20 thg 7, 2013

Chùa Tây Phương ở xứ Đoài

Chùa Tây Phương - tên chữ là Sùng Phúc tự - tọa lạc trên một ngọn núi nhỏ ở thôn Yên, xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất, Hà Nội (xưa là Sơn Tây rồi Hà Tây trước khi thuộc về thủ đô). Chùa Tây Phương tiêu biểu cho lối kiến trúc, điêu khắc Việt và là minh chứng cho một nền văn hóa lâu đời của xứ Đoài. 

Chùa được lập nên từ thế kỷ thứ III, đến giữa thế kỷ XVI (năm Giáp Dần đời Lê Trang Tông, 1554) chùa Tây Phương mới được xây dựng theo quy mô hiện nay. Chùa được xây dựng theo lối kiến trúc kiểu chữ Tâm với ba toà cấp dọc theo sườn núi, dựa vào thế núi từ thấp đến cao thành ba ngôi chùa song song với nhau gồm có chùa Hạ, chùa Trung, chùa Thượng. Mỗi tòa đều có kiến trúc riêng nhưng kết hợp thành một quần thể... Phía ngoài xây tường liền theo hình chữ công. Mỗi ngôi có hai tầng tám mái lợp bằng ngói mũi hài, cổ to và dày.


Mái chùa có những góc đao cong vút lên, cấu tạo theo kiểu hai lớp. Các góc mái cong trên có gắn “tứ linh” bằng sành nung. Kiến trúc chùa bố cục đơn giản, chỗ nào cũng có đường soi cạnh trau chuốt và trang trí hình hoa, lá, rồng, phượng. Các chân cột đều kê bằng những phiến đá xanh vuông, có chạm hoa sen.

Chùa có 62 pho tượng lớn, nhỏ; phần nhiều tạc bằng gỗ mít, phủ sơn son thếp vàng. Mỗi pho tượng đều biểu hiện một tính cách riêng như các pho tượng Kim Cương, La Hán, Tuyết Sơn...

Tòa tháp cổ bên hông chùa chính đã nhuộm màu thời gian. Khuôn viên chùa rợp bóng cây xanh, khói hương thoang thoảng, tiếng mõ gõ nhịp đều đều khiến lòng người thanh tịnh.

Những du khách vãn cảnh chùa thường thích ngắm bộ tượng Thập bát La Hán. Mười tám vị, kẻ đứng, người ngồi, vị ngước mặt lên trời, người tì cằm nhếch môi cười, vị vẻ mặt trầm tư, đăm chiêu khắc khổ… Hình tượng “hỉ, nộ, ái, ố” của xã hội loài người được thể hiện sinh động qua bộ tượng, đã được nhà thơ Huy Cận miêu tả: “Đây vị xương trần chân với tay / Cớ chi thiêu đốt tấm thân gầy / Trầm ngâm, đau khổ sâu vòm mắt / Tự bấy ngồi y cho đến nay”.

Đường dẫn lên chùa quanh co khúc khuỷu với những bậc đá ong phủ đầy rêu phong. Không xô bồ và đông đúc, chùa Tây Phương vào những ngày thường rất tĩnh lặng, khiến cho du khách tới đây cảm thấy tâm hồn được thư thái hòa vào cõi Phật.

Mặc dù là một địa danh nổi tiếng với nhiều du khách trong và ngoài nước nhưng chùa Tây Phương vẫn giữ cho mình nét đặc trưng không bị lai căng như nhiều ngôi chùa và các danh lam thắng cảnh khác. Trong khi những di tích khác như chùa Trăm Gian, chùa Đậu… bị “làm mới” thì chùa Tây Phương vẫn giữ cho mình dáng vẻ tôn nghiêm, cổ kính từ xa xưa.

Bài và Ảnh: THẢO NGA
TBKTSG online - 07/07/2013

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét