12 thg 7, 2020

Dáng vóc thành phố hai bên bờ sông Mã

1. Vùng đất giàu truyền thống văn hóa, lịch sử cách mạng

TP Thanh Hóa nằm hai bên bờ sông Mã hùng vĩ và trù phú. Vùng đất cổ này, không chỉ ôm trong mình một nền văn hóa với bản sắc riêng, mà còn là nơi hội tụ khí thiêng sông núi, có truyền thống vẻ vang trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước. Bởi vậy, cách đây 216 năm, nơi đây đã được lựa chọn để trở thành trung tâm chính trị, kinh tế và văn hóa - xã hội của xứ Thanh.

Một góc TP Thanh Hóa hôm nay. (Ảnh: Phạm Nam)

Tìm về nguồn cội

Lần giở lại từng trang lịch sử của xứ Thanh, chúng ta tự hào bởi nền văn minh của người Việt cổ đã ra đời và phát triển trải qua hàng chục vạn năm ngay trên mảnh đất quê hương. Núi Đọ nằm bên bờ hữu ngạn của sông Mã và sông Chu, trải rộng trên địa phận 2 xã Thiệu Tân (Thiệu Hóa) và Thiệu Khánh (TP Thanh Hóa). Cuối năm 1960, núi Đọ được các nhà khảo cổ học trẻ tuổi Việt Nam cùng với giáo sư P.I.Boriskovski (Liên Xô cũ) phát hiện, nghiên cứu và chứng minh, nơi đây đã tồn tại một nền văn hoá sơ kỳ thời đại đá cũ. Người nguyên thuỷ đã từng sinh sống ở núi Đọ, cách ngày nay khoảng 30-40 vạn năm. Qua nhiều đợt khai quật, các nhà khảo cổ học tìm thấy ở núi Đọ số lượng lớn công cụ lao động bằng đá của người nguyên thuỷ, như: Hạch đá, mảnh tước, rìu tay... Vì vậy, các nhà khảo cổ học đã gọi di tích núi Đọ là một “di chỉ xưởng”. Ngày nay, trên sườn phía Ðông và phía Tây Nam núi Ðọ, vẫn còn nhiều mảnh tước, mảnh ghè nằm rải rác. Việc phát hiện di chỉ núi Đọ của các nhà khảo cổ đã tạo nên tiếng vang lớn; đồng thời, cũng khẳng định Thanh Hóa là nơi xuất hiện và chứng kiến buổi bình minh của lịch sử dân tộc. Kết quả khai quật, nghiên cứu khảo cổ học từ năm 1960 cũng cho thấy Đông Khối - nay thuộc phường Đông Cương là nơi cư trú, là một trung tâm chế tác công cụ đá đạt trình độ kỹ thuật đỉnh cao, với diện tích rộng khoảng 160.000
m2.

Chùa Đông Sơn tại làng cổ Đông Sơn. (Ảnh: Trần Thanh)

Cách Núi Đọ không xa là làng cổ Đông Sơn, thuộc phường Hàm Rồng. Ngôi làng nằm gọn trong thung lũng, được bao quanh bởi hệ thống núi đá vôi với nhiều hang động và một bên là dòng sông Mã. Năm 1924, ông Nguyễn Văn Lắm, một nông dân ở xóm Nghĩa trong làng, đi câu dọc bờ sông Mã đã phát hiện và thu được các hiện vật bằng đồng bao gồm: Bộ ấm chén pha trà, trống đồng. Sau phát hiện của ông Lắm, một người Pháp có tên là L.Paijot được ủy nhiệm tiến hành khảo cổ học di tích Đông Sơn. Những cổ vật ông ta tìm thấy được học giả người Pháp là V.Golubew công bố năm 1929 đã gây tiếng vang lớn, khiến các học giả thời đó vô cùng sửng sốt, xác nhận rằng các di vật đó thuộc về một nền văn hóa riêng biệt. Năm 1933, học giả người Áo là R.Heine – Geldern đề nghị đặt tên nền văn hóa này là Văn hóa Đông Sơn”. Kể từ đó, thuật ngữ Văn hóa Đông Sơn được dùng phổ biến trên thế giới để chỉ thời kỳ văn minh đầu tiên của người Việt cổ - mốc thời gian ra đời của Nhà nước Văn Lang - Đại Việt - Việt Nam. Tên của ngôi làng nhỏ Đông Sơn đã trở thành tên của một nền văn hóa rực rỡ thuộc thời đại kim khí cách đây từ 2.000 đến gần 3.000 năm. Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, các tầng văn hoá khai quật được đã thể hiện rõ ngôi làng có lịch sử định cư liên tục của con người từ thời cổ cho đến nay.

Khu di tích lịch sử văn hóa Hàm Rồng. (Ảnh: Phạm Nam)

Theo dòng chảy của lịch sử, mùa xuân năm 1804, vua Gia Long chỉ dụ dời trấn thành Thanh Hoa từ làng Dương Xá, xã Thiệu Dương về làng Thọ Hạc. Sau đó, công việc xây dựng trấn thành được gấp rút triển khai. Trấn thành được xây dựng theo hình lục lăng, có hào bao quanh mặt ngoài với 4 cửa gồm: Cửa Tiền phía Nam, cửa Hậu phía Bắc, cửa Tả phía Đông Nam và cửa Hữu phía Tây Nam. Bởi vậy, tên gọi là Hạc Thành xuất hiện từ đó. Năm 1841, vua Thiệu Trị đổi tên Trấn thành Thanh Hoa thành Thanh Hóa. Đến tháng 7-1889, vua Thành Thái ký đạo dụ thành lập thị xã Thanh Hóa bao gồm 7 làng. Cuối tháng 5-1929, người Pháp quyết định thành lập TP Thanh Hóa là thành phố cấp 3. Giai đoạn sau Cách mạng Tháng Tám thành công, chuyển thành thị xã Thanh Hóa. Ðể phát huy và nâng cao vai trò, vị thế của trung tâm tỉnh lỵ lớn, ngày 1-5-1994, Thủ tướng Chính phủ đã ký Nghị định số 37/CP-TTg, nâng cấp thị xã Thanh Hóa lên TP Thanh Hóa với 15 phường, xã. Năm 2014, TP Thanh Hóa được công nhận đô thị loại 1. Sau nhiều lần được điều chỉnh mở rộng địa giới hành chính, TP Thanh Hóa có diện tích tự nhiên 146,77 
km2 với 34 phường, xã. Trong tương lai, thành phố hai bên bờ sông Mã tiếp tục được quy hoạch mở rộng để tạo đà cho sự phát triển.

Cầu Hoàng Long và Cầu Hàm Rồng, cây cầu nổi danh với những chứng tích lịch sử anh hùng. (Ảnh: Phạm Nam)

Hòa quyện với nền văn hóa cổ, vùng đất Hạc Thành còn có một hệ thống di tích, các lễ hội, trò chơi, trò diễn dân gian truyền thống giàu giá trị nhân văn. Trên địa bàn thành phố hiện có 232 di tích lịch sử văn hóa, khoảng 40 lễ hội truyền thống với nhiều màu sắc đặc trưng của từng địa phương. Đây đều là các loại hình nghệ thuật dân gian hấp dẫn, do chính người dân lao động sáng tạo ra trong hàng trăm năm trước, tiêu biểu như: Trò hát múa “Tú Huần” ở xã Hoằng Quang; làn điệu “Hò sông Mã” của các phường, xã dọc hai bên bờ sông Mã... Ngoài ra, TP Thanh Hóa còn có nhiều di tích lịch sử cách mạng như hồ Máy Đèn, đồi C4, cầu Hàm Rồng... với những chiến công còn rạng danh sử sách... Những giá trị văn hóa, lịch sử cách mạng đó không chỉ là chứng tích hào hùng của quê hương trong hàng nghìn năm lịch sử lập nước và giữ nước, mà còn được xem như một tài nguyên để khai thác phát triển du lịch văn hóa tâm linh.

Biến tiềm năng thành thế mạnh phát triển

Với vị trí địa lý quan trọng, TP Thanh Hóa nổi bật với các di tích lịch sử văn hóa, không chỉ về mặt số lượng mà cả về mặt giá trị. Các di tích lịch sử, văn hóa của thành phố vừa có giá trị đặc sắc và vừa rất điển hình về mặt du lịch mà không nơi nào có được. Tại hội thảo góp ý vào dự án nghiên cứu bảo tồn hồi sinh di sản, mô hình công viên khảo cổ và ý tưởng quy hoạch phân khu Hàm Rồng - Núi Đọ, thuộc khu vực vành đai xanh phía Tây thành phố do Công ty CP Tập đoàn T&T tổ chức, GS.TS Hoàng Đạo Kính, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, cho rằng: “Dự án mang lại cho TP Thanh Hóa một khu vực vành đai xanh, một vùng ngoại vi đặc sắc mà không nơi nào có được, ngay cả các thành phố lớn như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Nếu Thanh Hóa nhận thức được vấn đề đó, thì có thể tạo ra giá trị riêng biệt chỉ có ở Thanh Hóa, bởi đây là vùng đất lịch sử, văn hóa, tâm linh”.

Công viên Hàm Rồng. (Ảnh: Phạm Nam)

Hội tụ đầy đủ các yếu tố về văn hóa cổ xưa, truyền thống lịch sử, thiên nhiên kỳ vĩ nên TP Thanh Hóa đã khẳng định được vị trí du lịch của mình trong chiến lược phát triển du lịch của đất nước. Theo phân vùng trong chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, TP Thanh Hóa nằm trong Vùng du lịch Bắc Trung bộ, gắn với vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và hành lang du lịch Đông - Tây. Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Vùng Bắc Trung bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, xác định TP Thanh Hóa cùng với Sầm Sơn và Tĩnh Gia gắn với hệ thống Di tích Hàm Rồng, đô thị du lịch Sầm Sơn, hệ thống bãi biển huyện Quảng Xương, Khu Kinh tế Nghi Sơn là một trong số các địa bàn trọng điểm du lịch của vùng. Theo đó, điểm Di chỉ khảo cổ Núi Đọ cùng với Khu Di tích danh thắng Hàm Rồng được xác định là một trong 25 điểm du lịch địa phương của vùng Bắc Trung bộ. Còn trong chiến lược phát triển du lịch của tỉnh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, TP Thanh Hóa được xác định là một trong 3 cụm trọng điểm phát triển du lịch của tỉnh cùng với Sầm Sơn, Hải Tiến, Thành Nhà Hồ, Lam Kinh, suối cá Cẩm Lương, Nghi Sơn, Bến En. Theo đó, thành phố sẽ hình thành các loại hình du lịch đô thị, du lịch tìm hiểu lịch sử, du lịch tìm hiểu khảo cổ. Bên cạnh đó, thành phố còn nằm trên hành lang giao thông Bắc - Nam theo Quốc lộ 1A và tuyến đường sắt xuyên Việt, nên đây là điểm dừng quan trọng trong hệ thống các tuyến, điểm du lịch quốc gia.

(Ảnh: Phạm Nam)

Để biến tiềm năng thành những giá trị kinh tế lớn lao, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP Thanh Hóa lần thứ XX, nhiệm kỳ 2015-2020, xác định “Phát triển dịch vụ, trọng tâm là dịch vụ du lịch” là 1 trong 4 chương trình trọng tâm. Giai đoạn 2016-2020, thành phố đã phát huy mọi nguồn lực đầu tư hoàn thiện cơ sở vật chất phục vụ cho du lịch. Đáng kể nhất là thành phố đã đầu tư xây dựng và mở rộng nhiều tuyến đường kết nối với các điểm du lịch, như: Đường Tiên Sơn nối động Tiên Sơn, đường Tiên Sơn - Hạc Oa, đường Đồng Cổ, đường Trần Khát Chân; cải tạo các tuyến đường trong Khu Di tích lịch sử văn hóa Hàm Rồng, đồi C4, đền thờ Lê Uy – Trần Khát Chân, nội thất đồ thờ trong đền thờ Bà mẹ Việt Nam Anh hùng và các Anh hùng liệt sĩ, động Long Quang. Cùng với ngân sách Nhà nước, các doanh nghiệp cũng đã đầu tư xây dựng nhiều công trình hạ tầng phục vụ du lịch, như: Bến tàu du lịch Hoàng Long, làng văn hóa dân tộc xứ Thanh,... với tổng kinh phí khoảng 165 tỷ đồng. Đến nay, hạ tầng du lịch của thành phố được cải thiện đáng kể, các dự án đầu tư du lịch phát triển cả về số lượng và quy mô. Bên cạnh đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư phát triển du lịch, trong 5 năm qua, thành phố đã xây dựng được nhiều sản phẩm du lịch mang sắc thái riêng. Nổi bật là thành phố triển khai các đề án “Phát triển các loại hình du lịch trải nghiệm đồng quê”, “Khôi phục, bảo tồn và phát huy trò chơi, trò diễn dân gian”. Đồng thời, công bố Khu du lịch văn hóa Hàm Rồng, Di chỉ khảo cổ học Đông Sơn là khu du lịch cấp tỉnh và tuyến tham quan du lịch làng cổ Đông Sơn “Ngược xuôi sông Mã”. Đáng chú ý, các tuyến, điểm du lịch của thành phố đã có sự kết nối với các huyện trong tỉnh. Với những bước đi vững chắc, du lịch của thành phố đã thu được những kết quả đáng phấn khởi. Lượng khách du lịch đến thành phố trong 5 năm qua đạt 8,33 triệu lượt người, tăng 38% so với giai đoạn 2011-2015; doanh thu từ dịch vụ du lịch ước đạt 8.150 tỷ đồng.

(Ảnh: Phạm Nam).

Với mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thành phố đã và đang tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả các đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị của làng cổ Đông Sơn”, “Khôi phục, bảo tồn và phát huy giá trị trò chơi, trò diễn dân gian trên địa bàn TP Thanh Hóa giai đoạn 2018-2025”. Đây sẽ là cơ sở để xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Về lâu dài, thành phố xác định phương hướng đầu tư xây dựng hệ thống sản phẩm du lịch đặc trưng, thương hiệu của địa phương, gắn với thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế, tạo ra các sản phẩm, dịch vụ chủ lực, mũi nhọn. Cùng với đẩy mạnh việc tuyên truyền, quảng bá du lịch thành phố, nhằm tạo sức lan tỏa rộng lớn về văn hóa, danh lam thắng cảnh, sản phẩm du lịch, ẩm thực đặc trưng của vùng đất Hạc Thành, thành phố tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, nhất là thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch. Đặc biệt, thành phố đang trong quá trình nghiên cứu, hoàn thiện quy hoạch, kêu gọi nhà đầu tư để đưa khu vực Hàm Rồng - Núi Đọ đạt tầm vóc quốc gia và quốc tế. Đồng thời, biến nơi đây trở thành khu di tích quốc gia đặc biệt, tiến tới trở thành di sản văn hóa thế giới. Ngoài ra, lãnh đạo của TP Thanh Hóa luôn cầu thị lắng nghe các ý kiến đóng góp của khách du lịch, mời chuyên gia hàng đầu trong và ngoài nước để đánh giá tìm ra các giải pháp đột phá cho phát triển du lịch.

Trần Thanh

2. Sức vươn thành phố.

Trải qua một hành trình dài phát triển, TP Thanh Hóa đã, đang ngày càng khởi sắc, khoác lên mình một diện mạo mới, khí thế mới, sức sống mới. Sức vươn của thành phố bên bờ sông Mã được khắc họa rõ nét nhất trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, tạo tiền đề vững chắc để thành phố hiện thực hóa khát vọng thịnh vượng.

TP Thanh Hóa nhìn từ trên cao. Ảnh: Phạm Nam

Diện mạo mới, sức sống mới

Là đô thị hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi, có tiềm năng trở thành một trung tâm thương mại, dịch vụ, du lịch năng động của cả vùng phía Nam Bắc bộ, Bắc Trung bộ và nước bạn Lào, Thành ủy, UBND TP Thanh Hóa xác định phát triển theo hướng hiện đại, bền vững, hướng tới đô thị xanh - thông minh là một xu hướng tất yếu. Để tạo vóc dáng mới cho đô thị, nhiệm kỳ vừa qua, thành phố đã tranh thủ ý kiến của nhiều chuyên gia, đặc biệt là chuyên gia nước ngoài về quy hoạch đô thị. Điển hình như chuyên gia Mỹ đối với quy hoạch chung thành phố, chuyên gia Anh đối với khu đô thị mới trung tâm thành phố, chuyên gia Hàn Quốc đối với quy hoạch khu đô thị Đông Nam thành phố... Nhiều dự án trọng điểm được đồng loạt hình thành, tạo điểm nhấn cho thành phố đã minh chứng cho định hướng phát triển của thành phố trong tương lai. Tọa lạc tại vị trí đắc địa bậc nhất thành phố với 4 mặt tiền giáp 4 con phố lớn là Trần Phú, Nguyễn Du, Triệu Quốc Đạt, Lê Hoàn, Vincom Plaza Thanh Hóa là khu vực trung tâm sầm uất và hiện đại nhất của TP Thanh Hóa hiện nay với những tuyến phố buôn bán sôi động, thế giới ẩm thực phong phú, khu vui chơi dành cho trẻ em, khu khách sạn 5 sao chuẩn quốc tế... Vinhomes Star City Thanh Hóa với khu phức hợp đa dạng bao gồm chung cư cao tầng, biệt thự, liền kề, nhà phố thương mại... nằm ngay vị trí trung tâm sát Khu Trung tâm Hành chính mới TP Thanh Hóa hứa hẹn trở thành điểm đến “đáng sống” và là nơi hội tụ cộng đồng cư dân đẳng cấp xứ Thanh. Khu đô thị Đông Hải kề bên Đại lộ Nam sông Mã được xây dựng với lối kiến trúc hiện đại cùng không gian sống xanh, thân thiện với môi trường. Ngoài ra, hệ thống các siêu thị như BigC, Co.opmart, Vinmart và hệ thống các trung tâm thương mại như Sài Gòn Nguyễn Kim, HC Thanh Hóa... tạo nên hoạt động thương mại sôi động, nhộn nhịp. Sự đổi thay của TP Thanh Hóa còn được thể hiện rõ khi nhiều tuyến đường lớn được đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng, như: các đại lộ Lê Lợi, Nguyễn Hoàng, Hùng Vương; đường Võ Nguyên Giáp, Voi - Sầm Sơn, vành đai Đông – Tây,... tạo nên hệ thống giao thông đô thị đồng bộ, kết nối với các vùng kinh tế trọng điểm trong và ngoài tỉnh.

Những công trình hạ tầng, các khu đô thị mới, trung tâm thương mại hiện đại không chỉ làm bừng lên một sức sống mà còn tạo động lực thúc đẩy kinh tế, văn hóa - xã hội của thành phố ngày càng phát triển. 5 năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể, lực lượng vũ trang và Nhân dân thành phố đã phát huy tinh thần đoàn kết, chủ động, sáng tạo, vượt qua khó khăn, nỗ lực phấn đấu với quyết tâm cao và thực hiện thắng lợi tất cả các chỉ tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XX, nhiệm kỳ 2015-2020 đề ra. Nổi bật là kinh tế tiếp tục tăng trưởng khá, năng lực sản xuất và quy mô giá trị sản xuất ngày càng lớn mạnh. Tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân ước đạt 16,5%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 29%, năm 2020 tăng gấp 3,6 lần so với năm 2015; thu ngân sách Nhà nước ước đạt 22.500 tỷ đồng, chiếm 18,4% tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh; thu nhập bình quân đầu người tăng đáng kể qua từng năm, năm 2020 ước đạt 115 triệu đồng, đạt chỉ tiêu đề ra và cao gấp 2,5 lần so với năm 2015. Môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện mạnh mẽ với 202 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư, trong đó có 3 dự án từ nguồn vốn FDI, nâng tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn thành phố đạt hơn 143.000 tỷ đồng, vượt mục tiêu nghị quyết đề ra. Điều đáng phấn khởi là TP Thanh Hóa đã hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới trước 1 năm so với kế hoạch; 30/34 xã, phường được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, 4 phường, xã còn lại sẽ được thẩm định trong tháng 6-2020. Đặc biệt, dù không nằm trong chỉ tiêu tỉnh giao nhưng thành phố có 10/34 xã, phường không còn hộ nghèo, tỷ lệ hộ nghèo của thành phố năm 2020 giảm còn 0,13%, vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra.

Phát triển bền vững cần sự cân đối, hài hòa giữa kinh tế và văn hóa. Nếu kinh tế là nền tảng vật chất, thì văn hóa chính là nền tảng tinh thần cho mọi sự phát triển. Vì thế, thành phố luôn chú trọng đến các lĩnh vực văn hóa và an sinh xã hội. Trong đó, giáo dục có sự phát triển toàn diện, chất lượng giáo dục ngày càng được nâng lên, nhất là chất lượng giáo dục mũi nhọn. Đến năm 2020 thành phố có 134/149 trường đạt chuẩn quốc gia (đạt 90%); công tác xã hội hóa giáo dục phát triển mạnh mẽ, nhất là loại hình giáo dục ngoài công lập, góp phần giảm tải cho hệ thống giáo dục công lập và đa dạng hóa loại hình giáo dục của thành phố. Công tác y tế và chăm sóc sức khỏe cho người dân được chú trọng. Các chế độ, chính sách đối với người có công, đối tượng bảo trợ xã hội được quan tâm thực hiện đầy đủ, kịp thời, góp phần củng cố niềm tin, sự đồng thuận cao của Nhân dân đối với cấp ủy và chính quyền các cấp.

Xây dựng đô thị văn minh, công dân thân thiện
Với vị thế là trung tâm kinh tế, văn hóa – xã hội của cả tỉnh, việc xây dựng một thành phố văn minh, thân thiện, hấp dẫn để đáp ứng ngày càng cao những yêu cầu về ngoại giao, mời gọi vốn đầu tư phát triển, thu hút khách du lịch... đang là một yêu cầu thiết yếu. Vì vậy, xây dựng đô thị văn minh, công dân thân thiện được thành phố chọn là 1 trong 4 chương trình trọng tâm của nhiệm kỳ 2015-2020. Việc xây dựng con người thành phố là những công dân thân thiện, văn minh, lịch sự được bắt đầu từ đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động ở công sở, doanh nghiệp và đặc biệt là Nhân dân ở địa bàn dân cư. Vẻ thân thiện của người thành phố được thể hiện từ lối giao tiếp cởi mở, ứng xử hòa nhã, thái độ phục vụ Nhân dân tận tình, chu đáo; là nụ cười của người dân thành phố với khách du lịch; là giữa người với người không có khoảng cách... Hình ảnh công dân thành phố nói lời hay, làm việc tốt, cử chỉ thân thiện ngày càng được nhân rộng. Từ việc tự nguyện thay tấm đan bị hỏng, bị mất; cắm cây, thắp điện sáng báo hiệu các ổ gà, vũng nước, hố sâu trên đường; dọn dẹp các vật dụng trên tuyến đường để người dân lưu thông thuận tiện đến việc cùng nhau nấu bánh chưng, ăn cơm đoàn kết cuối năm hoặc các ngày lễ, tết... đã trở thành việc làm thường thấy ở các khu dân cư. Qua đó, lan tỏa những giá trị nhân văn, những hình ảnh tốt đẹp về người dân đô thị thân thiện, cởi mở và nhiệt tình. Đi cùng với thân thiện là sự văn minh. Nhiều năm qua, thành phố đã tập trung cao cho công tác quy hoạch, quản lý và phát triển hạ tầng đô thị đồng bộ, tạo chuyển biến tích cực, làm cho bộ mặt đô thị ngày càng khang trang, sạch đẹp và tiện ích về mọi mặt.

Diện mạo thôn Phố Môi, xã Quảng Tâm.

Là trung tâm “đầu tàu” của cả tỉnh, việc xây dựng một thành phố văn minh, thân thiện sẽ mang lại cho TP Thanh Hóa nhiều lợi ích, nhất là khu du lịch đang được thành phố xác định là một ngành kinh tế mũi nhọn. Không những thế, sự thân thiện sẽ tạo điều kiện thuận lợi để thành phố mời gọi được nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước, thu hút nhiều dự án lớn làm thay đổi vóc dáng của đô thị trong tương lai... Lợi ích không còn bó hẹp nữa mà sẽ được mở rộng hơn nhiều. Vì vậy, việc xây dựng đô thị văn minh, công dân thân thiện không chỉ là trách nhiệm của lãnh đạo thành phố hay các cấp, các ngành mà còn là trách nhiệm của mỗi công dân.

Khẳng định vị thế đô thị trung tâm

216 năm hình thành và phát triển, TP Thanh Hóa đã và đang khẳng định được vị thế của một đô thị trung tâm. Ngoài những thành tựu đã đạt được, trong tương lai, TP Thanh Hóa sẽ trở thành một thành phố “đáng sống” khi nhiều dự án tầm cỡ đang tiếp tục được quy hoạch và đầu tư. Nổi bật như Dự án Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 khu đô thị mới tại 2 xã Hoằng Quang và Hoằng Long. Dự án có tổng diện tích 292 ha với ý tưởng xây dựng khu đô thị trở thành trung tâm đô thị mới, dịch vụ - tài chính và thương mại của dải đô thị phía Bắc sông Mã; hình thành thành phố hai bên bờ sông với núi Hàm Rồng và sông Mã là điểm nhấn cảnh quan trọng tâm. Kết cấu hạ tầng và không gian kiến trúc khu đô thị mới được xây dựng theo hướng thông minh, sinh thái, hiện đại, áp dụng công nghệ 4.0 và phát triển hài hòa, góp phần nâng cao đời sống kinh tế - xã hội các vùng dân cư hiện hữu xung quanh. Không chỉ thế, Đồ án quy hoạch chung xây dựng hai bên bờ sông Mã đến năm 2030, đoạn từ huyện Vĩnh Lộc đến TP Sầm Sơn được xây dựng với 7 khu chức năng đặc thù, trong đó TP Thanh Hóa có 2 khu là Hàm Rồng - Núi Đọ và vùng lõi ven sông. Đây là khu vực có tiềm năng to lớn để có thể khai thác phát triển du lịch gắn với phát triển đô thị, bảo tồn văn hóa và phát huy giá trị di tích hai bên bờ sông Mã.

Đặc biệt, theo Quyết định 129/QĐ-TTg ngày 25-1-2019 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chung đô thị Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2040 với phạm vi quy hoạch gồm địa giới hành chính TP Thanh Hóa và huyện Đông Sơn. Việc lập quy hoạch chung đô thị Thanh Hóa nhằm nâng cao vai trò, vị thế của đô thị Thanh Hóa thành trung tâm kết nối vùng kinh tế Bắc Trung bộ với các vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng Tây Bắc Việt Nam và Đông Bắc nước CHDCND Lào, với tầm nhìn là một đô thị văn minh, hiện đại, thông minh và có bản sắc phù hợp với yêu cầu tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu, phát huy truyền thống và lịch sử - văn hóa Đông Sơn, sông Mã. Xây dựng đô thị Thanh Hóa là đô thị tỉnh lỵ, trung tâm tổng hợp của tỉnh, đáp ứng vai trò “đầu tàu” kết nối, trung tâm động lực phát triển mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, khoa học - kỹ thuật và an ninh - quốc phòng của tỉnh. Quy hoạch mở rộng đô thị để thu hút đầu tư, phát triển đa dạng các ngành công nghiệp và dịch vụ thương mại, du lịch văn hóa - lịch sử - sinh thái, phát triển nhà ở và thị trường bất động sản. Đồng thời, hoàn thiện và nâng cao chất lượng công trình hạ tầng kỹ thuật, hệ thống hạ tầng xã hội vì chất lượng cuộc sống người dân thành phố.

Với sự chuyển mình mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực, TP Thanh Hóa đã và đang khẳng định vị thế của một đô thị trung tâm. Bước vào nhiệm kỳ mới với khí thế mới, cấp ủy, chính quyền, Nhân dân thành phố tiếp tục chung sức, đồng lòng quyết tâm xây dựng TP Thanh Hóa trở thành đô thị xanh - thông minh, hiện đại.

Bài và ảnh: Thu Vui

3. Bước phát triển mang tầm vóc mới.
TP Thanh Hóa đang có bước chuyển mình mạnh mẽ, đạt kết quả quan trọng trong công cuộc xây dựng và phát triển. Diện mạo mới khang trang, đời sống người dân được nâng lên là minh chứng sinh động cho thành quả lãnh đạo của Đảng bộ, chính quyền thành phố nhiệm kỳ 2015-2020, cùng tinh thần đoàn kết, sự cố gắng vươn lên, quyết tâm phấn đấu với trách nhiệm và tình yêu thành phố của các tầng lớp Nhân dân.

Đảng bộ TP Thanh Hóa phấn đấu xây dựng TP Thanh Hóa văn minh, hiện đại, có bản sắc riêng. Ảnh: Trần Thanh

Nhìn rõ hạn chế, yếu kém để khắc phục

5 năm qua, vượt qua những khó khăn, thách thức, kinh tế - xã hội của TP Thanh Hóa tiếp tục đạt được nhiều kết quả quan trọng và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, dự kiến cả 32/32 chỉ tiêu đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Nổi bật là tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân giai đoạn 2016 - 2020 ước đạt 16,5%. Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 ước đạt 115 triệu đồng, đạt mục tiêu đề ra, gấp 2,5 lần so với năm 2015. Đặc biệt, thu ngân sách giai đoạn 2016 – 2020 ước đạt 22.500 tỷ đồng, chiếm 18,4% tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh, bình quân hàng năm tăng 9,5%; năm 2020 dự kiến đạt 5.500 tỷ đồng, tăng 41,6% so với năm 2015. Toàn thành phố đã thành lập 4.675 doanh nghiệp, nâng tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn lên 6.478 doanh nghiệp, bình quân có 192,3 doanh nghiệp/1 vạn dân, gấp hơn 2,5 lần so với năm 2015. Công tác giảm nghèo được cả hệ thống chính trị và toàn xã hội chung sức thực hiện, tỷ lệ hộ nghèo hàng năm bình quân giảm 0,54%, ước năm 2020 còn 0,13%, giảm 2,99% so với năm 2015 (tương đương 2.486 hộ), vượt mục tiêu đề ra, đến nay có 10 phường, xã không còn hộ nghèo. Đi liền với các bước đột phá về kinh tế - xã hội, bộ mặt đô thị của thành phố cũng được đầu tư lớn, đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật thể hiện qua hàng loạt công trình, dự án được hoàn thiện, đưa vào sử dụng như: Tuyến đường Voi - Sầm Sơn, Đại lộ Nam Sông Mã, Trung tâm Thương mại Vincom, Trung tâm Hành chính thành phố...

TP Thanh Hóa đang thay da đổi thịt từng ngày. Điều đó không chỉ thể hiện ở diện mạo đô thị mà khu vực ngoại thành cũng có nhiều đổi thay toàn diện. Vận dụng những cách làm sáng tạo, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội, 10 năm qua, các xã ngoại thành đã thu được kết quả khả quan thông qua Chương trình xây dựng nông thôn mới (XDNTM). Đáng kể nhất là hệ thống cơ sở hạ tầng nông thôn được đầu tư đồng bộ; khoảng cách thu nhập giữa người dân khu vực ngoại thành và nội thành đã rút ngắn lại. Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người của 17 xã ngoại thành đạt 43,6 triệu đồng/năm, tăng gần gấp 2 lần so với năm 2012. Tỷ lệ hộ nghèo ở các xã sau khi về đích NTM giảm xuống dưới 5%. Đây thực sự là những “quả ngọt” mà TP Thanh Hóa gặt hái được trong XDNTM.

Nhiệm kỳ 2015-2020, Đảng bộ xã Quảng Cát đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trên tất cả các mặt. 23/26 chỉ tiêu kinh tế - xã hội mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ xã lần thứ XXV đề ra đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức. Kinh tế tiếp tục phát triển theo đúng hướng và bền vững; văn hóa - xã hội không ngừng được phát huy, an ninh trật tự được đảm bảo, đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân ngày càng nâng cao. Hết năm 2019, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 42 triệu đồng/năm, dự kiến đến cuối năm 2020 đạt 48 triệu đồng/năm, gấp 2,08 lần so với năm 2015. Từ những bước tiến mạnh mẽ đó, năm 2019, Quảng Cát được công nhận xã đạt chuẩn NTM, sớm hơn 1 năm so với mục tiêu nghị quyết đại hội đảng bộ xã đề ra. Bên cạnh những kết quả đạt được, tại Đại hội đại biểu Đảng bộ xã Quảng Cát lần thứ XXVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 cũng thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế, yếu kém. Đó là việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế của xã còn chậm; các doanh nghiệp mới được thành lập, các loại ngành nghề, dịch vụ tuy có phát triển nhưng chưa mạnh, thiếu tính bền vững. Trên địa bàn xã Quảng Cát chưa xây dựng được các mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả. Để khắc phục những hạn chế yếu kém, nhiệm kỳ 2020-2025, đảng bộ xã xác định: “Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của đảng bộ; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh; huy động mọi nguồn lực cho thúc đẩy phát triển kinh tế, chỉnh trang đô thị, xây dựng Quảng Cát trở thành phường kiểu mẫu năm 2025”.

Với tinh thần nhìn nhận rõ những hạn chế, yếu kém để từ đó xây dựng và hoạch định đúng chiến lược phát triển của thành phố trong chặng đường mới, Dự thảo Báo cáo Chính trị Đại hội Đảng bộ TP Thanh Hóa lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2020-2025 đã chỉ ra: Kinh tế tăng trưởng cao nhưng chưa bền vững, đồng thời, việc tích lũy để tái đầu tư phát triển, nhất là nguồn vốn phục vụ công tác giải phóng mặt bằng và đầu tư các công trình lớn về hạ tầng đô thị đang là vấn đề đặt ra. Đa số các doanh nghiệp quy mô còn nhỏ, sức cạnh tranh yếu, chưa hình thành được những ngành hàng, sản phẩm, doanh nghiệp chủ lực có quy mô lớn. Công tác phối hợp với Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn về cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư trong các khu công nghiệp trên địa bàn còn hạn chế, nhất là nguồn vốn FDI. Hạ tầng các cụm công nghiệp, làng nghề, ngành nghề tiểu thủ công nghiệp chưa được quan tâm đúng mức, thiếu sản phẩm có thương hiệu. Sản xuất nông nghiệp còn manh mún, chưa có định hướng rõ nét và chưa thu hút được các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Bên cạnh đó, môi trường đầu tư kinh doanh của thành phố chưa thực sự thông thoáng, hấp dẫn; cải cách hành chính chưa đáp ứng được yêu cầu; tình trạng nhũng nhiễu của công chức, viên chức, chậm trễ trong giải quyết hồ sơ hành chính vẫn còn xảy ra. Tiến độ thực hiện nhiều dự án còn chậm so với kế hoạch, gây bức xúc cho người dân, như các dự án: đô thị ven sông Hạc, tiêu úng Đông Sơn, mặt bằng quy hoạch 73... Ở lĩnh vực văn hóa - xã hội, các thiết chế văn hóa, thể thao chưa được quan tâm đầu tư đúng mức. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội còn tiềm ẩn phức tạp và phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc chưa thực sự mạnh mẽ. Đối với công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém cần khắc phục. Trong đó, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu ở một số tổ chức cơ sở đảng còn hạn chế, phân công nhiệm vụ cho đảng viên còn gặp nhiều khó khăn; công tác quy hoạch, luân chuyển cán bộ còn có những bất cập. Công tác phát triển đảng viên ở một số xã, phường không đạt mục tiêu đề ra. Kết quả thực hiện các chương trình hành động, khâu đột phá còn có một số hạn chế, không rõ nét, chưa đạt yêu cầu đề ra. Ví dụ như: Chất lượng phục vụ của các loại hình dịch vụ chưa cao, sản phẩm du lịch còn ít. Đầu tư hạ tầng ở nhiều mặt bằng quy hoạch, khu dân cư còn chậm tiến độ, chưa kết nối được với các khu dân cư hiện hữu. Chương trình phát triển công nghiệp chưa được quan tâm đúng mức, hạ tầng cụm công nghiệp chưa được đầu tư hoàn thiện, chưa có sản phẩm mới chủ lực trên thị trường.

Quyết tâm đưa thành phố phát triển lên một tầm cao mới
Trong những ngày này, Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp Nhân dân phường Ba Đình đang ra sức thi đua lập thành tích chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2020 – 2025, cũng như thực hiện nghị quyết đại hội đảng bộ phường lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020-2025. Với phương châm hành động “Đoàn kết, dân chủ, kỷ cương, sáng tạo, phát triển”, nhiệm kỳ 2020 – 2025, đảng bộ phường phấn đấu, thực hiện có hiệu quả 2 chương trình trọng tâm, đó là: Xây dựng phường Ba Đình trở thành “Đơn vị Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới”; tiếp tục thực hiện chương trình xây dựng đô thị văn minh, công dân thân thiện, trong đó tập trung xây dựng phường dẫn đầu thành phố về trật tự đô thị, vệ sinh môi trường, văn minh thương mại, an toàn thực phẩm và chất lượng giáo dục. Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, đảng bộ phường tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh phát triển kinh tế, ưu tiên phát triển các loại hình dịch vụ, thương mại; huy động tối đa các nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng, chỉnh trang đô thị. Đi đôi với phát triển kinh tế, phường chú trọng thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội; triển khai có hiệu quả cuộc vận động “Xây dựng đô thị văn minh, công dân thân thiện”. Bên cạnh đó, đảng bộ phường xác định, làm tốt công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh toàn diện; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của cấp ủy đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên, đặc biệt là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị chính là chìa khóa cho việc thực hiện thành công các mục tiêu của nhiệm kỳ.

Những thành tựu to lớn đã đạt được trong nhiệm kỳ vừa qua chính là điểm tựa vững chắc để tin tưởng toàn đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp Nhân dân TP Thanh Hóa nhận diện rõ những hạn chế, yếu kém, tiếp tục phát huy những bài học kinh nghiệm, chung sức, đồng lòng cống hiến, đóng góp, đưa TP Thanh Hóa phát triển lên một tầm cao mới. Trong Dự thảo Báo cáo Chính trị Đại hội Đảng bộ TP Thanh Hóa lần thứ XXI đã xác định phương hướng, nhiệm kỳ 2020 - 2025, đó là: Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Phát huy sự năng động, sáng tạo, khát vọng thịnh vượng trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân; tâm huyết, trí tuệ, tinh thần nêu gương của đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp để tập trung phát triển kinh tế nhanh và bền vững, trong đó phát triển công nghiệp - xây dựng là then chốt, dịch vụ - thương mại là quan trọng. Đẩy mạnh xã hội hóa và nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa, y tế, giáo dục; thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, nâng cao đời sống Nhân dân. Bảo đảm vững chắc quốc phòng – an ninh. Xây dựng TP Thanh Hóa văn minh, hiện đại; xứng đáng là đô thị tỉnh lỵ, là động lực, lan tỏa trong phát triển kinh tế - xã hội của cả tỉnh.

Giai đoạn 2020 - 2025, thành phố dự kiến đề ra 24 chỉ tiêu trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa - xã hội, môi trường, an ninh trật tự và xây dựng Đảng. Cùng với đó là 3 chương trình trọng tâm và 2 khâu đột phá, gồm: chương trình phát triển các ngành dịch vụ, trọng tâm là dịch vụ du lịch và các loại hình dịch vụ có giá trị gia tăng cao; chương trình xây dựng đô thị văn minh, công dân thân thiện, trọng tâm là “người dân thành phố nói lời hay, làm việc tốt, hành động thân thiện”; Chương trình nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý; xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Đột phá về cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh; trọng tâm là đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và giải phóng mặt bằng. Đột phá về hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật đô thị gắn với ứng dụng những thành tựu công nghệ mới của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để tạo tiền đề xây dựng thành phố thông minh.

Để thực hiện hiệu quả các chỉ tiêu, chương trình trọng tâm và các khâu đột phá của nhiệm kỳ 2020 - 2025, Ban Thường vụ Thành ủy TP Thanh Hóa đã tổ chức lấy ý kiến góp ý dự thảo báo cáo chính trị nhiều lần. Trên cơ sở phát huy trí tuệ của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân để đề ra các nhiệm vụ, giải pháp đồng bộ, sát hợp với tình hình thực tiễn của thành phố. Trong đó, trọng tâm là thực hiện hiệu quả công tác quy hoạch, tập trung là quy hoạch mở rộng TP Thanh Hóa đến năm 2040. Tiếp tục duy trì phát triển kinh tế nhanh và bền vững, tạo chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng tăng trưởng, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh của các ngành kinh tế. Phát triển đô thị bền vững, xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, huy động tối đa các nguồn lực cho đầu tư phát triển. Đi đôi với việc tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, chủ động phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, thành phố tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chất lượng các hoạt động văn hóa - xã hội, chất lượng đời sống Nhân dân; xứng đáng với vị trí là trung tâm khoa học kỹ thuật, y tế, văn hóa, giáo dục của cả tỉnh. Tăng cường bảo đảm quốc phòng - an ninh, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội; đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, tích cực kêu gọi đầu tư và hợp tác quốc tế. Đối với công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, thành phố quyết tâm xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh; nâng cao năng lực lãnh đạo của các tổ chức đảng; phát huy vai trò tiền phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên. Tiếp tục đổi mới hoạt động của HĐND các cấp; nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành, quản lý của UBND từ thành phố đến phường, xã. Đồng thời, đổi mới mạnh mẽ, tạo chuyển biến rõ nét về hiệu quả hoạt động của MTTQ và các đoàn thể.

Tin tưởng rằng những thành tựu quan trọng đạt được qua các nhiệm kỳ, nhất là giai đoạn 5 năm 2015 - 2020 sẽ là tiền đề, là động lực quan trọng để Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân TP Thanh Hóa chung sức, đồng lòng, sáng tạo, phát triển đưa thành phố bước vào giai đoạn phát triển mới với tâm thế, tầm cao mới, quyết tâm xây dựng và phát triển TP Thanh Hóa văn minh, hiện đại, có bản sắc riêng, xứng đáng là trung tâm chính trị, kinh tế - văn hóa - xã hội, khoa học kỹ thuật của tỉnh Thanh.

Trần Thanh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét