19 thg 1, 2016

Vẻ đẹp độc đáo của tu viện Tả Phìn ở Sa Pa

Nằm giữa núi rừng của Sa Pa, dù đã trải qua gần cả thế kỷ thăng trầm nhưng khu tu viện Tả Phìn vẫn mang nét văn hóa, kiến trúc độc đáo mà không nơi nào có được.

Những đường nét cổ kính được phủ lớp rêu phong của thời gian khiến cả khu tu viện Tả Phìn trở thành điểm khám phá thú vị và đặc sắc 

Di tích nhà thờ đá nằm giữa thị trấn Sa Pa vốn đã quá quen thuộc với du khách với lối kiến trúc độc đáo cùng dáng vẻ đẹp mãi cùng thời gian. Tuy nhiên, nếu bạn hỏi người dân phố núi đường tới nhà thờ đổ Tả Phìn thì bạn sẽ được chiêm ngưỡng một công trình kiến trúc độc đáo khác nằm giữa mây và núi. Nhiều người chỉ biết đây là một phế tích mà chưa biết rằng nơi đây chính là một tu viện từ thời xa xưa.

Tu viện có tuổi đời đã gần 80 năm này giờ chỉ còn lại những bức tường đá xám lạnh với rong rêu, không mái che, không cửa, nằm trên một ngọn đồi nhỏ lẫn cả với vườn của những người dân tộc Dao. Tuy đã bị tác động bởi con người và thời gian, nhưng khu phế tích vẫn mang những vẻ đẹp rất riêng mà không nơi nào có được. Nhất là vào mùa xuân, khi những cành đào phía trước sân và đường vào nở thắm xen lẫn với màu thời gian in hằn trên đá khiến tu viện xưa như được “tái sinh” lại cảnh huy hoàng quá khứ.

Tu viện Tả Phìn nằm cách Sa Pa chừng 15km, từ trung tâm thị trấn bạn đi ngược lại theo hướng về Lào Cai chừng 6km, gặp ngã ba (có biển chỉ dẫn) rẽ trái đi tiếp sẽ tới bản Tả Phìn. Ngoài khu phế tích tu viện, Tả Phìn còn có làng dệt thổ cẩm với rất nhiều sản phẩm được thêu tay bởi những người phụ nữ Dao, Mông khéo tay. Nếu muốn mạo hiểm có thể khám phá hang động Tả Phìn hoặc đi bộ quanh bản cũng rất thú vị. 

Theo nhiều tài liệu lịch sử, vào năm 1942 có 12 nữ tu theo lối khổ hạnh thuộc dòng Nữ tu của Hội thánh Kito cải giáo từ Nhật Bản đến Lào Cai để sinh sống và truyền đạo. Quan toàn quyền Bắc Kỳ khi đó đã ký khế ước có giá trị lâu dài chuẩn y việc cấp cho đoàn nữ tu khu đất bỏ hoang cạnh Trạm nghiên cứu giống cây ăn quả Tả Phìn.

Họ được cấp gia súc, gia cầm và nhiều nông cụ khác nhau để sinh sống và phục vụ khách du lịch cùng quân nhân lên nghỉ mát. Không lâu sau đó, những sản phẩm từ bơ sữa, mứt táo, mứt đào của các nữ tu làm ra đã trở thành đặc sản của Tả Phìn.

Toàn bộ tu viện được làm chủ yếu bằng đá và một phần gạch (ở các cổng vòm), tường xây khá dày giúp tạo sự yên tĩnh khi vào trong vừa có tác dụng giữ ấm vào mùa đông và mát mẻ khi mùa hè. Các cửa sổ đều được thiết kế dạng mái vòm theo kiến trúc Roman. Những cột trụ được trước hiên được đục từ đá nguyên khối và ghép với nhau bằng chất liệu đặc biệt (được cho là từ vôi và mật mía). 

Tổng thể, tu viện gồm một nhà 5 gian có hướng chính quay về phía tây, cao 3 tầng, chính là chỗ ở và sinh hoạt của các nữ tu 



Ngay sát cạnh là khu nhà nhỏ tiếp nối và vuông góc với nhà chính được cho là bếp và nơi cất giữ lương thực thực phẩm 






Toàn bộ khu nhà hiện nay đã không còn phần mái, chỉ còn lại ống khói, việc san lấp đất đã khiến tầng trệt nằm sâu dưới đất như tầng hầm 


Phía trước khu nhà là một hành lang dài, rộng nhưng cũng đã bị phá hủy chỉ còn lại những cửa sổ, cổng vòm, cột 



Tu viện nằm trên một ngọn đồi nhỏ lẫn cả với vườn của những người dân tộc Dao. 

Tới năm 1945, do tình hình an ninh bất ổn nên đoàn nữ tu đã phải di tản về Hà Nội, bỏ lại tu viện bị đốt phá hoang tàn. Từ đó đến nay, khu tàn tích tu viện đã trải qua nhiều lần bị tàn phá và mất trộm các đồ đạc cũng như vật liệu, ngói. Dù vậy, những đường nét và vẻ đẹp kỳ bí mang đậm phong cách kiến trúc châu Âu vẫn phần nào cho thấy quy mô, tầm vóc của công trình.

Trần Giáp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét