20 thg 12, 2015

Gió chướng về mang theo hương bần thanh tao…

Còn nhớ, hồi xưa, cứ có khách đến chơi nhà vào đúng lúc mùa bần chín là thể nào mẹ ta cũng đãi món lẩu các bông lau nấu bần. 

Trái bần vừa chín tới 

Mấy ngày nay, sáng dậy mở cửa, cảm nhận rõ hơi lành lạnh theo gió nhè nhẹ tràn vào nhà, thấy người xốn xang, ta chợt nhận ra, vậy là một mùa gió chướng nữa đã về. Ở quê ta, chắc giờ này ngay những khúc uốn quanh theo các doi vịnh của dòng sông, các cây bần cổ thụ đã đầy trái chín. Hương bần thanh thao lan tỏa thoang thoảng một khúc sông, đom đóm đã biến những tán bần thành một bầu trời nhỏ đầy sao lấp lánh… 


Vậy là một khoảng trời ký ức tuổi thơ lại dội về, dẫu không biết bao mùa gió chướng đến rồi đi. Cứ khoảng lối từ tháng 11 năm năm trước đến tháng 4 năm sau là khoảng thời gian bần vào mùa, cũng là mùa vui cho những ai sống vùng sông nước, kể cả người lớn lẫn trẻ con. Trẻ con thường xuyên trốn mẹ giờ ngủ trưa ra bến sông vắng leo vắt vẻo trên cây bần hái trái chấm muối cục ăn mà thấy ngon đáo để. Ăn riết miệng mồm đứa nào đứa nào đứa nấy bị mủ bần dính đen thui vẫn không thấy chán. Vị chua đậm đà ngày ấy vẫn theo ta đến tận bây giờ. Có người bảo thế thì có ăn thua gì, nó có thể đi đến cả cùng trời cuối đất chứ chẳng chơi… Ăn xong thì nhảy ùm xuống sông tắm, tắm thỏa thích mới về nhà. Những ông già muốn lai rai mà không có mồi thì cứ ra hái vài trái bần vào chấm mắm cá chốt. Chị em phụ nữ mỗi khi bơi xuồng từ chợ về nhà ngang qua các cây bần buông lòng thòng những trái chín mộng là thể nào cũng lấy dầm quất mấy cái, trái rớt lủm chủm xuống sông, mặc sức vớt. Trong giỏ chợ đặt ở khoang xuồng ấy thể nào cũng có con cá bông lau kèm rau muống, rau nhút, kèo nèo, bông súng… chuẩn bị cho một nồi canh chua bần thơm ngát hoặc bịch mắm cá chốt, mắm ba khía. Về nhà, thái bần ăn kèm mắm ngon không thể tả. Trong những món ấy, ta hảo nhất ngoài bần chấm muối cục là món lẩu cá bông lau nấu bần. Hương thơm thoang thoảng, vị chua thanh của bần hòa huyện cùng hương thơm béo ngậy của cá bông lau ăn đến no bụng mà chưa muốn xuống. 

Cá bông lau làm sạch cắt khúc để sẵn 

Còn nhớ, hồi xưa, cứ có khách đến chơi nhà vào đúng lúc mùa bần chín là thể nào mẹ ta cũng đãi món lẩu các bông lau nấu bần. Ai ăn cũng tấm tắc mãi không thôi, bởi hương vị lạ hẳn so với món cá bông lau nấu cùng me lá hay me hột. Để món lẩu đạt độ ngon cao nhất phụ thuộc lớn ở khâu chọn bần. Bần non sẽ cho vị hơi nhẫn. Loại ngon nhất là chín thơm mà không bị nhũng. Cách nấu rất đơn giản. Bạn cứ nấu nước sôi, cho bần vào nấu chín rồi vớt ra dầm nhuyễn cho lại vào nổi, nêm nếm cùng với tỏi phi, sả tươi băm, ớt trái… vừa ăn. Khi nào ăn thì cho cá và rau tươi vào. 

Nấu nước sôi, cho bần vào, sau khi bần chín, dầm nhừ cho vào lại, nêm vừa ăn là được 

Khách mà có thời gian ở lại chơi qua đêm là thể nào mẹ ta cũng soi đèn pin chở khách bằng xuồng con đến các cây bần ở những khúc quanh chiêm ngưỡng vẻ đẹp ngàn sao. Ai lần đầu nhìn thấy đều thốt lên “Đẹp quá!”, “Ôi, đom đóm nhiều quá!” thậm chí có người sững sờ không nói nên lời, chỉ biết “mắt chữ O, mồm chữ A”. Khách phương xa ai cũng tò mò, quyết bắt cho được ít nhất một con cho vào lòng bàn tay bụm lại, mà ngắm nghía nó chớp, tắt. Ta nghe nói, sau này, có công ty du lịch đưa khách Tây về, họ như bị thôi miên, hút hồn đến ngơ ngác, không hiểu con gì lạ đến thế, hướng dẫn viên cũng không biết dịch con “đom đóm” sang tiếng Anh ra sao, đành tạm dịch là con… ruồi đèn. Nhiều Tây ba lô cứ chuyền tai nhau kéo về xem… thử, kết hợp thưởng thức những món đặc sản lạ được chế biến từ trái bần chín... 

Lẩu bần cá bông lau ăn cùng với các loại rau nhút, kèo nèo, bông súng, rau muống… rất ngon 

Cẩm Nhi (thực hiện)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét