26 thg 11, 2023

Quán Sếu ở đâu?

Quán Sếu hiện được xây dựng trên nền quán cũ, tọa lạc tại thôn Khuê Liễu, phường Tân Hưng (TP Hải Dương). Năm 2016, quán Sếu cùng với đình, miếu Sếu đã được xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh.

Quán Sếu hiện nay được xây dựng trên nền quán cũ, nằm trong quần thể di tích lịch sử cấp tỉnh đình, miếu, quán Sếu

“Đình Sinh, quán Sếu, chùa Tràng/ Trong ba làng ấy không làm có ăn”. Có lẽ những người dân Tân Hưng (TP Hải Dương) không ai là không thuộc câu ca nói về cuộc sống khấm khá do nghề khắc ván in mang lại cho người dân địa phương trong nhiều thế kỷ từ XV - XX. Đình, miếu, quán trên nằm ở 3 thôn của Tân Hưng, gồm Thanh Liễu (trước là Hồng Lục), Khuê Liễu và Liễu Tràng. Trong đó, các đặc điểm, kiến trúc, giá trị của đình Sinh, chùa Tràng đều được các tài liệu ghi lại một cách cụ thể, chính xác. Duy chỉ có di tích quán Sếu vẫn còn một số thông tin chưa thống nhất.

Nghề khắc ván in ở Tân Hưng do Thám hoa Lương Như Hộc - người được coi là “ông tổ” nghề in truyền dạy. Theo “Địa chí TP Hải Dương”, Thám hoa Lương Như Hộc có tên tự là Tường Phủ, sinh năm Canh Tý 1420, mất năm Tân Dậu 1501, người làng Hồng Liễu, trước thuộc tổng Thạch Khôi, huyện Trường Tân, sau đổi thành làng Thanh Liễu, xã Tân Hưng (Gia Lộc). Năm 2008, xã Tân Hưng sáp nhập vào TP Hải Dương và nay là phường Tân Hưng.

Qua hai lần đi sứ nhà Minh (Trung Quốc) vào năm 1443 và 1459 , Thám hoa Lương Như Hộc đã học được nghề khắc ván in và về truyền dạy cho người dân quê hương nơi ông sinh ra. Từ 2 học trò ban đầu, nghề khắc in mộc bản hình thành làng nghề đầu tiên tại thôn Hồng Lục, rồi lan sang Khuê Liễu và Liễu Tràng. Ba thôn này tạo nên trung tâm khắc in mộc bản của cả nước suốt 5 thế kỷ (từ thế kỷ XV đến thế kỷ XX).

Nhằm giới thiệu mộc bản, kinh Phật, các loại sách... do người Tân Hưng khắc in, Thám hoa Lương Như Hộc cho xây dựng một quán sách, đặt tên là quán Tam Dương (còn gọi là quán Sếu). Đây được coi là quán sách đầu tiên của nước ta.

Trong một số tài liệu còn lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh có viết: “Xưa, quán Sếu tọa lạc tại vị trí đắc địa phía đầu làng, trên một khu đất rộng. Trước mặt quán có 1 con đường cái chính chạy từ phủ Ninh Giang, qua trung tâm huyện Gia Lộc rồi đến quán Sếu xuống đò Gốc Mít để sang bên tỉnh lỵ. Vì là địa điểm chờ đò, nơi trung chuyển nên Thám hoa Lương như Hộc đã trình bày kinh sách và các mộc bản để khách chiêm ngưỡng, thưởng ngoạn, trao đổi, mua bán, tạo việc làm cho người dân Hồng Lục (còn gọi là Thanh Liễu), quán ấy có tên là quán Tam Dương và bị hủy hoại hoàn toàn trong cuộc kháng chiến chống Pháp và chống chiến tranh phá hoại miền Bắc”.

Trong tập 1 cuốn “Nghề cổ truyền” do Hội đồng Nghiên cứu biên soạn lịch sử tỉnh Hải Dương xuất bản năm 1987 có viết: “Tam Dương quán hay quán Sếu ở đầu làng Khuê Liễu, nơi bán sách thời cổ và chỗ dừng chân của khách đến tìm thợ khắc in nay còn ba gian nhỏ nhưng không còn sầm uất như xưa”.

Một số hộ dân ở Tân Hưng vẫn lưu giữ được các bản khắc do cụ tổ truyền lại

Tuy nhiên, trong một số tài liệu khác lại ghi, quán Sếu tọa lạc ở đầu thôn Liễu Tràng.

Như vậy, có thể thấy, một số tài liệu không thống nhất trong việc xác định địa danh quán Sếu nằm tại đâu. Ông Tăng Bá Hoành, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử tỉnh Hải Dương cho biết, ban đầu các tài liệu nghiên cứu về nghề khắc ván in và các địa danh liên quan đến địa phương này không được đầy đủ. Đặc biệt, đình Sinh, nơi thờ chính cụ Lương Như Hộc bị cháy trong kháng chiến chống Pháp, chỉ đình làng Liễu Tràng còn nguyên vẹn. Do vậy, khi xác định nghề khắc ván in đều đưa về làng Liễu Tràng. Sau khi nghiên cứu đầy đủ tư liệu, hiện vật, Hội Sử học tỉnh thấy rằng, mỗi làng đều có những đóng góp chung cho nghề khắc ván in và di tích quán Sếu được xác minh nằm tại thôn Khuê Liễu.

Ông Phạm Xuân Ứng, công chức văn hóa - thông tin phường Tân Hưng cho biết: “Cách đây hơn chục năm, một người con Khuê Liễu đã đóng góp, hỗ trợ xây dựng lại quán trên nền đất cũ. Năm 2016, quán Sếu cùng với đình, miếu Sếu đã được xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh".

Để tưởng nhớ công đức to lớn của tổ nghề Lương Như Hộc, hằng năm vào ngày 13/8 âm lịch, cả 3 làng trong xã đều làm lễ giỗ tổ nghề và cũng để lại câu ca: "Làng Sếu đốt vàng, làng Tràng thổi xôi, đình Sinh cúng cụ".

Những năm qua, quán Sếu và một số di tích khác liên quan đến nghề khắc ván in ở Tân Hưng đã nhận được sự quan tâm của các cấp, ngành liên quan từ trung ương đến địa phương. Nhiều học giả nước ngoài cũng tới đây để nghiên cứu về lịch sử nghề khắc ván in ở Việt Nam. 

PV

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét