21 thg 1, 2016

Hẹn ước Phiêng Lanh

Hẹn hò mãi cuối cùng chúng tôi cũng trở lại Phiêng Lanh, thị trấn mới của Quỳnh Nhai bên lòng hồ sông Đà sau khi thủy điện Sơn La tích nước. 

Một góc sông Đà ở Quỳnh Nhai - Ảnh: Thủy Trần 

“Trời xanh như rút ruột mà xanh
Sông thì biếc như vặn mình mà biếc”.

Chưa bao giờ thấy “Ở giữa cây và nền trời” của tác giả Thi Hoàng lại đẹp đến vậy. Ở đây tôi đã mạn phép tác giả đổi một từ, “mây” thành “sông”.

Ngày trở lại

Lần đầu tiên chạy qua cầu Pá Uôn bắc ngang sông Đà, cây cầu có mố trụ cao nhất Đông Nam Á, cao tới cả trăm mét là vào ban đêm.

Từ trên đường 279 nhìn xuống lòng hồ, lồng nuôi cá thắp đèn sáng lấp loáng dàn trên mặt nước tối sẫm, dải núi dài in hình trên nền trời cô lặng, thấy tiếc làm sao khi không được ngồi nơi đây đón đợi hoàng hôn.

Cuộc sống cuốn tôi đi. Những địa danh Mường Giôn, Phiêng Lanh, Chiềng Bằng, Mường Giàng trốn thật sâu trong ký ức, đôi khi trở về thành phố qua một tin nhắn trên điện thoại hay Facebook, bạn hỏi có muốn trở lại Quỳnh Nhai?

Cuối năm 2012, triển lãm ảnh “Thắm tình đẹp cảnh” của nhóm nhiếp ảnh gia yêu quý Quỳnh Nhai, ghi nhận vẻ đẹp của một vùng đất đã hi sinh cao cả cho thủy điện Sơn La và quá trình chuyển đổi quê hương của những người con xứ sở hoa ban, nhưng thêm một lần nữa tôi lại lỗi hẹn với Phiêng Lanh.

Ba năm sau, phải lên lịch và hẹn hò cả tháng, chúng tôi mới quay lại “nơi sông Đà dừng lại” vào một ngày thu trong vắt đến nao lòng. 

Nếu nối ngã ba Chiềng Pấc (Sơn La) trên quốc lộ 6 với ngã ba Mường Kim (Than Uyên, Lai Châu) trên quốc lộ 32 bằng tỉnh lộ 107 và quốc lộ 279 thì thị trấn mới của Quỳnh Nhai là Phiêng Lanh nằm ở quãng chính giữa, cách mỗi bên chừng 100km. 

Đó có thể là một trong những lý do khiến thủ phủ cũ Mường Chiên và cả thủ phủ mới Phiêng Lanh trở thành vùng đất đèo heo hút gió ít dấu chân người. 

Hồ tích nước của thủy điện Bản Chát - Ảnh: Thủy Trần 

Một ngôi nhà của người Thái ở Tà Hừa, Than Uyên, Lai Châu giáp ranh với huyện Quỳnh Nhai - Ảnh: Thủy Trần 

Vẻ đẹp của biển hồ lớn nhất Tây Bắc trong sớm mai... - Ảnh: Thủy Trần 

... và trong chiều muộn - Ảnh: Thủy Trần 

Nếu trước khi bước vào hành trình di dân lớn nhất trong lịch sử Quỳnh Nhai để phục vụ thủy điện Sơn La, người dân chỉ biết đến thế nào là đường nhựa với mấy cây số đường nội huyện thì nay từ quốc lộ 6 sang quốc lộ 32 bằng lối cầu Pá Uôn - Phiêng Lanh, đường nhựa đã trải hàng trăm kilômet, đẹp hơn đường mía lúc cô sánh lại trên bếp củi hồng.

Pá Uôn là cây cầu bắc trên sông Đà, cây cầu có mố trụ cao nhất Đông Nam Á, nối hai bờ con sông Đà huyền thoại, con sông đã gắn bó và trở thành người mẹ hiền vĩ đại với biết bao con người đã sinh ra, lớn lên, gắn bó và chết đi bên dòng sông.

Từ ngã ba Mường Kim, chúng tôi rẽ vào đường 279. Đi được gần chục cây số thì gặp thủy điện Bản Chát trên sông Nậm Mu, phụ lưu cấp 1 của sông Đà. Công trình khi đó vẫn ngổn ngang vật liệu, dù chưa thật sự hoàn thiện nhưng việc tích nước đã được tiến hành, tạo thành những vùng lòng hồ xanh yên bình bên cạnh quốc lộ 279.

Dừng xe nơi Tà Hừa, xã cuối cùng của Than Uyên giáp với Quỳnh Nhai, một ngôi nhà của người Thái nằm cô độc bên đường, thấy có gì như cồn cào, nôn nao trong dạ. Hỏi thăm thì được biết gia đình mới chuyển tới nơi này định cư, bán hàng vặt và nuôi thả dăm con gà, đôi ba con lợn.

Nắng lên rất cao. Mường Giôn đã ở lại sau lưng tự khi nào và cầu Pá Uôn đã hiện ra trong tầm mắt. Đường đẹp thế, nhoắng một cái đã có mặt trên đất Chiềng Ơn.

Nước lên rất cao, có lẽ đã cao đến gần cos 218 là mức tích nước cao nhất của thủy điện Sơn La không chừng. Bạn đang đợi ở điểm đấu nối giữa quốc lộ 279 và tỉnh lộ 107, Mường Giàng để ăn trưa.

Bữa cơm với tôm thả trong lòng hồ sông Đà rang với đường và xả, có rắc thêm chút lá chanh thơm nức.

Trong lòng "biển hồ" Tây Bắc

Đã hẹn với người lái đò máy trên sông Đà sẽ làm một chuyến ngược dòng, chúng tôi rời 279 xuống sát bờ sông Đà, nơi trên bến dưới thuyền có tên gọi bến đò Phiêng Lanh.

Len lỏi qua lồng nuôi thủy sản tạm trước khi lên xe chuyên dụng vận chuyển đi xa và những thuyền nhỏ khác đang neo mình ngơi nghỉ, chúng tôi lên một chiếc thuyền đã nổ máy đợi sẵn, bắt đầu hành trình lãng du trong lòng “biển hồ” Tây Bắc, đoạn sông Đà thuộc Chiềng Bằng và Chiềng Ơn. 

Du thuyền trên lòng hồ - Ảnh: Thủy Trần 

Cầu Pá Uôn trên sông Đà ở Chiềng Ơn - Ảnh: Thủy Trần 

Lồng nuôi cá trên lòng hồ sông Đà - Ảnh: Đức Hùng 

Dòng sông Mẹ của đồng bào Tây Bắc - Ảnh: Thủy Trần 

Vừa mới chạy trên cầu Pá Uôn, nay đã ngồi thuyền đi dưới gầm cây cầu ân tình của đồng bào Tây Bắc. Lòng hồ xanh biếc, hai bờ là hai bức tranh đối lập, một bên là núi đá lạnh lẽo, bên kia lại là tấm gương phản chiếu sự ấm áp vàng ruộm của mặt trời.

Chúng tôi đã không nhận ra đâu là đoạn rộng nhất của lòng hồ dài tới 1,5km trên địa phận xã Chiềng Ơn, bởi lẽ ở giữa dòng chảy mới thấy mình quá mong manh và bé nhỏ giữa biển nước mênh mông.

Người lái đò bảo hằng ngày vẫn có thuyền từ Phiêng Lanh ngược xuôi sông Đà để tới lui Sìn Hồ hay Mường Tè, tất nhiên còn tùy vào thời tiết. Tôi tự hỏi nếu để cả một ngày lênh đênh trên dòng sông Đà kiêu hùng và ngạo nghễ, tôi có dám hay không.

Những hi sinh thầm lặng

Trong câu chuyện tái định cư ở Quỳnh Nhai, câu chuyện mà nói cả ngày không hết với bạn đồng hành nhiếp ảnh gia Phạm Hoài Thanh, một trong những người đã gắn bó với Quỳnh Nhai suốt những tháng năm của cuộc di dời lịch sử, mới hiểu được phần nào những hi sinh cao cả của đồng bào nơi đây.

Những bức ảnh đồng bào rời bỏ quê cha đất tổ, rời bỏ cả mồ mả tổ tiên, những gánh gánh gồng gồng từng cây cột nhà, từng viên ngói đỏ, từng mái tranh cũ, từng con trâu, con chó, bữa cơm cuối cùng trên nền nhà đã dỡ, xung quanh cây cối xác xơ thật sự khiến tôi nghẹn ngào.

Nếu không phải vì dòng điện của Tổ quốc, hẳn sẽ không ai ở Mường Chiên hay Pắc Ma muốn rời bỏ nơi chôn rau cắt rốn của mình.

Chúng tôi dừng lại ở bản Pom Sinh 1 và Pom Sinh 2 thuộc xã Chiềng Bằng, nơi những người Thái đã không di dân tới nơi định cư mới mà trở về ven sông Đà tự lập bản tái định cư trên một doi đất xưa hẳn là một ngọn núi nay đã trở thành ngọn đồi khi thủy điện Sơn La tích nước.

Họ tự chọn hình thức di vén tại chỗ thay vì đến một nơi xa lạ và không phù hợp với tập quán sinh hoạt truyền thống. Cho đến ngày chính quyền công nhận đây là bản tái định cư tập trung. 

Một góc lòng hồ Sông Đà nhìn từ Mường Giang - Ảnh: Thủy Trần 

Bến gội đầu của người Thái ở bản Pom Sinh, Chiềng Bằng - Ảnh: Đức Hùng 

Phơi cá - Ảnh: Đức Hùng 

Bà cụ người Thái mang chút lạc luộc ra đãi khách - Ảnh: Đức Hùng 

Bản tái định cư của người Thái ven sông Đà - Ảnh: Thủy Trần 

Tôi đứng trên bến gội đầu, không phải ngày 30 tết, cá hồ phơi rải kín trên sàn ximăng. Cặp vợ chồng người Thái đang vương những nắm cá cuối cùng trước khi người lên núi, kẻ xuống thuyền, mỗi người mỗi việc mới.

Cho dù ngày mai của công cuộc tái định cư còn chất chồng gian khó, tôi vẫn thầm ước có một ngày cuối năm vui như tết, những cô gái Thái xinh đẹp mang nước gạo ủ chua ra bến sông Đà, thực hiện nghi lễ gội đầu chia tay năm cũ, đón chào một mùa xuân mới trong niềm hạnh phúc hân hoan. 

THỦY TRẦN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét