15 thg 7, 2013

Bình yên làng gốm Thanh Hà

Cách trung tâm khu phố cổ Hội An hơn 2km về hướng tây, làng gốm Thanh Hà nép mình bên bờ con sông Thu Bồn hiền hòa. Đi giữa làng gốm này, nhiều du khách vẫn cứ ngỡ mình đang sống trong khung cảnh cách nay hàng thế kỷ.

Làng gốm Thanh Hà là điểm đến của nhiều du khách khi khám phá phố cổ Hội An

Đất sét được bồi đắp từ dòng sông Thu Bồn là nguyên liệu để làm nên các sản phẩm gốm Thanh Hà

Bàn xoay thủ công là công cụ không thể thiếu để tạo hình cho sản phẩm

Trong cái nắng hanh vàng của một ngày đầu hạ, từ phía những khoảnh đất trống ở mỗi dãy nhà mái lợp ngói âm dương hay dọc theo đường làng nhỏ uốn khúc quanh co trên triền bãi bồi cát, nhiều khách du lịch đang thích thú ngắm nhìn những mẻ gốm mới ra lò được phơi đỏ rực dưới nắng.

Không ồn ào, không xô bồ so với những làng nghề truyền thống khác, làng nằm tách biệt như một bán đảo, tứ bề đều giáp sông, nhà cách nhà bởi hàng rào dây leo, lá mơ, mồng tơi hay chè tàu.

Nghề làm gốm nơi đây có lâu đời, từ thế kỷ 15. Theo bước chân mở cõi phương Nam, người dân các vùng Thanh Hóa, Nam Định, Hải Dương đã chọn mảnh đất Thanh Hà làm chốn dừng chân. Và chính dòng sông Thu Bồn đã chở nặng phù sa từ trên thượng nguồn về đây bồi đắp, sản sinh nên một loại đất sét đặc biệt góp phần tạo ra một làng nghề gốm nổi tiếng không chỉ ở xứ Quảng mà cả trong và ngoài nước.

Trong buổi đầu sơ khai, lập làng, đồ dùng của đại bộ phận dân cư chủ yếu là đồ gốm sứ, đất nung. Qua thời gian, cư dân đã tiếp tục truyền thống của cha ông, khai thác thuận lợi của vùng đất “chưa mưa đã thấm” này để phát triển nghề gốm. 

Dưới triều Nguyễn, làng gốm Thanh Hà rất thịnh vượng. Trải qua bao thăng trầm, có giai đoạn gốm Thanh Hà tưởng chừng không đứng vững trên thị trường. Nhưng với đôi bàn tay khéo léo, tấm lòng chịu thương chịu khó và hơn cả là một tình yêu da diết với nghề gốm, giờ đây gốm Thanh Hà không những đã vượt ra khỏi địa bàn tỉnh mà nhiều sản phẩm còn được xuất ngoại để thu về nguồn lợi lớn, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động tại địa phương, góp phần tạo nên một diện mạo mới cho phố cổ Hội An. 

Gốm tạo dáng xong mang ra ngoài nắng phơi

Đường vào làng khá bình yên với các vườn rau, những hàng cau xen lẫn trong các mái nhà cũ kỹ tồn tại hằng thế kỷ. Thế nhưng bên trong cái thanh bình có phần tĩnh lặng ấy, làng có những con người đang miệt mài thổi hồn vào đất để tạo nên những tác phẩm gốm với nét độc đáo riêng.

Cả làng hiện có khoảng 23 hộ sản xuất gốm. Đến đây, khách gõ cửa bất kỳ nhà nào cũng đều bắt gặp một không gian gốm cổ xưa. Những gian hàng gốm được trưng bày trong nhà, ngoài sân, ngay sát lối đi. Trừ những ngày lũ lụt (tháng 10, tháng 11 âm lịch) nước sông dâng cao, làng phải tắt lửa lò. Vào thời gian khác đến đây, du khách thỏa sức lựa chọn các sản phẩm lưu niệm (nồi, niêu, chum, vại, bình hoa, chậu cảnh, tò he, lồng đèn… ) hay tha hồ chiêm ngưỡng mô hình các kỳ quan thế giới.

Điều đặc biệt, khách còn được tận mắt chứng kiến hoặc trực tiếp tham gia, học hỏi từng công đoạn làm gốm. Đất được chọn về xử lý, loại bỏ các tạp chất rồi ủ để giữ độ ẩm. 

Tình yêu nghề gốm lan tỏa vào thế hệ trẻ nơi đây

Khâu đầu tiên là xăm kỹ, nhào nhuyễn đánh cho đất chín rồi mới kéo xén đất, cắt mỏng 3-4 lần. Tùy yêu cầu chất lượng, có thể dùng sức người đạp đi đạp lại để tăng độ liên kết... Khi đất đã được luyện kỹ thì chia thành từng phần mới bắt đầu chuốt, tạo dáng. Tạo dáng xong mang ra nắng phơi.

Phơi gốm se lại mới dập hoa văn trang trí (đối với sản phẩm có đáy bầu, sau khi phơi se lại thì được đưa vào bàn xoay lần thứ hai úp ngược rồi tạo dáng).

Hoa văn được thể hiện trên các sản phẩm gốm rất đa dạng và phong phú, đề tài gần gũi, gắn liền với đời sống con người như mây trời, sông suối, núi rừng, chim thú... Chính các họa tiết hoa văn rất khiêm nhường bình dị tạo nên nét riêng cho gốm Thanh Hà. Sau khi gốm được phơi kỹ thì chất vào lò đun đến độ cần thiết, cuối cùng mang đi làm nguội.

Sau khi gốm được phơi kỹ thì chất vào lò để nung

Gốm được nung chín trong lò

Mô hình các kỳ quan thế giới được tạo dựng từ bàn tay khéo léo của nghệ nhân làng gốm Thanh Hà

Các quy trình làm gốm Thanh Hà hoàn toàn bằng thủ công. Không khuôn mẫu tạo hình, không tráng men hay hóa chất…tất cả chỉ dựa vào bàn tay khéo léo của người làm. Mỗi nghệ nhân một tính cách, một phong cách khác nhau và họ mặc sức thổi hồn vào đất…nên khi đến với làng, khách như tìm được một kho tư liệu sống.

Biết bao du khách đã cảm động vì đi giữa làng gốm Thanh Hà bây giờ mà cứ ngỡ đang sống trong khung cảnh cách nay hàng thế kỷ. 

Bài, ảnh: THANH LY

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét