1 thg 10, 2023

Biển người dự đại lễ của đạo Cao Đài

Hàng trăm nghìn người từ khắp các tỉnh thành đổ về Tòa thánh Tây Ninh dự Đại lễ Hội yến Diêu Trì Cung (vía Đức Phật Mẫu), tối Rằm tháng 8.

Tối 29/9 (15 tháng 8 Âm lịch), tín đồ đạo Cao Đài, người dân các địa phương đổ về Tòa thánh Tây Ninh dự Đại lễ Hội yến Diêu Trì Cung 2023. Đây là một trong hai đại lễ quan trọng trong năm (cùng lễ vía Đức Chí Tôn vào 9 tháng Giêng) của đạo Cao Đài. Lễ rước nhằm cầu cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an. Trước đó, các tín đồ đã dự lễ cúng Tiểu đàn, cúng Đàn Phật Mẫu lúc 0h và 12h.

Đại lễ này có xuất xứ xa xưa, theo một tích cổ vua Hán Vũ Đế tiếp đón Đức Phật Mẫu trong đêm Rằm tháng 8, sau được đạo Cao Đài đón nhận, nâng cao thành một phần quan trọng trong giáo lý và nghi lễ.

Đúng 18h30, đoàn rước Đức Phật Mẫu và Cửu vị Tiên Nương đi qua Báo Ân từ (đền thờ Phật Mẫu) trước sự chứng kiến của các tín đồ, người dân và du khách thập phương. Ảnh: Huỳnh Thanh Liêm

Rồng nhang (rồng phun lửa) đi ngang qua khán đài trước Đền thánh, hai bên mọi người cầu nguyện, ngóng vọng về Đức Phật Mẫu.
Phía sau đoàn diễu hành là Tòa thánh, nơi được coi là tổ đình - cơ sở thờ tự cấp trung ương của đạo Cao Đài. Công trình khởi công năm 1933, hoàn thành năm 1947 nhưng đến năm 1955 mới khánh thành. Công trình có diện tích hơn 2.000 m², nổi bật với hai lầu chuông và trống cao 25 m.
Tòa thánh cách TP Tây Ninh khoảng 4 km, khuôn viên rộng hơn một km2 với những con đường thênh thang liên kết các kiến trúc với nhau, có 12 cửa, cửa lớn nhất là chánh môn. Ảnh: Huỳnh Thanh Liêm

Rồng nhang phun lửa được xem đặc trưng văn hóa của Đại lễ Hội yến Diêu Trì Cung và chỉ có ở Tòa thánh Tây Ninh.

Ông Phan Trung Hiếu, Trưởng ban kỹ thuật múa rồng nhang, cho biết rồng dài 39 m, để đi qua gần 3 km thì cần có 52 người điều khiển và hơn 100 người dự bị thay thế.

Người dân ngồi theo dõi màn múa Long, Lân, Quy, Phụng. "Nhà cách Tòa thánh gần 40 km nhưng Trung thu năm nào tôi cũng chở vợ con đến xem rồng phun lửa, đây như nét văn hóa của người dân Tây Ninh chúng tôi", anh Lâm, huyện biên giới Tân Biên, nói.

Dẫn đầu đoàn rước Đức Phật Mẫu là lá cờ của đạo Cao Đài, đi sau là các đoàn Long, Lân, Quy, Phụng.

Biểu tượng của đạo Cao Đài là hình một con mắt nằm trong hình tam giác, tượng trưng cho Thượng đế. Ngoài ra, đạo còn thờ các vị như Phật Thích Ca, chúa Jesus, Khổng Tử, Lão Tử, Phật Bà Quan Âm...

Khu vực người dân tập trung đông nhất là trước Đền thánh, nơi rồng nhang đi qua và phun lửa. Nhiều người không còn chỗ đứng phải leo lên xe tải để dễ nhìn rõ đoàn rước Đức Thánh Mẫu.

Trước đó, trong lúc các tín đồ, chức sắc đang cúng ở Báo Ân từ thì trời đổ mưa. "Đại lễ mà trời đổ mưa là lộc, người dân sẽ khỏe mạnh, làm ăn thuận lợi", bà Hằng, tín đồ đến từ tỉnh Bến Tre, nói.

Trời mưa lớn song các nữ phái vẫn thành tâm cầu nguyện, mong Đức Phật Mẫu phù hộ cho con cháu sức khỏe, bình an, hạnh phúc.

Bà Nguyễn Thị Út, 79 tuổi, từ Đồng Tháp đi cùng đoàn xe 50 người đến Tây Ninh từ hai hôm trước để dự đại lễ. Bà chắp tay cầu nguyện khi đoàn rước chưa đi qua. "Tôi chỉ cầu mong tai qua nạn khỏi, bá tánh bình an", bà Út nói.

Đại lễ Hội yến Diêu Trì Cung không chỉ là lễ lớn của các tín đồ theo đạo Cao Đài, mà còn thu hút người dân, du khách thập phương.
Do không chen lấn được, một gia đình nhỏ leo lên hàng rào để ngồi chờ xem đoàn rước Đức Phật Mẫu và Cửu vị Tiên Nương, rồng nhang.

Nhiều người dân leo lên hàng rào để theo dõi đoàn biểu diễn từ xa. Một số người chuẩn bị lều bạt để tránh mưa đồng thời ngủ tạm qua đêm trong khuôn viên Tòa thánh Tây Ninh.

Hàng trăm cảnh sát, quân đội và đội trật tự Văn phòng Tòa thánh Tây Ninh bảo vệ an toàn cho tín đồ, người dân, du khách tham gia đại lễ.

Đại lễ Hội yến Diêu Trì Cung được tổ chức lần đầu vào Rằm tháng 8 năm Ất Sửu (1925) tại nhà của Thượng phẩm Cao Quỳnh Cư ở Sài Gòn. Tháng 9/1926, họ kết hợp với nhóm Ngũ chi Minh đạo của Ngô Văn Chiêu thống nhất khai đạo tại Tây Ninh, chính thức ra mắt đạo Cao Đài.

Thanh Tùng - Phước Tuấn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét