23 thg 7, 2020

Chinh phục Ma Thiên Lãnh – Đỉnh núi cao nhất Hòn Sơn

Hòn Sơn hay còn gọi là Hòn Sơn Rái nằm giữa Hòn Tre và quần đảo Nam Du, cách đất liền khoảng 60km thuộc địa phận huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang. Với vẻ đẹp hoang sơ, biển xanh, cát trắng, nắng vàng cùng màu xanh bạt ngàn của núi rừng, Hòn Sơn trở thành một địa điểm du lịch và nghỉ dưỡng lí tưởng. 

Hòn Sơn 

Hòn Sơn có 7 đỉnh núi dính liền vào nhau, các đỉnh núi đều có truyền thuyết gắn liền với tên gọi của riêng mình, trong đó Ma Thiên Lãnh là đỉnh núi nổi tiếng hơn cả. Không chỉ cao nhất đảo với độ cao 450m so với mặt nước biển, mà nơi đây còn gắn liền những câu chuyện thần tiên đầy màu sắc liêu trai. 

Ma Thiên Lãnh – Đỉnh núi cao nhất Hòn Sơn 

Ma Thiên Lãnh” dịch nghĩa nôm na là vùng đất nhiều “ma”, nơi “linh địa” hay “lãnh địa” của ma quỷ, người thuộc thế giới bên kia. Thường những nơi này được dân gian xem như là những vùng đất dữ, khắc nghiệt với những câu chuyện lạ lùng, bí ẩn, đan xen những truyền thuyến mang hơi hướng tâm linh. Ma Thiên Lãnh Hòn Sơn còn có tên khác là “Mai thiên lãnh” vì trước đây trên núi có rất nhiều khỉ, có ý nghĩa là loài khỉ làm chủ núi cao vì thế có tên là Mai thiên lãnh. Nhưng do qua nhiều thế hệ, khách du lịch đã quen miệng gọi là Ma thiên lãnh, nên về sau núi có tên là Ma thiên lãnh. 

Có độ cao 450 m so với mặt nước biển 

Theo truyền thuyết ngày xưa, trên đỉnh Ma Thiên Lãnh có một tảng đá bằng phẳng, với phong cảnh xung quanh rất đẹp nên nhiều tiên nữ thường xuống vui chơi tên gọi là Sân Tiên, là một bảo chứng cho câu chuyện đó.

Ngày nay, khi con người đến đây khai phá, trải qua hàng trăm năm, thỉnh thoảng có những tu sĩ và những kẻ buồn tình, sầu đời lên Sân Tiên tu thiền. Họ ẩn cư trong một hang đá có khắc dòng chữ “Mai Dương Kiếm Pháp”. Cuộc đời, tính tình và cách hành xử của những người này được người dân truyền miệng với những câu chuyện nửa hư nửa thực. 

Nơi đây gắn liền những câu chuyện thần tiên đầy màu sắc liêu trai 

Để chinh phục núi Ma Thiên Lãnh, từ cầu cảng Bãi Nhà, bạn đi khoảng 1km về hướng Bãi Bàng. Sau đó đi bộ thêm một đoạn, sẽ thấy con đường ở bên tay trái với những bậc thang dẫn lên núi. Từ đây, bạn có thể men theo các bậc thang, bắt đầu hành trình chinh phục đỉnh núi. 

Biển báo chỉ đường 

1/3 đoạn đường đầu khá dễ đi vì phần lớn là các bậc tam cấp, đường xi măng. Đây là con đường người dân địa phương làm lại để thường xuyên đi lại dễ dàng lên rẫy. Con đường này khá mát mẻ, hai bên đường là những rẫy mà người dân canh tác với đủ loại cây trái: chuối, vườn mãng cầu, xoài và những vạt rừng nguyên sinh. 

Đoạn đường đầu chủ yếu là bậc thang 

Bạn có thể lựa chọn điểm nghỉ chân ở chùa Phật Lộ Thiên hay Chùa Phổ Tịnh. Sau khi đến Du khách có thể dừng lại để nghỉ ngơi, trong lúc tham quan chùa thì bạn còn được nghe kể về những sự tích hấp dẫn tại đây nữa đấy. 

Phật Lộ Thiên 

Từ nơi này trở đi con đường trở nên khó khăn hơn bởi không còn là bậc thang xi măng nữa mà thay vào đó là con đường mòn nhỏ. Cây cối rậm rạp, um tùm cùng những tiếng động lao xao, tiếng chim kêu, vượn hú càng làm cho khu rừng thêm phần âm u, tịch mịch và đậm màu liêu trai, khiến chuyến đi của bạn càng thêm huyền bí, kích thích. 

Rừng cây tuyệt đẹp trên đường đi 

Bạn nên để ý và men theo những chỉ dẫn trên đường do những người đi trước đó để lại tránh bị lạc đường. 

Con đường mòn nhỏ 

Cứ thẳng tiếp theo lối mòn quanh co, có lúc bằng, lúc dốc nữa thì bạn sẽ tới một cái hang đá. Theo dân đảo thì thỉnh thoảng có những tu sĩ, người ẩn dật tìm đến nơi đây tu thiền. Họ thường ẩn cư trong hang, nơi có cái tên mang đậm màu sắc kiếm hiệp” Mai sơn kiếm pháp”. Cuộc đời, tính tình và cách hành xử của những người này được người dân truyền miệng với những câu chuyện hư hư thực thực. 

Hang đá 

Trong hang hiện vẫn còn sót lại những vật dụng sinh hoạt: giường, bàn, ghế, giá sách,…được làm hoàn toàn bằng dây mây và cây rừng. Người bản địa cho rằng đó là những đồ dùng còn sót lại của các nhà sư, tu sĩ. 

“Mai sơn kiếm pháp” 

Để lên đỉnh, chúng ta phải vào hang, leo tiếp lên trên. Vật dụng cần thiết nhất khi qua hang là đèn pin, vì trong hang rất tối và gập gềnh với toàn là đá với đá. Băng qua hang động này, sẽ đến được đỉnh núi.

Đặt chân đến đỉnh núi, bao cố gắng của bạn sẽ được đền đáp xứng. Đứng trên những tảng đá lớn giữa đỉnh Ma Thiên Lãnh, bạn có thể phóng tầm mắt ra không gian mênh mông, xanh thẳm của biển trời. 

Tảng đá sống ảo trên Đỉnh Ma Thiên Lãnh 

Từng cơn gió lộng hoà cùng âm thanh núi rừng, của chim muông ríu rít, những mệt mỏi suốt hành trình chinh phục ngọn núi dường như tan biến. 

Bạn có thể phóng tầm mắt ra không gian mênh mông 

Gần đó là Sân Tiên, nơi có tảng đá lớn vươn ra biển và là điểm check-in cực đẹp không thể bỏ qua khi bạn đã ‘chinh phục’ được Ma Thiên Lãnh. Tuy nhiên vì mảng đá rêu bám khá nhiều nên sẽ rất trơn trượt và nguy hiểm, bạn cần cẩn thận và bảo đảm an toàn của mình là trên hết trước khi ‘sống ảo’ nhé. Tổng thời gian cả đi và về để chinh phục được ngọn Ma Thiên Lãnh này là tầm 4 tiếng đồng hồ. 

Phong cảnh tuyệt đẹp 

Các bạn đi Ma Thiên Lãnh ở Hòn Sơn chú ý nhé, đừng xả rác trên đường đi. Mang cái gì lên thì mang về cái đấy. Hòn Sơn còn hoang sơ lắm, hãy chung tay giữ gìn để những người đến sau được tận hưởng thiên nhiên như chúng ta đã từng trải qua.

Trên lưng chừng Ma Thiên Lãnh có quán Anh Thành nổi tiếng với món gà núi ướp tỏi và nước mắm hòn nướng lửa than, hoặc gà hấp trên bếp củi ăn với chuối cây và rau rừng bạn đừng quên thưởng thức nhé. 

Gà núi Ma Thiên Lãnh 

Sau khi chinh phục Ma Thiên Lãnh, du khách có thể xuống biển nghỉ ngơi, thư giãn và ngắm hoàng hôn tuyệt đẹp, để cảm nhận cuộc sống thật yên bình, biển cả bao la, hiền hòa, thơ mộng của vùng đất Kiên Giang tươi đẹp. Ở Hòn Sơn có 5 bãi gồm: bãi Giếng, bãi Bấc, bãi Bàng, bãi Nhà và bãi Thiên Tuế, trong đó Bãi Bàng, Bãi Cây Dừa Nằm có phong cảnh đẹp nhất, nhiều cây dừa nghiêng nghiêng phủ bóng mát rất thích hợp để tắm biển, lặn ngắm san hô, câu mực, câu cá… 

Cây dừa nằm độc đáo 

Ngoài những thắng cảnh đẹp, Hòn Sơn còn có những di tích mang nét tâm linh riêng, gắn với những giai thoại của người bản địa. Trên đảo có các đình, chùa như: Đình thần Lại Sơn, miếu bà Cố Chủ, chùa Hải Sơn, thánh thất Cao Đài.

Mekong Delta Explorer

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét