15 thg 1, 2020

Săn voi trắng rừng Tây Nguyên

Cánh thợ săn voi (gru) ngang dọc khắp dải rừng Tây Nguyên ai chả mong mọi lần trong đời săn được loài voi trắng quý hiếm. Nghề săn voi rừng vốn khốc liệt nhưng chỉ cần thuần được voi trắng, thợ săn mặc nhiên được dân làng ngưỡng vọng. Và dĩ nhiên, đã nói đến nghề săn voi thì không thể không nhắc đến Amakong, cả đời săn được 298 con trong đó có 3 con voi trắng. Vua voi Amakong qua đời đã lâu nhưng những giai thoại về thời săn voi đến nay vẫn được con cháu kể lại.

Hình ảnh săn voi xưa của người Tây Nguyên. 

Truyện xưa lưu truyền

Cái nắng oi ả tháng 3 không ngăn được dòng người từ khắp nơi đổ về Buôn Đôn (Đắk Lắk) để tham dự lễ hội đua voi độc đáo. Vì là lần đầu tham dự nên tôi tìm cho riêng mình một vị trí đẹp để quan sát trọn vẹn cuộc đua. Khi tiếng còi cất lên cũng lúc những tiếng reo hò vang trời của người xem, tiếng nài voi quất roi đen đét thốc voi về đích… hòa chung làm một. Nhìn những khuôn mặt người xem thích thú, phấn khích thì có lẽ, sau cuộc đua ai nấy đều tìm được niềm vui cho riêng mình.

Cách chặng đua voi không xa là con đường bê tông dẫn thẳng đến nghĩa trang của những vị vua Buôn Đôn. Gọi là nghĩa trang vua vì đây là nơi an nghỉ của những người có công khai khẩn đất Buôn Đôn thuở sơ khai và cả những dũng sĩ săn voi bậc nhất Tây Nguyên khuất núi.

Tôi tình cờ gặp một vị khách tuổi ngũ tuần, đứng hồi lâu trước ngôi mộ phủ màu rêu phong của Vua Săn Voi Y Thu Knul. Hỏi ra được biết ông là Bum May Lào (53 tuổi), trong một lần từ TPHCM về tham dự lễ hội đua voi, ông và vợ con đến dâng hương ở nghĩa trang các vị vua Buôn Đôn. Khi còn nhỏ, trẻ con như ông Nay Siêng Lào hiếm khi đặt chân đến nơi đây vì là khu vực cấm. Đổi lại, hằng đêm bên bếp lửa giữa làng, ông Nay Siêng Lào và lũ trẻ được già làng kể về lịch sử của người Lào, của người M'Nông hay những huyền thoại về các chuyến săn voi của các gru xưa.

Những nài voi nhí sau này đều biết về huyền thoại săn voi trắng của các gru trước đây.

Ngôi mộ ông Y Thu Knul mà ông Nay Siêng Lào đến viếng chính là mộ của một trong những người đầu tiên đặt chân đến đất Buôn Đôn. Người già trong làng hay kể, hơn trăm năm trước có một người đàn ông từ Lào xuôi thuyền theo dòng sông MêKông, rồi ngược dòng Sêrêpôk buôn bán, trao đổi hàng hóa với đồng bào bản. Trong một lần tình cờ, ông gặp một cô gái người M'Nông rồi lấy làm vợ.

Vùng đất mới trù phú bạt ngàn nhưng ông chỉ chọn Buôn Đôn làm nơi sinh sống. Quá trình sinh sống, người đàn ông này lần lượt sinh hạ nhiều con trong đó có ông Y Thu Knul.

Với chiến tích bắt và thuần dưỡng 500 con voi, đặc biệt có voi trắng mang tặng vua Thái Lan, ông Y Thu Knul đi vào huyền thoại ở Tây Nguyên như một biểu tượng cho sức mạnh, lòng dũng cảm. Khi vua voi Y Thu Knul mất, nhằm tỏ lòng thành kính, người Pháp đã xây mộ cho ông khang trang ở phía Tây làng. Khu vực mộ ông Y Thu sau này được dân làng quy tập thành lăng mô của những vị vua như đã nói ở trên.

Trong nhiều câu chuyện đan xen giữa huyền thoại và lịch sử, hình tượng con voi trắng mà ông Y Thu Knul tặng cho vua Thái Lan khiến nhiều người tò mò. Nghe đâu sau việc này, vua Thái Lan đã phong tặng danh hiệu Khun Ju Nốp - Vua Săn Voi, cho ông Y Thu Knul để tỏ lòng tôn kính.

Vậy voi trắng có thật sự tồn tại hay chỉ là một chuyện huyền thoại làm tô đẹp những trang sử vẻ vang của người đồng bào Tây Nguyên? Về việc này, ông Nay Siêng Lào tiết lộ, chuyện săn voi trắng thì người Buôn Đôn ai cũng biết, nhưng "để nghe chi tiết, tận thấy hình ảnh thì phải hầu chuyện hậu duệ của vua voi”.

Hầu chuyện hậu duệ vua voi

Lịch sử Buôn Đôn vẫn còn ghi lại, sau khi Vua Săn Voi Y Thu Knul qua đời ở tuổi 110, cậu con rể Y Prông Êban, tên thường gọi Amakong, nổi lên với tài nghệ săn voi kiệt xuất. Amakong xứng danh “Vua Voi” với chiến tích săn bắt được 298 con voi rừng trong đó có có không dưới 3 con voi trắng. Amakong thọ 103 tuổi, cưới 4 bà vợ, 21 người con nhưng chỉ sinh hai cậu con trai. Và người hậu duệ vua voi mà ông Bum May Lào kể với chúng tôi là ông Khăm Phết Lào (63 tuổi) con trai thứ 11 của Amakong.

Hình ảnh vua voi Amakong trong một chuyến săn voi rừng trước đây.

Khăm Phết Lào hiện là một lương y có tiếng nhất vùng Ako Tam (TP.Buôn Ma Thuột). Đã hơn một lần gặp gỡ nhưng tôi và Khăm Phết vẫn chỉ trò chuyện xoay quanh phương thuốc quý của ông Amakong thuở còn sống... Phần lớn tuổi trẻ của mình, Khăm Phết chỉ chuyên tâm nghiên cứu, bảo tồn phương thuốc quý mà cha để lại. Nói thế nhưng ngày còn nhỏ, Khắm Phết có may mắn được vài lần cùng vua voi Amakong vào rừng cùng săn voi.

Nhắc đến vua của các loài voi - voi trắng, Khăm Phết Lào chưa vội giải thích, ông dẫn chúng tôi tham quan nhà lưu giữ các hiện vật về một thời săn voi của cha ông. Trong các vật dụng cổ, Khăm Phết giới thiệu cho chúng tôi một chiếc hũ cổ phủ màu thời gian. Đây là hũ thống kê số lượng voi bắt của các Gru xưa trong đó có hủ của Amakong.

Khăm Phết Lào - người con thứ 11 của vua voi Amakong.

“Bên trong chiếc hũ có 10 thanh gỗ, mỗi thanh dài 10cm, được vót tròn. Mỗi khi làm lễ cúng nhập buôn cho một con voi rừng, thợ săn lại lấy một thanh gỗ ra rồi khắc một khấc làm dấu. Cho đến khi bỏ nghề, thợ săn mới kiểm đếm xem trong cuộc đời đã săn bắt được bao nhiêu voi rừng, tương ứng với số lượng khấc trên các thanh gỗ. Trong 298 thanh gỗ này có 3 thanh được khắc làm dấu quan trọng ghi lại việc săn thành công voi trắng của vua voi Amakong” – ông Khăm Phết Lào giải thích.

Cuộc chiến sinh tử

Theo lời Khăm Phết, săn voi trắng liên quan đến việc phong “đẳng cấp” của gru nên ai trong đời cũng mong muốn săn được loài vật này. Mong muốn vậy nhưng hành trình săn voi trắng chẳng hề dễ dàng, đôi khi gru phải trả giá bằng mạng sống của mình.

Không ngoa khi nói voi trắng là vua của các loài voi bởi sự thông minh, mặc nhiên được đàn voi rừng bảo vệ nghiêm ngặt. Theo kinh nghiệm của các gru, trong tự nhiên cứ một đàn voi rừng khoảng 100 con thì lại xuất hiện một voi trắng. Bên ngoài, voi trắng không khác so với voi thường khi thân phủ lớp bùn đất đen ngòm. Dấu hiệu duy nhất để nhận biết voi trắng là đôi mắt màu xanh khác biệt cùng cặp ngà ngả màu hổ phách (?).

Dưới tàn rừng đại ngàn, đàn voi 100 con thường chia làm tầng tầng lớp lớp để bảo vệ voi trắng. Muốn săn voi trắng, gru cần tìm cách xâm nhập lớp ngoài cùng. Đó là vị trí những con voi đực dũng mãnh làm nhiệm vụ cảnh giới. Vào một tầng bên trong, thợ săn voi sẽ đối diện với những con voi cái có nhiệm vụ chăm sóc voi con, vô cùng hung dữ. Thêm một lớp là những con voi con rồi mới xuất hiện voi trắng – linh hồn của đàn.

Mất vài tháng theo dõi thói quen, hướng di chuyển của đàn voi rừng, gru sẽ định ngày đón lõng đàn. Trước hôm chuyến đi săn, bà con trong làng làm lễ cúng Giàng xin phép vào rừng bắt voi. Ngày khởi hành, gru cùng nhau thổi tù và nhằm khích lệ tinh thần của cả đoàn. Đoàn săn voi luôn có sự hỗ trợ của 5 đến 7 voi nhà. Chuyến hành trình kéo dài từ 5 ngày cho đến một tuần cho đến khi săn được voi.

Trong rừng, gru sẽ lần theo các dấu vết để phát hiện được đàn có voi trắng. Từ xa gru sẽ cùng bàn nhau chia thành hai tốp theo các nhiệm vụ khác nhau. Tốp đầu dùng voi nhà đánh lạc hướng voi đực bên ngoài; tốp hai cưỡi voi nhà xâm nhập vào sâu trong đàn voi dữ để tìm đến nơi voi trắng ẩn mình.

“Khi phát hiện ra voi trắng, gru sẽ cưỡi voi nhà xông vào tách voi trắng ra khỏi đàn. Kế hoạch thành công là khi voi trắng bị thòng lọng của gru quăng vào chân sau... Voi mắc bẫy quẫn tiết dẫm đạp cả một khoảnh rừng, phát ra những tiếng kêu đinh tai nhứt óc. Thời điểm này voi rừng trở nên hung tợn, sẵn sàng tấn công bất cứ nài voi và cả voi nhà nếu lại gần. Sau khi đón lõng voi trắng nhiều giờ, voi nhà lần lượt tiếp cận, ép voi con đưa về nhà.

Mọi kế hoạch phải được gru vận hành thuần thục, tuyệt đối không để sai sót dù nhỏ nhất. Chỉ một phút bất cẩn, nài voi sẽ trả giá bằng chính mạng sống của mình” – Khăm Phết kể lại.

Hình ảnh quý hiếm mà ông Khăm Phết còn giữ về con voi trắng mà Amakong từng tặng cho Tổng thống Ngô Đình Diệm.

Để xác tín câu chuyện vừa kể, Khăm Phết đến một góc nhà, tự tay lấy một bức ảnh ghi lại thời điểm cha ông – Amakong trong một chuyến đi săn đã thuần phục một con voi trắng. Con voi được Amakong tặng cho Tổng thống chế độ cũ Ngô Đình Diệm vào tháng 1.1961. Đổi lại, ông Diệm tặng cho vua voi một khẩu súng săn 2 nòng, 1 khẩu súng ngắn và 150 đồng.

Theo lời Khăm Phết, suốt một đời của mình, Amakong đã bắt được tổng cộng 3 con voi trắng. Một tặng cho ông Ngô Đình Diệm, một tặng vua Bảo Đại và một còn sau khi săn về chẳng may chết yểu. Ngoài mua bán đổi voi với những nhân vật lớn lúc bấy giờ, Amakong trong cuộc đời mình còn góp voi cho kháng chiến chống quân xâm lược. Vào năm 1954, Amakong được Bác Hồ gởi giấy khen kèm khoản tiền thưởng năm mươi nghìn đồng. Sau này, ông cũng được Đảng, nhà nước trao tặng huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất.

Tôi rời nhà Khăm Phết khi mặt trời vừa tắt nắng. Chợt nghĩ, ngày nay không còn ai trong chúng ta còn có cơ hội bắt gặp voi trắng trong thực tế, nhưng những huyền thoại về nó vẫn tiếp tục được lưu truyền trong dân gian, làm đẹp cho vùng đất Tây Nguyên đại ngàn.

Hữu Long

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét