19 thg 2, 2024

Khiêm Lăng - vẻ lãng mạn của lăng mộ hoàng gia xứ Huế

Toàn cảnh lăng vua Tự Đức nhìn từ trên cao. Ảnh: Hoàng Hà/Báo ảnh Việt Nam

Lăng vua Tự Đức là tên thường gọi của Khiêm Lăng, là công trình lăng mộ hoàng đế đẹp nhất, tiêu biểu nhất trong kiến trúc lăng mộ của triều Nguyễn nói riêng và kiến trúc lăng mộ truyền thống Việt Nam thời kì phong kiến nói chung.

Vua Tự Đức (1829-1883) là vị hoàng đế thứ 4 của triều Nguyễn, ở ngôi đến 36 năm (1848-1883). Ông là vị hoàng đế tài hoa, giỏi chữ nghĩa, uyên thâm Nho học. Trong số các di sản mà vua Tự Đức để lại có lẽ Khiêm Lăng là công trình độc đáo và có giá trị nhất.




Vẻ thơ mộng của hồ Lưu Khiêm phía trước Khiêm Cung môn. Ảnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam

Năm 1993, khi Quần thể Di tích Cố đô Huế được UNESCO tôn vinh là Di sản Văn hóa Thế giới thì Khiêm Lăng là một trong số 15 công trình kiến trúc tiêu biểu, nổi tiếng có tên trong danh sách các công trình thuộc quần thể di tích này. Khu lăng mộ này thực sự là một kiệt tác kiến trúc nghệ thuật cung đình triều Nguyễn bởi nó mang vẻ đẹp lộng lẫy, thơ mộng và lãng mạn nhất mà mọi du khách khi đến Huế đều mong muốn được viếng thăm.

Vua Tự Đức lên ngôi năm 19 tuổi (1848), 16 năm sau, tức vào năm Năm Giáp Tý (1864), ông bắt đầu cho xây dựng Khiêm Lăng trên vùng đất được cho là “vạn niên cát địa” (tức vùng đất có địa thế tốt lành vạn năm) ở làng Dương Xuân Thượng, tổng Cư Chánh (cũ), nay là thôn Thượng Ba, phường Thủy Xuân, thành phố Huế.



Bên cạnh vẻ thơ mộng, Khiêm Lăng còn là một công trình kiến trúc đồ sộ với gần 50 công trình kiến trúc lớn nhỏ khác nhau. Ảnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam

Toàn bộ vùng đất được quy hoạch để xây dựng Khiêm Lăng rộng hơn 440 mẫu (220 ha), chạy dài từ đồi Vọng Cảnh đến ngọn Lao Khiêm Sơn, tuy nhiên khu vực nội lăng chỉ rộng khoảng 27 mẫu (13,5 ha) và có xây tường đá dài 1.823 m bao quanh.

Việc xây dựng Khiêm Lăng kéo dài qua nhiều giai đoạn, tiếng là hoàn tất vào tháng 9/1867 nhưng trên thực tế phải tới năm 1902 mới hoàn chỉnh và chấm dứt việc xây dựng. Vì thế tổng thời gian xây Khiêm Lăng kéo dài tới 38 năm và cần tới 3000 binh lính, thợ thuyền tham gia làm việc.

Hầu hết các vua nhà Nguyễn đều tự lên ý tưởng thiết kế xây dựng lăng tẩm cho chính mình. Vì vậy mỗi khu lăng tẩm thường thể hiện rất rõ nét cá tính, sở thích của họ. Ví như lăng Gia Long mang vẻ đẹp hoành tráng, khoáng đạt; lăng Minh Mạng đăng đối, thâm nghiêm; lăng Tự Đức thơ mộng, lãng mạn; lăng Khải Định rực rỡ, lộng lẫy…




Khu vực nhà bia và nơi đặt di hài vua Tự Đức. Ảnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam

Về bố cục, Khiêm Lăng được chia thành 2 phần chính là lăng và tẩm (lăng là nơi chôn cất thi hài nhà vua, còn tẩm là nơi thờ tự). Ngoài khu chôn cất và thờ tự, Khiêm Lăng còn có gần 50 công trình lớn nhỏ khác nhau như vườn cảnh, hồ nước và các công trình phục vụ nhà vua cùng tùy tùng ăn ở, làm việc, nghỉ ngơi, giải trí.




Vẻ đẹp lộng lẫy của Khiêm Lăng. Ảnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam

Trong bài “Khiêm Cung ký” do chính vua Tự Đức soạn và cho khắc trên tấm bia đá lớn đặt ở Khiêm Lăng có ghi rõ việc xây dựng các công trình trong lăng như sau: “Điện phía trường gọi là Hòa Khiêm, là nơi thờ phụng hương khói về sau; điện phía sau gọi là Lương Khiêm là nơi nghỉ ngơi vui chơi. Phía Đông của điện ấy là Minh Khiêm Đường dùng làm nơi nghe tấu nhạc, phía Tây là Ôn Khiêm Đường dùng làm nơi cất giữ đồ ngự phục. Trong và ngoài cửa cung dựng bốn ngôi nhà ngang gọi là Công Khiêm, Cung Khiêm, Lễ Khiêm và Pháp Khiêm, là chỗ dành cho các quan túc trực. Sau hai điện ấy, dựng bốn viện gọi là Tùng Khiêm, Dụng Khiêm, Y Khiêm và Trì Khiêm, là nơi ở của các phi tần theo hầu. Tiếp phía sau điện có một cái gác nhỏ gọi là Ích Khiêm, tuy thấp nhưng đủ để nhìn phong cảnh gần đó. Phía ngoài của cửa trước dựng một cái hành lang gọi là Chí Khiêm, hẹp nhưng đủ để thờ cúng các hầu thiếp đã khuất”.



Khiêm Lăng là điểm tham quan nổi tiếng của quần thể di tích Cố đô Huế. Ảnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam

Như vậy có thể thấy, tuy là nơi an nghỉ của người đã khuất nhưng thực tế Khiêm Lăng giống như một hành cung của vua Tự Đức. Bởi nơi đây có gần như đầy đủ các công trình kiến trúc và thiết chế liên quan để phục vụ cho đời sống sinh hoạt, làm việc, nghỉ ngơi của nhà vua và lực lượng tùy tùng.




Du khách trong và ngoài nước tham quan lăng vua Tự Đức. Ảnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam

Lăng vua Tự Đức chính là đỉnh cao của kiến trúc lăng mộ hoàng gia và cũng là đỉnh cao của kiến trúc lăng mộ Việt Nam thời quân chủ, một khu vườn thượng uyển tiêu biểu của triều Nguyễn. Cho đến nay, lăng vua Tự Đức không chỉ được tôn vinh bởi nhiều danh hiệu cao quý mà còn là điểm thu hút khách tham quan nhiều nhất trong số các khu lăng tẩm triều Nguyễn tại Huế, và là điểm tham quan thu hút khách thứ hai chỉ sau Đại Nội - nơi sống và làm việc chính thức của các vua nhà Nguyễn.

Bài: Thanh Hòa - Ảnh: Thanh Hòa & Hoàng Hà

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét