17 thg 7, 2013

Ăn hà tiện ở Mỹ Tho

Khi cụm từ “du lịch bụi” hoặc “phượt” chưa thịnh hành, hơn chục năm trước, tại thành phố mang tên “cô gái đẹp”1 của Tiền Giang, đã có vài hàng quán phục vụ theo tiêu chí: ngon, rẻ.
Tuy nhiên, hà tiện không có nghĩa keo kiệt. Mà là tiêu xài tiết kiệm ở mức hợp lý. Muốn vậy, bạn phải có một thổ địa tốt.

Thăm “chị” của phở

Có dịp về thành phố trung tâm nhỏ bé này, cạnh con sông Tiền thơ mộng, bạn đừng quên món hủ tíu lừng danh. Tất nhiên, không phải tiệm nào cũng bán ngon. Địa chỉ tin cậy có quán chú Dìn, ở góc đường Lê Lợi - Lê Thị Phỉ, cạnh chợ Hàng Bông cũ, nay là chợ trái cây Mỹ Tho, thuộc phường 1. 


Danh trấn món cá cóc kho lạt. Ảnh: Tấn Tới 


Được biết, chú Dìn mở tiệm bán cà phê, hủ tíu tại đây từ trước năm 1975. Nay chú không còn bán nữa, đã cho người khác thuê mặt bằng. Họ bán cả buổi sáng và chiều tối.

Thế nhưng, một số dân địa phương sành hủ tíu cho rằng, riêng ông “chệt” buổi sáng nấu ngon hơn. Tuy nhiên, quá 8g30 sáng, gia đình chú “ba tàu” vừa kể nghỉ bán.

Những điểm khác biệt tạo nên phong vị hay bản sắc hủ tíu Mỹ Tho gồm: cọng hủ tíu tươi và hương vị đậm đà của nước lèo.

Sợi hủ tíu tươi đất Gò Cát trắng ngà, thanh mảnh, dẻo, giòn vừa phải, xen lẫn hậu ngọt của tinh bột từ thứ gạo “đá” bời rời. Lấy gạo này nấu cơm thì khô khốc. Người già, trẻ nhỏ nuốt vào sẽ ngắc ngứ, trợn tròng trắng. Song mang nó đi ngâm dùng làm bún, hủ tíu... chất lượng sẽ số một.

Còn nước lèo ngọt sắc nhờ được hầm từ xương heo, cùng khô mực loại nhỏ nướng sơ và mớ tôm khô “baby”.

Điểm xuyết ba - bốn con tôm đất sông, mình ửng hồng, thịt săn chắc, vị ngọt thanh, cong mình nằm “spa” trên mặt tô còn liu riu khói tỏa. Thêm mấy miếng gan, phèo... heo ngọt bùi mời gọi. Cắn bồi nửa trái ớt chim xanh, húp luôn ba muỗng nước nghe đã đời làm sao!

Mỗi tội, khi nêm nếm, đầu bếp gia đường nặng tay vào nồi nước lèo quá... “bảnh” (ngon lành). Có thể nói, hảo ngọt là “gu” vùng này. Đành chịu!

Khô trâu một nắng - nhai lâu thêm ghiền! Ảnh: Tấn Tới 

Mất 25.000 đồng (giá tô nhỏ lại vừa sức ăn người lớn Sài thành) để có một bữa điểm tâm khá mỹ mãn. Bạn sẽ sống lại trong không gian tiệm nước của người Hoa - tận mắt thấy ông chủ chăm chú bốc từng miếng lòng, rứt gọn nắm hủ tíu vừa vặn ra sao, nghe thấy tiếng chào hỏi rôm rả từ cửa miệng của thím Hai, anh Ba bộc trực, chất phác... Vậy là quá lời!

Ô kìa, nắng đã leo cao (hơn 10g), ta rủ nhau đi tìm quán “tiền hạ” thôi.

Nhiều sản vật

Nghe đâu, quán này nằm gần chùa Vĩnh Tràng, ở phường 3. Anh bạn thân mới đi tiền trạm về cho hay: ăn no nê (chỉ tính tiền ăn thôi), tốn khoảng 400.000 - 500.000 đồng, cho nhóm 6 - 7 người. Có cả nấm mối Bến Tre, cá cóc sông Tiền và Hậu nữa mới... khó chịu trong người chứ!

Thực đơn của quán, được ông chủ nắn nón viết bằng tay cũng ngộ.

Thế mạnh ở đây là rổ rau dại tươi non theo mùa, cùng nhiều loài cá nước ngọt, lợ... đua chen trong hồ. Đơn cử như rau: cải trời, dền cơm, dền tía, đọt ớt, sam, mồng tơi... non lả lướt. Nào cá, cua, vẩy trắng, rạm sông, hô đất, đù Bình Đại... lũ lượt. 

Rau vườn nương rau dại. Ảnh: Tấn Tới 

Gặp chiến hữu của chủ quán hoặc khách VIP, sẽ được mời vào phòng “Trúng số”. “Đôi khi, lâu ngày ngồi lại cùng đám bạn thân, ăn một bữa cơm thân tình. Hoặc bỗng dưng đóng vai... đại gia, “bao dàn” bạn bè chí cốt ăn uống, hát hò linh đình một trận. Xem như mình trúng số rồi!”, anh Quốc Việt giải thích thật nhẹ nhàng. Anh còn dặn câu... thòng: “Chỉ thỉnh thoảng thôi nghe! Tổ chức liền tù tì, coi chừng tới số với bà xã!”

Mới nhất trong “xóm” rau tập tàng ở quán có đọt, lá cây thù lù. Lá nó, hình dáng và màu sắc tựa lá ớt hiểm, nhưng đắng kinh thiên động địa. Nó thường mọc hoang dại khắp tây Nam bộ: Long An, Đồng Tháp...; cạnh bờ ruộng, trên gò cao, ngoài mép rẫy.

Lá, đọt cây thù lù rất đắng nhưng trợ gan. Ảnh: Tấn Tới 

Kinh nghiệm dân gian miền tây cho nó thuộc loại “đắng dã tật”, giúp: mát gan, lợi tiểu. Không ít người hái lá cây này nấu nước uống, 2 - 3 ngày/lần.

Song, người viết nghĩ khác: tội gì phải hành xác. Cứ thả nó vào món ăn có sướng hơn không. Nói là làm, chúng tôi đề nghị gom nó vào tô canh tập tàng có “dặm vá” nguyên con lóc đồng, nặng gần nửa ký. Vậy mà, vị canh vẫn đắng như... trời đày. Đắng đến nỗi chất “ngọt ngất” của mướp “đỉa” (trái nhỏ gần bằng ngón chân cái) cũng không kiềm hãm nổi. Bù lại, thịt cá càng thơm tho, cuốn hút.

Thói thường, trong cái rủi vẫn ló vận may. Không ngờ, mượn ly rượu chuối hột chúc sức khỏe nhau, lại nghe bớt đắng. Càng ăn bạo!

Thèm bạn

Đã trải đắng cay thì phải hưởng ngọt bùi. Phần “nây” (ức) con cá cóc kho lạt hoặc chỗ thịt thăn đùi sau của miếng khô trâu một nắng, có thể “san sẻ” niềm hoan sướng ấy.

Có thể nói, khắp các tỉnh thành Nam bộ, chưa cơ sở nào làm khô trâu một nắng “qua mặt” chủ quán này. Bí quyết là sự tỉ mỉ, chú tâm của người làm. Hôm nào dự đoán trời nắng gắt, anh Quốc Việt mới quyết định chạy đi chọn mua thịt trâu tươi, rồi tẩm ướp thật kỹ lưỡng.

Thế nhưng, người tính vẫn không qua trời tính, đang nắng “ngọt” bỗng chuyển nhanh sang mưa rào trong 5 - 10 cái chớp mắt. Y rằng, có tiếng than thống thiết: “Trời ơi! Ông đừng hại tui!” Buông ly, bỏ bạn anh chạy hộc tốc lên sân thượng, trèo vắt vẻo trên mái nhà “cứu”... mẻ khô trâu. Lỡ gặp “xác” trâu mê tắm mưa, chỉ còn nước mang xào lá cách cho người nhà ăn cơm.

Bánh bột tép mòng “sen” ngọt bùi khỏi chê. Nhưng nếu gặp tép muỗi càng ngon hơn. Ảnh: Tấn Tới 

Chế biến khô đã cực nhưng, gặp thợ nướng “bộp chộp” (không tinh ý) sẽ trớt quớt ngay. Phải đợi bếp than thắm má hồng, khều bớt (lửa nhỏ) trở đều cho miếng khô se mặt, rồi tăng than (lửa vừa) đến vừa vàng, lại dần sơ trước khi lên dĩa. Nhâm nhi món này kèm mấy củ dưa hành, nhúm dưa sả, thì hao... chai phải biết.

Ngoài chuyện rành “sáu câu” tập tính các loài thủy tộc miệt đồng bằng, anh chủ còn “chơi đẹp” đúng nghĩa. Bạn bè phương xa hoặc khách nhàn du thường tham khảo ý kiến anh, trước khi “phiêu bạt tây... Nam”. Ai mê lươn, anh chỉ ngay quán Cây Nhãn với món dồi hai đời - cha truyền, con nối - trong phường 6. Thích ăn gà xả tresse, anh không giấu quán “gà chửi thề”, ở xã Đạo Thạnh, phía bên kia sông Bảo Định. Khoái trâu toàn tập có sông nước lao xao, anh dắt lại quán Hùng Mập dưới chân cầu Đạo Thạnh, trên đường Hùng Vương.

Đồng thời, anh cũng là kẻ đi đêm có hạng, chỉ để đón mua rau dại. Hỏi anh các chợ “ma” (nhóm vào ban đêm) tận Cao Lãnh, Tịnh Yên... ở Đồng Tháp nhóm họp thời điểm nào, anh đều trả lời vanh vách.

Mối của anh là bóng dáng liêu xiêu của những bà ngoại, mẹ gầy còm, nhập nhòe bên cây đèn trứng vịt (bóng đèn dầu hình quả trứng), đen đúa, héo hon cạnh những túm bông điên điển, đoạt choại... non tơ. Những khi ấy, dù còn hàng, anh vẫn vui vẻ mua hết và ríu rít thăm hỏi.

Nhờ đối đãi chân tình nên các bác ngư dân dù bươn chải cạnh Vĩnh Long, giáp Bến Tre..., hôm nào câu hoặc chài được cá hiếm: hô, cóc cỡ bự... đều “để dành” bán cho anh. Thế nên, nguồn hàng ở quán thêm dồi dào.

Canh tập tàng - người sang còn khoái! Ảnh: Tấn Tới 

Đi nhiều, nếm kỳ trân dị thảo cũng không ít, anh chợt thèm... người! Những người khách từng là thầy, bạn cũ tận tình góp ý về món ăn, cách điều hành quán thuở lụp xụp, cỡ 12 năm trước.

Làm quán, anh mất khá nhiều thời gian nhưng cũng được không ít bạn tốt. Thử tìm đến, biết đâu bạn có duyên trở thành huynh đệ với anh chủ rặt Nam bộ này!

Vẫn còn thắc mắc tên chính xác của quán, bạn cứ xâu chuỗi lại và tập nói láy. Giả như: hà tiện = tiền hạ = Tạ Hiền.


1 Sách Mỹ Tho Xưa (1861-1945) Trong Nam Kỳ Lục Tỉnh, trang 7, của Mặc Nhân TVC ghi: “Mỹ Tho bắt nguồn từ phương ngữ gốc Khờ me như Mê Sor biến thể thành Mỹ và Tho qua người Việt, có nghĩa là xứ có người con gái da trắng, đẹp.”


Tấn Tới

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét