25 thg 8, 2019

Tục đi Sim của người Tà Ôi

Tập tục “Pộôc xu” hay còn gọi là “đi Sim” là tập tục có từ lâu đời, một nét văn hóa truyền thống, là khát vọng tự do yêu đương của nam nữ thanh niên dân tộc Tà Ôi sinh sống tập trung ở huyện Hương Hóa, tỉnh Quảng Trị, huyện A Lưới và Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế. 

Các chàng trai cô gái đến tuổi trăng tròn, ngày lên nương làm rẫy, tối đến nô nức rủ nhau đi Sim. Đi Sim để tìm bạn tình, để nói lời tỏ tình và để lựa chọn cho mình một người ưng ý, gắn bỏ cả đời. Trước kia, người Tà Ôi quy định nơi đi Sim phải cách làng khoảng chừng một dặm đường, ở đó phong cảnh hữu tình, thường là nơi có con suối trong róc rách chảy qua. Cha mẹ của các cô gái dựng lên những cái chòi nhỏ, gọi là Chòi A Tiêng. Chòi A Tiêng nhỏ chỉ đủ cho hai người, là nơi vừa để tránh thú dữ vừa để đôi trẻ Tà Ôi nói lời tỏ tình.

Khi đi Sim, các cô gái thường đi trước, mang theo chiếc giỏ đựng đầy cơm nếp, thịt gà, cá nướng, bánh nếp và đợi người mình hẹn hò. Các chàng trai đến muộn hơn, đến nơi chàng trai cất tiếng hát gọi và nếu được cô gái đáp lại, các chàng trai mới tiến đến gần. Lúc gặp mặt, chàng trai ngồi một bên, cô gái ngồi đối diện.

Điệu múa của dân tộc thiểu số Tà Ôi.


Theo truyền thống cổ xưa, người con gái Tà Ôi đến tuổi trăng tròn được cha mẹ khuyến khích hẹn hò, tìm hiểu bạn đời qua tục đi Sim.

Những cô gái Tà Ôi đợi các chàng trai tại nơi hẹn hò.

Các chàng trai Tà Ôi mặc những bộ trang phục đẹp nhất trong buổi hò hẹn.

Những chàng trai cô gái Tà Ôi trong không gian lãng mạn tại địa điểm đi Sim.

Bánh nếp được làm theo cặp là một trong những món ăn không thể thiếu mà các cô gái Tà Ôi mang đến địa điểm hẹn hò.

Các chàng trai thường dùng nhạc cụ hoặc hát những bài hát truyền thống ngọt ngào để cô gái siêu lòng.

Vòng mã não là vật được các chàng trai dùng để ngỏ lời trong những buổi đi Sim.

Khèn bè với âm thanh du dương, sâu lắng là loại nhạc cụ phổ biến nhất trong những buổi đi Sim của người Tà Ôi.

Khi thuận tình đôi bạn trẻ có thể lên Chòi A Tiêng để tâm sự riêng tư.

Rất nhiều người Tà Ôi nên vợ nên chồng từ những buổi đi Sim độc đáo. 

Các chàng trai có nhiều cách để tỏ tình, thông thường họ sẽ hát những bài hát ngọt ngào hoặc chơi những nhạc cụ truyền thống của người Tà ôi để cô gái siêu lòng. Họ thể hiện dáng vẻ, nét mặt sao cho thật đáng thương để cô gái chịu mở lòng với mình. Cuộc trò chuyện trong thế đối diện này sẽ kéo dài cho đến lúc cô gái mời chàng trai lên chòi A Tiêng để thưởng thức món cỗ mà mình mang theo, là dấu hiệu cô cảm thấy ưng ý. Ngược lại, nếu không chịu trao món cỗ tình yêu, đồng nghĩa với việc cô gái từ chối tình cảm.

Theo quy định bắt buộc của người Tà Ôi, khi đi Sim các đôi trai gái mới lớn được phép sống cạnh nhau, cùng ăn, cùng ở, cùng đắp tấm chung chăn qua đêm trên chiếc chòi, nhưng tuyệt đối không được phạm chuyện “chăn gối”. Người Tà Ôi quan niệm đó là chuyện thiêng liêng nhất của đời người, chỉ sau lễ thành hôn mới được làm. Khi đi Sim mà phạm chuyện đó thì Giàng sẽ trừng phạt bằng cách gây ra những điều không tốt cho gia đình, làng bản. Vì thế, các chàng trai cô gái đã đến tuổi trăng tròn, được cha mẹ cho phép đi Sim tìm bạn, nhưng không được phạm quy định này.

Tục đi Sim tạo nên sự gắn kết cộng đồng người dân tộc Tà Ôi ở các bản với nhau, tăng thêm tình thân, tình đoàn kết. Ngày nay, tục đi Sim đang bị phai nhạt dần, bởi không còn phù hợp với lối yêu đương của thời hiện đại. Vừa qua, tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam ( Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) tục đi Sim đã được tái hiện, nhằm giới thiệu đến người dân và du khách về nét đẹp văn hoá này.

Bài và ảnh: Việt Cường

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét