21 thg 3, 2019

Cây gạo 150 năm tuổi được công nhận cây di sản ở Quỳnh Lưu

Trải qua hơn 150 năm thăng trầm cùng lịch sử dân tộc và vượt mọi thiên tai, bão gió, cây gạo ở xóm 4, xã Quỳnh Lương, huyện Quỳnh Lưu vẫn sừng sững vươn mình nẩy lộc, đâm chồi, tỏa bóng mát, nở hoa rực rỡ giữa đường làng. 

Cây gạo đặc biệt có tuổi đời hơn 150 năm này có đường kính thân cây gần 4m, chiều cao hơn 30m, tỏa bóng trên một diện tích rộng lớn giữa xóm 3 và xóm 4, xã Quỳnh Lương. Trên gốc cây gạo có nhiều cành, tán lá sum suê. 

Cây gạo hơn 150 năm tuổi ở Quỳnh Lương, Quỳnh Lưu. Ảnh: Hồ Chiến 

Những ngày này, cây gạo vươn mình nở từng chùm hoa đỏ rực rỡ cả một khoảng trời khiến ai đi qua cũng không kiềm được ngước nhìn thích thú. Người dân nơi đây chẳng ai rõ cây gạo lớn lên trên đất này tự lúc nào, chỉ biết suốt bao năm qua cây vẫn sừng sững đứng đó, chứng kiến bao biến cố thăng trầm của ngôi làng.

Cây gạo đã trải qua nhiều thăng trầm lịch sử. Ảnh: Hồ Chiến 

Sử sách còn ghi, ngày 3/2/1930, trên cơ sở phát triển mạnh mẽ của phong trào yêu nước và đội ngũ công nhân Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập. Ngày 20/4/1930, Huyện ủy lâm thời Quỳnh Lưu được thành lập và ra tờ báo "Lao động" làm cơ quan ngôn luận, truyền bá Chủ nghĩa Mác - Lê nin, hướng dẫn quần chúng đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc, phong kiến, giành độc lập dân tộc. Phong trào ngày một lên cao, Huyện ủy đã cử đồng chí Phan Hữu Khiêm về gây dựng cơ sở đảng ở vùng Bãi Ngang. Lớp thanh niên tiên tiến đã hăng hái nhận truyền đơn, giấu trong giỏ cá và bí mật rải truyền đơn ở khắp các đình, đền, cắm cờ Đảng trên đỉnh cây gạo của làng để cổ vũ tinh thần cách mạng. 

Góc cây to lớn tràn đầy nhựa sống. Ảnh: Hồ Chiến 

Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, cây gạo là “lá chắn” cho nhiều mục tiêu trung tâm chính trị, hành chính của địa phương, góp phần bảo vệ xóm làng thoát khỏi các cuộc mưa bom bão đạn của địch. Nơi đây cũng chính là nơi hội tụ của lớp lớp thanh niên trước lúc lên đường nhập ngũ vào chiến trường chống Mỹ cứu nước, địa điểm tổ chức các buổi liên hoan, văn nghệ tiễn đưa tân binh; đồng thời, cũng là nơi che chở cho trạm xá xã trong chiến tranh. Trải qua thời gian, cây gạo trăm tuổi vẫn vươn mình mạnh mẽ, trở thành nơi nghỉ mát lý tưởng cho người nông dân mỗi khi đi làm đồng về và là nơi chơi đùa thân thuộc trong tuổi thơ lũ trẻ làng. 

Chứng nhận Cây gạo di sản của Việt Nam. Ảnh: Hồ Chiến Sau khi được các nhà khoa học xác định tuổi thọ khoảng hơn 150 năm, vào tháng 12/2015, cây gạo đã chính thức được Hội Sinh vật cảnh công nhận cây gạo di sản của Việt Nam. 

Diệp Phương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét