1 thg 12, 2015

Ngày thu vắng lặng nơi thành Cổ Loa

Khu di tích Cổ Loa nằm trên địa phận 3 xã Cổ Loa, Dục Tú và Việt Hùng thuộc huyện Đông Anh (Hà Nội), cách trung tâm thủ đô Hà Nội khoảng 17km về phía bắc đi theo hướng cầu Nhật Tân hoặc cầu Thăng Long.

Con đường dẫn đến trung tâm thành 

Tới Cổ Loa trong một ngày thu trời xanh cao khiến tâm hồn tôi thoải mái hơn bao giờ hết. Rẽ vào con đường dẫn đến trung tâm thành, những cảm giác đan xen lập tức hiện lên trong tôi. Cảm giác thanh bình đến từ dòng nước chảy lờ lững bên trái, còn bên phải là cánh đồng trải rộng mênh mông dưới ánh nắng, phía trên là những tán xà cừ xòa bóng che bớt đi cái nắng của một mùa đông đến muộn. Thêm vào đó là cảm giác về một điều rất linh thiêng, hào hùng như vẫn còn tồn tại từ thời An Dương Vương dậy lên trong tâm trí tôi 

Cổ Loa ngày nay không chỉ là một di sản văn hóa, một bằng chứng về sự sáng tạo, về trình độ kỹ thuật cũng như văn hóa của người Việt cổ trong công cuộc giữ nước và chống ngoại xâm mà còn là một điểm đến lý tưởng cho các du khách thập phương muốn khám phá những giá trị văn hóa, những hình ảnh quen thuộc của một làng quê Bắc Bộ thanh bình.

Đền Vua hiện lên trong nền trời xanh trong của mùa thu như những gì tôi tưởng tượng về một câu chuyện thần thoại về thần Kim Quy giúp đỡ An Dương Vương xây thành và về câu chuyện tình Mị Châu – Trọng Thủy 

Nhìn toàn cảnh, bố cục kiến trúc và nghệ thuật xây dựng thành Cổ Loa, đình, giếng, đền, am, miếu,…là một bức tranh hoàn chỉnh về mọi mặt 

 Giếng Ngọc nơi tương truyền rằng Trọng Thủy vì nhớ tiếc Mỵ Châu không nguôi đã gieo mình xuống giếng và chết và cũng là nơi có nguồn nước dùng để rửa ngọc trai thì ngọc sáng lên bội phần. Họa sĩ Khả Liễu, một người quê ở Cổ Loa đã kể với tôi hồi anh còn nhỏ, có những lần anh bơi ra giếng lấy nước cho khách tham quan thử rửa ngọc trai của họ và quả nhiên những viên ngọc đã sáng bóng lên rất nhiều. Anh còn kể rằng khi ấy nước giếng rất trong nhưng đến sau này vì bùn đã che lấp mạch nước nên nước giếng mới có màu xanh 

Đến Cổ Loa tôi được nghe những câu chuyện đầy màu sắc cổ tích và thần thoại của những người già nơi đây kể lại. Bên cạnh đó còn là những niềm tự hào về một quá khứ hào hùng của dân tộc, sự sáng tạo, trình độ kỹ thuật cũng như văn hóa của người Việt cổ trong công cuộc giữ nước và chống ngoại xâm 

Bức tượng vị tướng Cao Lỗ - người được tương truyền đã sáng tạo và vận hành nỏ thần, đã bao lần đánh tan quân xâm lược của Triệu Đà được đặt trước khuôn viên đền thờ ông 

Giếng Cổ, nằm trong khuôn viên đền thờ tướng Cao Lỗ có miệng hình bát quái rất lạ mắt 

Cảnh vật nơi cổng đền thờ tướng Cao Lỗ 

Kiều Dương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét