14 thg 12, 2013

Nghĩa địa Kut, thế giới vĩnh hằng của người Chăm

Dọc quốc lộ 1A ngang qua Ninh Thuận, Bình Thuận, ta sẽ thấy thấp thoáng những ngôi nhà mái ngói đỏ tươi, bốn bề đồng ruộng bao la... Đó là nghĩa địa Kut của người Chăm Ahier.

Người Chăm ở Ninh Thuận có hai tôn giáo chính là Chăm Ahier, Chăm Awal (Chăm Hồi giáo bản địa hóa) và một bộ phận nhỏ theo Hồi giáo chính thống (Chăm Islam). Mỗi tôn giáo người Chăm luôn có nét văn hóa đặc thù riêng, thể hiện rõ nét trong nghi lễ tang ma.

Người Chăm Awal khi qua đời được chôn cất ở một nơi được gọi là Ghur. Hàng năm vào tháng 9 Hồi lịch người dân đến làm lễ tảo mộ và bắt đầu lễ hội Ramawan. Trong khi đó, người Chăm Ahier khi qua đời sau khi chôn hơn một năm, hài cốt được lấy lên làm lễ hỏa táng, và giữ lại 9 mảnh xương trán để đem làm lễ nhập Kut. 

Nghĩa địa Kut của người Chăm. 


Trong lễ hỏa táng của người Chăm Ahier, khi ngọn lửa đang cháy những bộ phận hài cốt, phần hộp sọ được một vị chức sắc lấy ra và gọt dũa thành 9 mảnh xương nhỏ bằng đồng xu, 9 mảnh xương trán ấy được giữ lại và được cất giữ trong một cái Klaung để thờ tự. Sau khoảng thời gian 5-10 năm hay chờ đủ 15-20 hộp Klaung thì được đem làm lễ nhập Kut bên tộc họ mẹ, đó là một phần nghi lễ trong chế độ mẫu hệ của người Chăm.

Kut là nơi thờ cúng chung của dòng họ theo chế độ mẫu hệ, mỗi người Chăm từ khi sinh ra đến lúc mất đi đều mang tâm niệm phải trở về yên nghỉ bên mảnh đất của dòng họ mẹ, được làm lễ nhập Kut và hóa kiếp với tổ tiên dòng họ. Người Chăm quan niệm trần thế nơi ta đang sống chỉ là thế giới tạm thời với những khoảnh khắc sống rất ngắn ngủi, còn thế giới bên kia là vĩnh hằng, thế giới của tổ tiên, dòng họ và các vị thần linh. Do đó Kut là nơi linh thiêng và quan trọng trong đời sống tín ngưỡng tâm linh của người Chăm. 

Nghi thức trước khi làm lễ nhập Kut. 

Theo truyền thuyết Chăm vào thế kỷ thứ 12 thời vua Po Klaong Garai trị vì, trong nước xảy ra nạn đói kém, dân chết đầy đường, vì là tầng lớp lao động nghèo nên người chết không được làm lễ hỏa táng, xương cốt vứt bỏ khắp nơi. Quan niệm tín ngưỡng người dân cho rằng do không được siêu thoát khỏi trần gian nên hồn ma người chết vẫn lãng vãng quanh họ, gây nên những cảnh chết chóc, bệnh tật triền miên.

Do đó người dân lao động đã nổi dậy đòi nhà vua và tăng lữ cầm quyền cho họ được thiêu xác chết và chôn cất cho có nơi có chỗ, như vậy nhân dân mới có thể yên ổn làm ăn. Đứng trước tình hình đó vua Po Klaong Garai đã chấp nhận và cho dựng Kut để chôn xương tầng lớp lao động nghèo. Kể từ đó Kut được hình thành và tồn tại đến ngày hôm nay.

Trong nghĩa địa Kut được phân làm hai nhóm, Kut chính và Kut phụ. Kut chính là nơi lưu giữ những hộp xương trán của người chết còn nguyên vẹn thân thể, không bị tật nguyền, chết trong nhà và được người trong nhà nâng đỡ trước khi chết. Kut phụ là nơi dành cho những người chết bị tật nguyền, bệnh tật kinh niên, chết ở ngoài đường, chết không rõ nguyên do và dành cho những người lấy chồng (vợ) là người ngoại tộc.

Vì vậy người Chăm rất sợ khi chết ngoài đường, chết ở bệnh viện, lấy người ngoại tộc, nếu phạm phải những điều ấy mà người thân trong gia đình cố ý đưa vào Kut chính sẽ bị thần linh, tổ tiên, dòng họ trừng phạt. 

Đại diện cho mỗi môn - chi tắm rửa cho những tượng Kut. 

Hình tượng trong Kut Chăm là những phiến đá tròn nhẵn, không vết tì xước được lấy ở sông, suối hay biển cả. Đối với các dòng dõi vua chúa Chăm xưa kia thì phiến đá được khắc những họa tiết hoa văn tinh xảo để nâng tầm cao quý và dễ dàng nhận biết chức tước, quan vị hay dòng dõi của họ. Những hình tượng Kut ấy còn được thể hiện dưới dạng Mukha Linga mà ta vẫn hay thấy ở các đền tháp Chăm hay thánh địa Mỹ Sơn.
Bài và ảnh: Putra Jatrai

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét