25 thg 8, 2023

Cuộc đời làm quan ngắn ngủi của Trần Quý Cáp

Cuộc đời làm quan của Trần Quý Cáp vỏn vẹn chưa đầy 2 năm, từ 5/7/1906 đến 17/5/1908. Nhiều người nghĩ, giá ngày đó ông từ chối chức vụ Giáo thọ Thăng Bình thì có thể không phải chết thảm vì một bản án oan nghiệt! 

Bản tấu của Bộ Lại đề nghị bổ Trần Quý Cáp làm Giáo thọ Thăng Bình. Ảnh: L.T

Thi đỗ và làm quan

Con đường khoa cử của Trần Quý Cáp khá lận đận. Mặc dù học giỏi, thành công trong việc dạy học, nhiều học trò thành đạt, Trần Quý Cáp vẫn không thể vượt qua các khoa thi Hương. Mãi cho đến năm 1904 khi đã 34 tuổi, nhờ đặc cách (miễn thi Hương) ông mới đỗ Á khoa kỳ thi Hội và thi Đình để nhận học vị Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân.

Không có ý định làm quan nên Trần Quý Cáp không ra kinh để học tiếng Pháp. Tuy nhiên, như một thứ “định mệnh”, vào ngày 21/5/1908 Tổng đốc Nam Ngãi là Hồ Đệ đã tấu trình về Kinh xin bổ ông làm Giáo thọ phủ Thăng Bình.

Châu bản triều Thành Thái ngày 5/7/1908 cho biết: “Ngày 21 tháng 5 năm nay, nhận được tờ tư của Tổng đốc Nam Ngãi Hồ Đệ trình rằng: Chức Giáo thụ phủ Thăng Bình thuộc hạt hiện khuyết. Xét có đồng Tiến sĩ Trần Quý Cáp xin về dạy học để tiện chăm sóc cha mẹ là người cần mẫn, văn học đáng khen, được sĩ tử lấy làm tấm gương, xin đưa viên ấy bổ làm Giáo thọ phủ ấy” (tập 56, tờ 220).

Nhiều tài liệu cho biết ông không muốn làm quan nhưng vì gia cảnh khó khăn phải nuôi mẹ già nên bạn bè, bà con khuyên can mãi ông mới nhận chức.

Trần Huỳnh Sách trong sách Tiểu sử Trần Quý Cáp cho biết: “Tiên sinh không muốn đi nhưng thân bằng lấy sự nhà nghèo và mẹ già khuyến khích mãi tiên sinh mới đi” (Dẫn lại Nguyễn Văn Xuân, Phong trào Duy tân, trang 168). Trong bài thơ khóc Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng cũng viết: “Làm quan vì mẹ há vì tiền”.

Học giả Nguyễn Văn Xuân còn đi xa hơn khi cho rằng, Trần Quý Cáp chịu “chui vào quan trường còn là cách tránh những cặp mắt cú vọ của bọn quan lại và mật thám” (sđd, trang 168). Tuy nhiên cũng có thể xem đây là sự sắp xếp của tổ chức. Những người lãnh đạo phong trào Duy tân muốn đưa người của phong trào vào các cơ quan nhà nước để hợp thức hóa cho cuộc vận động đổi mới của mình.

Quan giáo thọ Thăng Bình ngày ấy hoàn toàn mang cốt cách của một nhà Duy tân nhiệt thành. Bản án của thực dân phong kiến có đoạn kết án ông: “thân làm sư phạm mà ép người cắt tóc và Âu trang” (Châu bản triều Duy Tân).

Mộ cụ Trần Quý Cáp tại Điện Phước, Điện Bàn. Ảnh: L.T

Tiểu sử Trần Quý Cáp cho biết: “Vừa nhận chức tiên sinh mở lớp Tây học ngay trong trường Giáo (trường công lập của Nhà nước), rước thầy về dạy chữ Pháp và chữ Quốc ngữ. Học trò xa gần đến xin học có hơn đôi trăm người.

Tiên sinh lại vào trong dân gian để diễn thuyết, cực lực bài xích lối học khoa cử và đề xướng tân học” (Dẫn lại Nguyễn Văn Xuân, trang 168). Bản án cũng cho biết: “Năm vừa qua (1907), Phan Châu Trinh và Trần Quý Cáp đã nhiều lần đến diễn thuyết tại trường Phú Lâm của Lê Cơ”.

Việc làm của Trần Quý Cáp ở Thăng Bình không qua mắt được người Pháp.

Trong Báo cáo ngày 8/1/1908 (ký hiệu CAOM-SPCE 372, hiện lưu trữ tại Pháp) của Công sứ Quảng Nam gửi Khâm sứ Trung Kỳ có viết: “Tại hai phủ Thăng Bình và Tam Kỳ, họ nắm các trường học và điều hành việc dạy học. Họ trao cho học sinh những tài liệu kích thích tinh thần yêu nước, hận thù quân xâm lược, xem thường cái chết. Mỗi người phải sẵn sàng cho cái chết. Thật là những bài học tuyệt vời về chí khí, chỉ tiếc là chúng ta một ngày kia phải trả giá cho sự giáo dục ấy mà thôi” (Dẫn lại Lê Thị Kinh, Phan Châu Trinh qua những tư liệu mới, NXB Đà Nẵng năm 2003).

Khâm sứ Trung Kỳ Lévecque đã cảnh cáo: “Tựu trung Trần Quý Cáp nếu không an phận thủ thường sẽ xét cho về” (Châu bản tập 4, tờ 156).

Vào Khánh Hòa và bị xử chém

Việc gì đến phải đến. Không thể để Trần Quý Cáp và phong trào Duy tân có thể tự do thực hiện chủ trương của mình, người Pháp đã vào cuộc.

Trước áp lực của Tòa Khâm sứ mà cụ thể là Lévecque, ngày 27/12/1907 Bộ Lại đã tấu trình lên vua Duy Tân xin đổi ông vào làm Giáo thọ phủ Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa: “Vâng xét viên Giáo thọ phủ Thăng Bình tỉnh Quảng Nam Trần Quý Cáp là người tỉnh ấy, nhận được quý tòa Khâm sứ nói rằng nên hoán bổ tỉnh khác. Viên đó xin đổi bổ chức Giáo thọ phủ Ninh Hòa” (Châu bản triều Duy Tân).

Ngày rằm tháng Giêng năm Mậu Thân, Trần Quý Cáp xuống tàu thủy ở Đà Nẵng để vào nhậm chức Giáo thọ phủ Ninh Hòa. Trong bản hỏi cung ngày 12/7/1908, Phan Khôi cho biết: “Ngày 15/1 năm nay (16/2/1908), khi tôi xuống Đà Nẵng để ra Hà Nội học, tôi đã gặp thầy giáo cũ của tôi là ông Trần Quý Cáp đang đi đến nhận nhiệm sở mới”.

Vừa đến nhiệm sở mới chưa được một tháng thì Trần Quý Cáp nghe tin ở quê nhà diễn ra cuộc “cự sưu kháng thuế” (ngày 9/3/1908). Ông có gửi thư cho bạn hữu ở Quảng Nam, trong đó có hai chữ mà sau này kẻ thù đã vin vào để tăng trọng tội cho ông: "Thậm khoái!". Ngay sau đó, thực dân Pháp cho lùng bắt ông.

Nội dung bản tấu ngày 4 tháng 5 năm Duy Tân thứ 2 (1908) của Bộ Binh cho biết: “Ngày 13 tháng trước nhận được tư văn của quan tỉnh Khánh Hòa Phạm Ngọc Quát trình rằng: đã nhận được tư văn của Chính phủ nói dân hạt Quảng Nam, Quảng Ngãi tụ tập đòi xét giảm tiền sưu. Hạt ấy tư mong tăng cường tuần phòng nghiêm ngặt, ngăn chặn, lùng bắt. Và gần đây ngài Công sứ ở tỉnh (Khánh Hòa) bàn việc cùng rà bắt viên Giáo thọ Trần Quý Cáp ở Ninh Hòa và tra xét các trường ấu học, thầy dạy, thân sĩ, hương lý tình nghi” (tập 18 tờ 112).

Ngay sau đó Trần Quý Cáp bị bắt. Điều này được xác nhận trong Bản tấu ngày 19 tháng 3 năm Duy Tân thứ 3 của Bộ Lại: “Nay nhận được tư văn của Phủ Phụ chính nói rằng: Tháng 3 năm đó tỉnh ấy bàn cùng ngài Công sứ lục bắt Trần Quý Cáp và nhiều người liên can” (tập 13, tờ 1).

Trần Quý Cáp là tiến sĩ đáng lý phải được giải về Kinh để Phủ Phụ chính luận tội. Nhưng rút kinh nghiệm vụ xử Phan Châu Trinh nên tòa Khâm sứ ra lệnh cho Khánh Hòa kết án ông tội “mưu phản đại nghịch” và cho xử tại chỗ.

Châu bản triều Duy Tân nói về bản án này: “Ngày 19 tháng trước nhận được bản án do tỉnh Khánh Hòa đệ trình, ghi rằng: Trần Quý Cáp là người trong khoa mục, dám mưu toan làm việc bất quỹ, trước thì cùng Huỳnh Thúc Kháng, Phan Châu Trinh, Hoàng Thượng Trung lén theo nước khác, mưu làm phản nghịch, tuy mưu mà chưa thực hành, nhưng nghiệm thi văn do y soạn từ khi bột mạn, nay lại lén tàng trữ ngụy chỉ (Các tập của Sào Nam tử)… gần đây gây nên đảng Nam Ngãi làm càn, chưa chắc là không phải do bọn ấy bình nhật mê hoặc dân chúng sinh sự mà ra, chứng cứ minh bạch, sự tích rõ ràng, tội thật không oan uổng… Vậy Trần Quý Cáp, xin chiếu luật mưu phản đại nghịch, xử lăng trì…” (Châu bản triều Duy Tân, tập 7, tờ 158, 159. Dẫn lại Nguyễn Thế Anh, Phong trào Kháng thuế ở miền Trung qua Châu bản triều Duy Tân, NXB Văn học, 2008, trang 127, 128).

Trần Quý Cáp bị đưa ra bãi sông Cạn (Ninh Hòa, Khánh Hòa) xử trảm ngày 17/5/1908.

LÊ THÍ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét