15 thg 12, 2013

Kỳ lạ ông vua có hàng ngàn ngôi mộ ở Tây Côn Lĩnh

Chưa ai thử đếm dọc sườn Tây Côn Lĩnh có bao nhiêu ngôi mộ như vậy, chỉ ước chừng vài ngàn cái.

Chui ra khỏi lối đi dốc và rậm rạp, dừng lại giữa con đường đất đỏ, ven sườn đồi thoáng rộng, chị Tuyết Nhung, cán bộ văn hóa xã Bản Phùng (huyện Hoàng Su Phì, Hà Giang) khoát vòng tay rộng giới thiệu: “Đây là khu mộ cổ bí ẩn của người La Chí”.

Mặc dù đã chuẩn bị hình dung về một khu rừng mộ kỳ lạ, đầy huyền tích, nhưng hồi lâu tôi mới xác định được rằng, những gò đống hình bát úp to lớn kia chính là thứ tôi vượt hàng trăm cây số đến đây để tìm hiểu.

Thoạt nhìn, những gò đống ấy như lẫn vào sự nhấp nhô của những sườn đồi đầy cỏ dại. Nhưng không hiểu sao chúng đều có hình tròn, cao tầm hơn 1,5m và rộng như một gian nhà, nằm cách nhau vài mươi bước chân một cách đều đặn.

Đám trẻ vô tư nô đùa bên những ngôi mộ cổ 


Càng mở rộng tầm nhìn, những gò đống ấy như càng nhiều thêm. Có những ngôi mộ vẫn tròn to nguyên vẹn, nhưng cũng có những ngôi đã bị sạt, lở ra từng mảng đất trắng trụi cỏ. Xem nếp đất từ những ngôi mộ vỡ, có ngôi liền thổ, nhưng cũng có ngôi đất đắp xen dấu sỉ than như được cố tình đắp giả.

Đám trẻ con người La Chí đang thỏa sức nô đùa bên các ngôi mộ cổ. Cứ mấy đứa chung một thanh vầu cứng, ôm lưng nhau hào hứng với trò chơi trượt cỏ xuống dốc, đến thủng cả đít quần.

Lễ phép chào hỏi khách, mấy đứa trẻ hồn nhiên chỉ tay vào một gò đất to có mấy đứa bạn đang chễm chệ ngồi bên trên: “Mộ vua đấy, nhưng bên trong không có gì đâu”.

Ngôi mộ cổ bị phạt qua do làm đường, không có dấu tích mai táng, chỉ là mộ giả 

Chị Tuyết Nhung cho biết thêm: “Chưa ai thử cất công đếm xem dọc sườn núi của dãy Tây Côn Lĩnh này có bao nhiêu ngôi mộ như vậy, chỉ ước chừng vài ngàn cái. Bởi ở cả các xã Bản Díu, Bản Phùng, Bản Máy… thậm chí sang cả đất Trung Quốc, cứ nơi nào có người La Chí sinh sống thì đều có những ngôi mộ tương tự, cùng gọi là mộ vua.

Người dân địa phương đều biết đây là những ngôi mộ giả, không có hài cốt chôn cất bên trong. Nhưng mộ có từ bao giờ, ai đã đắp và đắp để làm gì thì kể cả người La Chí nhiều tuổi nhất, am hiểu phong tục tập quán dân tộc mình nhất cũng không thể biết một cách chính xác.

Chỉ có một ngôi mộ lớn, được người dân địa phương đặc biệt tôn kính, là cả quả đồi ở trong rừng thiêng của bản Lủng Cẩu. Tương truyền là mộ của ông Hoàng Vần Thùng, vua của người La Chí”. 


Người La Chí tin rằng, hàng ngàn ngôi mộ giả của vua Hoàng Vần Thùng chỉ đắp trong một đêm 

Bản Lủng Cẩu nằm thoai thoải, ngay kề dưới chân rừng vua, với 51 hộ dân, 310 nhân khẩu, toàn người La Chí. Theo những người già uy tín của Hoàng Su Phì, Lủng Cẩu có nghĩa là “làng cổ”, “làng cũ”, chỉ nơi đã có người dân sinh sống lâu đời.

Ngay ở giữa bản có một ngôi nhà sàn bốn bề vách trống. Đó là ngôi nhà chung của cộng đồng, nơi diễn ra những cuộc họp, nghi lễ, và nơi cất chứa những chiếc sọ trâu thờ cúng của người La Chí.

Chúng tôi chậm rãi men đến chân rừng thiêng um tùm những cây cổ thụ lớn thâm trầm, khác hẳn những gò mộ trơ trụi cỏ đã gặp. Còn đang phân vân thì thấy một người đàn ông La Chí đứng giữa bản nhào lên gào gọi: “Cấm mở cửa miếu nhé. Cấm mở cửa miếu nhé”. 

Núi Lủng Cẩu, tương truyền là ngôi mộ chính của vua Hoàng Vần Thùng 

Chị Tuyết Nhung vội trả lời, rằng chúng tôi đã biết và sẽ không vi phạm bất cứ điều gì người dân bản kiêng kỵ. Nhưng có vẻ như chưa yên tâm, người ấy cứ đứng từ xa nhìn mãi theo chúng tôi.

Núi Lủng Cẩu không cao, nhưng cảm giác u tịch và kinh sợ khiến cả hai chúng tôi khá thận trọng trong từng bước đi. Nhung thú thực, làm cán bộ văn hóa xã Bản Phùng, nhưng cô chưa từng một lần dám tự mình khám phá khu mộ thiêng.

Chỉ có một ngôi cổ miếu, là gian nhà nhỏ tranh tre nứa lá màu xám bạc nằm u tịch giữa khoảng đất trống. Cổ miếu Lủng Cẩu là nơi linh thiêng nhất của người La Chí, quanh năm đóng kín, tuyệt đối không một ai dám mở dù cửa chỉ cài hờ bằng một cành cây.

Ngôi miếu thờ linh thiêng mỗi năm chỉ mở cửa một lần trên đỉnh Lủng Cẩu 

Biết chúng tôi vừa trở về từ cổ miếu, ông Vương Văn Sinh, Phó Chủ tịch UBND xã Bản Phùng cũng thận trọng hỏi kỹ xem chúng tôi có tự tiện mở cửa miếu không. Rồi ông vui vẻ rót nước mời khách:

“Miếu chỉ mở duy nhất vào ngày mồng 2 Tết âm lịch để cúng tế. Không phải người dân La Chí nào cũng được phép bén mảng đến bên miếu. Tôi tham gia công tác chính quyền, nên được dân bản châm chước cho theo vào miếu một đôi lần.

Trong miếu có ba ban thờ. Chính giữa thờ vua Hoàng Vần Thùng. Hai bên là ban thờ bà vợ và người thư ký của ngài. 

Một góc bản Lủng Cẩu 

Cộng đồng người La Chí chỉ có bốn dòng họ là Long (Lùng), Vương (Vàng), Ly (Lý), Tận, cùng thờ vua Hoàng Vần Thùng là người từ xa xưa có công dựng bản, bảo vệ người dân.

Những người già kể lại, khi vua mất, chỉ một đêm bỗng khắp vùng mọc lên hàng ngàn ngôi mộ đất. Không rõ có bao nhiêu người đã tham gia đắp nên, hay nhờ sự linh thiêng huyền bí nào đó mà tạo thành. Người dân La Chí không ai dám phạm đến, kể cả mộ nằm giữa vườn, giữa ruộng cũng không dám đụng một nhát cuốc nào vào.

Người ta cũng đồn đoán rằng trong những ngôi mộ có của cải. Nghe đâu người bên kia biên giới như ở Ma Li Pho (Trung Quốc) cũng thử đào. Nhưng từ những ngôi mộ lở có thể thấy hết bên trong thì hoàn toàn không có sự mai táng nào chứ nói gì đến đồ quý chôn theo”.

Mộ của người La Chí, thường có những chiếc sọ trâu và chai đựng rượu, nước cho người đàn ông sang thế giới bên kia 

Đem câu chuyện đến hỏi ông Hoàng Ngọc Lâm, 85 tuổi, nguyên Bí thư Huyện ủy Hoàng Su Phì. Ông Lâm vui vẻ cho biết: “Rất nhiều người dân tộc ở Hà Giang này coi Hoàng Vần Thùng là vua, nhưng không ai rõ thân thế, sự nghiệp của ngài thế nào, là người thực hay huyền thoại.

Ở đây, cần phân biệt những ngôi mộ cổ của vua Hoàng Vần Thùng và những gò đất đắp lên. Gò đất La Chí bao gồm cả mộ giả (rất to) và gò đất đắp đánh dấu (vừa phải).

Tôi nhớ các cụ xưa hay kể, người Tày khi đến ở vùng nào, thường tết cỏ lại để đánh dấu, nên lãnh thổ người Tày rất nhanh chóng mở rộng. Còn người La Chí thì đắp đất thành gò để đánh dấu vùng đất của mình, lâu hơn. 

Ông Hoàng Ngọc Lâm tin rằng, gò đất của người La Chí liên quan tới việc đánh dấu lãnh thổ 

Nhưng khi tranh chấp, người ta đốt cỏ khô đi, thì chỉ còn là đất của người La Chí. Vậy nên mới có câu, “cỏ Tày, gò La Chí”. Cứ thấy những mô đất tròn cao là biết đó là vùng đất của người La Chí.

Vậy nên, tôi cho rằng, chưa có vị vua nào trên thế gian có nhiều mộ như ngài Hoàng Vần Thùng, hàng ngàn ngôi mộ. Nhưng số mộ này không phải đắp trong một đêm, mà phải khá lâu dài và ít nhiều mang dáng dấp của tập tục truyền thống giữ đất của người La Chí xưa kia”.

Lê Quân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét