24 thg 12, 2013

Hà Giang – mảnh đất của tình yêu

Những cung đường tuyệt đẹp, những đỉnh núi hùng vĩ, những triền dốc và thung lũng chìm sâu trong mây, ruộng bậc thang trùng điệp, những cánh đồng hoa tam giác mạch trải dài ngút ngàn, những dòng sông, con suối nên thơ, những ngôi nhà cổ, những phiên chợ và những chén rượu nồng, tất cả đã tạo nên một Hà Giang - mảnh đất của tình yêu.


Cách Hà Nội gần 300 km, Hà Giang - tỉnh cực Bắc của đất nước Việt Nam, một tỉnh vùng cao giàu bản sắc văn hoá, ngôi nhà chung của 20 dân tộc, gồm người H'mong, Pathen, La Chí, Sán Chỉ, Cao Lan, Lô Lô, Zay, Tày, Dao...

Mỗi dân tộc đều có nét văn hóa, bản sắc riêng biệt và vẫn giữ lối sống nguyên sơ, đơn giản. Tại thôn Nấm Chanh, xã Nấm Dẩn, vẫn còn bãi đá cổ, nơi sinh sống của người Việt cổ cói niên đại trên 2.000 năm tuổi.

Du khách sẽ vô cùng ấn tượng khi tham dự những phiên chợ vùng cao đậm nét văn hóa của các dân tộc Việt Nam, nơi gặp gỡ của các đồng bào dân tộc thiểu số.

Chợ tình Khau Vai họp mỗi năm một lần vào ngày 27 tháng 3 âm lịch tại xã Khau Vai, huyện Mèo Vạc, nơi hò hẹn chung cho tất cả những người yêu nhau trong vùng. Chợ Yên Minh, nằm trong khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp giữa Cổng trời Quản Bạ và những đỉnh vú Tiên, chợ chỉ họp vào mỗi buổi sáng chủ nhật...

Chợ tình Khau Vai

Ánh nắng của ngày mới chạng vạng đổ xuống thung lũng Đồng Văn trong âm thanh nhộn nhịp tiếng nói cười, đi lại, gọi nhau và cả tiếng lục lạc, vó ngựa tại phiên chợ. Những cô gái dân tộc xúng xính trong những chiếc váy xoè rực rỡ nhiều màu sắc do chính tay họ tỉ mỉ thêu dệt cả tháng trời, cùng những chiếc khăn thổ cẩm hoa văn độc đáo đội trên đầu. Cả phiên chợ rực lên như vườn hoa sặc sỡ của những trang phục H’Mông, Dao, Tày, Nùng…

Bà con dân tộc vùng cao đi chợ không chỉ mua bán hàng hoá mà còn để gặp gỡ, giao lưu, trò chuyện tâm tình, uống với nhau chén rượu ngô hay quây quần xung quanh chảo thắng cố nóng hổi. Những mặt hàng được bán ở chợ phiên là những sản phẩm do bà con tự làm ra và các sản vật núi rừng như thổ cẩm, đậu tương, nấm hương, mật ong, thảo quả, mắc kén, hồi, quế...

Những chiếc vòng bạc được chạm chổ với những hoa văn đơn giản, đủ các kiểu dáng hình dạng… Những chiêc váy, chiếc khăn sặc sỡ với các hoạ tiết bắt mắt…


Hà Giang với khí hậu mang nhiều sắc thái ôn đới nên hệ động, thực vật ở đây cũng rất phong phú và đa dạng. Trong các khu rừng có nhiều loại gỗ quý, và gần 1000 loại cây dược liệu. Nhiều loại động vật quý như hổ, công, trĩ, tê tê, và các loại chim thú khác.

Hà Giang có nhiều ngọn núi đá cao, sườn núi dốc. Cao nhất là đỉnh Tây Côn Lĩnh (2419 m) và ngọn Kiều Liêu Ti (2402m). Ở độ cao 1025m trên mực nước biển, Đồng Văn là cao nguyên đá duy nhất của Việt Nam được UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu vào năm 2010.

Cao nguyên đá Đồng Văn nằm trải rộng trên bốn huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc. Đây là một trong những vùng đá vôi đặc biệt, với những dấu ấn tiêu biểu về lịch sử phát triển vỏ Trái Đất, những hiện tượng tự nhiên và tính đa dạng sinh học cao.

Cao nguyên đá cũng là nơi có nhiều di tích danh thắng quốc gia đã được công nhận như:

Kiến trúc nhà Vương, được xây dựng cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Là công trình kiến trúc đẹp và độc đáo, bề thế, uy nghi với kiến trúc hình chữ “Vương”, tọa lạc trên quả đồi hình mai rùa, được xếp hạng cấp quốc gia năm 1993.


Danh thắng núi Đôi Quản Bạ nằm ở thị trấn Tam Sơn, tên thường gọi là núi Cô Tiên. Núi Đôi được ví như bộ ngực căng tròn người con gái. Đỉnh Lũng Cú, nơi “cúi mặt sát đất, ngửng mặt đụng trời", được coi như “nóc nhà” của Việt Nam nằm giữa biên giới Việt Nam và Trung Quốc. Cột cờ Lũng Cú nằm trên độ cao 1500m so với mực nước biển, từ đây du khách có thể ngắm nhìn toàn khung cảnh cao nguyên đá Đồng Văn.

Cách thị trấn Đồng Văn 15km về hướng Mèo Vạc là con đèo Mã Phí Lèng, được mệnh danh là “Thiên hạ đệ nhất đèo”(theo tiếng dân tộc là sống mũi ngựa), con đèo hiểm trở bậc nhất đến nỗi ngựa đi qua cũng phải bạt vía, lạc hơi. Đây là con đèo đẹp và kì vĩ nhất Đông Nam Á, với một bên là vách núi cao dựng đứng, một bên là vực đá sâu.


Đỉnh Mã Pì Lèng, đệ nhất hùng quan của đất nước, với độ cao trung bình 2000 m so với mực nước biển. Từ đỉnh đèo nhìn xuống là con sông Nho Quế bốn mùa xanh trong uốn lượn, như một sợi chỉ cắt ngang những dãy núi đá tai mèo nhọn hoắt, là nơi mà mây, trời, sông, núi hội tụ.

Cách huyện Đồng Văn 15km về phía huyện Yên Minh, cổng trời Sà Phìn là điểm dừng chân không thể bỏ qua với bất kỳ ai khi đến với Hà Giang. Từ cổng trời, du khách có thể phóng tầm mắt tới thung lũng Sà Phìn thơ mộng, chiêm ngưỡng những đỉnh núi nhấp nhô trùng điệp, lâu đài của vua Mèo Vương Chí Sình, một công trình có kiến trúc đẹp, hiếm có và rất độc đáo của vùng cao nguyên này...


Dọc đường đi, khắp các sườn núi, du khách tắm mình trong bức tranh đầy màu sắc của các loài hoa, cảm giác như đang lạc vào cõi tiên. Hà Giang mùa nào cũng đẹp, cũng đắm say, mỗi mùa một vẻ đẹp khác nhau.

Vào mùa Xuân hoa mơ, hoa đào, hoa mận nở hồng trắng cả một vùng hay mùa lúa chín khoe sắc vàng óng ả đẹp đến ngỡ ngàng, cuối thu tam giác mạch bung nở trắng hồng cả cao nguyên, đẹp như tranh vẽ.

Trẻ con nô đùa trên cánh đồng hoa tam giác mạch

Tiếp tục hành trình du khách sẽ được đắm mình trong không gian mờ ảo sương giăng kín núi rừng, thấp thoáng màu áo rực rỡ của các cô gái dân tộc, ngắm bức tranh hoa đẹp như cổ tích.

Thưởng thức món mèn mén (ngô xay đồ chín), xôi màu, bánh ngô, thịt gà, thịt bò khô, rau cải mèo, măng nứa, cháo Ấu, Tẩu Thắng cố (chỉ có vào các phiên chợ ở thị trấn Đồng Văn), thịt hun khói và lạp sườn hun khói, lẩu ở bờ sông Miện, heo sữa quay với rượu ngô sóng sánh vàng trong cái lạnh của vùng cao.

Buổi tối đi dạo phố xà vào nếm các món chè nóng, ngô nướng, mía nướng…thì quả thật là tuyệt vời. Trải nghiệm những nét đẹp văn hóa, cuộc sống thanh bình, phong cảnh hữu tình khiến cho du khách cảm nhận một hành trình đầy ý nghĩa.

THU HÀ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét