28 thg 12, 2013

Thăm Hoàng thành Thăng Long

Đứng trên lầu cao Đoan Môn có thể thấy thấp thoáng qua cây lá um tùm toàn bộ hệ thống di tích trung tâm kéo dài trên trục dọc từ Cột Cờ, Đoan Môn, điện Kính Thiên, Hậu Lâu đến Thành Cửa Bắc. Thực ra, đây là phần lõi của kinh thành Thăng Long từ ngàn năm trước.

Chúng tôi lặng đứng trên sân cỏ rộng ngắm nhìn Đoan Môn, cửa chính vào di tích Hoàng Thành Thăng Long. Hôm ấy tình cờ là ngày họp mặt của các bạn sinh viên vừa tốt nghiệp một trường đại học Hà Nội, những tà áo dài mềm mại tung bay, góp nét mới sống động vào âm hưởng hoài nhớ của bài thơ xưa với hai câu thơ nổi tiếng của Bà Huyện Thanh Quan thật hợp tình hợp cảnh: Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo/Nền cũ lâu đài bóng tịch dương 

Đoan Môn Hoàng Thành 


Từ dịp kỷ niệm ngàn năm Thăng Long, khu Hoàng Thành chính thức thành điểm tham quan lịch sử. Ngay cả với cư dân từng trải nhiều đời trên đất Hà Nội, mong ước thăm viếng Hoàng Thành khi ấy mới thành sự thực, vì từ thời Pháp thuộc trước đó đây là “đất nhà binh”, sau này là khu quân sự và Tổng hành dinh Bộ chỉ huy điều hành cuộc chiến tranh chống Mỹ đến ngày toàn thắng 30/4/1975. 

Bé mầm non vào thăm Hoàng Thành 

Cột cờ Thăng Long nhìn từ lầu Đoan Môn 

Điện Kính Thiên xưa trải qua những biến thiên lịch sử, chỉ còn nền điện với 10 bậc thềm rộng và đôi rồng đá cực đẹp, được coi là tuyệt tác điêu khắc đá của những bàn tay tài hoa thời Lê sơ ( thế kỷ 15 ). Hai bên thềm còn có đôi rồng đá giản lược như làn sóng cuộn dần lên. 

Rồng đá bậc thềm điện Kính Thiên 

Khu vực Điện Kính Thiên có chứng tích độc đáo là Nhà D67 của Bộ Tổng tư lệnh những năm kháng chiến chống Mỹ. Từ hai căn phòng làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Văn Tiến Dũng, chúng tôi theo cầu thang dẫn xuống đường hầm và khu tác chiến sâu hơn 10m dưới lòng đất. Khi máy bay Mỹ ném bom phá hoại Hà Nội, nhất là trong trận Điện Biên Phủ trên không năm 1972, Bộ Tổng tư lệnh làm việc dưới hầm này. Từng ngăn hầm điện đài, bản đồ, phòng họp lớn, các hầm máy móc được bảo quản và trưng bày chu đáo. Bản đồ chỉ huy các chiến dịch lớn như Tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968, Chiến dịch Hồ Chí Minh 1975 còn nguyên dấu tích các mũi tiến công kèm các số liệu binh lực tối mật ngày ấy.

Được biết toàn bộ khu Hoàng Thành rộng hơn 100ha, gồm Kinh thành Thăng Long từ thời còn là thành Đại La thế kỷ 9, qua thời Đinh - Tiền Lê, phát triển rực rỡ thời Lý Trần thế kỷ 10 - 14, kéo dài tới tỉnh thành Hà Nội thời Nguyễn thế kỷ 19. Khu di tích tham quan hiện nay khoảng 20ha, được công nhận là Di sản văn hóa thế giới năm 2010.

Chúng tôi tiếp tục lộ trình tìm hiểu qua khu khai quật các di chỉ Hoàng Thành. Đây là khu đất rộng lớn số 18 Hoàng Diệu, sau nhiều đợt khai quật khảo cổ học đã cung cấp số lượng di vật khổng lồ minh chứng tầm vóc và tinh hoa kiến trúc của cha ông ta trải suốt 13 thế kỷ. 

Một phần khu khai quật di chỉ Hoàng Thành 

Toàn bộ khu này có mái che, du khách đi theo cầu dẫn trên bề mặt di tích, tận mắt thấy dấu tích giếng nước có từ thời thành Đại La, con thuyền gỗ bên bờ sông đào thời Lê sơ, những lối đi lát gạch, hệ thống chân móng cột các cung điện hoành tráng thời Lý - Trần. Có tới 5 tầng di chỉ các triều đại được khai quật, tất cả đều có bản thông tin chi tiết đặt ngay tại các điểm tìm thấy di vật. 

Di vật đầu rồng và uyên ương 


Trước khi rời Hoàng Thành, không thể bỏ qua Bảo tàng di vật, nơi trưng bày khoa học vô số di vật khảo cổ theo đúng tiến trình lịch sử. Du khách sẽ có dịp ngẩn ngơ trước vẻ đẹp tinh tế, sống động của các hiện vật nguyên bản, dấu tích một quá khứ huy hoàng Thăng Long – Hà Nội.

Bài và ảnh: NGUYỄN VIỆT BẮC

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét