15 thg 2, 2024

Nghệ thuật trang trí trong lễ hội Ariêu Ping và kiến trúc nhà mồ của người Pa Kô

Có thể khẳng định lễ hội Ariêu Ping là lễ hội lớn nhất trong hệ thống lễ hội và hội tụ các giá trị di sản văn hóa của đồng bào Pa Kô ở Quảng Trị. Lễ hội thể hiện những nét đặc sắc riêng như: Văn hóa ứng xử, văn hóa ẩm thực, phồn thực, tín ngưỡng, âm nhạc dân gian, dân vũ, đặc biệt là hình tượng nghệ thuật trang trí.

Lễ hội Ariêu Ping tại Quảng Trị - Ảnh: Thanh Hồ

Trong lễ hội sự tựu trung đông đúc bao nhiêu thì thể hiện sự phồn thịnh bấy nhiêu. Khi đồng bào tổ chức lễ hội là minh chứng cho cuộc sống no đủ, cộng đồng đoàn kết và qua đó thể hiện rõ nét tính thẫm mỹ đạt đến đỉnh cao trong trang trí lễ hội Ariêu Ping.

*Cây nêu trong lễ hội

Trong đời sống hằng ngày của người Pa Kô ở miền Tây Quảng Trị thì cây nêu (Tar tong) luôn chiếm vị trí quan trọng trong tâm thức của đồng bào, là vật thiêng liêng kết nối với thần linh, ông bà và chuyển tải khát vọng của con người vươn tới cuộc sống yên bình, viên mãn.

Cây nêu là một sản phẩm mỹ thuật thể hiện tài nghệ trang trí, điêu khắc của nghệ nhân dân gian Pa Kô, một cư dân sinh sống lâu đời trên dãy Trường Sơn hùng vĩ.

Đối với đồng bào Pa Kô, cây nêu gắn liền với hoạt động nghi lễ trong các lễ hội mừng lúa mới, mừng bản mới, lễ hội A Da, đặc biệt trong lễ hội Ariêu Ping. Trước lúc tổ chức lễ hội khoảng một tháng, những thanh niên Pa Kô khỏe mạnh, khéo léo trong bản được hội đồng già làng tuyển chọn vào rừng tìm cây để làm cây nêu. Chọn gỗ mọc ở rừng thẳng, không bị các loại cây thân dây bò quấn hoặc bị kiến đục lỗ trên thân.

Trong các lễ hội Ariêu Ping cây nêu được trang trí thành 3 phần: đế, thân và ngọn. Phần đế (gốc) chôn xuống lòng đất, phần thân (Apor) dùng để buộc trâu (động vật tế thần linh), phần ngọn (Tatong) một ống lồ ô to để nối phần thân và ngọn, thường trang trí họa tiết. Thân cây nêu được trang trí khá tỉ mỉ, công phu, vì theo quan niệm của người Pa Kô, đây là nơi các vị thần linh về ngự trị để dự lễ. Phần thân tô màu đỏ, trắng với những hoa văn, cấy cối, chim chóc, vật hiến sinh... và trang trí tua rua kết từ thân các loại cây họ lau sậy, nối liền tạo thành hình lỏng che từ 1 - 3 tầng xen kẽ, cùng nhiều dải tua rua khác thả dài, phủ xuống bên dưới.

Thông thường, cây nêu cao khoảng 3 mét và được trang trí với họa tiết, hoa văn, màu sắc gần gũi thiên nhiên và con người. Cột nêu được trang trí hoa văn với ba màu chủ đạo là đen, trắng, đỏ thể hiện tính thẩm mỹ và nghệ thuật điêu khắc truyền thống. Theo quan niệm của người Pa Kô, các phần đó thể hiện sự phân tầng thành ba không gian tương ứng với ba thế giới của thần linh, người và ma quỷ. Phần thân là bộ phận quan trọng nhất, được làm chắc chắn để buộc vật hiến sinh trên đó tập trung nhiều hoa văn, tô màu sặc sỡ và nổi bật là hình vẽ chim, gà trống hoặc một số con vật khác như trâu, heo, ếch, rồng... tạo nên yếu tố thẩm mỹ vừa làm cho cột tế có sự cân đối. Một số nơi, người Pa Kô tạc tượng sinh hoạt của con người trên cây nêu. Trong ý tưởng tạo hình, cột lễ là cách tái hiện dáng hình của Thần lúa (Yang Apon) hay hình ảnh của người phụ nữ Pa Kô trong điệu múa đưa đôi tay của họ lên trời, cầu xin hạt lúa của thần linh.

Ngay giữa thân cột, người Pa Kô thường khắc chạm hình cái cối nằm đối xứng trên dưới. Đây là hình ảnh vừa mang biểu tượng của no ấm vừa mang ý nghĩa phồn thực. Trên đỉnh cột lễ là một đoạn tre được chẻ nhỏ tạo thành cái phễu ngửa lên trời, biểu tượng củ mài, hoặc buộc con gà, hoặc con chim còn sống mà già làng ném lên trên không gian sau khi kết thúc nghi thức hiến sinh (đâm trâu). Người Pa Kô xem đây như một cái bàn thờ, nơi đón nhận sinh khí của đất trời, nơi thần linh tụ về hưởng thụ lễ vật và chứng giám các nghi lễ hiến sinh. Ngoài ra, còn nhiều thứ dùng để trang trí phụ họa cho cây nêu là hai cây lồ ô cao vút, ngọn và lá ở hai phía đối xứng, võng cong xuống gần chiếc phễu. Cùng với đó là các chùm tua rua như hoa và bông lúa, biểu trưng cho sự sinh sôi và phát triển.

*Kiến trúc nhà mồ

Nhà mồ là nơi trú ngụ của người chết là nơi gắn liền với lễ hội Ariêu Ping, nó được dựng lên một cách công phu bằng tất cả sự nhạy cảm và sự sáng tạo của các nghệ nhân với một lòng thương tiếc, cung kính nên ngôi nhà mồ thường là một công trình nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc, chạm trổ hoành tráng và độc đáo.

Thường thì nhà mồ của một gia đình, hay cả một dòng họ, mỗi ngôi mộ được chôn hàng chục người nên nhà mồ thường chiếm một khu đất rộng lớn. Nhà mồ thường có chiều rộng từ 3 đến 3,5 mét và dài khoảng 50 đến 100 mét (nhà mồ rộng lớn chung) và mỗi nhà mồ đơn lẻ tính cả không gian bên ngoài thì mỗi cái có chu vi khoảng 20 đến 30 mét vuông. Kiến trúc nhà mồ thường được dựng bằng gỗ, lồ ô, nứa, lá… Tuy nhiên, qua bàn tay khéo léo với nghệ thuật trang trí khá công phu, một cảm quan thẩm mỹ cao nên mỗi ngôi nhà đã trở thành một công trình nghệ thuật độc đáo.

Kỹ thuật kiến trúc nhà mồ chủ yếu là sử dụng dây rừng để buộc, chống đỡ và ốp. Để đảm bảo độ chắc chắn, các đòn chống, rường cột, mây, tre là nguyên liệu tại chỗ từ thiên nhiên. Tuy một công trình có độ vững chắc, thẩm mỹ là vậy nhưng các nghệ nhân chỉ dùng những công cụ thô sơ để thực hiện như: rìu, rựa để chặt gỗ và vót tre, nứa, liềm để cắt tranh, lá mây trang trí…

Trong kiến trúc nhà ở được xây cất theo lối kiến trúc nhà sàn, lấy sàn làm mặt bằng sinh hoạt thì nhà mồ lại được dựng theo lối nhà trệt, nhưng cả nhà mồ cho đến nhà ở, thường được dựng với kết cấu, kỹ thuật rường cột liên kết 3 chiều giữa lòng cột đứng với xà dọc, xà ngang. Có lẽ với kết cấu rường cột này của người Pa Kô là nét độc đáo trong truyền thống kiến trúc nhà thích ứng với thiên nhiên. Trong nhà mồ mỗi vĩ cột của khung nhà, chỉ có hai cây cột chính, ngôi nhà có lòng khá rộng đủ để chứa được những vật dụng dành cho người chết. Nếu như bộ khung nhà được cất hoàn toàn bằng gỗ thì bộ xương mái lại hoàn toàn bằng tre, lồ ô…

Nói chung kiến trúc nhà mồ khá đơn giản, không phải đục mộng để lắp ghép mà chỉ dùng dây, chạc buộc chắc chắn.

Ngoài ra, cái đặc trưng và độc đáo nhất của kiến trúc nhà mồ còn được trang trí bằng những hoa văn vẽ trên nhà mồ với hai mảng màu cơ bản là trắng và đỏ tạo nên một điểm nhấn hòa quyện với màu xanh bát ngát của núi rừng. Trên điểm nhấn ấy là dải trang trí dọc theo đường nóc cho nhà thêm phần sống động.

Từ lâu kỹ thuật đan, hoa văn trên mái nhà mồ do quá cầu kỳ, mất nhiều công sức, dần dần họ chuyển sang hình thức vẽ hoa văn và điêu khắc tượng nhà mồ như những vị thần cai quản xứ sở, cảnh giã gạo, mẹ đìu con lên nương, hoạt động của con người, muông thú, thiên nhiên được khắc họa trên các cột, xà nhà diễn ra trong những ngày tổ chức lễ hội Ariêu Ping.

*Điêu khắc tượng mồ

Sự độc đáo của nhà mồ, đó là dải trang trí mặt trước và trong nhà mồ, nổi bật là các tượng mồ. Các tượng mồ này được sắp xếp bao quanh nhà mồ như một hàng rào nên khi vào khu nhà mồ ta như được chiêm ngưỡng cả một phòng triển lãm về nghệ thuật sắp đặt và cả về tiến trình phát triển của người Pa Kô.

Ở trên mỗi tượng, ngôn ngữ điêu khắc và phong cách - mô típ nghệ thuật đa dạng, phong phú. Các pho tượng đơn giản về hình khối, đường nét, với những nhát rìu khoẻ mạnh làm tăng phần sống động cho các pho tượng. Sự hồn nhiên thể hiện trên từng khuôn mặt hòa quyện với núi rừng. Các bức tượng không lớn nhưng tính hoành tráng của nó đã tạo thành một tác phẩm lớn hài hòa với cây lá, đất đai, con người, cho ta cảm giác như thiên nhiên và con người hoà quyện, đồng nhất với nhau.

Tượng có nhiều kích cỡ, nhiều phong cách, có bức thật khái quát, có bức lại rất hiện thực, có tượng lại mang dáng vẻ trừu tượng khó hiểu, có tượng lại có vẻ tự nhiên như cây, hoa cỏ. Tất cả đều chứng tỏ rằng, người Pa Kô đã có một quá trình lịch sử phát triển lâu dài và có những biển đổi không ngừng trong đời sống xã hội cũng như trong ngôn ngữ nghệ thuật, mà ở đây tượng mồ như những nhân chứng của sự phát triển đó.

Thời gian trôi đi, trong bộn bề công việc, người chết về với cõi vĩnh hằng, nhà mồ truyền thống dần dần biến mất, tượng nhà mồ và các vật dụng cũng lần lượt mục nát, ra đi theo bước chân người chết. Để rồi, những nhà mồ mới được dựng lên tuy không mô phỏng nhưng kiểu thức đó, phong cách đó vẫn cứ hiện diện và duy trì.

Mỗi thời đại có sự phát triển mới, một cách thể hiện mới, nhưng cách thể hiện, cách nhìn và quan niệm cũ vẫn không mất đi mà ngược lại chúng liên tục tồn tại. Cái truyền thống xưa vẫn tiếp tục duy trì ở nhiều tượng mồ và nhà mồ hiện đại. Các màu sắc sặc sỡ của sơn tổng hợp ngày nay đôi khi được vẽ lên cả tượng nhưng bản chất và bản lĩnh văn hóa đó vẫn như hóa thân vào từng bức tượng, từng mái nhà một cách mạnh mẽ.

Trong Thư gửi đại hội các dân tộc thiểu số tại Pleiku, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt”. Giữ gìn và phát huy bản sắc của mỗi dân tộc sẽ phát huy được sức mạnh của cả dân tộc, đồng thời những nét văn hóa riêng của mỗi dân tộc anh em gồm tín ngưỡng, phong tục tập quán, lễ hội... bổ sung cho nhau và làm phong phú cho nền văn hóa dân tộc Việt Nam.

Vì thế, việc bảo tồn nghệ thuật trang trí trong lễ hội Ariêu Ping và kiến trúc nhà mồ của người Pa Kô là cần thiết, qua đó làm sống lại và đưa loại hình nghệ thuật này lan tỏa, hòa nhập cùng dòng chảy văn hóa - nghệ thuật Việt Nam, giúp công chúng có điều kiện, cơ hội để đến gần hơn, hiểu thêm và thưởng lãm vốn văn hóa của đồng bào Pa Kô trên dãy Trường Sơn hùng vĩ.

HỒ PHƯƠNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét