7 thg 10, 2023

Ô Da là Ô Da nào?

Địa danh và địa giới làng xã có sự thay đổi khá lớn qua các thời kỳ lịch sử. Điều này gây không ít khó khăn cho người nghiên cứu văn hóa làng xã nếu không am tường gốc gác của nơi mình quan tâm. Ô Da là một trường hợp như thế.

Đình làng Ô Da/Gia. Ảnh: T.L

Huyện Đại Lộc xưa có hai làng Ô Da: Ô Da trại và Ô Da xã nằm gần nhau. Hiện nay rất nhiều người không hiểu rõ về hai địa danh này, nên chỉ nhắc đến Ô Da liền nghĩ đó là Ô Da trại xưa kia.

Đầu triều Nguyễn, Ô Da trại và Ô Da xã là hai trong số 26 làng thuộc tổng Quảng Đại Thượng, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Không rõ đến thời điểm nào thay đổi tên gọi, nhưng dựa theo sắc phong và các ghi chép khác thì đến thời Minh Mạng, Ô Da trại có tên là Điền Trang Ô Da trại, thuộc tổng Quảng Hòa, huyện/phủ Duy Xuyên.

Khoảng giữa những năm 1826 - 1842, Điền Trang Ô Da trại đổi tên thành Trang Điền xã, thuộc huyện Quế Sơn; đến thời Khải Định, đổi trở về lại huyện Duy Xuyên. Ô Da xã cũng chuyển thuộc địa giới hành chính huyện như Ô Da trại, nhưng trước sau giữ nguyên địa danh Ô Da xã.

Theo điều tra vào những năm 1941 - 1943 của Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp (EFEO), cả hai đều thuộc tổng Quảng Hòa, phủ Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam và nay đều thuộc xã Đại Cường, huyện Đại Lộc.

Ô Da trại

Theo khẩu truyền, người có công khai lập làng xã là tiền hiền họ Nguyễn Văn, sau có thêm ba vị hậu hiền thuộc ba tộc Nguyễn Thành, Nguyễn Quang và Nguyễn Thế. Thủy tổ tộc Nguyễn Văn tên Nguyễn Văn Nghị, người huyện Nghi Xuân, thừa tuyên Nghệ An. Vào thời Hồng Đức ông Nguyễn Văn Nghị theo vua Lê Thánh Tông nam chinh, sau đó ở lại, chiêu dân khẩn đất được 100 mẫu lập làm trại Ô Da.

Châu bộ lập năm Gia Long thứ 13 (1814), ghi chép về địa giới làng này như sau: phía đông giáp xã Khánh Vân Đông, xã Phú Thuận, lấy cột đá làm giới; phía tây giáp xã Quảng Đại, xã Ô Da, xã Da Cốc, lấy bờ ruộng làm giới; phía nam giáp xã Quảng Đại, xã Phú Thuận, xã Ô Da; phía bắc giáp thôn Phú Mỹ, thuộc Hoa Châu.

Lúc này, làng có diện tích 184 mẫu 4 sào 1 thước 5 tấc ruộng đất. Trong đó, công điền là 12 mẫu 5 sào; tư điền là 52 mẫu 9 sào 7 thước 2 tấc; mộ địa 5 sào, đất hoang nhàn 6 sào; còn lại là quan trại điền 117 mẫu 8 sào 9 thước 3 tấc. Đến thập niên 40 thế kỷ 20, Ô Da trại (lúc này đã là Trang Điền xã) có diện tích 216 mẫu, dân số cả thảy khoảng 500 người. Dân cư chuyên nghề làm nông.

Ô Da trại từng được triều Nguyễn ban tặng 18 sắc phong phụng thờ các vị thần như Thiên Y Ana, Đại Càn Quốc gia Nam Hải, Bạch Mã Thái Giám... Đình làng không rõ được dựng vào thời gian nào nhưng trải qua nhiều lần dựng mới. Trước năm 1945, mỗi năm một lần, làng sẽ tổ chức lễ cầu an vào ngày mùng 9 tháng 3.

Quảng Nam tỉnh xã chí ghi chép lời chức sắc làng này nói rằng: đời Gia Long trở lên gọi là Điền Trang Ô Da trại, chưa rõ vì sao vừa tiếp đến thời Minh Mạng đã đổi ra làm Trang Điền cho đến nay.

Như thế, Ô Da trại đã trải qua hai lần chuyển tên gọi, từ Ô Da trại thành Điền Trang Ô Da trại (khoảng sau Gia Long năm thứ 13 - 1814 đến trước năm Minh Mạng thứ 7 - 1826); từ Điền Trang Ô Da trại thành Trang Điền xã (sau năm Minh Mạng thứ 7 - 1826 đến giữa năm Thiệu Trị thứ 3 - 1842). Hiện nay, địa danh Trang Điền vẫn còn tồn tại.

Ô Da xã

Các giấy tờ được biên chép trong Quảng Nam tỉnh tạp biên và Quảng Nam tỉnh xã chí xác nhận, Ô Da xã có 2 tiền hiền. Người đầu tiên là “Tiền triều Đặc tiến Phò quốc Thượng tướng quân Hà quận công”.

Người này tuyệt tự, chỉ còn lại ông Đỗ Văn Thư có công quy dân, khai canh lập ấp được tôn là “Kế tiền hiền”, nhưng trong vài giấy tờ khác cũng có lúc ghi là hậu hiền. Ngoài tộc Đỗ, còn có tộc Mai (ông Mai Hữu Chương) và tộc Nguyễn (ông Nguyễn Văn Bảo) có thể đến khai cư cùng lúc.

Các tư liệu chúng tôi tiếp cận được cho thấy, làng này từng đồng thuận trích lập ruộng đất giao cho người làng hoặc người trong tộc canh tác, thu hoa lợi dùng vào việc hương hỏa các bậc tiền hiền có công lớn trong việc khai lập Ô Da xã.

Châu bộ lập năm Gia Long thứ 13 - 1814 ghi chép về địa giới làng này như sau: phía đông giáp xã Khánh Vân Đông, lấy bờ đê làm giới; phía nam giáp xã Khánh Vân Đông và trại Ô Da; phía tây và phía bắc giáp thôn Phú Mỹ, thuộc Hoa Châu.

So với Ô Da trại, Ô Da xã được khai phá sớm hơn. Châu bạ năm Thái Đức thứ 8 - 1785 ghi chép công tư điền thổ tổng cộng có 197 mẫu. Đến năm 1814 dưới thời vua Gia Long, làng có diện tích là 342 mẫu 8 sào 10 thước 2 tấc.

Trong đó chiếm nhiều nhất là tư điền 143 mẫu 3 sào 7 thước 8 tấc; tiếp theo là công điền 118 mẫu 1 sào 7 thước 6 tấc; đất hoang nhàn chỉ có 2 sào 6 thước. Như thế, Ô Da xã có đất đai rộng lớn, gần gấp đôi Ô Da trại, và độ phì nhiêu, dùng được cho canh tác cao hơn nhiều lần.

Thập niên 40 của thế kỷ 20, theo kê khai của chức sắc làng này thì Ô Da có khoảng 425 mẫu ruộng đất, dân số khoảng 1.500 người. Cư dân phần nhiều chuyên nghề làm ruộng và nuôi tằm.

Cũng như nhiều làng xã lâu đời khác, đời sống tinh thần của cư dân Ô Da xã phong phú. Ở đây có đình làng, Phật tự và nhiều miếu mạo. Thời nhà Nguyễn, làng nhận được 23 đạo sắc ban phong cho các vị thần thờ cúng tại đình trải dài các năm từ Minh Mạng đến Khải Định.

Theo ghi chép, đình làng được dựng thời Tự Đức, là nơi thờ các vị tiền hiền và các vị thần linh như Thiên Y Ana, Tam vị Thành Hoàng, Thái Giám Bạch Mã, Đại Càn Quốc gia Nam Hải... Mỗi năm, làng có hai kỳ tế vào ngày mùng 7 tháng Giêng và 15 tháng 4. Chùa làng này từng được gọi là Quan Thánh tự, có nhiều pho tượng gỗ, ngoài ra không có tự khí gì đặc biệt.
*
* *
Sau nhiều lần thay đổi địa danh và địa giới hành chính, ngày nay người ta thường chỉ biết đến Ô Da xã, nhưng lại nhầm lẫn rằng Ô Da xã chính là Ô Da trại chuyển sang. Thực tế, Ô Da trại chính là Trang Điền ngày nay, còn Ô Da xã vẫn giữ nguyên tên gọi từ trước đến sau. Hiểu rõ như thế sẽ tránh được những nhầm lẫn đáng tiếc trong nghiên cứu và quản lý văn hóa.

THIÊN LÝ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét