Hiển thị các bài đăng có nhãn Báo Ấp Bắc. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Báo Ấp Bắc. Hiển thị tất cả bài đăng

6 thg 1, 2023

Làng hoa Mỹ Tho: Đời người, đời hoa

Ở miền Tây Nam bộ, có những làng hoa hình thành và phát triển đến nay đã hơn 100 năm, trong đó có làng hoa Mỹ Tho (TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang). Dù lắm nỗi nhọc nhằn nhưng bà con trồng hoa vẫn thủy chung với nghề với niềm tin mang lại cái đẹp cho đời, sự giàu có cho người và sự phồn thịnh cho xứ sở…

Làng hoa Mỹ Tho vào vụ tết. Ảnh: MINH THÀNH

Các lão nông trong vùng kể rằng, làng hoa xuất hiện trên đất Mỹ Tho từ trước năm 1975 và ban đầu chỉ vài trăm chậu. Hiện, làng hoa Mỹ Tho đã phát triển hơn một triệu chậu hoa các loại vào mỗi dịp Tết Nguyên đán hằng năm.

30 thg 7, 2022

Kỳ Hôn - Điểm du lịch hấp dẫn trong tương lai

Từ TP. Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang) xuôi dòng sông Tiền chừng 9 km tới một ngã ba sông rộng lớn, rẽ trái là vào một địa danh nổi tiếng của vùng sông nước miền Tây: Vàm Kỳ Hôn. Đi suốt rạch Kỳ Hôn dài khoảng 7 km sẽ nối vào kinh Chợ Gạo, đổ nước ra sông Tra, rồi sông Vàm Cỏ Đông của tỉnh Long An. Nói ngược lại, vàm Kỳ Hôn ở cuối kinh Chợ Gạo, từ hướng Sài Gòn (nay là TP. Hồ Chí Minh) xuống, tới đây rẽ trái đi tỉnh Bến Tre hoặc ra cửa biển; còn quẹo phải là về TP. Mỹ Tho, lên miệt thượng lưu sông Tiền.

Vàm Kỳ Hôn ngày nay.

Giồng Sơn Quy - vùng đất "địa linh nhân kiệt"

Người xưa thường nói “địa linh nhân kiệt” là vùng đất linh thiêng, phát tích những bậc anh hùng hào kiệt lập nên những chiến công hiển hách. Gò Công (tỉnh Tiền Giang) xưa là nơi phát sinh các dòng họ Phạm, họ Nguyễn, đều là ngoại thích các triều vua cận đại. Ông Phạm Đăng Long kết hôn với bà Phan Thị Tánh sinh ra ông Phạm Đăng Hưng, sau này trở thành đại công thần của triều Nguyễn; là thân phụ của bà Phạm Thị Hằng (bà Từ Dụ), Hoàng phi của Vua Thiệu Trị, Hoàng mẫu của Vua Tự Đức.

Giồng Sơn Quy còn có nghĩa là gò rùa, là tổ quán của Đức Thái hậu Từ Dụ. Vào giữa thế kỷ thứ XVIII, ông Phạm Đăng Long theo cha vào vùng Gò Công hoang vu. Là người giỏi Nho học, tinh thông phong thủy, địa lý, ông đi nhiều nơi tìm thế đất tốt để định cư, mong con cháu sau này phát tích, hưng vượng. Lúc ông đến gò rùa, thấy thế đất ở đây rất đẹp và có giếng nước ngọt, trong khi đó toàn vùng Gò Công giếng nước ngọt rất hiếm. Do đó, ông đã quy tập mồ mả 3 đời của gia tộc về đây và xây nhà ở gò đất này.

Ngày nay, lăng Hoàng Gia là một trong những điểm tham quan, du lịch của tỉnh. Ảnh: QUYÊN VŨ

28 thg 7, 2022

Tả quân Lê Văn Duyệt: Tổng trấn có công khai phá vùng đất Nam bộ

Tả quân Lê Văn Duyệt sinh năm 1763 tại thôn Long Hưng, huyện Kiến Hưng, đạo Trường Đồn (nay là xã Long Hưng, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang), là một trong “Ngũ hổ tướng” thành Gia Định, 2 lần làm Tổng trấn Gia Định thành, có công lớn trong việc mở mang bờ cõi, phát triển vùng đất Nam bộ.

“VÕ CÔNG ĐỆ NHẤT”

Là công thần của nhà nguyễn nên năm 1802 Nguyễn Ánh lên ngôi đã phong Lê Văn Duyệt làm “Khâm sai Chưởng Tả Quân dinh Bình Tây tướng quân, tước quận công”. Về sau, ông còn có nhiều công lao dẹp yên các cuộc nổi dậy, bạo loạn, cướp phá. Tả quân Lê Văn Duyệt sau được liệt vào hàng đệ nhất khai quốc công thần với nhiều đặc ân, như được vào chầu vua không phải lạy, đặc quyền tiền trảm hậu tấu nơi biên thùy.

8 thg 3, 2022

Di tích lịch sử mộ Trương Công Luận

Mộ ông Trương Công Luận (tọa lạc tại thị trấn Tân Hòa, huyện Gò Công Đông) là một trong những di tích được UBND tỉnh công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ.

MỘT LÒNG VÌ NƯỚC

Ông Trương Công Luận tên thật là Bùi Luận, quê tỉnh Quảng Ngãi, vào huyện Kiến Hòa, trấn Định Tường (nay thuộc tỉnh Tiền Giang) lập nghiệp. Năm 1861, ông tham gia nghĩa quân của Trương Định và lập được nhiều chiến công. Năm 1862, ông được Trương Định phong làm Phó tướng và đổi thành họ Trương.

Đoàn viên, thanh, thiếu nhi huyện Gò Công Đông trong một lần viếng mộ Trương Công Luận.

Sau khi Trương Định tuẫn tiết vào ngày 20-8-1864, ông Luận tiếp tục chiêu mộ nghĩa quân đánh Pháp tại vùng Gò Công. Với lối đánh phục kích, khi ẩn khi hiện, nghĩa quân đã gây nhiều tổn thất cho thực dân Pháp. Thực dân Pháp thường xuyên tổ chức lùng sục, bố ráp nghĩa quân, nên cuối cùng ông rơi vào tay giặc. Chiêu hàng không thành, thực dân Pháp đã xử tử ông vào ngày 6-5-1865. Nhân dân địa phương đưa ông về yên nghỉ tại Xóm Gò (nay là khu phố Xóm Gò, thị trấn Tân Hòa, huyện Gò Công Đông).

Trước đây, mộ ông được xây dựng đơn sơ trên diện tích khoảng 5 m², gần mộ có miếu thờ nhỏ. Năm 2009, vào dịp Lễ kỷ niệm 145 năm Ngày Trương Định tuẫn tiết (20-8-1864 - 20-8-2009), mộ của ông được trùng tu lại khang trang theo kiểu ngưu miên (trâu ngủ) bằng đá. Chính quyền địa phương khoanh vùng bảo vệ ngôi mộ và miếu thờ, lập hồ sơ di tích đề nghị cơ quan có thẩm quyền công nhận di tích. Đến năm 2000, mộ ông Trương Công Luận được UBND tỉnh công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh.

NƠI GIÁO DỤC TRUYỀN THỐNG YÊU NƯỚC

Thời gian qua, ngôi mộ của ông Trương Công Luận luôn được nhân dân trong vùng chăm sóc, bảo quản và nhang khói. Được sự quan tâm của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Huyện ủy và UBND huyện Gò Công Đông đã trùng tu, nâng cấp nhiều di tích trên địa bàn, trong đó có đền thờ ông Trương Công Luận. Hằng năm, vào các ngày lễ lớn, Huyện đoàn, các trường học trên địa bàn huyện thường tổ chức cho thế hệ trẻ đến đây thắp hương và nghe kể về tiểu sử, cuộc đời và những chiến công của ông, nhằm giáo dục lịch sử, truyền thống yêu nước của dân tộc.

Bí thư Huyện đoàn Gò Công Đông Võ Thị Mỵ Nương cho biết, việc tổ chức cho đoàn viên, thanh, thiếu nhi đến thắp hương, nghe kể về tiểu sử, cuộc đời, những chiến công của ông Trương Công Luận để hiểu biết về lịch sử đấu tranh gian khổ và hào hùng của ông và nghĩa quân Trương Định. Qua đó, càng thêm tự hào và quyết tâm phấn đấu trong học tập, rèn luyện, cống hiến cho công cuộc xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước.

Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Gò Công Đông Nguyễn Tuấn Duy cho biết, địa chỉ này còn gắn kết với Di tích Chiến thắng Xóm Gò (huyện Gò Công Đông). Ngoài việc giáo dục truyền thống yêu nước, tương lai các điểm này còn là nơi đón nhận khách tham quan du lịch, gắn với biển Tân Thành và một số di tích khác trên địa bàn.

CÁT TƯỜNG

Chuyện về tên gọi chiếc nóp ở vùng Đồng Tháp Mười.

Đã hơn nửa thế kỷ trôi qua, vậy mà mỗi lần nghe bài hát “Nam bộ kháng chiến” của thầy giáo trẻ Tạ Thanh Sơn, là không ít người trào dâng niềm xúc động. Âm vang của bài hát ấy đã từng làm rung động trái tim các chiến sĩ theo nhịp bước quân hành và làm sống lại một thời trai trẻ trong khí thế sục sôi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và những ngày đầu Nam bộ kháng chiến. Mãi cho đến hôm nay, hình ảnh của chiếc nóp vẫn còn gợi lại trong ta hình ảnh những đoàn quân tay cầm ngọn tầm vông, vai mang chiếc nóp rầm rập trên các nẻo đường hành quân.

Chiếc nóp trong thời kỳ chống Pháp.

31 thg 12, 2021

Bánh xèo - Món ăn dân dã đậm đà thơm ngon

Cái tên “bánh xèo” bắt nguồn từ đâu? Vì sao mà nó lại được gọi một cách đặc biệt như vậy? Nói ra chắc không ít người ngạc nhiên. Bởi chính là bắt nguồn từ âm thanh phát ra khi đổ bánh, lúc đổ bột vào chảo sẽ vang lên “xèo xèo “. Từ đó, người dân quen gọi món ăn này là bánh xèo.

Trong các món bánh mặn của Nam bộ, bánh xèo là món phổ biến, được nhiều người ăn ưa thích. Đặc biệt, ăn bánh xèo có đông người mới vui vì khi làm bánh phải qua nhiều công đoạn nên cần nhiều người. Người ta phân công nhau bằng những câu vè vui vẻ như:

“Người nào xấu xấu xay bột, lặt hành.
Người nào lanh lanh băm nhân, đổ bánh”.

11 thg 5, 2020

Miếu Cây Vông - Di tích lịch sử cách mạng hơn 240 năm tuổi


Miếu Cây Vông (tọa lạc ấp 4, xã Trung An, TP. Mỹ Tho) là điểm hội họp của các tổ chức cách mạng trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước. Sau ngày miền Nam giải phóng, thống nhất đất nước, miếu Cây Vông là nơi sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng thờ cúng của nhân dân trong và ngoài tỉnh Tiền Giang. Với những ý nghĩa lịch sử và các giá trị mang lại, năm 2013 miếu Cây Vông đã được công nhận là di tích cấp tỉnh.

ĐIỂM HỘI HỌP CỦA CÁC TỔ CHỨC CÁCH MẠNG

Theo nguồn tư liệu của các bậc lão thành trong Ban Hội hương miếu Cây Vông, miếu được lập vào thế kỷ XVIII, do người dân từ miền Bắc vào Nam khai hoang lập ấp, thấy khu vực này có một gò đất cao hơn các nơi xung quanh nên đặt ở nơi này một ngôi miếu nhỏ làm bằng gốc tre, lợp lá để thờ Thổ Thần (thần đất), cạnh miếu có một cây vông nên nhân dân trong vùng gọi là miếu Cây Vông.

3 thg 3, 2020

Dưa hường nấu canh

Dân gian vùng Gò Công có câu ca dao:


Mẹ mong gả thiếp về vườn
Ăn bông bí luộc, dưa hường nấu canh. 


Dưa hường không phải là tên của một loại dưa riêng, mà là trái dưa hấu chưa già, được nhà vườn hái bỏ bớt để dưỡng các trái còn lại lớn hơn, ngọt hơn. 



12 thg 11, 2019

Làng cổ Đông Hòa Hiệp: Mang đậm nét kiến trúc văn hóa nhà vườn Nam bộ

Làng cổ Đông Hòa Hiệp thuộc xã Đông Hòa Hiệp (huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang), nằm trên bờ Bắc hạ lưu sông Mê Kông, cách trung tâm TP. Mỹ Tho khoảng 40 km và cách TP. Hồ Chí Minh 110 km về phía Tây - Nam. 

Làng cổ Đông Hòa Hiệp vinh dự đón nhận Bằng Di tích cấp Quốc gia. 

Theo các tư liệu lịch sử, vào thế kỷ thứ XVIII, năm 1732 thời Chúa Nguyễn đã cho thiết lập ở dinh Phiên Trấn một đơn vị mới là dinh Long Hồ và chọn thôn An Bình Đông thuộc xã Đông Hòa Hiệp ngày nay để làm lỵ sở của dinh Long Hồ.

Giữ hồn văn hóa Làng cổ Đông Hòa Hiệp

Với giá trị kiến trúc cùng lợi thế tự nhiên, Làng cổ Đông Hòa Hiệp đang trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn ở tỉnh. Do đó, bảo tồn và phát huy nhằm giữ hồn văn hóa Làng cổ Đông Hòa Hiệp gắn với phát triển du lịch là việc làm cần thiết hiện nay. 

Với giá trị kiến trúc cùng lợi thế tự nhiên, Làng cổ Đông Hòa Hiệp đang trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn ở tỉnh. 

1. Với hàng trăm năm tồn tại, Làng cổ Đông Hòa Hiệp đi cùng với chiều dài lịch sử và vẫn giữ được nét văn hóa độc đáo riêng. Nhìn vào chặng đường lịch sử, vào thế kỷ XVIII, thời chúa Nguyễn Phúc Chu (1696 - 1738), năm 1732 đã thiết lập ở Dinh Phiên Trấn một đơn vị mới là Dinh Long Hồ (tức tỉnh Vĩnh Long ngày nay).

17 thg 8, 2019

Tép đồng - món quen mà lạ

Từ tháng 10, khi lũ đã tràn về khắp các cánh đồng ở vùng đầu nguồn các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long, những con tép, con cá men theo con nước lên đồng đẻ trứng, sinh con. Đến mùa nước “rọt”, chúng lại theo những dòng nước chạy về với sông, với rạch. 

Từ giữa tháng 11 trở đi, tép nhiều vô kể. Chỉ những con tép nhỏ thôi mà cũng có nhiều tên như: Tép riu, tép muỗi, tép đồng…; mỗi vùng một tên. Xứ của tôi là xứ đồng, nên bà con vùng này đặt tên là tép đồng hay tép muỗi. 




Về Gò Công ăn mắm còng

Gió đưa gió đẩy, về rẫy ăn còng
Về sông ăn cá, về giồng ăn dưa... 

Câu hát ấy đã trở thành câu thành ngữ về những đặc sản của miền Tây Nam bộ.

Rẫy là một vùng đất miền nước mặn. Còng là một loài cua nhưng nhỏ hơn cua. Ở vùng đất rẫy có nhiều loại còng khác nhau: Còng đỏ, còng nha, còng quều, còng xanh. Loại còng gió sống nơi bãi biển. Loại còng ba khía thì sống theo miệt rừng chồi nước mặn. Trong số các loại còng, còng đỏ là loại có thể làm ra loại mắm thượng hạng, làm mê đắm lòng thực khách. Trong số các địa phương miền Tây, xứ Gò Công (Tiền Giang) có bí quyết làm món mắm còng thượng hảo hạng. 

Những điều chưa biết về lăng mộ Hoàng gia

Ông Phan Văn Dũng, người đang trông coi lăng mộ Hoàng gia nói với chúng tôi: “Lăng này xây dựng năm 1927. Đã có nhiều du khách đến đây tham quan lầm tưởng đây là nơi thờ tự bà Phạm Thị Hằng (tức bà Từ Dũ, vợ vua Thiệu Trị, mẹ ruột của vua Tự Đức), nhưng thực tế đây là lăng mộ thờ ông Phạm Đăng Hưng (cha ruột bà Từ Dũ, tức ông ngoại vua Tự Đức). Tôi nghĩ, các cơ quan truyền thông, văn hóa, lịch sử cần giải thích rõ vấn đề này để tránh sự nhầm lẫn”. 

Bên ngoài lăng mộ. 

Huyện Gò Công thuộc tỉnh Tiền Giang, sau đó chia tách thành 4 đơn vị hành chính là: TX. Gò Công, huyện Gò Công Đông, huyện Gò Công Tây và huyện Tân Phú Đông. Lăng mộ Hoàng gia nay thuộc ấp Lăng Hoàng Gia, xã Long Hưng, TX. Gò Công.

Những địa danh, di tích "ngựa" ở Tiền Giang

Ngày xưa, đường bộ ở vùng đất Nam kỳ chưa phát triển, việc đi lại, vận chuyển chủ yếu bằng ghe xuồng. Năm 1792, chúa Nguyễn đắp đường Thiên Lý từ Gia Định về Cái Thia, lập các trạm mục, cấp ngựa cho trạm phu để thực hiện các công việc hỏa tốc vào mùa khô, nhưng mùa mưa họ vẫn sử dụng ghe thuyền để chuyển công văn giấy tờ. 

Đến khi người Pháp chiếm đất Nam kỳ, thực hiện chính sách khai thác thuộc địa, mở mang giao thông đường bộ cùng với các phương tiện cơ giới khác như tàu chạy bằng máy hơi nước, xe lửa… thì việc dùng ngựa dần dần phổ biến, nhưng chỉ trong giới thượng lưu và quan chức; còn người bình dân vẫn thích dùng xe trâu, xe bò. 


Chợ Vòng Nhỏ. 

3 thg 9, 2018

Nghệ nhân Ngô Tấn Đức: Người "giữ hồn" cho Làng nghề Tủ thờ Gò Công

Ông Ngô Tấn Đức, nhiều người gọi thân mật bằng ông Ba Đức, gần 80 tuổi, tóc đã bạc trắng nhưng còn rất minh mẫn. Ông được xem là một trong những nghệ nhân lão luyện, người góp phần “giữ hồn” cho Làng nghề Tủ thờ Gò Công trải dài cả trăm năm.

Nặng nợ với nghề


Chúng tôi hẹn gặp ông vào ngày cận Tết Giáp Ngọ 2014, ngay sau khi ông nhận Huân chương Lao động hạng III do Chủ tịch nước trao tặng nhằm ghi nhận những đóng góp của ông trong hàng chục năm qua. Đó là phần thưởng vô giá cho một lão nông cả đời gắn bó với những chiếc tủ thờ Gò Công vang danh khắp cả nước.

Tiếp chúng tôi không phải ở những cửa hàng kinh doanh bàn ghế, tủ thờ mang tên Ba Đức ở dọc ấp Ông Non, xã Tân Trung (TX. Gò Công) hoành tráng, sang trọng mà ông dẫn chúng tôi về ngôi nhà có nét cổ kính, cũ kỹ. Ông lý giải, ngôi nhà này đã gắn bó với vợ chồng ông đã gần 50 năm, kể từ khi ông lập gia đình, ra riêng và gầy dựng sự nghiệp. Và có lẽ nơi đây đã chứa đựng nhiều ký ức của cả đời lập thân, lập nghiệp.


7 thg 1, 2018

Thăm di tích lịch sử văn hóa quốc gia Gò Thành

Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Gò Thành thuộc ấp Tân Thành, xã Tân Thuận Bình, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang, cách chợ Ông Văn, xã Đăng Hưng Phước chừng 200 m.

Cho đến nay, di tích Gò Thành được xác định là một địa điểm khảo cổ học quy mô lớn với các loại hình di tích mộ táng, kiến trúc và cư trú. Được biết, vào năm 1941, L.Malleret, nhà khảo cổ học người Pháp đã phát hiện ra di chỉ Gò Thành và sau đó ông đã thu thập được một số hiện vật.

Năm 1987, Viện Khoa học xã hội tại TP. Hồ Chí Minh đã đến tham gia Hội nghị 'Thông báo khảo cổ học' tại Tiền Giang và khẳng định Gò Thành là di tích thuộc nền văn hóa Óc-Eo.

Trong các năm 1988-1990, Bảo tàng Tiền Giang kết hợp với Trung tâm Khảo cổ học (thuộc Viện Khoa học xã hội Quốc gia) tiến hành liên tục 3 lần khai quật, khảo sát di tích này.

Bên trong khu di tích Gò Thành 

Về Tiền Giang thăm ngôi nhà Bác Tôn từng ở và hoạt động cách mạng

Tại ấp Vĩnh Hòa, xã Vĩnh Kim, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang có một di tích văn hóa lịch sử cấp tỉnh được UBND tỉnh Tiền Giang công nhận vào năm 2000, là ngôi nhà nơi Chủ tịch Tôn Đức Thắng từng ở và hoạt động cách mạng tại đây.

Ngôi nhà này của ông Trần Đình Túy (1861-1923, là ông ngoại của Bác Tôn gái), nhà nho rất mực hiền từ, làm nghề bốc thuốc bắc chuyên trị bệnh sản phụ mà người dân trong vùng thường gọi là ông Bái Liễu. Ngôi nhà đã ghi dấu những sự kiện liên quan đến Bác Tôn như sau:

Nơi Bác Tôn gái (là cô giáo Đoàn Thị Giàu, tự Kim Oanh, SN 1898 tại làng Kim Sơn, tổng Thuận Bình, huyện Kiến Hưng, tỉnh Mỹ Tho - nay là xã Kim Sơn, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) trú ngụ một thời gian sau khi mẹ qua đời (năm 1917); nơi tổ chức đám cưới của hai Bác Tôn; nơi Bác Tôn thường lui tới gây dựng phong trào cách mạng tỉnh Mỹ Tho từ những năm sau khi cưới Bác gái cho đến khi bị bắt, bị tù đày (1921-1928); nơi Bác Tôn gặp lại Bác gái và hai người con sau hơn mười mấy năm xa cách vì bị tù đày nơi Côn Đảo (năm 1945); nơi Bác Tôn về thăm lại gia đình bên vợ trước lúc vĩnh viễn đi xa (năm 1979). Đặc biệt, ngôi nhà này còn có một sự kiện quan trọng là nơi mà cụ Nguyễn Sinh Sắc có thời gian về đây cùng ông Trần Đình Túy bàn quốc sự, được gia đình ông Túy che chở an toàn…

Ngôi nhà nơi Chủ tịch Tôn Đức Thắng đã từng ở và hoạt động cách mạng đã được công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh. 

5 thg 1, 2018

Nghệ thuật chạm, khắc gỗ trong đình, chùa ở Tiền Giang

Đình, chùa ở Tiền Giang ngoài yếu tố tín ngưỡng tâm linh còn chứa đựng các giá trị nghệ thuật dân gian độc đáo; trong đó có nghệ thuật chạm khắc gỗ. Tại các đình, chùa, loại hình nghệ thuật này được thể hiện qua các cột, bao lam, hoành phi, câu đối,...

Tại chùa Vĩnh Tràng (TP Mỹ Tho) có 2 đôi long trụ được làm từ gỗ quý, chạm khắc hình rồng uốn lượn rất sinh động, tinh xảo; riêng đôi phía ngoài chạm tứ linh do bà Lê Thị Ngởi ở Ba Tri (Bến Tre) hiến cúng vào năm 1909. Nét đặc biệt là đôi long trụ này có lối sắp xếp bố cục độc đáo, có một không hai: chạm chim phượng đứng trên đầu rồng. Bảy bộ bao lam chính cùng nhiều bao lam phụ.

Nhưng đặc sắc nhất là bộ bao lam Bát tiên cưỡi thú được chạm trổ tinh xảo, mỗi vị có một tư thế và cỡi trên một con thú và cầm bửu bối khác nhau, bên trái có bốn vị: tiểu đồng đứng trên lưng rùa với tay quảy chiếc giỏ tre; một tiên sinh cưỡi ngựa với tay cầm ống bút, một thư sinh cưỡi hổ thổi sáo, một ông lão cưỡi đề thính vuốt râu, bên phải có bốn vị: một vị trung niên cưỡi trâu tay cầm bình hồ lô, tiên nữ cưỡi hạc cầm hoa sen, một tiên sinh cưỡi lộc với tay vuốt râu và một ông lão kỳ lân với phất trần trên tay, trên bao lam bát tiên còn có thần mặt trời cưỡi rồng và thần mặt trăng cưỡi phụng được chạm trổ rất công phu, do các nghệ nhân tại địa phương thực hiện vào khoảng năm 1907-1908.

Một số tác phẩm nghệ thuật chạm gỗ ở bên trong chánh điện chùa Vĩnh Tràng 

Độc đáo nghệ thuật chưng kết ở Tiền Giang

Nghệ thuật chưng kết, nói tắt của chưng hoa kết trái, là sản phẩm nghệ thuật đặc thù của miệt vườn, xứ sở của cây trái và là sự phát triển của nghệ thuật chưng mâm ngũ quả vốn là một truyền thống lâu đời của người dân Nam bộ và Tiền Giang.

Ngày xưa các phương tiện trang trí nhà cửa chưa phong phú như bây giờ nên mỗi khi có đám tiệc hay lễ tết người ta thường bày ra nghệ thuật chưng kết để làm đẹp cho ngôi nhà và tiệc lễ. Tác phẩm chưng kết này thường được đặt trang trọng trên bàn nghi ở trước bàn thờ, ngay giữa nhà trên, nên loại hình nghệ thuật này còn được gọi là chưng nghi.


Một kiểu chưng nghi theo rồng - phụng.