8 thg 8, 2023

Tiệm kem ở xứ lạnh

Vào một tối mù sương, ta trong vai một thám tử tàng hình bám theo một đôi tình nhân Đà Lạt đang thời hò hẹn. Ta thấy họ khoác tay nhau dạo bước đến một quán chè, sinh tố hoặc tiệm kem trước khi vào rạp Ngọc Hiệp để xem một cuốn phim tâm lý tình cảm.

Trật tự ấy thoạt đầu sẽ ít nhiều khiến ta ngạc nhiên. Nhưng nếu ta là cư dân ở đây lâu năm, ắt sẽ hiểu rằng họ đã đủ ấm để cần thêm một chút khoái cảm giá buốt được thêm vào từ những ly kem hay những ly chè ngọt phủ nước đá xay dưới những mái quán nhỏ của khu phố mang vẻ đẹp mộc mạc mà huê tình.

Người Đà Lạt yêu kem theo cách riêng.

Vào thời điểm câu chuyện giả định trên xảy ra, tức là vào những năm 1960 đến đầu thập niên 1970, trung tâm Đà Lạt có hai tiệm kem không lớn nhưng nổi tiếng: Việt Hưng và Thủy Tinh. Hai tiệm kem giữa xứ lạnh này đã bắt rễ vào ký ức nhiều người.

Tiệm Thủy Tinh ở số 98 Minh Mạng, đối diện rạp Ngọc Hiệp. Ông chủ là người gốc Hải Nam (Trung Quốc), quen gọi ông Năm Thủy Tinh, tên thật là Hàn Trạch Thu. Ông Hàn chạy giặc từ Hải Nam qua Thái, Lào rồi dạt đến Việt Nam. Ông chọn Đà Lạt làm nơi định cư, mở quán bán nước đá và kem từ đầu thập niên 1960. Nước đá ở tiệm của ông phân phối cho khắp thành phố, đặc biệt là các nhà hàng. Thành phẩm gồm hai loại: đá loại hai để ướp thực phẩm và đá loại một để ăn.

Với đầu óc giỏi tính toán kinh doanh của ông chủ người Hoa, tiệm nước đá Thủy Tinh sống được rất tốt. Vào mùa cao điểm đông khách du lịch, nắng nóng hay cận Tết, ta thấy có những ngày vào giờ học sinh chuẩn bị đi học thì tiệm để bảng “Hết đá”.

Tiệm Thủy Tinh còn được nhiều người nhớ vì nằm đối diện rạp Ngọc Hiệp, cạnh ảnh viện Văn Hoa; nơi những cặp tình nhân hẹn hò đi xem phim hay các gia đình đi chụp ảnh thường ghé qua ăn kem. Tiệm có vài bộ bàn ghế gỗ để khách có thể ngồi nhâm nhi những ly kem vani, kem dâu giá bình dân. Vào mùa dâu rẻ thì cây kem dâu của tiệm ngọt đằm và thơm hương tự nhiên vì chủ làm kem nguyên chất từ dâu vườn mọng mật.

Những người có tuổi thơ gắn với khu phố ở dốc Minh Mạng thời đó còn nhớ rằng ngày đó bọn trẻ vào tiệm Thủy Tinh thì thường thích mua càrem cây. Càrem cây có loại đậu xanh, đậu đen, đậu đỏ và một loại có “tên chế” là eskimo (do cách làm kem đóng thùng lót xốp, khi kem đông có nhúng vào sô cô la tạo cảm giác rất... Bắc cực). Với càrem cây, cách làm kem ban đầu gần như nấu chè, rồi rót chè vào các khuôn tròn, thuôn dài và cắm một cây tre ngắn làm tay cầm, để khi kem đông cứng thì rút cây kem đã định hình ra, bọc một miếng giấy bạc giao cho khách. Các xe càrem dạo có chuông đồng leng keng thường bán loại kem này.

Gia đình đạo diễn Tất My Loan chụp ảnh kỷ niệm trước tiệm kem Thủy Tinh. Ảnh: Tất My Loan cung cấp

Từ tiệm kem Thủy Tinh nhìn qua, sau màn sương bay hay làn mưa bụi mờ, có thể thấy ánh đèn của sảnh vào rạp Ngọc Hiệp, những bích chương giới thiệu phim mới và những khán giả mê phim thong thả đến rạp. Cạnh rạp Ngọc Hiệp thời bấy giờ cũng có vài ba tiệm sinh tố bình dân để người đi xem phim ghé qua thưởng thức ly sinh tố trước giờ phim chiếu...

Cuộc sống cứ chậm rãi. Những ly kem vẫn còn vị ngọt và hương thơm trong hoài niệm. Một cư dân nhỏ tuổi thường lui tới tiệm Thủy Tinh, là cháu gọi ông Năm Thủy Tinh bằng chú, kể rằng từ dốc Minh Mạng kéo xuống rạp Ngọc Hiệp là thiên đường ăn vặt. Nếu ta đi lên khu Hòa Bình sẽ gặp phố chè với quán chè Vọng Nguyệt có món xôi Xiêm của bác Sáu Sở, nói giọng rặt Sài Gòn; có quán chè số 49 của một cô xinh đẹp nức tiếng, tiệm bán cà phê Mocha và một góc phố bán sữa đậu nành, bánh bao chỉ, bánh da lợn...

Xen giữa các hàng quán là tiệm giày, tiệm áo dài, tiệm billard, khách sạn Lữ Quán, tiệm sửa radio và đồng hồ, tiệm văn hóa phẩm có bán những tờ nhạc giá 20 đồng treo trên mấy sợi dây chăng ngang rợp rờn như những cánh bướm từ miền ký ức. Những ngày mưa, nếu ở trên một căn gác cuối dốc Minh Mạng, bọn trẻ có thể ló đầu qua cửa sổ đếm một buổi chiều vài ba người té xe lăn cù cuối đoạn cong ngoặt.

Thú ăn kem ở Đà Lạt có lẽ khởi từ cư dân mà lan sang du khách. Một dạo, du khách đến Đà Lạt cũng đi tìm những tiệm kem.

Nếu Thủy Tinh là tiệm kem cho giới bình dân, những xe càrem bán dạo vãng lai có sức hút lạ lùng với dân địa phương, thì tiệm Việt Hưng ở khu Hòa Bình lại là tiệm kem được xác định cao cấp hơn dành cho du khách. Ở Việt Hưng, các loại kem ly phong cách châu Âu, như kem vani, sô cô la, kem bơ... với vị ngọt, béo, lạnh tan dần trên đầu lưỡi (lắm người ví như nụ hôn tình đầu), khiến nam thanh nữ tú mê đắm.

Chủ quán là ông Trần Văn Khắc, một nhân sĩ nổi tiếng nhưng kín đáo - cánh chim đầu đàn của Hướng đạo Việt Nam. Người Đà Lạt trung lưu thường lui tới quán kem trên đường Thành Thái này còn biết thêm rằng hai cô con gái của cụ Khắc đều là giáo sư được nhiều thế hệ học trò trong thành phố kính trọng, cô Kim Phượng và Phương Thu.

Tiệm Việt Hưng chuyên bán kem ly. Một người Đà Lạt thuở ấy cắt nghĩa vì sao cái lạnh của ly kem Việt Hưng có sức hấp dẫn đến vậy: “Thời tiết Đà Lạt quanh năm lạnh, thêm cái lạnh của kem đủ mùi vị tạo cái thú riêng thu hút nhiều du khách” (1). Còn với đôi uyên ương nhà giáo, nhân sĩ nổi tiếng Đà Lạt Vi Khuê - Chử Bá Anh thì tiệm kem Việt Hưng nằm ở một vị trí lý tưởng để nhìn ngắm phố phường. Cái lạnh trong ly kem cộng hưởng với cái lạnh của một không gian thoáng đãng cạnh quảng trường chợ cũ, một tầm nhìn ra phía này là phố chợ, phía kia là con dốc dẫn xuống mặt hồ tĩnh lặng với vành đai những hàng thông xanh mờ ảo.

Trong tùy bút Đà Lạt: Một thiên đường đánh mất, đôi uyên ương giáo chức này đã đưa (chỗ ngồi) của kem Việt Hưng vào trong nhóm những quán kem, tiệm chè, quán cà phê mà những người trẻ “ở tuổi ô mai khoác áo lạnh đi tìm bạn bè để sưởi ấm lòng nhau” thích hẹn hò; bên cạnh một danh sách dài, gồm chè Tuổi Ngọc, cà phê Tùng, Trúc, Nhớ, Trăng Cao Nguyên, Yêu, Thủy Tạ... Đó cũng là nơi, theo họ, “thuận tiện nhất để họ và cả lớp người lớn tuổi hơn thường ngồi lặng hàng giờ nhìn ra khu phố chính của thành phố ngắm các tà áo bay... hay luận đàm thế sự”.

Quán kem Việt Hưng trở thành một địa chỉ hẹn hò, bước vào quán kem là một chỉ dấu của tuổi yêu, tuổi trưởng thành, khi người ta có thể đối diện và cảm nhận được cái giá buốt bên trong hòa làm một với cái lạnh lẽo của khí trời. Một người lớn tuổi từng là sinh viên Viện Đại học Đà Lạt đã đúc kết trên diễn đàn Thụ Nhân (2) rằng, thời kỳ con gái biết mua áo dài, là con trai biết để dành tiền đưa bồ đi ciné, đi ăn kem Việt Hưng và chỉ về hàng hoa mai nở trên con đường từ hồ Xuân Hương lên khu Hòa Bình mà vẽ tương lai, đó là khi họ đã sẵn sàng bước vào đời. Các tiệm kem xứ lạnh trở thành nơi chốn hoài niệm, điểm ký ức trong nhiều bài thơ của sinh viên Võ Bị, sinh viên Viện Đại học một thời là vậy.

Người thám tử tàng hình đầu bài viết đã đi theo đôi tình nhân năm cũ và khuất chìm trong một đêm mù sương của thời xa xôi.

Nguyễn Vĩnh Nguyên

________________

(1) Phạm Gia Family, Ba Mạ Tôi, trang 26
(2) Quản Mỹ Lan, Tết ta, tết mình, Thụ Nhân, Bản tin của Hội Ái hữu Đại học Đà Lạt tại châu Âu, số 11, bộ mới, tháng 11.2013, trang 3.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét