31 thg 3, 2019

Những mẩu chuyện về Bác Đồng

Tháng Ba. Nhiều người tìm về xóm Cây Gạo, ở thôn 2, xã Đức Tân (Mộ Đức) để thắp nén hương tưởng nhớ Thủ tướng Phạm Văn Đồng, người con ưu tú của quê hương núi Ấn - sông Trà. Những mẩu chuyện kể về bác Đồng, dẫu từ những điều hết sức giản đơn, nhưng đã khắc sâu trong tâm trí của mỗi người với lòng tôn kính, cảm động khôn nguôi về một con người suốt đời vì dân, vì nước.

“Tôi không có gì hết”


Nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Sy nhớ như in lần bác Đồng về thăm và động viên nhân dân ở huyện Bình Sơn bị thiệt hại bởi cơn lốc lịch sử xảy ra vào tháng 12 năm 1992. Toàn huyện có 115 người bị thiệt mạng. Thời điểm bác Đồng về thăm là vào đầu tháng 1 năm 1993, ông Phạm Sy lúc bấy giờ là Bí thư Huyện ủy Bình Sơn. Ông Sy kể, bác Đồng đã về thăm nhân dân xã Bình Chánh, nơi bị thiệt hại nặng nề nhất. Hôm ấy, người dân đến dự rất đông, hội trường chật cả trong lẫn ngoài.

Nhiều bạn trẻ đến tham quan, tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp của Thủ tướng Phạm Văn Đồng tại Khu lưu niệm ở xã Đức Tân (Mộ Đức). Ảnh: TL 


Nhiều người từ lâu đã nghe nói đến bác Đồng, nhưng chưa một lần gặp mặt, từ trong sâu thẳm tấm lòng mỗi người luôn dành cho bác tình cảm yêu mến, kính trọng. Bởi vậy, khi hay tin bác Đồng về thăm, từ già chí trẻ đều gác lại việc nhà để được gặp bác.

Hôm ấy, Bác đã căn dặn những việc cần làm để nhân dân sớm ổn định cuộc sống; nhất là phải đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau trong lúc khó khăn, hoạn nạn. Bác Đồng nói: “Tất cả bà con ở đây biết tôi đã nghỉ công tác rồi, cho nên tất cả những mất mát của bà con, cần sự giúp đỡ gì tôi sẽ báo cáo Trung ương để giúp đỡ, chứ cá nhân tôi không có gì hết”. Lúc ấy cả hội trường im phăng phắc. Nhiều người ngân ngấn nước mắt, vì đều biết bác Đồng một lòng lo cho dân, cho nước, suốt đời hy sinh cũng chỉ vì hạnh phúc của nhân dân mà không hề nghĩ cho riêng mình. Và, mỗi người như muốn thốt lên rằng: Tài sản bác có được là lòng dân.

“Tôi không biết dùng từ ngữ nào để diễn tả hết tấm lòng vì dân, vì nước của bác Đồng, chỉ có thể nói bác là một tấm gương sáng để mọi người noi theo. Bác Đồng có một tấm lòng lúc nào cũng trăn trở việc của dân, của nước”, ông Phạm Sy nói.

Nhớ mãi về bác Đồng
Suốt nhiều năm làm việc ở Khu lưu niệm Thủ tướng Phạm Văn Đồng, chị Lê Hồng Minh Khuê đã thuyết minh cho rất nhiều đoàn khách trong nước và quốc tế để mọi người hiểu hơn về cuộc đời và sự nghiệp của Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Từ đôi dép đơn sơ của bác, cho đến bộ quần áo đã sờn màu, chiếc xe đạp bác vẫn thường dùng... tất cả gần 800 hiện vật, hơn 240 hình ảnh, 237 tài liệu và 142 đầu sách, chị Khuê cùng với đồng nghiệp hằng ngày vẫn chăm chút bảo vệ, tìm hiểu, nghiên cứu soạn thảo văn bản thuyết minh cho các đoàn khách sao cho dễ hiểu, dễ nhớ.

Hướng dẫn viên giới thiệu một số hiện vật tại Khu lưu niệm Thủ tướng Phạm Văn Đồng. 

Quen thuộc là vậy, nhưng mỗi lần thuyết minh về cuộc đời và sự nghiệp của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, chị Khuê vẫn luôn bùi ngùi xúc động. “Bác Đồng đã hy sinh quá nhiều, hiến dâng toàn bộ cuộc sống của mình cho sự nghiệp vì độc lập dân tộc, vì tự do, hạnh phúc của nhân dân. Điều khiến tôi cảm động nhất là khi nhắc đến gia đình riêng của bác Đồng, bác luôn cảm thấy mình có lỗi với vợ là bà Phạm Thị Cúc”, chị Khuê bộc bạch.

Bác Đồng từng nói: Tôi có suy nghĩ rất nhiều, suy nghĩ đi suy nghĩ lại, để thấy cho hết những gì đã diễn ra và nhằm làm sáng tỏ tất cả những gì là thực chất của sự việc, không phải như vậy để làm giảm bớt nỗi đau buồn, không bao giờ vui của tôi, về căn bệnh của cô Cúc, một người con gái lúc kết hôn với tôi mới khoảng 20 tuổi.

Trước đó, tôi đã biết tình yêu, tình thương, tình quý trọng của người con gái mới lớn lên đối với tôi, hồi ấy đã 40 tuổi. Cho đến bây giờ, ôn đi ôn lại, tôi vẫn không tìm ra câu trả lời, bởi lẽ ở đây như người ta thường nói: Không có câu trả lời, người ta yêu là yêu tất cả, yêu say đắm, yêu không có bờ bến, còn vì sao thì không ai trả lời được. Điều làm cho lòng tôi không bao giờ vui chính là ở chỗ ngay từ buổi đầu tôi có thấy, nhưng chưa thấy hết, chưa đủ, chưa tương xứng, chưa có cách ứng xử có thể nói là bình thường, rất bình thường với những tình cảm biết bao cao đẹp của cô Cúc đối với tôi.

Chị Khuê tiếp tục câu chuyện: Ngay sau ngày cưới (tháng 10.1946), bác Đồng lên đường vào Liên khu V với trọng trách là đại diện Trung ương Đảng và Chính phủ ở Liên khu V. Bác Đồng nghĩ sau khi sắp xếp công việc đâu vào đấy thì sẽ đón cô Cúc vào, nhưng ít lâu sau cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Nhớ thương chồng, suốt nhiều tháng trời bà Cúc đã lặn lội đi bằng đường bộ vào Quảng Ngãi, trải qua nhiều khó khăn, gian khổ.

Ở Quảng Ngãi khoảng sáu, bảy tháng, đến tháng 2.1949, bác Đồng được Trung ương gọi ra Bắc. Bác Đồng cùng với bà Cúc đã vượt dãy Trường Sơn, trải qua hơn 4 tháng ròng vất vả mới về đến Việt Bắc. Về phần bà Cúc, sau khi sinh một người con trai, sức khỏe bà Cúc dần yếu đi... Bác Đồng vẫn canh cánh suy nghĩ và thương bà Cúc. Về sau, khi sức khỏe bà Cúc tốt hơn, bác vui nhiều lắm. Thế đấy, cả cuộc đời của bác Đồng dành cho sự nghiệp cách mạng mà vẫn giữ trọn đạo làm chồng, làm cha, đó là điều khiến cho bao người xúc động và trân quý bác nhiều hơn.

Bài, ảnh: PHƯƠNG LÝ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét