9 thg 12, 2015

Bảo tàng Lịch sử Việt Nam TPHCM

Ở Sài Gòn có một điểm đến 3 trong 1, cùng tại địa chỉ số 2 Nguyễn Bỉnh Khiêm, phường Bến Nghé, quận 1. Đó là Thảo cầm viên - Bảo tàng - Đền thờ Hùng Vương. Từ hồi tui còn nhỏ xíu, mỗi lần nghỉ hè được cho đi Sài Gòn chơi, là thế nào cũng được tới đây, và thăm cả 3 nơi này. Thật ra, đi chơi Sở thú (Thảo cầm viên) là chính, 2 nơi còn lại chỉ là sẵn tiện thăm qua thôi.

Mặc dù cùng một địa chỉ, nhưng Thảo cầm viên và Bảo tàng do những đơn vị quản lý khác nhau (khuôn viên bảo tàng được tách ra khỏi thảo cầm viên). Còn đền thờ Hùng Vương thì nằm trong khuôn viên Thảo cầm viên, nhưng lại thấy website của Bảo tàng xem đó là một bộ phận của bảo tàng. Không biết đền thờ có thuộc sự quản lý của Bảo tàng không hay lại thuộc một đơn vị thứ ba?



Hồi xưa, bảo tàng này là viện bảo tàng lớn nhất nước (VNCH) và mang tên là Viện Bảo tàng Quốc gia Việt Nam (trực thuộc Bộ Quốc gia Giáo dục). Sau 1975, qua mấy lần thay tên đổi họ, bây giờ bảo tàng mang tên chính thức là Bảo tàng Lịch sử Việt Nam - Thành phố HCM. Sao đã Việt Nam lại còn TPHCM? Ừ, vậy đó, bởi vì Sài Gòn đâu phải thủ đô, nên bảo tàng quốc gia phải nằm ở Hà Nội kia! Bảo tàng quốc gia hiện giờ chính là Bảo tàng Viễn Đông Bác cổ ngày xưa, nằm ở Hà Nội. Tên chính thức là Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (không có chữ Hà Nội) hoặc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. Điều hơi ngộ ngộ là website chính thức của 2 bảo tàng có tên gần giống nhau, và ai cũng xưng mình là bảo tàng lịch sử Việt Nam, hổng có Hà Nội hay TPHCM gì ráo! Website của Bảo tàng Lịch sử Việt Nam - Thành phố HCM là http://baotanglichsuvn.com, còn website của Bảo tàng Lịch sử Việt Nam là http://baotanglichsu.vn!

Khách quan mà nói, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam ở Hà Nội có quy mô hơn hẳn Bảo tàng Lịch sử Việt Nam - Thành phố HCM, về diện tích, về công trình xây dựng và về số hiện vật. Chính vì vậy, lượng người đến tham quan viện bảo tàng này cũng vượt xa bảo tàng ở TPHCM. 


Như đã nói trên, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam - Thành phố HCM cùng địa chỉ với Thảo cầm viên, nên thường người ta chỉ kết hợp thăm bảo tàng sau khi đã dạo chơi Thảo cầm viên. Điều này tưởng chừng giúp cho số khách tham quan bảo tàng tăng lên (vì khách đến Thảo cầm viên khá đông), nhưng thực tế là ngược lại! Người ta đi chơi trong Thảo cầm viên thỏa thê rồi (rất rộng), khi còn một ít thời gian mới đến bảo tàng, có nghĩa là nếu vào tham quan cũng chẳng bao lâu, thế nhưng muốn vô bảo tàng lại phải mua vé lần nữa. Đã vậy, đó chỉ mới là vé vào cửa, muốn chụp hình phải mua thêm vé chụp hình. Nhiêu đó đủ khiến khách tham quan nghĩ rằng: Thôi, đi về cho khỏe!


Xác ướp Xóm Cải, trưng bày trong Bảo tàng Lịch sử VN - TPHCM

Tui đã rơi vô hoàn cảnh như vậy, nhưng đủ dũng khí mua vé vô tham quan. Vô cửa xong, tôi hân hoan ngắm nghía và chụp hình. Vừa giơ máy lên thì anh bảo vệ quát: Không được chụp hình!

Tui thấy có người vẫn đang chụp hình, liền hỏi:

  • Người ta đang chụp kìa, sao cấm tui?
  • Họ mua vé rồi. Muốn chụp hình phải mua vé!
  • Tui cũng mua vé rồi nè!
  • Vé vô cửa riêng, vé chụp hình riêng. Muốn chụp hình thì ra mua vé đi!
Không phải tiếc tiền, nhưng bực mình, tui quyết không thèm mua vé chụp hình và bước vô chụp lén cho bõ ghét!

Thì đây nè, một số hình chụp lén đây.








Tui không kể về lịch sử hay giới thiệu về bảo tàng này, các bạn dễ dàng tìm đọc trên trang web chính thức của bảo tàng hay Wiki. Tui chỉ kể những suy nghĩ lan man của mình thôi. À, cũng cần nói thêm rằng tham quan bảo tàng là một điều thú vị, chụp hình ở bảo tàng cũng rất là hay. Vì vậy, nếu có dịp bạn hãy đến đây đi nhé, và thôi kệ, tốn thêm ít tìền để mua vé vô cửa và vé chụp hình vậy!


Phạm Hoài Nhân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét