4 thg 1, 2020

Độc đáo thổ cẩm truyền thống phụ nữ Chăm An Giang

Qua bàn tay khéo léo, sự cần mẫn trong lao động của người phụ nữ Chăm cùng với những hoa văn, họa tiết độc đáo, sinh động, các sản phẩm thổ cẩm truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) Chăm là sự kết tinh những giá trị lao động, sáng tạo, những quan niệm thẩm mỹ, tư duy nghệ thuật mang đậm bản sắc văn hóa riêng của đồng bào DTTS Chăm ở An Giang.

Đồng bào DTTS Chăm sinh sống tập trung ở huyện An Phú và TX. Tân Châu, số còn lại sống rải rác ở các huyện: Châu Phú, Châu Thành, Phú Tân... Phần lớn đồng bào DTTS Chăm sống bằng nghề mua bán nhỏ, chăn nuôi, dệt vải, thêu đan, chài lưới, đánh bắt thủy sản.

Theo các bậc cao niên, không ai biết rõ nghề dệt của người Chăm có từ lúc nào, nhưng lúc xưa hầu như gia đình nào cũng có khung dệt để sử dụng trong gia đình.

Nghề dệt trở thành công việc mà bất cứ người phụ nữ Chăm nào cũng phải biết. Khi mới 10-12 tuổi, những thiếu nữ Chăm đã được hướng dẫn những thao tác đơn giản nhất của nghề dệt.

Trải qua thời gian, nghề dệt của người Chăm ở An Giang được kế thừa qua nhiều thế hệ với những nét độc đáo trong kỹ thuật dệt và nhuộm sợi, nhuộm vải khéo léo, điêu luyện nên sản phẩm làm ra có chất lượng tốt, mịn, bóng và bền, được nhiều người ưa chuộng.

Giao thương ngày càng phát triển, sản phẩm thổ cẩm mang đậm nét bản sắc văn hóa dân tộc Chăm cũng bắt đầu nổi tiếng gần xa, được giới thiệu rộng rãi qua các hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước… 

Người phụ nữ Chăm bên khung dệt 

Chị Fala (xã Đa Phước, An Phú) cho biết, để dệt được thành phẩm những tấm thổ cẩm đẹp, bắt mắt thì phải trải qua các công đoạn yêu cầu sự tỉ mỉ, chi tiết, khéo léo và cẩn trọng của người dệt. Đầu tiên là sang sợi từ ống bự sang ống nhỏ, tiếp đến bắt sợi vào. Sau đó là bắt sợi vào trục rồi kéo sợi qua các go trên khung dệt, rồi mới bắt đầu dệt từng tấm vải… Bên cạnh đó, việc nhuộm màu sợi, màu vải là một khâu quan trọng và luôn có những bí quyết khác nhau được lưu truyền nhiều đời trong cộng đồng người Chăm ở An Giang.

Chị Salyha (xã Châu Phong, TX. Tân Châu), một trong những thợ dệt lâu năm với nghề chia sẻ, đồng bào DTTS Chăm dệt thủ công bằng tơ sợi được nhuộm từ lá cây, nhựa cây, vỏ cây… để có những màu sắc cơ bản, như: xanh, đỏ, vàng, đen…

Ngoài ra, người thợ nhuộm còn có thể phối hợp tạo nhiều gam màu khác nhau để trang trí với những kiểu hoa văn truyền thống, như: ô vuông, con thoi, cánh quạt, răng cưa, mặt trời, hoa lá… độc đáo, nhiều màu sắc, chuyển tải hình ảnh về thiên nhiên, cảnh sinh hoạt trong cuộc sống lao động, phong tục tập quán, văn hóa.

Đôi khi cũng có những kiểu hoa văn mới lạ, hiện đại kết hợp với kiểu hoa văn truyền thống để làm sinh động và mới mẻ hơn. Các sản phẩm thổ cẩm dệt thủ công của đồng bào DTTS Chăm rất đa dạng chủng loại, mẫu mã, như: vải, nón, áo, khăn choàng, sà rông, túi đeo, khăn đội đầu, túi xách… với kỹ thuật thủ công khéo léo, mang tính thẩm mỹ cao, dễ sử dụng, giá cả phải chăng, phù hợp với thị hiếu nên được các thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng. 

Đa dạng các sản phẩm thổ cẩm của đồng bào dân tộc thiểu số Chăm 

Những năm gần đây, loại hình du lịch làng nghề truyền thống ngày càng hấp dẫn du khách, đặc biệt là du khách nước ngoài, bởi những giá trị văn hóa lâu đời và cách sáng tạo sản phẩm thủ công đặc trưng mỗi vùng. Trước đây, các gia đình đồng bào DTTS Chăm chỉ sản xuất và gia công sản phẩm thổ cẩm truyền thống của đồng bào DTTS Chăm theo đơn đặt hàng hoặc phải đi chào hàng, bán ở khắp nơi với thu nhập không cao.

Từ khi du lịch làng nghề dệt thổ cẩm ở các làng Chăm Châu Phong (TX. Tân Châu), Đa Phước (An Phú) phát triển, lượng khách du lịch đến tham quan ngày càng đông, trong đó có khách du lịch trong nước lẫn nước ngoài, kinh tế của các gia đình đồng bào DTTS Chăm đã khấm khá hơn trước.

“Khách hàng rất thích thú với những sản phẩm thủ công truyền thống. Các ngày lễ, Tết, nhất là dịp cuối tuần… là lúc du khách đến đây tham quan rất đông. Ngoài việc chọn mua những món hàng lưu niệm về làm quà, du khách còn rất thích thú khi được tận tay thực hiện một số công đoạn trong quá trình dệt và được chụp ảnh cùng những người Chăm mặc trang phục truyền thống đang ngồi dệt…”- cô Saymah (cơ sở dệt thổ cẩm Chăm, ấp Phũm Soài, xã Châu Phong, TX. Tân Châu) chia sẻ.

TRỌNG TÍN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét