17 thg 8, 2019

Những điều chưa biết về lăng mộ Hoàng gia

Ông Phan Văn Dũng, người đang trông coi lăng mộ Hoàng gia nói với chúng tôi: “Lăng này xây dựng năm 1927. Đã có nhiều du khách đến đây tham quan lầm tưởng đây là nơi thờ tự bà Phạm Thị Hằng (tức bà Từ Dũ, vợ vua Thiệu Trị, mẹ ruột của vua Tự Đức), nhưng thực tế đây là lăng mộ thờ ông Phạm Đăng Hưng (cha ruột bà Từ Dũ, tức ông ngoại vua Tự Đức). Tôi nghĩ, các cơ quan truyền thông, văn hóa, lịch sử cần giải thích rõ vấn đề này để tránh sự nhầm lẫn”. 

Bên ngoài lăng mộ. 

Huyện Gò Công thuộc tỉnh Tiền Giang, sau đó chia tách thành 4 đơn vị hành chính là: TX. Gò Công, huyện Gò Công Đông, huyện Gò Công Tây và huyện Tân Phú Đông. Lăng mộ Hoàng gia nay thuộc ấp Lăng Hoàng Gia, xã Long Hưng, TX. Gò Công.

Nhiều du khách cùng thống nhất nhận xét: Đến Gò Công mà không biết đến 3 địa danh lịch sử nổi tiếng là: Lăng mộ Hoàng gia, đền thờ Anh hùng dân tộc Trương Định và ao Trường Đua thì coi như chưa biết Gò Công.

Riêng về tên gọi chính xác là lăng Hoàng gia, nhưng người dân địa phương quen gọi là lăng mộ Hoàng gia vì có mộ ông Phạm Đăng Hưng đang an vị tại đây. Bên cạnh đó có người gọi bà Từ Dũ là Từ Dụ, nhưng đến nay chưa xác định tên nào là chính xác.

Ông Phạm Đăng Hưng thông minh, văn võ song toàn. Năm 1784, lúc 20 tuổi, ông thi đỗ Tam trường, nổi tiếng hiền đức và siêng năng, có 4 người con làm quan to trong triều Nguyễn. Năm 1825, ông Phạm Đăng Hưng mất, được đưa về gò Sơn Qui chôn cất. Năm 1849, ông được vua Tự Đức truy phong Đức Quốc công.

Ông Sơn Thê, 87 tuổi, cư dân tại đây kể lại câu chuyện rất kỳ bí đầy vẻ tâm linh: Lúc ông Phạm Đăng Hưng đến gò Rùa (hiện là Sơn Qui) thấy đất rất đẹp nhưng không có chỗ nào đào được giếng có nước ngọt.

Sau đó ông phát hiện ra mạch nước ngầm ở gò Sơn Qui, liền quy tập mồ mả gia đình về đây và xây nhà ở gò đất này. Khi sinh bà Phạm Thị Hằng (tức bà Từ Dũ) thì có một vầng trăng chiếu sáng lòa cả gò Sơn Qui, nên ông Phạm Đăng Hưng đặt tên cho con là Hằng (nghĩa là mặt trăng). Hiện nay, tại lăng mộ Hoàng gia vẫn còn cái giếng ngầm rất trong và mát”.

Sẵn chuyện vui, ông Thê kể tiếp câu chuyện thứ hai càng hấp dẫn hơn. Chuyện rằng: Thời mở đất, dân gian thường thấy một người luôn mang trong mình ba cái bị lớn (giống như bao tải nhưng có quai đeo bên mình). Ông “Ba Bị” đi đến đâu thì con nít rất sợ nhưng người lớn thì ngược lại, bởi ông mang đủ loại hạt giống đi phát cho dân và hướng dẫn cách trồng. Nhà nào quá nghèo, ông “Ba Bị” cho người mang gạo đến giúp. Đó chính là ông Phạm Đăng Hưng.

Câu chuyện thứ ba thì có vẻ bí hiểm. Chuyện kể rằng: Tại lăng mộ Hoàng gia có một tấm bia bằng đá trắng làm từ đá quý chở về từ tỉnh Quảng Nam. Bia đá này do ông Phan Thanh Giản và Trương Quốc Dụng xây dựng vào năm Tự Đức thứ 10 (1857) nhằm ca ngợi công đức của Đức Quốc công Phạm Đăng Hưng. Nhưng sau đó tấm bia đá này mất tích một cách bí hiểm.

Năm 1983 khi giải tỏa nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi (quận 1, TP. Hồ Chí Minh) để xây dựng công viên Lê Văn Tám, người ta thấy còn sót lại một tấm bia đá cổ hoang phế. Ngay lập tức các nhà chuyên môn đến khảo sát và xác định đây là tấm bia có xuất xứ từ lăng mộ Hoàng gia ở Gò Công bị đánh cắp.

Lần theo lịch sử, người ta xác định, người đánh cắp tấm bia trên là trung úy người Pháp tên Barbé đã có thời gian đóng quân tại Gò Công xưa. Barbé chính là nhân vật chính trong vở cải lương rất nổi tiếng một thời “Nàng Hai Bến Nghé”, kể về câu chuyện cô gái tên Hai đã giúp nghĩa quân Trương Định phục kích giết chết trung úy người Pháp Barbé vào đêm 7-12-1860 tại Thị Nghè, TP. Sài Gòn (nay là TP. Hồ Chí Minh).

Như vậy, sau 140 năm lưu lạc (từ năm 1858 đến 1998) tấm bia do vua Tự Đức sắc phong cho ông ngoại mình là ông Phạm Đăng Hưng mới trở về chốn cũ (lăng mộ Hoàng gia).

Hiện tại, lăng mộ này có gian điện chính thờ Quốc công Phạm Đăng Hưng; Gian tả thờ Phước An hầu Phạm Đăng Long, là cha của Phạm Đăng Hưng. Gian tả ngoài cùng thờ Khả tự Phạm Đăng Tiên.

Gian hữu thờ Bình thạnh bà Phạm Đăng Danh. Trước bàn thờ ông Phạm Đăng Hưng là bức tượng bằng đá quý màu xanh lục tạc hình bà Phạm Thị Hằng (bà Từ Dũ).

Mộ ông Phạm Đăng Hưng táng trên gò cao có hình dáng mai rùa, được xây theo kiểu dáng “đỉnh trụ” hình bát giác, trông vừa như chiếc nón lá vừa như búp sen. Mặt sau mộ, xây bình phong hình bán nguyệt, trên có chạm 4 con rồng, dưới có 5 con kỳ lân.

Vòng quanh mộ ông Phạm Đăng Hưng có một số phù điêu trang trí (búp sen, cá hóa long…), lại mang phong cách điêu khắc phương Tây.

Bà Mặc Thùy, du khách đến từ TP. Bắc Kinh, Trung Quốc, sau khi tham quan mộ đã cho biết cảm nghĩ: “Có quá nhiều câu chuyện bí ẩn tâm linh tại lăng mộ này khiến du khách cứ phải ấn tượng mãi. Kiến trúc lăng quá đẹp, tinh xảo, pha lẫn phong cách Âu - Á một cách hài hòa. Chúng tôi rất thích khi đến đây”.

TÔ PHỤC HƯNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét