29 thg 7, 2013

Thăm Bảo tàng dân tộc Đăk Lăk

Tọa lạc ngay trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột, bao bọc bởi 3 con đường Lê Duẩn, Y Ngông và Lê Hồng Phong, trong khuôn viên rộng khoảng 7ha, với quần thể cây rừng nguyên sinh cổ thụ, Bảo tàng dân tộc Đăk Lăk là một trong những bảo tàng lớn, hiện đại của cả nước.

Bảo tàng dân tộc Dăk Lăk 

Ngược dòng lịch sử, trước kia, hiện vật ở Bảo tàng dân tộc Đăk Lăk (BT) được trưng bày trong một tòa nhà còn gọi là Biệt Điện. Đây vốn là Tòa nhà công sứ của chính phủ Pháp tại Tây Nguyên. Năm 1950 được giao lại cho chính phủ Quốc gia Việt Nam, khi Buôn Ma Thuột được đặt trong vùng đất Tây Nguyên Hoàng Triều Cương Thổ. Năm 1940, tòa nhà được xây lại với kiến trúc nhà dài truyền thống của người dân tộc Ê Đê bản địa, mái ngói, sàn gỗ. Xung quanh có một rừng cổ thụ bao bọc, rất đa dạng về chủng loại. Sau năm 1975 toà nhà được dùng làm nhà khách tỉnh Đăk Lăk, sau chuyển đổi thành khu Bảo tàng các dân tộc Việt Nam tại Đăk Lăk. 


Biệt Điện 

Năm 2008, tòa nhà mới của BT được xây dựng tại một vị trí khác cũng trong khuôn viên Biệt Điện này và chính thức đưa vào hoạt động từ ngày 21/11/2011. Đây là công trình kiến trúc độc đáo theo phong cách hiện đại kết hợp với truyền thống các dân tộc Tây Nguyên, gồm 2 tầng với chiều dài khoảng 130m, rộng 65m, diện tích trên 9.200m2. Được trưng bày theo quan niệm bảo tàng học tiên tiến và phương pháp trưng bày hiện đại. Đặc biệt, là BT đầu tiên ở Việt Nam sử dụng 4 ngôn ngữ trong trưng bày: Việt, Pháp, Anh và Êđê là ngôn ngữ của cư dân bản địa đông nhất trên địa bàn tỉnh. 

Hiện vật trưng bày tại Bảo tàng 

Bước vào BT, có thể thấy đây là một không gian thu nhỏ của núi rừng Tây Nguyên hùng vĩ với các loài động, thực vật; cây công nghiệp chủ lực của vùng và về văn hóa của 44 dân tộc cùng sinh sống tại Đắk Lắk, trong đó có không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên và các tập quán sinh hoạt, làm việc…. Ngoài ra, BT còn có trưng bày các hiện vật khảo cổ, vật dụng, hình ảnh và tư liệu về hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ.

Có ba khu trưng bày chính trên tầng 2 của tòa nhà:
  • Khu giữa là khu đa dạng sinh học, trưng bày hiện vật, hình ảnh về hệ sinh thái và thổ nhưỡng của Tây Nguyên như: Rừng có thủy tùng, cẩm xe, gỗ xưa, cẩm lai...và các loại thuốc dân gian; Động vật có báo, gấu chó, chồn bay...; Khu sinh thái có Hồ Lak, thác Đray Nur; Thổ nhưỡng: đất đỏ bazan, đất sét, đất xám...; Cây công nghiệp: cà phê (còn được gọi là vàng đen), cao su (còn được gọi là vàng trắng), tiêu... 
Hiện vật, hình ảnh về đời sống, sinh hoạt của người Tây Nguyên 


  • Khu bên trái là khu văn hóa dân tộc, trưng bày hiện vật, hình ảnh về đời sống, sinh hoạt của con người Tây Nguyên tiêu biểu (người Ê Đê bản địa, các dân tộc bản địa khác và một số dân tộc nhập cư) như: gùi, các dụng cụ trồng lúa của người bản địa, thuyền độc mộc, giỏ, lao, dụng cụ bắt voi và thuần dưỡng, đồ trang sức, trang phục, cồng chiêng, nhạc cụ dân tộc... 
  • Khu bên phải là khu lịch sử, trưng bày hiện vật, hình ảnh về vật dụng của người cổ đại, vũ khí chiến đấu phục vụ trong các cuộc kháng chiến. Ngoài ra, còn các máy móc thiết bị phục vụ sản xuất đầu những năm hòa bình, hóa thạch, trống đồng Đông Sơn, cồng chiêng, chén đĩa cổ và các dụng cụ dùng trong sinh hoạt thời kháng chiến, các hình ảnh và tư liệu và hiện vật trong chiến tranh… 

Là nơi tham quan khá thú vị khi đến Buôn Ma Thuột, không chỉ những hiện vật phong phú, hay cô thuyết minh người dân tộc Ê Đê có thể thuyết minh bằng tiếng Việt, Anh và Ê Đê mà còn là quang cảnh khuôn viên BT. Ngoài tòa nhà BT còn có ngôi Biệt Điện với tuổi thọ trên 80 năm đã trở thành một công trình kiến trúc cổ, nhà làm việc.

Khuôn viên BT là nơi duy nhất trong thành phố có nhiều cây nguyên sinh và cây cổ thụ với tuổi thọ hàng trăm năm như: long não, bằng lăng ối, châm mũi nhọn, sao đen.... Nổi bật nhất là 2 cây long não đối xứng 2 bên cổng vào Biệt Điện với chu vi gốc trên 8m và tán lá bao trùm hơn 200m2. Đây có thể là một trong những cây long não lớn nhất Việt Nam. Với cảnh quan đẹp, yên bình, du khách có thể thư giãn bên ly cà phê đặc sản hay ngẫm nghĩ bao điều về lịch sử, văn hóa, dân tộc…

BÌNH AN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét