21 thg 11, 2023

Khám phá ngôi đình đầu tiên của người Việt ở Tây Nguyên

Đình Lạc Giao (phường Thắng Lợi, TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) được coi là ngôi đình đầu tiên của người Việt trên mảnh đất Tây Nguyên. Ngoài giá trị về kiến trúc nghệ thuật, đình Lạc Giao còn có giá trị về mặt tâm linh, là nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng, tham quan của du khách.

Đình Lạc Giao được khởi dựng vào năm 1928, vị trí nằm ở góc ngã tư đường Phan Bội Châu và đường Điện Biên Phủ (TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk).

Đình được một nhóm người Việt từ làng Đại Cát (xã Ninh Phụng, huyện Ninh Hòa, Khánh Hòa) do ông Phan Hộ cùng người thân lên Buôn Ma Thuột vào cuối thập kỷ 20 thế kỷ trước để làm ăn buôn bán. Để có nơi sinh hoạt cộng đồng, ông Phan Hộ và người dân đã xây dựng một ngôi đình lấy tên là Lạc Giao.

Năm 1932, đình được xây dựng lại kiên cố bằng gạch, lớp ngói đỏ trên diện tích khoảng 700 m². Kiến trúc của đình được thiết kế hình chữ môn (門) bao gồm tòa đại đình ở giữa thờ thành hoàng. Hai bên là nhà tảo mạc, bên trái thờ chiến sĩ hy sinh, bên phải là nơi tiếp khách, trưng bày chứng tích lịch sử của đình.

Gian chính thờ thành hoàng. Các khối gỗ gian này được chạm khắc tinh xảo.

Bức hoành phi Lạc Giao đình. Tên gọi Lạc Giao có ý nghĩa là lời giao ước an cư lập nghiệp của đồng bào Kinh với đồng bào bản địa cùng chung lưng đấu cật để xây dựng vùng đất mới này.

Ông Nguyễn Văn Bảy (79 tuổi), quản lý các hoạt động Văn hóa của di tích lịch sử đình Lạc Giao cho biết ngoài bức hoành phi có dòng chữ Hán Nôm thì trên đòn dông của tòa đại đình khắc chữ về lịch sử của đình Lạc Giao.

“Trong những năm 1930-1945, giặc Pháp thành lập hàng loạt nhà tù, trại giam ở Đông Dương, trong đó có nhà đày Buôn Ma Thuột. Thời điểm đó đình Lạc Giao là nơi che chở, nuôi giấu, cưu mang những người con cách mạng, bảo vệ cán bộ hoạt động ở thị xã Buôn Ma Thuột. Đến nay, người dân thường lui tới thắp hương tưởng nhớ các chiến sĩ hy sinh”, ông Bảy cho biết thêm.

Một số binh khí ở đình Lạc Giao.

Cây đa cổ thụ mọc ở sân đình Lạc Giao.

Mái ngói ở đình Lạc Giao phủ đầy rêu.

Ngày 2/3/1990, Bộ Văn hóa và Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng Đình Lạc Giao là Di tích Lịch sử cấp Quốc gia.

Hàng năm, vào các dịp Xuân Thu nhị kỳ, tại Đình Lạc Giao dân làng đều tổ chức các lễ tế: Lễ Tế Xuân (17/1 âm lịch), Lễ Tế Thu (16/8 âm lịch) với mục đích cầu cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương (10/3 âm lịch), Lễ tưởng niệm 100 chiến sĩ Nam tiến và đồng bào tử nạn tại Buôn Ma Thuột vào ngày 1/12/1945 (27/10 âm lịch).

Ngày nay, Di tích lịch sử quốc gia đình Lạc Giao trở thành điểm tham quan, học tập của người dân và du khách khi đến với TP Buôn Ma Thuột. Đình Lạc Giao là "địa chỉ đỏ" giáo dục truyền thống "uống nước nhớ nguồn" cho thế hệ hôm nay và mai sau, qua đó tiếp tục giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đại đoàn kết các dân tộc

Khả Hưng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét