30 thg 8, 2023

Khi xưa guốc gỗ, chân trần

Ngày xưa, do cuộc sống thiếu thốn, lạc hậu, nhiều người phải đi chân trần, nhưng cũng có một lớp người được đi guốc gỗ. Và hình ảnh guốc gỗ, chân trần ngày xưa ấy đã khơi gợi trong mỗi chúng ta rất nhiều ký ức của một thuở không thể nào quên.

Ký ức một thuở

Chân trần hay chân đất là không mang bất cứ thứ gì ở chân. Xem các hình ký họa và hình chụp thời Pháp thuộc, cho thấy phần lớn người Việt xưa đi chân trần, từ người lớn đến trẻ em, từ đàn ông đến đàn bà, từ người nông dân đến người kéo xe, phu chạy trạm (chạy đưa văn thư), thậm chí cả binh lính.

Đôi guốc mộc là một vật dụng bé nhỏ, đơn sơ mà cũng rất đỗi gần gũi đã in dấu trong hành trang văn hóa dân tộc. (Ảnh minh họa)

Không chỉ vùng xa xôi, ngay cả người dân ở ngoại ô xứ kinh kỳ cũng “Chân đất đội áo nối vai. Le te chợ Hôm, chợ Mai” (Nguyễn Khoa Điềm). Khi đi chân trần, bàn chân tiếp xúc trực tiếp với mặt đất, lỡ đạp phải gai, sỏi sạn, vật nhọn thì rất đau, có khi bị chảy máu. Ở vùng biển với những trảng cát dài, mùa hè nóng bỏng, để vượt qua nó, người ta phải bẻ theo một mớ cây lá, đi được một đoạn, nóng quá, bèn bỏ ít lá xuống đất dừng nghỉ, rồi mới đi tiếp. Đồng bào dân tộc thiểu số sống trên địa bàn dốc núi, lối đi nhiều sỏi sạn, gai góc, vậy mà người ta vẫn đi chân trần, cả khi đi dự lễ hội hay đi rừng làm rẫy, chặt cây.

Còn với người Kinh ở vùng đồng bằng của Quảng Ngãi xưa, đi cuốc đất, xới ruộng, gặt hái, gánh lúa, gánh củi, người ta đều đi chân trần. Có những người sống ở đồng bằng đi buôn gánh bán bưng, đi “buôn núi” cuốc bộ hằng ngày mấy chục cây số vẫn với gót chân trần. Hàng hóa chưa phát triển, giày dép chưa phổ biến, sắm một đôi giày, đôi dép không phải ít tiền, mà dép nhựa thì chưa có, nên phải đi chân trần. Thậm chí có những người mặc áo dài đầy đủ, mà vẫn đi chân trần. Người ta gọi đùa đi chân trần là đi... giày da, tức là cái da chân của mình. Cũng như bàn tay, bàn chân con người vốn rất nhạy cảm, nhưng chân chịu đựng như vậy trở nên chai lì, mất cảm giác. Tuy vậy, cũng có một loại vật dụng mang ở chân không hẳn sang mà không hẳn hèn, đó là guốc gỗ. Ngày xưa, không có các loại dép nhựa hay cao su, người ta đi guốc gỗ.

Guốc gỗ khi xưa

Guốc gỗ tưởng như lạc hậu, nhưng cũng có cái hay của nó. Khi đi guốc gỗ rất sạch và thoáng bàn chân, có cảm giác dễ chịu khi da chân tiếp xúc với mặt gỗ, hơn là giày dép. Guốc đôi khi cũng gợi cảm giác của sự quý phái, đoan trang khi con người mặc áo dài, đầu đội khăn. Tất nhiên, do đế làm bằng gỗ, nếu đi guốc ở nơi gồ ghề sẽ dễ trượt ngã.

Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm trong bài “Đất ngoại ô” khá nổi tiếng có câu “Ngơ ngẩn đọc thơ buồn trong tiếng guốc cạo râu”. Ngày xưa, đàn ông, đàn bà phổ biến mặc áo vạt hò, áo bà ba, chân mang guốc gỗ. Guốc gỗ đương nhiên có đế bằng gỗ, gắn một miếng quai duy nhất để xỏ chân, có thể bằng vải, da hay miếng gì dẻo mà bền chắc. Đến những năm 60 của thế kỷ trước, các loại dép nhựa hay dép đúc bằng cao su vẫn chưa phổ biến, ở phố Lê Trung Đình (nay là đường Lê Trung Đình, TP.Quảng Ngãi) thường có những cửa hiệu bán guốc gỗ. Giáo viên, học sinh khi đến trường đều mang guốc. Guốc ở đây có lẽ từ các nhà sản xuất trong Nam chở ra. Guốc nam chỉ thuôn thuôn hình trái xoài, mặt guốc phẳng. Guốc nữ thì đẽo uốn lượn theo bàn chân, thường là guốc gót cao, quai guốc được gắn một miếng vải lụa hay miếng nhựa đúc. Mặt guốc có khi được sơn màu thẫm có trang trí hay màu gỗ tự nhiên. Ở dưới gót guốc, người ta có thể gắn miếng vải, miếng cao su để đi được êm, không kêu lốc cốc và chống trượt. Đó là loại guốc được sản xuất ra hàng loạt để bán.

Guốc gỗ có bán sẵn, nhưng không phải ai cũng có tiền để mua, nên người ta ai cũng có thể tự đóng. Công cụ để đẽo guốc đôi khi chỉ là một cái rựa, nếu có thêm cưa, đục, bào... thì càng tốt. Một miếng gỗ hình chữ nhật được đẽo, chuốc cho vừa bàn chân, mặt trên để phẳng, mặt dưới đẽo giật gót, phía mũi gọt bớt cạnh góc để khi đi khỏi vấp, tìm một miếng vải hay miếng da cắt hình chữ nhật làm quai, có miếng thiếc nhỏ lót làm đai giữ, đóng đinh nhỏ tán rộng, thế là có một đôi guốc gỗ để mang. Gỗ làm guốc dùng loại gì cũng được, có thể gỗ tốt, danh mộc, hay gỗ mềm xốp và nhẹ. Độ dày của guốc gỗ thường khoảng 5cm.

Xem các bức tranh cổ, có thể thấy người Nhật xưa bên cạnh bộ kimono nổi tiếng cũng dùng guốc gỗ như người Việt. Lịch sự, nhưng cũng có khi, có giày, có dép hoặc guốc mà không thể lịch sự nổi. Đó là khi phải lội qua sông, suối, hay đi đường bùn lầy, chỉ có cách duy nhất là cởi giày dép hay guốc ra, buộc lên thắt lưng mà đi. Cũng có khi đường không có bùn lầy mà vẫn bất tiện. Như trong tác phẩm "Tắt đèn" của Ngô Tất Tố, thời Pháp thuộc, ông Nghị Quế có đôi giày Chí Long, đi họp nghị viện hay ngủ gật nên gọi là Nghị Gật. Khi ngủ gật trên bàn ông thường rút chân khỏi đôi giày để lên ghế, sợ đôi giày cởi ra khi ngủ bị mất trộm, bèn đeo vào thắt lưng cho chắc. Khi xưa, mang guốc đẹp cũng có thể như vậy: Cởi chân khỏi guốc, ngủ gật, coi chừng khi tỉnh dậy thả chân xuống chỉ thấy đất!

Dùng guốc nhiều khi cũng phải ý tứ. Hồi còn thiếu niên, tôi cùng ông anh thích chí đẽo guốc để mang, thấy có vẻ rất “lối”. Ông bác thấy vậy bèn quở: Đi guốc lốc cốc trước mặt người lớn là vô lễ! Bởi xưa kia cái tiếng lốc cốc chỉ có bậc trưởng thượng mới dùng như một thứ tiếng... thị uy, ai cũng phải sợ.

CAO CHƯ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét