Trong lịch sử các triều đại phong kiến của nước ta, chưa có mấy vị vua được hậu thế xây đền dựng tượng ngay trên nền nhà xưa cũ của mình.
Những di vật sống đời
Hơn 200 năm trôi qua, dường như không thể để lại được
dấu vết gì trên cái giếng xây bằng đá ong của thân sinh Tây Sơn tam
kiệt. Giếng vốn không có thành xây này nằm cách tượng đài và đền thờ ba
vị anh hùng chỉ chừng vài mươi mét, bên cạnh là cây me cổ thụ với hai
vòng tay ôm của người lớn. Những bô lão ở Kiên Mỹ kể: ngay cả cha ông họ
khi lớn lên cũng đã thấy cây me này từ lâu.

Giếng vẫn đầy nước, cây me vẫn xanh lá, nhạc võ vẫn rập
ràng mỗi ngày nơi nhà biểu diễn võ Tây Sơn - Bình Định ở kề đền thờ ba
vị. Cũng may khi hậu thế còn được những hiện vật quí giá này để chiêm
vọng và sống lại với Tây Sơn tam kiệt những hoài niệm vừa xa xưa nhưng
cũng vừa gần gũi này. Nền của đền thờ và tượng đài của ba vị cũng là nền
đình làng Kiên Mỹ xưa: ngay sau khi sóng gió trả thù nhà Tây Sơn đã
bớt, người dân Kiên Mỹ đã xây trên nền nhà của thân sinh ba vị ngôi đình
làng ngầm thờ phụng ba vị.
Trước đền thờ là bãi đất rộng đến sát bờ tả sông Côn.
Người xưa truyền lại đây chính là "bến trường trầu", nơi người anh cả
Nguyễn Nhạc đưa trầu cùng những sản vật mua được từ miệt nguồn An Khê -
tức Tây Sơn thượng đạo - mà nhiều nhất là của người Ba Na về để bán cho
thương lái miền xuôi. Sau đền thờ, chếch về hướng bắc chừng cây số là gò
Đá Đen - nơi luyện ngựa tập voi của nghĩa binh Tây Sơn.
"Lúc ở đây còn thưa người, đêm khuya thỉnh thoảng dân
làng nghe tiếng voi rền ngựa hí lẫn với tiếng người. Lâu lâu có người
còn thấy bóng tướng quân cưỡi ngựa lướt qua làng, uy nghi lẫm liệt lắm.
Nay người làng không còn nghe thấy những gì như người trước kể, nhưng
khi khuya khoắt ngó vô khuôn viên Tây Sơn tam kiệt ai cũng kính cẩn,
kiêng dè”, những người lớn tuổi nơi "đất vua" nói.
Chậm bước với tiền nhân?
Chúng tôi tìm đến quê mẹ của nhà Tây Sơn ở làng Phú
Lạc, xã Bình Thành (huyện Tây Sơn). Cuộc trả thù khủng khiếp của Gia
Long đã triệt hạ sạch sành sanh người ba họ của Tây Sơn tam kiệt nên
phía họ mẹ của ba vị cũng hoàn toàn bị xóa sạch, cả đến mộ phần cũng bị
xiêu lạc, thất tung hết. Ông Nguyễn Đức Bổng, 75 tuổi, cư dân làng Phú
Lạc, người được coi là khá am hiểu về chuyện xưa, đưa chúng tôi đến gò
Đình ở mé tây làng chỉ chỗ nền nhà của song thân Tây Sơn tam kiệt. "Đây
mới chính là chỗ ông Hồ Phi Phúc và bà Nguyễn Thị Đồng là cha mẹ ba vị
đã ở trước khi dời về làng Kiên Mỹ là chỗ hiện có đền thờ ba vị”, ông
Bổng chỉ vào nền đất hoang, rưng rưng nói.
Từ ấp Tây Sơn (nay thuộc An Khê, tỉnh Gia Lai) - nơi tổ
tiên ba đời của mình từ Nghệ An vào lập nghiệp, ông Hồ Phi Phúc (nhà
Tây Sơn vốn họ Hồ, đến khi khởi nghĩa Tây Sơn mới đổi là họ Nguyễn để dễ
thuận lòng người) đã chuyển xuống ấp Kiên Thành (nay là làng Phú Lạc)
là quê vợ của mình để sinh sống. Sau ngày nhà Tây Sơn bị tru di tam tộc,
dân làng Phú Lạc đã dựng lên chỗ nền nhà của thân sinh ba vị vốn bị
hoang phế lâu ngày ngôi đình làng.

Trong chiến tranh chống Pháp, đình Phú Lạc đã bị triệt
dỡ, nền đình trơ lại đến nay. Để tưởng nhớ Tây Sơn tam kiệt, năm 1999
chính quyền và nhân dân địa phương đã xây dựng đền thờ song thân ba vị.
Đứng trên nền cũ, cũng như nhiều người ở Phú Lạc, chúng tôi thấy thật
tiếc: giá mà đền thờ song thân tam kiệt được dựng ngay ở chỗ đất có
cuống rốn cọng nhau của ba vị!
Nhà Tây Sơn từ khi vua Thái Đức lên ngôi năm 1778 đến khi Cảnh Thịnh bị bắt năm 1802 được tất cả 24 năm, có ba vua: Thái Đức đế Nguyễn Nhạc (1778 - 1793), Thái Tổ Vũ hoàng đế Nguyễn Huệ - Quang Trung (1788 - 1792), Cảnh Thịnh đế Nguyễn Quang Toản (1792 - 1802). Nếu tính từ khi Nguyễn Nhạc khởi binh từ năm 1771 thì cộng tất cả là 31 năm. |
Từ gò Lăng ra cánh đồng phía trước chừng 700m, chúng
tôi đến một ngôi mộ cổ được cho là mộ của ông nội Tây Sơn tam kiệt. "Hồi
trước chỗ này là gò đất, đến năm 1990 mới được cải tạo thành đồng ruộng
nên ngôi mộ lọt thỏm giữa ruộng nước như vậy" - anh Mai Văn Châu, cư
dân Phú Lạc, người bảo vệ "chí nguyện" đền thờ song thân Tây Sơn tam
kiệt ở gò Lăng, cho biết.
Cũng từ việc cải tạo đồng ruộng này, người ta đã phát
hiện một bia đá khổ lớn bị chôn vùi, cách ngôi mộ cổ chừng 6m về hướng
bắc. Chỉ đến khi các cán bộ ở Bảo tàng Quang Trung đến tiếp nhận và cho
dịch giải những dòng Hán tự khắc trên bia thì mọi người mới hiểu đây là
bia mộ của ông nội Tây Sơn tam kiệt (được khắc dựng năm Kỷ Hợi, 1779,
một năm sau khi Nguyễn Nhạc lên ngôi hoàng đế). Toàn văn tấm bia (được
khắc trên đá trắng nhờ, xung quanh khắc hình rồng), được tìm thấy bên
cạnh ngôi mộ cổ ở đồng Lăng làng Phú Lạc: "Tuế thứ Kỷ Hợi, trọng xuân,
cốc nhật. Việt cố hoàng hiển tổ khảo Cang nghị mưu lược minh
triết công chi lăng. Ngự chế" (tạm dịch: Năm Kỷ Hợi, giữa xuân, ngày
lành. Lăng mộ của Cang nghị mưu lược minh triết công (tước), ông nội quá
cố của vua nước Việt. Nhà vua tạo lập). Những chữ "Việt cố hoàng hiển
tổ khảo" bị đục một số nét chính. Phần lớn thành mộ đã bị phá vỡ, còn
nấm mộ thì bị kẻ gian đào khoét để tìm của báu. Nếu ngôi mộ trên đây
được xác định là của ông nội ba vị thì đây là ngôi mộ duy nhất (cùng bi
ký) của dòng tộc nội - ngoại Tây Sơn tam kiệt được tìm thấy.
Vẫn biết còn phải chờ sự giám định của những nhà chuyên
môn đối với ngôi mộ cổ này, nhưng thật đáng tiếc đã xấp xỉ 20 năm trôi
qua vẫn chưa có những động thái nào cho việc giám định đó. Có phải những
người có trách nhiệm đã quá chậm bước với tiền nhân?
HUỲNH VĂN MỸ
Tuổi trẻ Online 20/10/2007
Tuổi trẻ Online 20/10/2007
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét