17 thg 1, 2020

Hát Then – Giai điệu của “thần tiên”

Hát Then đời sống sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng, tâm linh của các tộc người Tày, Nùng, Thái ở các tỉnh miền núi phía Bắc Việt Nam, được ví là điệu hát của “thần tiên”. Các chuyên gia của UNESCO đã tìm thấy trong Then những giá trị nhân sinh quan, đã vượt ra ngoài phạm vi của một vùng, một tỉnh hay một quốc gia mà đã trở thành Di sản phi vật thể đại diện của nhân loại. 

Theo quan niệm của tộc người Tày, Then có nghĩa là “Trời”. Hát Then là một loại hình diễn xướng âm nhạc tín ngưỡng dân gian, có nội dung thuật lại cuộc hành trình của con người lên thiên giới cầu xin Then ban cho những điều may mắn và một cuộc sống tốt lành. Vì thế, hát Then của người Tày vừa phản ánh chuyện đời sống, bản mường, đến chuyện tình yêu, ma chay, cưới hỏi… Hát Then là một màn trình diễn nghệ thuật lôi cuốn, có khả năng đưa con người chìm đắm vào miền siêu thực. Vì thế, khi nghiên cứu sâu các lễ Then cổ truyền, các nhà nghiên cứu thấy rõ nhân sinh quan, thế giới quan và bản sắc văn hóa của đồng bào Tày. 

“Thầy Then trong đời sống các tộc người Tày, Nùng, Thái còn là trí thức dân tộc, vì họ biết rất nhiều thứ, đưa ra lời khuyên về mùa màng, đời sống...”.
GS. TSKH Tô Ngọc Thanh,
Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam
Để có cái nhìn đầy đủ hơn về nghệ thuật hát Then, chúng tôi đã lên huyện miền cao Chiêm Hoá (Tuyên Quang), vùng đất được coi là cái nôi hình thành nên những làn điệu hát Then quyến rũ của người Tày.

Tại nhà anh Nông Văn Sếp ở thôn Hà Thoi chúng tôi được tham dự buổi lễ Cầu Khoăn, một nghi lễ cầu sức khoẻ, cầu thọ cho cha mẹ theo đúng phong tục cổ xưa của người Tày. Lễ do thầy Cao Xiêm, một thầy then nức tiếng trong vùng chủ trì. Với người Tày, người chủ trì lễ cúng then gọi là Ông then, Bà Then. Họ là người trung gian, là cầu nối, giữ vai trò thông linh giữa con người trần thế với thần linh. Vì thế, buổi lễ Cầu Khoăn ở nhà anh Nông Văn Sếp đông vui như ngày hội của bản làng.

Thầy Cao Xiêm, một thầy Then nổi tiếng ở huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang thực hiện nghi lễ Cầu Khoăn cho một gia đình người Tày. Mục đích của lễ này là mừng thọ, cầu sức khỏe, cầu bình an và gặp nhiều may mắn trong cuộc sống cho những người từ 50 tuổi trở lên. Ảnh: Trịnh Bộ

Buổi trình diễn hát Then với tên gọi “Câu then Việt Bắc” tại Hà Nội. Đây là chương trình nghệ thuật đặc biệt với sự tham gia của những nghệ nhân hát Then dân tộc Tày, Nùng đến từ Lạng Sơn, Thái Nguyên và một số địa phương thuộc các tỉnh miền núi phía Bắc. Ảnh: Tất Sơn

Anh Ma Văn Đoàn, Chủ nhiệm CLB hát Then xã Tân An huyện Chiêm Hóa (Tuyên Quang)
cùng các thành viên trong CLB học các điệu múa phụ họa cho những bài then Theo lời mới. Ảnh: Trịnh Bộ

Nghệ nhân Nông Thị Phương Lan (tộc người Tày ở tỉnh Bắc Kạn) hát Then đệm đàn tính trong ngày hội "Câu Then Việt Bắc". Ảnh: Tất Sơn

Bà Hà Thị Chỉnh (thôn An Thịnh, Tân An, Chiêm Hóa, Tuyên Quang) đang truyền dạy cho thành viên nhỏ tuổi nhất trong CLB then Tân An. Ảnh: Trịnh Bộ 

CLB hát then của Trường THCS Tân An (xã Tân An, huyện Chiêm Hoá, Tuyên Quang) trong một buổi tập luyện. Ảnh: Trịnh Bộ

Điệu múa lục lạc (múa chuông) của những người phụ nữ tộc người tày ở huyện Văn Bàn (Lào Cai) để mời Then xuống hạ giới vui hội Lồng Tồng. Ảnh: Trần Hiếu

Điệu múa mời Then xuống dự hội Lồng Tồng của người Tày huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai. Ảnh: Trần Hiếu 

Trong trang phục áo mũ màu đỏ, trên tay cầm cây đàn tính, thầy Cao Xiêm bắt đầu buổi lễ Cầu Khoăn bằng một làn điệu Then cổ. Trong làn khói hương, tiếng hát, tiếng đàn rộn ràng của thầy Cao Xiêm như lôi cuốn mọi người lạc vào một thế giới huyền bí đầy xa lạ. Ở đó con cháu đang thực hiện một chuyến hành trình dài lên thiên giới để cầu xin ông Trời ban phúc cho cha mẹ được mạnh khỏe, trường thọ.

Chúng tôi lại lên huyện Cao Lộc (Lạng Sơn) để khám phá những điệu hát Then mê hoặc của người Nùng nơi đây. Từ xa xưa, mỗi khi trong cuộc sống gặp hiện tượng lạ không thể lý giải được thì người Nùng ở Cao Lộc thường tổ chức lễ cầu cúng Then. Để thực hiện nghi lễ này, người Nùng tìm đến bà Then để được nghe bà đàn hát. Bà then được ví như bà tiên trên trời với cây đàn tính trên tay gẩy những khúc nhạc, cất lên những lời ca theo mây, gió vang đến tận trời xanh. Nhờ lời ca tiếng hát của mình, Bà Then đưa những nguyện ước đó đến với các đấng thần linh.

Nghi lễ dâng lễ vật mời Then xuống trần gian dự hội của người Nùng tỉnh Lạng Sơn. Ảnh: Công Đạt

Nghệ nhân Nông Thị Lìm (dân tộc Nùng) ở Lạng Sơn trình diễn những điệu Then cổ. Ảnh: Công Đạt

Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Việt Bắc, nhóm Đình làng Việt và BQL phố cổ Hà Nội
phối hợp tổ chức chương trình hát then “Câu then Việt Bắc” tại phố cổ Hà Nội. Ảnh: Tất Sơn 

Thông thường các nghi lễ cúng Then và hát Then của người Nùng ra trong 2 ngày đêm với nhiều nội dung như: Lễ cúng tổ tiên, hành trình lên mời Ngọc Hoàng ... Trong các nghi lễ đó, âm nhạc luôn luôn là yếu tố xuyên suốt với nhiều làn điệu phù hợp với từng phần nghi lễ. Ông Hoàng Văn Páo, nhà nghiên cứu văn hoá dân gian tỉnh Lạng Sơn cho biết: “Hát Then gắn liền với hình ảnh cây đàn tính trở thành bản sắc văn hoá của cộng đồng tộc người Nùng nơi đây”.

“Then vừa là sản phẩm tâm linh mang tính sử liệu về đời sống văn hóa xã hội tộc người, vừa là tinh hoa đúc kết truyền đời của một nghệ thuật dân gian tích hợp các loại hình văn học, âm nhạc, múa, sân khấu, hội họa...”
Nhà lý luận phê bình âm nhạc
Nguyễn Thị Minh Châu
Còn những điệu Then của tộc người Thái vùng Tây Bắc do được bắt nguồn từ cuộc sống lao động, nên then hàm chứa những giá trị văn hoá truyền thống lâu đời mang tính nhân văn sâu sắc. Hát Then không chỉ giải quyết vấn đề tín ngưỡng, mà còn hàm chứa cả những lời răn dạy con người; ca ngợi về đạo đức; phản ánh, chê bai thói hư tật xấu; thể hiện tình yêu nam nữ, và cả tình yêu thiên nhiên, đất nước… Do đó, hát Then của người Thái chính là môn nghệ thuật tổng hợp chứa đựng cả thơ ca, nhạc, múa… nó đánh thức vẻ đẹp tâm hồn, khơi dậy trong con người những giá trị thẩm mỹ, nhân văn cao cả.

“Bó mạ vàng khắp chân đồi /Trai mường gái bản lại về hội Then”, đó là câu thành ngữ nói về lễ hội độc đáo Then Kin Pang có một không hai của dân tộc Thái ở xã Khổng Lào (Phong Thổ - Lai Châu) đã đưa đẩy chúng tôi về với vùng đất đầy màu sắc huyền thoại này.

Nét độc đáo ở Lễ hội Then Kin Pang là đã phản ánh đầy đủ thế giới quan của người Thái: Vũ trũ gồm hai cõi, cõi người và cõi Trời (Then). Các vị Then đều có lòng bao dung độ lượng, vì vậy, hằng năm, các vị Then xuống hạ giới để cứu nhân độ thế. Lễ hội Kin Pang Then là dịp để dân bản dâng lễ tạ ơn Then, được tổ chức vào đầu mùa mưa 10-3 Âm lịch hàng năm.

Nét độc đáo còn thể hiện ở việc Then Kin Pang bao giờ cũng có một mâm lễ cúng tạ ơn những người có công lập bản dựng Mường, tạ ơn những vị anh hùng đã có công đánh giặc giữ Mường. Nhưng đông vui, náo nhiệt nhất chính là phần hội té nước cầu mưa tại suối Nậm Lùm sau phần lễ cúng Then.

Lễ hội Then Kin Pang được người Thái trắng ở Khổng Lào (Phong Thổ, Lai Châu) tổ chức vào đầu mùa mưa để tạ ơn ông Then, bà Then và cầu mưa, cầu mùa, cầu phúc, cầu lộc cho cho gia đình và bản Mường. Ảnh: Thông Thiện

Theo quan niệm của người Thái, Then sẽ xuống hạ giới trú ngụ trong cây nêu. Những người phụ nữ Thái với điệu xòe truyền thống quanh cây nêu ca ngợi công đức của Then trong lễ hội Then Kin Pang ở Phong Thổ (Lai Châu). Ảnh: Thông Thiện

Lão nghệ nhân Nông Văn Nhay, người chuyên đệm đàn tính cho các điệu múa hát Then cổ của đồng bào Thái khu vực huyện Phong Thổ (Lai Châu). Ảnh: Thông Thiện

Lão nghệ nhân Nông Văn Não, người chế tác những cây đàn tính đệm nhạc cho những điệu múa hát Then cổ nổi tiếng vùng Lai Châu. Ảnh: Thông Thiện 

Hàng ngàn người vùng Phong Thổ vây lấy dòng suối Nậm Lùm để hò, reo, để hoà mình vào cuộc thi té nước ở dòng suối Nậm Lùm (dòng suối theo quan niệm của người Thái là nơi Then sẽ từ Trời xuống tiếp xúc với con người). Mỗi người tham dự lễ té nước dường như đều cảm nhận thấy rất rõ sự giao hoà của trời - đất và tin tưởng mùa màng năm tới sẽ tốt tươi.

Đến với Then Kin Pang, ngoài việc thỏa mãn nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng của riêng mình cũng như cầu nguyện một năm may mắn, cuộc sống an lành, hạnh phúc, Then Kin Pang còn là nơi gặp gỡ bạn bè, nơi xe duyên cho những đôi bạn trẻ thông qua các bài hát, điệu múa; các trò chơi dân gian như: Tó má lẹ, én cáy, tung còn, kéo co, té nước…

Tại Phiên họp ngày 12/12/2019 của Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 14 của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) diễn ra tại Bogotá, Colombia, di sản Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam chính thức được UNESCO ghi danh tại Danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. 

Bài: Phong Thu, Vy Thảo 
Ảnh: Trịnh Bộ, Tất Sơn, Công Đạt, Trần Hiếu, Thông Thiện

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét