3 thg 9, 2017

Kagor - Con thuyền linh thiêng của người Raglai

Người Raglai sống ở vùng đất cao, chuyên làm nương rẫy nhưng khi một ai đó qua đời, họ nhất định lại có một chuyến đi trên chiếc thuyền gỗ Kagor linh thiêng để cập bến với tổ tiên và mãi mãi chia tay với những người còn sống. 

Lễ Bỏ mả là nghi lễ quan trọng nhất trong đời sống tâm linh của người Raglai. Họ quan niệm có hai thế giới cùng tồn tại là thế giới của người sống và thế giới của người chết. Lễ Bỏ mả là buổi lễ người sống nhất định phải tổ chức để dứt quan hệ và đưa tiễn người đã mất về với thế giới của tổ tiên. Trong cuộc chia tay vĩnh viễn kéo dài ba ngày này, Kagor là vật linh thiêng, là trung tâm và được người Raglai hướng về với tất cả lòng thành kính.

Trước ngày làm Lễ Bỏ mả, người thân của người đã khuất phải xem ngày lành, chuẩn bị những lễ vật ...và đặc biệt là làm thuyền Kagor. Kagor được làm bằng gỗ trên đó người ta dựng nhà, làm hàng rào, vẽ hoạ tiết hình mặt trời, mặt trăng, cây cối, chim chóc, hình con rồng.... Người Raglai giờ sống ở trên cao làm nương làm rẫy nhưng trong tâm niệm mỗi người cuộc sống của tổ tiên xa xưa gắn liền với biển. Họ tin rằng chiếc thuyền Kagor sẽ đưa người chết đến được nơi trú ngụ của ông bà tổ tiên.

Chiếc thuyền gỗ linh thiêng dùng trong Lễ Bỏ mả. Được làm bằng gỗ với những trang trí cầu kỳ, thuyền Kagor là vật rất linh thiêng với người Raglai. Theo tín ngưỡng của họ, Đây nơi trú, là cầu nối đưa linh hồn người chết về với thế giới của tổ tiên.


Thuyền Kagor của người Raglai được trang trí họa tiết rồng, có nhà cửa, cây cối... với quan niệm rằng càng có nhiều vật dụng trên thuyền, người chết càng vui vẻ viên mãn khi về với thế giới bên kia.

Những thủ nhang hành lễ trước mâm lễ vật trong Lễ Bỏ mả. Thông thường rượu cần, thịt, gạo… là những đồ cúng không thể thiếu.

Những thủ nhang hành lễ trong Lễ Bỏ mả của người Raglai. Những người này được bầu ra trong nghi thức chọn thủ nhang trước Lễ Bỏ mả. Thường họ là những người cao tuổi và thông thạo những nghi thức tín ngưỡng của người Raglai.

Ở Lễ Bỏ mả, thủ nhang chính của buổi lễ luôn cầm trên tay một thanh tre có tên là thanh dẫn hồn,
để mời linh hồn người chết trong các nghi thức tâm linh.

Thủ nhang làm lễ trong nghi thức Cúng Kargo với mục đích mời người đã mất về dự buổi hành lễ.

Những lễ vật dâng lên cho người đã mất. Với người Raglai thế giới bên kia rất khác nên những vật dụng dâng lên dù to hay nhỏ cũng chỉ mang ý nghĩa tượng trưng những không khí Lễ Bỏ mả lại rất trang trọng và thánh kính.

Những người đánh Mã la (một loại nhạc cụ như cồng chiêng của người Raglai) đang đi vòng quanh chiếc thuyền nơi người đã mất đang trú ngụ. Trong nghi lễ tâm linh quan trọng bậc nhất này, âm thanh trầm bổng của Mã la không bao giờ được dứt.

Người ta bỏ đồ cúng vào trong một chiếc giỏ để dành cho người chết. Chiếc giỏ này sẽ được mang ra mộ trong nghi thức Dứt đứt cuối Lễ Bỏ mả.

Những người thân trong gia đình người mất luôn túc trực quanh mâm lễ trước thuyền Kagor để thể hiện tình cảm của mình với người đã mất.

Sau khi hoàn tất các thủ tục tại nhà, thuyền Kagor sẽ được chuyển ra nhà mồ để làm lễ tiễn người chết về với tổ tiên.

Sau cùng thuyền Kagor sẽ được đặt lên nóc nhà mồ hướng về phía Nam. Theo quan niệm của người Raglai chiếc thuyền này sẽ đưa linh hồn người chết về với thế giới của tổ tiên họ. 

Có rất nhiều nghi thức mang ý nghĩa tâm linh được diễn ra trong ba ngày làm Lễ Bỏ mả của người Raglai. Từ Lễ bầu thủ nhang, Lễ cúng kago, Lễ đập heo đập gà, Lễ dứt đứt cho người chết … hầu hết tất cả các lễ thức đều được tiến hành bên cạnh chiếc thuyền Kagor linh thiêng. Trong các hoạt động tâm linh ấy, Kagor luôn được đặt ở vị trí trang trọng hàng đầu. Những người tham gia nghi lễ là thủ nhang và người thân trong họ tộc sẽ cùng nhau làm lễ quanh Kagor trong tiếng nhạc Mã la không dứt. Thông thường người thủ nhang còn được gọi là người dẫn đường bởi trên tay họ luôn cầm một thanh tre dài khoảng một mét. Trên thanh tre này có đính một chiếc nhẫn và sáp ong dùng để chỉ hướng dẫn linh hồn người đã mất đến nơi có đồ tế lễ. Kết thúc mỗi phần hành lễ, thủ nhang thường đi đầu và dẫn mọi người đi vòng quanh Kagor theo chiều ngược kim đồng hồ bởi người Raglai tin rằng hai cõi âm dương luôn trái ngược.

Sau khi hoàn tất các thủ tục xin phép chuyển Kagor từ nhà ra nhà mồ, chiếc thuyền gỗ này sẽ được khênh đến nhà mồ của người đã khuất để làm Lễ dứt đứt. Tại đây người ta sẽ khiêng Kagor đi vòng quanh mộ để mời hồn ma về với tổ tiên. Buổi hành lễ được tiếp tục bằng việc đưa chiếc Kagor gắn lên đỉnh nhà mồ. Cuộc chia tay vĩnh viễn được kết thúc bởi nghi thức bẻ thanh dẫn hồn. Sau khi thủ nhang bẻ gãy thanh dẫn hồn từ đây mọi mối quan hệ giữa hai cõi chấm dứt. Sau đó mọi người sẽ trở về nhà cùng nhau làm lễ Dặn dò người sống. Tất cả sẽ không buồn nữa và cùng nhau ăn uống, nhảy múa vui vẻ.

Trong cuộc sống mới, nhiều nghi thức trong buổi lễ đã được thay đổi để phù hợp hơn với cuộc sống hiện đại nhưng những nét văn hóa độc đáo riêng biệt của người Raglai trong nghi lễ tâm linh quan trọng này hiện vẫn được gìn giữ. Không chỉ có ý nghĩa quan trọng trong đời sống tâm linh, Lễ Bỏ mả còn mang trong mình những giá trị văn hoá, nghệ thuật truyền thống, có giá trị gắn kết cộng đồng của người Raglai.

Bài - Ảnh: Việt Cường

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét