23 thg 1, 2013

Đình cổ Trịnh Xuyên

Nằm ở vị trí đắc địa khiến ai có dịp tới đình Trịnh Xuyên cũng có cảm giác như đang được đắm mình vào một ngôi làng nông thôn Việt Nam xưa. 


Đình Trịnh Xuyên thờ tướng quân Vũ Đức Phong

Đình Trịnh Xuyên thuộc thôn Trịnh Xuyên, xã Nghĩa An (huyện Ninh Giang). Nằm ở trung tâm làng, phía trước là ao, một bên là nhà văn hóa, một bên là chợ làng khiến ai có dịp tới đây cũng có cảm giác như đang được đắm mình vào một ngôi làng nông thôn Việt Nam xưa.


Đình Trịnh Xuyên thờ tướng quân Vũ Đức Phong, một vị tướng thời Trần, người địa phương. Thần phả làng Trịnh Xuyên do Thượng thư Đông Các Đại học sĩ Nguyễn Bính viết vào đời Lê: "Gia đình ông Vũ Danh Thành ở làng Mộ Trạch (Bình Giang) gia cơ bị hỏa hoạn không nơi nương tựa bèn đi tìm nơi khác sinh sống. Đến Trịnh Xuyên thấy đây là mảnh đất lành liền ở lại làm nghề dạy học. Tại đây, ông bà sinh người con trai tuấn tú đặt tên là Vũ Đức Phong. Năm 18 tuổi, ông ra ứng thí, văn võ toàn tài, được phong Võ hầu kiêm Tham tán. Vũ Đức Phong nhận trọng trách được 15 năm thì nước ta bị giặc Chiêm Thành xâm phạm. Ông đã viết tấu xin cầm quân đánh giặc và giành được nhiều thắng lợi. Trong một trận chiến trên sông Hồng thuộc xã Đông Kết, phủ Khoái Châu, Hưng Yên, ông đã chiến đấu và anh dũng hy sinh ngày mồng 10-2 năm Quý Sửu (1373). Sau khi ông mất, để ghi nhớ công trạng, triều đình nhà Trần đã phong sắc chỉ và lệnh cho Trịnh Xuyên quê hương ông lập miếu thờ".

Tương truyền đình được xây cất vào khoảng đầu thế kỷ XV, do thợ mộc người làng Bồ Dương đảm nhận. Mặt bằng xây dựng theo kiểu chuôi vồ, chia làm 3 hạng mục nhưng liên kết thống nhất là: tiền tế, trung tế, hậu cung. Tính cộng đình được dựng với 46 cột gỗ, cột cao nhất 7m. Trên khung gỗ của đình chạm khắc các loại động vật hoang dã, hoa lá, bố trí hài hòa. Từ khi xây dựng, đình đã được trùng tu một số lần. Hầu hết các kiến trúc và điêu khắc hiện tại đều thuộc thời hậu Lê. Ngôi đình hiện tại được trùng tu tháng 10 năm Canh Tý (1900) niên hiệu Thành Thái.

Bước qua cổng đình, không gian kiến trúc truyền thống mở ra khiến người ta ngỡ ngàng. Ấn tượng trước tiên là 3 gian tiền tế với 16 cột gỗ lim lớn, không có tường bao. Các đao, guột được tạo dáng hình đầu rồng. Các vì, bẩy được chạm nổi tinh xảo với hình rồng, phượng, vân mây, hoa, lá cách điệu. Với cách thiết kế đặc biệt, tòa tiền tế giống như ngôi tam quan. Hai bên cạnh tòa tiền tế là hai dãy nhà giải vũ, mỗi dãy 5 gian càng làm cho ngôi đình thêm cổ kính.

Sự hoành tráng về nghệ thuật kiến trúc được tập trung ở phần đình trung. Tòa này toàn bộ khung bằng gỗ lim 5 gian, chiều dài khoảng 20m, rộng 11m. Các cột gỗ đều to cỡ 2 người ôm. Phần hè được ghép bằng đá xanh. Mặt trước đình là các cửa gỗ. Qua thời gian, các cánh cửa, cột gỗ đã bị mối mọt một phần. Phần độc đáo nhất là các bức chạm khắc. Bước vào đình trung, ngay các đầu vì kèo ngoài cửa đã bắt gặp những bức chạm nổi hình hươu, nai, trúc, cúc hoặc rồng, phượng sinh động. Ở các vì phía trong, những bức chạm đầu rồng, guột mây, hoa, lá lớp chồng lớp tạo ra không gian nghệ thuật sống động, đa chiều. Hai vì giữa được chạm khắc kỹ hơn. Trên xà ngang trung tâm treo một bức chạm lưỡng long chầu nguyệt, phía dưới là bức cửa võng được tạo kiểu chữ triện. Có thể nói, mỗi bức điêu khắc ở đình trung là một sản phẩm của trí tượng tưởng tuyệt vời, thể hiện tài nghệ của người thợ.

“Hải Dương di tích và danh thắng tập 1” có chép, tòa đình trung và tòa tiền tế đều do thợ mộc làng Cúc Bồ (một làng nổi tiếng về nghề làm đình) xây dựng. Trong đó, tòa tiền tế xây dựng vào thời Nguyễn. Trên nóc tiền tế còn ghi dòng chữ “Duy Tân Mậu Thân niên (1908) bát nguyệt cốc nhật kiến trụ thương lương dân thời đại cát”. Còn tòa đình trung căn cứ vào nghệ thuật chạm khắc thì thuộc thế kỷ 17-18 (thời hậu Lê). Hai vì ngoài có kiến trúc thời Nguyễn.

Với giá trị độc đáo, năm 1992, đình Trịnh Xuyên đã được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng di tích cấp quốc gia về kiến trúc nghệ thuật.

Không chỉ độc đáo về kiến trúc, lễ hội đình Trịnh Xuyên cũng khiến ai một lần được tham dự không thể quên. Lễ hội đình Trịnh Xuyên được tổ chức long trọng hằng năm từ mồng 9 đến 12-2 âm lịch. Ngày trước, để chuẩn bị cho lễ hội, từ năm trước, làng cử ra một gia đình cấy lúa nếp trên phần ruộng công điền của làng và nuôi một con lợn. Con lợn này phải nhốt trong cũi, nuôi bằng những đồ ăn sạch sẽ. Ngày vào hội, làng sẽ dùng gạo nếp đồ xôi giã bánh dày và mổ lợn giã giò làm vật tế thánh. Đặc biệt, trong phần hội không bao giờ thiếu được các cuộc so tài pháo đất. Không chỉ người lớn mới mê pháo đất mà trẻ con cũng ham không kém. Bởi vậy, trước khi hội mở cả tháng, các nhà, các xóm đã gia công tập luyện. Trong mấy ngày hội làng, sân đình không lúc nào ngơi tiếng đì độp pháo đất. Ngoài ra, lễ hội ở đây còn nhiều trò chơi dân gian truyền thống như: đi cầu thùm, đập niêu, chọi gà, cờ người... Chính vì vậy, năm 2012, lễ hội đình Trịnh Xuyên đã được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch lập hồ sơ đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản cấp quốc gia.

NGỌC HÙNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét