20 thg 3, 2019

Xuyên rừng khám phá núi Cấm

Đó là tour du lịch hoàn toàn mới cho những ai yêu thích thiên nhiên, thích tự mình khám phá những điều thú vị. Thực hiện một chuyến xuyên rừng trên núi Cấm, tìm hiểu những loài thuốc quý, cuộc sống an nhiên, tự tại của cư dân nơi đây và thưởng thức đặc sản núi rừng là những trải nghiệm rất khó quên.

Giữ rừng như giữ nhà 


Gắn bó gần cả đời với cánh rừng ở khu vực vồ Bạch Tượng (núi Cấm), ông Phạm Văn Hải coi việc đi thăm rừng, chăm sóc cây rừng, trồng cây thuốc như công việc thường nhật. Từng thân cây rừng, từng loại thảo dược ở vồ Bạch Tượng, ông Hải gần như biết hết. Những cư dân nơi đây, ông đều quen mặt. Ông “thuộc” những con đường rừng như trong lòng bàn tay. Trong đó có nhiều con đường dốc đứng, ngoằn ngoèo do chính ông Hải và những cư dân núi Cấm chung tay mở đường, lót đá trong suốt nhiều năm mới xong. “Hôm nào không đi thăm rừng lại thấy buồn. Có nhiều bữa vào rừng đã quá trưa, tôi ghé nhà những cư dân nơi đây ăn cơm, nghỉ ngơi, chiều lại về nhà. Ở núi Cấm này, mọi người đùm bọc, xem nhau như bà con thân thuộc” - ông Hải bộc bạch.

Cũng là một người gắn bó lâu năm với công tác bảo vệ rừng, ông Bành Thanh Hùng, Trưởng phòng Bảo vệ rừng và Bảo tồn thiên nhiên (Chi cục Kiểm lâm An Giang) như có mối lương duyên với vùng Bảy Núi, đặc biệt là tình cảm với núi Cấm. Hơn 20 năm trước, ông Hùng là người đã “kết duyên” những hộ dân tham gia giao khoán trồng và bảo vệ rừng trên núi Cấm. Hiện nay, nhiều hộ vẫn coi nơi đây là nơi định cư lâu dài. “Họ thủy chung với rừng, xem rừng như nhà nhưng bao năm qua, cuộc sống vẫn còn khó khăn, vất vả. Cần phát triển kinh tế rừng, nâng cao thu nhập, đời sống cư dân núi Cấm để xứng đáng với những gì họ đã bỏ ra” - ông Hùng tâm tư.

Dựa vào những gắn bó với rừng nhiều năm, ông Hùng đã nghiên cứu đề tài và đề xuất Chi cục Kiểm lâm triển khai mô hình “Bảo tồn và trồng cây thuốc dưới tán rừng phòng hộ đầu nguồn”, với quy mô 22ha, tại tiểu khu 08, khoảnh 05, 06, thuộc vồ Bạch Tượng (ấp Vồ Đầu, xã An Hảo, Tịnh Biên). Từ năm 2017 đến nay, ông Hùng cùng Ban Quản lý rừng phòng hộ và những người tích cực như ông Phạm Văn Hải đã nỗ lực trồng, tái tạo nhiều loại cây thuốc, xây dựng khu bảo tồn và phát triển cây dược liệu trên núi Cấm. 

Muốn khám phá rừng núi, phải băng qua những đoạn dốc 

Trồng cây xạ đen trên núi Cấm 

Ông Bành Thanh Hùng bên con suối tự nhiên ở vồ Bạch Tượng 

Tiềm năng du lịch khám phá


“Núi Cấm là ngọn núi nổi tiếng linh thiêng nhất trong dãy Thất Sơn hùng vĩ. Nơi đây có nhiều giai thoại huyền bí, tồn tại bao đời, thu hút sự tò mò của du khách. Khí hậu núi Cấm mát mẻ, trong lành, thanh khiết, được ví như “Đà Lạt thứ 2” của Việt Nam. Đây là yếu tố được du khách ưa thích. Tuy nhiên lâu nay, phần đông khách tham quan đến núi Cấm chủ yếu là du lịch tâm linh, đến viếng chùa lễ Phật rồi về. Trong khi đó, tiềm năng khai thác du lịch khám phá vẫn chưa được khai thác” - ông Bành Thanh Hùng đánh giá.

Theo Trưởng phòng Bảo vệ rừng và Bảo tồn thiên nhiên, với mô hình “Bảo tồn và trồng cây thuốc dưới tán rừng phòng hộ đầu nguồn”, có thể kết hợp phát triển du lịch sinh thái, xây dựng tour cho du khách băng ngang cánh rừng qua những đường mòn, lối mở. Khách có thể tìm hiểu về cây rừng, dược tính của các loại cây, cuộc sống độc đáo của cư dân miền sơn cước. Hướng dẫn viên cũng chính là những người giữ rừng. Với sự am hiểu của họ về núi Cấm, du khách có thể khám phá tường tận những hang, điện, vồ đá, con suối từng gắn với nhiều giai thoại, tâm linh. Kết thúc hành trình khám phá xuyên rừng, du khách có thể thưởng thức món bánh xèo rau rừng đặc trưng núi Cấm, cảm nhận món gà leo núi do cư dân nuôi thả tự nhiên, uống ly sâm rừng mát lạnh…

Ông Hùng cho biết, bên cạnh công tác bảo vệ rừng phòng hộ đầu nguồn, tái tạo cây thuốc trong phạm vi dự án, Chi cục Kiểm lâm An Giang còn khuyến khích doanh nghiệp liên kết với người dân trồng cây dược liệu trên núi Cấm. Doanh nghiệp cung cấp giống, người dân tham gia trồng, chăm sóc và được doanh nghiệp thu mua lại sản phẩm nên không lo đầu ra. Hiện nay, ở vồ Bạch Tượng, Cơ sở sản xuất dược liệu Thảo An (TP. Long Xuyên) đã triển khai trồng thử nghiệm cây xạ đen, loại dược liệu quý có nguồn gốc từ vùng núi Tây Bắc. Cây phát triển tốt, tiềm năng mở rộng mô hình liên kết với người dân khá lớn. “Việc doanh nghiệp đầu tư trồng cây thuốc vừa giúp bảo tồn, phát triển các giống cây dược liệu quý, vừa tăng thu nhập cho cư dân vùng núi để họ yên tâm giữ rừng. Những cây thuốc quý sẽ là yếu tố thu hút du khách thích khám phá. Họ được tận mắt chứng kiến sự phát triển của cây, tìm hiểu dược tính, tác dụng chữa bệnh nên hiểu rõ nguồn gốc, yên tâm mua sản phẩm về sử dụng” - ông Hùng phân tích.

Chị Quách Yến Phượng, chủ Cơ sở sản xuất dược liệu Thảo An, là một người đam mê khởi nghiệp. Chị tỏ ra hứng thú với ý tưởng phát triển du lịch khám phá núi Cấm. “Việc xây dựng tour băng rừng sẽ tạo sức hút với người trẻ hiện nay. Họ có thể lên đỉnh núi Cấm bằng cáp treo, di chuyển qua vồ Bạch Tượng bằng xe máy rồi đi bộ men theo các lối nhỏ, đồi dốc khám phá núi rừng. Bên cạnh đó, có thể xây dựng những mô hình cho du khách cùng tham gia với người dân như: tự tay hái sâm núi vò nước, tự thu hoạch khổ qua rừng, hái rau rừng, tham gia bào chế cây thuốc… Khi được thưởng thức, mang về những sản phẩm do chính mình làm ra, du khách càng có những trải nghiệm thú vị hơn” - chị Phượng đề xuất. 

Bạn Hiếu Nguyễn check-in một điểm khám phá được 

“Giới trẻ ngày nay thích du lịch khám phá, tức phải tự mình tìm ra những điều thú vị, dù có vất vả hơn so với mô hình “sắp đặt” sẵn nhưng giúp trải nghiệm có ý nghĩa hơn. Chính trào lưu check-in, selfie, livestream, xây dựng group Zalo, Facebook, kênh riêng trên YouTube… của giới trẻ sẽ giúp quảng bá mô hình du lịch xuyên rừng khám phá núi Cấm rộng rãi hơn. Vấn đề quan trọng là cần có những điểm nhấn ấn tượng trong tour du lịch mới này”- bạn Hiếu Nguyễn, người tham gia tour du lịch thử nghiệm cùng Chi cục Kiểm lâm An Giang, nhận xét.

NGÔ CHUẨN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét