29 thg 1, 2020

Lên non tầm dược

Bảy Núi được mệnh danh là nơi sinh trưởng của vô số loài “kỳ hoa dị thảo” hoang dại và thanh khiết. Giờ đây, “kho” dược liệu quý này đang bị khai thác quá mức dẫn đến cạn kiệt.

Theo chân “đội quân” thiện nguyện 


Họ là những nông dân “chân đất”, quanh năm bám ruộng vườn. Nhưng khi nhà thuốc từ thiện cần dược liệu giúp người, họ xung phong lên núi sưu tầm. Sáng sớm, núi Cấm còn đang ẩn hiện trong làn sương mờ lảng đảng, “đoàn quân” tầm dược do Hai Tùng (Nguyễn Thanh Tùng, 51 tuổi, ngụ xã Long Giang, Chợ Mới, An Giang) dẫn đầu từng bước “đạp mây” lên đỉnh núi. Ở cái tuổi “ngũ tuần”, nhưng dáng dấp Hai Tùng rắn rỏi, xông xáo.

Chỉ tay về phía cánh rừng bên vách điện Cửu Phẩm, Hai Tùng nói rằng: “Ngày trước núi Cấm có vô số loài dược liệu quý hiếm. Sau này, người ta đào bới củ, gốc đem bán cho khách du lịch nên nguồn dược liệu cạn dần. Hiện nay, chúng tôi sưu tầm chủ yếu là cây hàn the, đầu khấu, chó đẻ (diệp hạ châu), huyết rồng, đỗ trọng, phục linh, gấm đen, câu đằng, gùi đỏ…”. 



Muốn lấy được nguồn dược liệu, “đội quân” hái thuốc phải leo trèo lên ngọn cây cổ thụ cao, chặt từng đoạn đem xuống. Anh Nguyễn Văn Ấm (40 tuổi) được mệnh danh là “vượn rừng”, bởi có biệt tài leo cây hái thuốc rất “cự phách”.

“Có những cây cao hàng chục mét chỉ cần cột sợ dây thừng ngang thắt lưng là Ấm leo thoăn thoắt. Những dây huyết rồng sống bám cả trăm năm trên cây cổ thụ được chặt đem xuống gọn gàng. Nhiều lúc đi vào rừng lạc đường, cả nhóm phải nhờ Ấm chọn những cây cổ thụ cao nhất để nhắm hướng mới tìm đường thoát ra được” - Hai Tùng nói. 



“Đội quân” tầm dược này đã hình thành cách nay hơn 20 năm, với những cảnh đời khác nhau nhưng có cái tâm thiện nguyện. Thời điểm nào nhà thuốc cần nguồn dược, mọi người tạm gác chuyện làm ăn, cùng nhau lên núi, băng rừng hái thuốc.

Ông Cao Văn Thum (70 tuổi, ở xã Hội An, Chợ Mới, An Giang) cho biết, mỗi lần nghe “đội quân” hái thuốc tổ chức đi xa, ông Thum hăng hái tham gia. Đó là cách để sẻ chia tấm lòng thiện nguyện đối với bệnh nhân nghèo.

“Quan trọng, mình phải sống lạc quan, yêu đời thì dù khó khăn thế nào sẽ vượt qua, không cần đợi đến giàu mình mới tham gia từ thiện cùng bà con” - ông Thum chia sẻ.

Vừa sưu tầm, vừa bảo tồn

Đến hẹn lại lên, khoảng mùng 5 tháng 5 (âm lịch) thì “đội quân” hái thuốc do ông Tùng tập hợp từ 60-70 người đi khắp nơi tìm dược liệu. Chuyến đi hái thuốc thường kéo dài cả tháng, do đó họ mang theo dụng cụ nấu ăn.

“Đi tới đâu, nấu ăn tới đó. Mỗi người hỗ trợ một tay. Làm riết thành quen. Sưu tầm dược liệu tuy vất vả nhưng vui. Những chuyến đi trải nghiệm trong rừng sâu nhọc nhằn mới thấy được giá trị quý báu của cuộc sống” - ông Tùng phấn khởi nói.

Mặc dù đi sưu tầm dược nhiều như vậy, nhưng anh em trong “đội quân” hái thuốc rất ý thức việc bảo tồn nguồn dược liệu, bởi chúng đang “cạn” dần. 


Trước đây, vùng Bảy Núi nói chung và núi Cấm nói riêng được biết đến là “kho” dược liệu tự nhiên. Thế nhưng, hiện nay do tình trạng khai thác quá mức nên nguồn dược ở đây cạn dần theo thời gian.

Vùng Bảy Núi có khoảng 650 loài dược liệu. Trong đó, núi Cấm có khoảng 300 loài, mang dược tính cao, điều trị rất công hiệu đối với nhiều loại bệnh. Dược liệu Bảy Núi không những được bày bán ở địa phương mà còn được trao đổi và lưu hành trong cả nước.

Từ những kinh nghiệm sử dụng phong phú, các lương y đã đúc kết được nhiều bài thuốc tâm đắc trong việc trị bệnh cứu người. Từng tiếp xúc với ông Nguyễn Thiện Chung (lương y xứ núi Tịnh Biên) rất am hiểu về sự sinh trưởng của các loài sơn dược ở đây.

Theo ông Chung, hiện nay ở vùng Bảy Núi cây thảo dược bị người dân đào quá mức. Hàng loạt nguồn dược liệu quý có nguy cơ bị tuyệt chủng. Điển hình như: cây mướp gai, cây thiên niên kiện, ba kích, bí kỳ nam, chỉ sát, thần sạ hương, cây gió lửa, hoàng đằng, ngải móng trâu, bách bộ, thiên môn… tại khu vực núi Cấm hầu như không còn nữa. 


Giờ đây, “kho” sơn dược vùng Bảy Núi “cạn” dần theo thời gian. Giờ đã đến lúc người dân, doanh nghiệp cũng như các nhà chuyên môn phải chung tay bảo tồn các loài thuốc quý từng tồn tại nơi đây. Những năm gần đây, ông Chung đã trồng hơn 130 loại dược liệu quý dưới tán rừng 3ha. Bước vào khu vực nhà ông, chỗ nào cũng trồng loại thuốc quý, trên cây lẫn dưới mặt đất.

Ông Chung bày tỏ: “Mấy năm nay, tui trồng gừng gió, nghệ xà cừ, ngải sậy. Ngoài ra, tui còn dốc công sưu tầm trồng lại những cây dược liệu mất giống vốn hiện hữu ở vùng Bảy Núi”.

Ở vồ Ông Bướm, mảnh rừng của gia đình ông Út Tươi (85 tuổi) trồng bảo tồn được dây huyết rồng và cây quỹ kiến sầu hàng chục năm tuổi, góp phần duy trì được nguồn gien quý hiếm ở chốn non cao này.

Theo bà con sống lâu năm trên núi Cấm cho hay, dọc theo các con đường mòn qua các vồ, điện, có nhiều điểm bày bán sơn dược cho du khách. Do đó, nguồn dược liệu bị khai thác theo kiểu triệt hạ từ cây cho đến gốc.

“Các loài thuốc quý như: hà thủ ô đỏ, mạch môn, dẻ quạt, tam thất, ba gạc, sâm cau, bướm bạc, bạch phấn trấn... dường như hiếm gặp. Hiện nay, bên vồ Thiên Tuế, người ta trồng dược liệu để bảo tồn rất nhiều” - Út Tươi chậm rãi nói.

Chiều buông! Rừng núi Cấm khuất mờ trong mây. Chúng tôi nhanh chân “tuột dốc” cũng là lúc “đội quân” hái thuốc hối hả mang dược liệu xuống núi sau những ngày gian truân, vất vả.

Bài, ảnh: LƯU MỸ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét