16 thg 8, 2019

Lễ Bỏ mả của người Raglai

Là một tập tục có ý nghĩa hết sức quan trọng trong đời sống tâm linh của người Raglai, lễ Bỏ mả (cúng tuần mã, mãn tang) nhằm tiễn đưa người đã mất về với ông bà, tổ tiên, đồng thời chấm dứt mối quan hệ giữa người sống đối với người đã mất. 

Đồng bào Raglai sinh sống chủ yếu ở khu vực miền Trung-Tây Nguyên, tập trung ở các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hòa. Vừa qua, cộng đồng người Raglai ở xã Phước Chiến, huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận, nơi có số dân Raglai sinh sống chiếm 97% dân số toàn xã đã tổ chức hoạt động tái hiện lại lễ Bỏ mả.

Lễ Bỏ mả thường được tổ chức vào tháng 3, tháng 4 dương lịch, sau một hoặc hai năm tính từ ngày có người mất. Theo quan niệm của người Raglai, nếu không làm lễ Bỏ mả, linh hồn người đã mất vẫn còn ở nhân thế và chưa thể về được thế giới “bên kia” để đoàn tụ với tổ tiên.

Trước lễ Bỏ mả, người thân trong gia đình chuẩn bị nhiều công đoạn khác nhau như: dựng nhà mồ, làm kago (mô hình thuyền bằng gỗ), rạp lễ, gậy cúng, trang phục và đồ lễ như: rượu cần, rượu trắng, trầu cau, đầu heo, thịt heo, cơm, bánh tét, thịt trâu, thịt gà, chuối, cơm rượu…

Lễ vật cúng trong lễ Bỏ mả của người Raglai.


Cặp cây bôi màu đen, một đầu vót nhọn có cuốn lá trầu với mục đích xua đuổi tà ma.

Nhà mả (nhà mồ) của người Raglai được dựng lên vào ngày trước khi diễn ra lễ Bỏ mả.

Thầy cúng chính ( mặc áo đen) cầm cây gậy cúng đọc những lời khấn mời atuw về.

Thầy cúng vừa cầm chén rượu vừa đọc lời khấn để dâng mời rượu cho atuw trong nghi thức lễ Mời rượu sáng – diễn ra vào ngày thứ ba của lễ Bỏ mả.

Kago sau khi làm lễ cúng xong sẽ được đặt lên nóc nhà mả.

Người thân và hàng xóm đến chia tay linh hồn người đã mất.

Nghi lễ mời rượu atuw tại ngôi nhà mả.

Thầy cúng thực hiện nghi thức dâng thức ăn cho atuw.

Thầy cúng rắc gạo mời atuw.

Người thân dâng rượu cần cho atuw bằng cách đổ vào ống tre của Bai mak pariak (giỏ đựng thức ăn).

Trong lễ Bỏ mả nhiều hoạt động khác nhau diễn ra như đánh mã la, múa hát văn nghệ, uống rượu cần… .

Sau khi tiễn atuw về với tổ tiên, thầy cúng cùng những người thân trong gia đình và bà con hàng xóm uống rượu.

Kết thúc lễ Bỏ mả, người Raglai còn tổ chức văn nghệ, múa hát, biểu diễn nhạc cụ truyền thống
để mừng cho linh hồn người chết được siêu thoát. 

Lễ Bỏ mả diễn ra trong 3 ngày với nhiều nghi thức khác nhau, trong đó có những nghi thức quan trọng như: Lễ rước atuw (linh hồn người quá cố), tổ tiên về chứng giám kago và cúng thức ăn lần một (cúng đám nhỏ); lễ cúng đưa kago về nhà mồ và rước linh hồn người quá cố về cúng thức ăn (cúng đám lớn); ngày cuối tiếp tục cúng thức ăn tống tiễn vong linh người quá cố về với tổ tiên. Lễ Bỏ mả sẽ do ba vị thầy cúng đảm nhiệm, trong đó thầy cúng chính là người cầm cây gậy cúng đọc lời khấn chủ trì các nghi thức quan trọng.

Là một nghi lễ quan trọng chứa đựng những yếu tố văn hóa, nghệ thuật đặc trưng và mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, lễ Bỏ mả của người Raglai đã được công nhận là Di sản văn hóa Phi vật thể cấp quốc gia vào ngày 30/10/2018.
Trong buổi cúng lễ, các vị thầy cúng cầm gạo, rượu múa 3 vòng rồi đặt vào kago và giỏ đựng thức ăn, thầy cúng chính cầm cây gậy cúng (gai tuah) để chỉ đường cho atuw cũng như chỉ vào các món đồ ăn, thức uống để thực hiện các nghi lễ. Ngày cuối cùng là ngày quan trọng nhất, ngày tiễn đưa atuw về thế giới bên kia.

Cuối lễ Bỏ mả là nghi thức tiễn biệt vong linh người quá cố thông qua một bữa cơm thịnh soạn do các thành viên trong gia đình thiết đãi, mời atuw ăn và nhắc lại những kỷ niệm trước lúc chia xa vĩnh viễn.

Sau lễ Bỏ mả, linh hồn người chết sẽ tách biệt hoàn toàn với người sống, người chết thực sự về với quê hương mới của mình, còn người sống được giải phóng, thoát khỏi mọi quan hệ với người đã chết, do vậy người Raglai không có tục thờ cúng ông bà tổ tiên hay giỗ chạp.

Lễ bỏ mả được coi là lễ hội lớn của gia đình, dòng tộc và cộng đồng người Raglai, nó thể hiện sự gắn bó, trách nhiệm, tình thương của tộc người Raglai.

Bài và ảnh: Sơn Nghĩa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét