19 thg 1, 2013

Về Tuy Phước thăm mộ Đào Tấn


Từ thị trấn Tuy Phước (cách thành phố Quy Nhơn gần 20km về phía Bắc), đi theo đường 19 chừng hai cây số là tới làng Vinh Thạnh, quê hương của Đào Tấn - ông tổ nghề tuồng Việt Nam.

Đình Vinh Thạnh cổ kính và khu mộ Đào Tấn trên núi Huỳnh Mai gần đó là những di tích nổi tiếng của Bình Định. Sau đó đi tiếp về hướng đầm Thị Nại, du khách sẽ gặp nhà thờ Lòng Sông, một di tích của những giáo sĩ Bồ Đào Nha khi đến truyền giáo ở Quy Nhơn vào thế kỷ XVII.

Cổng làng Vinh Thạnh cổ kính

Khung cảnh làng Vinh Thạnh là bức tranh đẹp về nông thôn Nam Trung bộ. Đường vào làng uốn lượn giữa đồng lúa xanh ngắt, hai bên là những ngôi nhà ngói nâu bình dị nằm dưới hàng cau mọc đều tăm tắp, xa xa thấp thoáng dải núi tím mờ. Vinh Thạnh vẫn còn giữ được chiếc cổng làng đã mấy trăm năm tuổi rêu phong.

Đào Tấn là vị quan đại thần liêm khiết, là nhà thơ, nhà soạn tuồng xuất sắc của Việt Nam cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Vì thế, ngay sau khi ông mất, dân làng thờ ông tại đình như thờ thành hoàng. Ngôi đình được kiến trúc trên bình đồ hình chữ nhật, phía trước trổ tam quan trông ra đường liên xã, các mặt khác tiếp giáp với nhà dân. Hai đầu nhà đều xây trụ hình vuông, trên đề đôi câu đố, hai trụ giữa được bo tròn, chạm nổi hình rồng quấn quanh, đầu chúc xuống, đuôi vểnh lên, bên trên là một dãy lan can được thiết kế theo kiểu ô hộc.

Trước đây, cứ đến ngày giỗ Đào Tấn, đình làng lại tổ chức hát hội, biểu diễn các vở tuồng của ông trong mấy đêm liền, thu hút cả khách từ những làng xã xung quanh. Gần đây, sau một thời gian bị mai một, những sinh hoạt văn hóa trên đang được phục hồi. Ngày nay, đình làng cùng với từ đường họ Đào và lăng mộ Đào Tấn trở thành một quần thể di tích được nhiều người thăm viếng.

Đi xe chừng nửa tiếng đến gần cửa Phú Hòa đổ ra đầm Thị Nại, du khách sẽ gặp một tu viện sang trọng, cổ kính nằm giữa một gò cao rợp bóng cây sao cổ thụ, xung quanh gò là một vùng đồng ruộng, sông nước xanh mát. Từ thế kỷ XI đến thế kỷ XV, khu vực đầm Thị Nại vốn là một thương cảng lớn. Các tàu buôn từ đây ngược dòng sông Côn để lên thượng nguồn và các giáo sĩ truyền giáo cũng theo con đường này đi truyền đạo.

Nhà thờ Lòng Sông nằm giữa đồng ruộng bao la

Hàng cây cổ thụ hai bên lối vào nhà thờ

Nhà thờ Lòng Sông được các giáo sĩ Bồ Đào Nha xây dựng vào khoảng thế kỷ XVIII theo lối kiến trúc thánh đường Gothic. Phần chính diện được trang trí bằng những khung ô đối xứng, những hoa văn họa tiết, cổng vòm nhọn. Nằm đối xứng với thánh đường là hai tòa nhà được xây dựng mang đặc trưng kiến trúc thuộc địa: tường quét vôi vàng, hành lang dài với những hàng cột và cửa vòm ở ban công.

Quần thể kiến trúc được thiết kế hòa hợp trong không gian mát rợp bóng cổ thụ. Chủng viện Lòng Sông đã ngừng hoạt động gần 30 năm nhưng vườn cây, thảm cỏ cho đến từng khóm hoa vẫn được chăm sóc chu đáo. Nhà thờ đến nay vẫn giữ gần như nguyên vẹn từng đường nét kiến trúc ban đầu, từ từng bước cầu thang gỗ, khung cửa được điêu khắc tỉ mỉ, chi tiết đậm tính mỹ thuật.

Làng Vinh Thạnh và tu viện Lòng Sông chỉ là hai trong rất nhiều di tích lịch sử - văn hóa còn ngủ yên trên những nẻo đường miền Trung. Không đồ sộ, kỳ vĩ nhưng vẻ trầm mặc và những câu chuyện xung quanh các di tích này sẽ là kỷ niệm đáng nhớ dành cho những ai thích tìm hiểu, khám phá vẻ đẹp quê hương.

Theo CẨM TÚ
Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét