng Tả Phìn cũng đã được Giải thưởng Green Good Design 2012 và lọt vào danh sách 5 công trình cộng đồng nổi tiếng của trang web archdaily.com, một trang web về kiến trúc nổi tiếng thế giới của Mỹ.

Bài: Vĩnh Hưng - Ảnh: Nguyễn Duy Thanh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét