15 thg 1, 2020

Mùa nước cạn ở thác Pongour

Pongour đang bước vào mùa nước trong, phía chân thác trơ đá, dòng chảy hiền hòa. Dưới vòm trời quang mây những tháng cuối năm, “mái tóc của nàng Kanai” tung bọt trắng, ồn ã dội vào vách đã biến đây thành nơi đổi gió khác lạ khi lữ khách đã quá quen với “nét hoa” của Đà Lạt.

Nằm cách Đà Lạt gần 50km về phía nam, thác Pongour thuộc xã Ninh Gia, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng.

Nhiều người cho rằng, Pongour (Pon-gou) vốn bắt nguồn từ tiếng của người K’Ho bản địa mang nghĩa là “bốn sừng tê giác”. Lý giải khác lại nghĩ rằng cái tên này ra đời để ghi nhớ phát hiện địa chất của người Pháp về cao lanh có trên vùng đất Đức Trọng với ý nghĩa “ông chủ vùng đất sét” hoặc “ông vua xứ Kaolin”.

Trong truyền thuyết xa xưa của người K’Ho, ngọn thác này gợi nhớ đến nữ tù trưởng Kanai, người con gái xinh đẹp với biệt tài chinh phục thú dữ. Bên cạnh nàng luôn có bốn con tê giác to lớn khác thường, chúng giúp Kanai dời non ngăn suối, khai khá nương rẫy, sẵn sàng chiến đấu với kẻ thù để bảo vệ cho dân làng nơi đây.

Tại đây, còn tấm bia đá khắc lại bài thơ tưởng nhớ nàng Kanai

Tù trưởng Kanai qua đời đúng vào rằm tháng giêng. Bốn con tê giác luôn quẩn quanh bên thi thể nàng, không ăn uống cho đến chết. Mái tóc nàng biến thành dòng nước mát rượi, dội xuống những phiến đá to lớn, xanh rêu do sừng tê giác hóa thành.

Nhiều tảng đá lớn, nhiều hình thù nằm phía dưới chân thác


Ngoài Pongour, ngọn thác được gọi với nhiều tên khác nhau như thác bảy tầng, thác thiên thai… Trong vài tài liệu ghi chép về Đà Lạt, người Pháp từng cho rằng đây là “một trong những thác nước đẹp nhất Đông Dương”. Chính nhờ vẻ hùng vĩ vốn có, vua Bảo Đại đã đặt tên cho nơi này là "Nam thiên đệ nhất thác".

Mặt hồ tĩnh lặng, trong vắt dưới chân dòng thác Được đưa vào khai thác du lịch từ nhiều năm nay, đường dẫn xuống thác Pongour dễ đi và không tốn nhiều thời gian chinh phục. 

Vào mùa khô, nước cạn thuận tiện cho việc chiêm ngưỡng dòng thác ở cự li gần hơn 

Thác Pongour cao khoảng 50m, và chia thành 7 tầng thác đổ. Từ trên cao, hệ thống bậc đá vuông vức, xếp thành từng lớp chia nước thành trăm dòng nhỏ, dội xuống tạo thành một hồ nước rộng, trong vắt.

Phía thung lũng hạ lưu thác trơ cạn đáy Hiện dòng chảy qua thác không còn nhiều như trước do việc khai thác thủy điện trên sông Đa Nhim. Trước kia, nhiều du khách leo lên các bậc đá chụp hình và bơi trong hồ. Sau một số tai nạn không đáng có, Ban quản lý Khu du lịch Thác Pongour đã đề biển cấm leo trèo lên bậc đá và bơi tại đây.


Dã quỳ rộ nở trên đồi núi Đức Trọng

Cùng với Tây Nguyên, Đức Trọng đang bước vào mùa hoa dã quỳ. Trên đường từ quốc lộ 20 vào thác Pongour, loài hoa này mọc dại rất nhiều và lan vàng đến cả vùng đồi hai bên.

Phạm Ly

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét