20 thg 7, 2020

Người Thái Nghệ An và tín ngưỡng về con trâu

Cái hình đầu trâu khắc trên 2 cánh cửa kho thóc hợp tác xã ở bản Mộng (vùng Khủn Tinh, Quỳ Hợp) mà tôi thấy hồi nhỏ đã gây cho tôi một ấn tượng rất mạnh. 

Sừng trâu được chạm trổ trên cửa của ngôi nhà người Thái. Ảnh tư liệu: Hồ Phương 

Tôi đi học vỡ lòng, từ nhà qua khu rừng Pả Đông (rú mồ), lội một con suối nhỏ, lên hết dốc là thấy ngay “cái đầu trâu”. Thú thật, tôi thấy sờ sợ. Ai đã khắc cái đầu trâu thật khéo léo? Mỗi cánh cửa là 1 cái sừng cong vút, ở giữa, chỗ buộc mũi (sẹo) là 1 cái khóa sắt to, đen. Hai con mắt trâu nhìn chòng chọc như muốn húc chết ngay kẻ nào dám bén mảng đến trộm.

Nhưng dần dần tôi cũng không sợ nữa! Tôi nghĩ đến con trâu nhà mình, con trâu thân thương dưới sàn nhà tôi. Nó biết quỳ xuống để cho tôi trèo lên lưng. Nó biết bơi ra dòng Nặm Huống chơi với tôi… Còn khi bố đem đi cày thì nó rạch những đường cày thẳng tắp… Không có trâu thì khó mà làm ruộng! “Con trâu là đầu cơ nghiệp”, đó là câu tục ngữ của người Kinh, người Thái cũng vậy! 

Tượng trâu phủ phục, trong đó có 6 trâu đen và 3 trâu trắng được đặt trước đền Chín Gian. Ảnh: P.V 

Và còn hơn thế nữa! Con trâu đối với người Thái còn đi vào tín ngưỡng. Người Thái thờ trâu, tôn vinh trâu. Trong bài cúng mời trâu về ăn Tết, có đoạn: “Đừng để con hổ vằn nó bắt/Đừng để trâu ăn gần bờ vực mà giật thột/Đừng để trâu ăn gần hố khoai mài mà ngã/Con rận đừng vào kẽ chân/Con sên đừng chui vào mũi/Trâu ăn cỏ lau, cỏ gianh cho lớn/Trâu ăn cỏ bãi bằng cho khỏe/Để cho mỗi gốc cây có một dây buộc/Mỗi gốc cây có một con trâu/Cho trâu về bản rào rào như trời nổi cơn dông/Trâu vào gầm sàn ào ào như mưa trút/Cho có con trâu đực sừng thuôn/Cho có trâu sừng cong cọ lưng ken két dưới gầm thang/Cho có trâu sừng xoắn là trâu lộc/Sao cho đi xuống dưới được tiếng là trâu lắm/Đi lên trên được tiếng là trâu nhiều/Được đẹp nhờ có thần tổ chủ/Có được trâu già trâu mộng nhờ thần tổ chăn trâu…”.

Tôi nhớ lễ tế trâu trong đám tang ông bác tôi cách đây nửa thế kỷ. Người ta dựng 1 cái nhà thờ nhỏ, bằng tre nứa dưới sân. Dắt con trâu đến buộc vào cái cột chôn giữa sân. Chủ tế đọc bài cúng, dâng trâu cho hồn ma. Sau khi chọc tiết, trâu chết, người ta lấy chạc mũi trâu buộc vào cột nhà thờ. Dâu rể mặc áo đỏ (áo ma), thắt lưng xanh, đi vòng quanh trâu, vẩy nước vào trâu, châm bó đuốc vào trâu (tỏ ý làm thịt). Xong, trâu được mổ. Người ta cắt lấy đầu trâu đặt lên bàn thờ (trên nhà thờ đó). 

Cặp sừng trâu được gọi là "sừng chồng, sừng vợ" thường được người Thái sử dụng trong ngày cưới. Ảnh tư liệu: Hồ Phương 

Ở đền Chín Gian (Quế Phong) vật tế lễ cũng là trâu. Và con trâu trở thành đối tượng trung tâm của các hoạt động tế lễ: “Hãy xem nhé, chá gốc (dẫn đầu) sắp được dắt trâu/Chá ngọn (thành viên) sắp được vác mía/Vác mía cây nhỏ để nhử trâu xuống/Cháu trai xuống bến giữa để tắm trâu “chủ trời”/Chá nhỏ lại bến rộng hôm nay để tắm trâu Then (trời)/Trông thấy các ông Đẳm (tổ tiên) hôm nay xuống bến rạt rạt/Nước ống bạc ống vàng lại tắm trâu “chủ trời”/Chá gốc dắt trâu vào với cọc/Hãy tắc trâu vào với chạc/ Buộc kỹ vào với cột nhiều vòng/Nhưng khi trâu chưa gục ta - mình đây hãy dậy bắt/ Khi trâu chưa chết hãy dậy đuổi/ Trâu trắng đó ta hãy vây riết/ Trâu đen ta - mình mọi người đuổi vây ngặt/Buộc nhiều con hãy nghỉ đấy nhé!/Dáo lưỡi nhỏ lại giơ quá vai/ Gươm lưỡi sắc lại giơ chém trâu/ Nhưng đừng chém trâu ngã về nước kẻo mất vía cá đấy nhé!/Đừng chém trâu ngã về ruộng kẻo mất vía lúa/Ngã về bản mất vật nuôi của cải trong nhà/Chém, hãy khéo chém cho trâu già gục về núi Pu Căm”.

Người Thái quan niệm người chết thì hồn về sống với tổ tiên ở mường Trời nên phải có trâu để làm ăn. 

Nghi lễ rước trâu. Ảnh: Đặng Cường 

Trở lại với đám tang ông bác tôi đã nói ở trên. Thầy mo đọc bài cúng dâng trâu: Con cháu phải: “Nộp cả trâu sừng ngoác, sừng quặp cho bố (mẹ) về Bôn (trời) cày ruộng cày mạ/Con cháu cho trâu sừng gộc/Lên trời để cày ruộng (mà) cấy/Lấy trâu 1, ra trâu đàn/ Bố (mẹ) hãy dắt trâu đi trước/Tôi (thầy mo) vác gươm lưỡi sắc đi áp tải sau/Hãy dắt trâu đi lộp cộp/Tắc trâu đi xăm xăm/Cái roi (của mo) thì vung vẩy theo sau”.

Bây giờ đã công nghiệp hóa. Đã xuất hiện những con “trâu sắt” làm việc trên đồng nhưng trên nhiều miền quê xứ Nghệ, con trâu vẫn sẽ mãi gắn với đời sống của người Thái.

Quán Vi Miên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét