11 thg 11, 2023

Đầu máy xe lửa Tự Lực - biểu tượng một thời của đường sắt Việt

Đầu máy xe lửa hơi nước Tự Lực, biểu tượng của ngành đường sắt, sẽ được trưng bày tại vườn Nhãn (Long Biên), trong khuôn khổ lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023.


Những đầu máy xe lửa hơi nước hơn 50 tuổi, từng tham gia chiến tranh chống Mỹ sẽ được trưng bày trong khuôn viên Nhà máy xe lửa Gia Lâm (Long Biên) từ 17/11 đến 31/12.

Đây là điểm nhấn trong khuôn khổ lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023 nhằm khơi dòng chảy di sản, nhất là các di sản công nghiệp thành không gian sáng tạo.

Nhà máy xe lửa Gia Lâm lần đầu được biết đến như một tổ hợp sáng tạo nghệ thuật nhờ vào việc cải tạo, thiết kế, sắp đặt các không gian nhà xưởng, kho bãi thành những không gian nghệ thuật.


Nổi bật trong khuôn viên nhà máy là đầu máy xe lửa Tự Lực mang số hiệu 141-179, được thiết kế chạy trên đường ray một mét, dài khoảng 19 m (bao gồm cả xe than) hoặc dài 11,5m (không bao gồm xe than); rộng 2,75 m, cao 3,8 m, nặng khoảng 100 tấn (có than và có nước).

Đầu máy này có lực kéo 1.100 mã lực, khỏe nhất Việt Nam vào thời điểm được sản xuất. Tốc độ chạy tàu khoảng 67 km/h

Đã có khoảng 50 chiếc đầu máy chủng loại này mang tên Tự Lực được sản xuất để phục vụ nhu cầu vận chuyển hàng hóa, vũ khí, lương thực ở miền Bắc và chi viện cho chiến trường miền Nam.


Nồi hơi nằm phía trên cùng của đầu máy, sau khi đốt cháy than, gỗ sẽ làm cho nước hoá hơi, hơi nước làm piston di chuyển qua lại, piston lại gắn liền với trục quay chính của đầu máy của tàu sẽ giúp cho tàu chạy.


Vị trí cửa buồng đốt, nơi công nhân đốt lò sẽ xúc than vào để duy trì sức kéo đầu máy. Kíp lái tàu thường có 3 vị trí: một chỉ huy, một lái máy và một đốt lò.


Phía trong khoang chứa than của đầu máy. So với những đầu máy hơi nước được phục chế và trưng bày tại TP HCM, Đà Nẵng, chiếc Tự Lực 141-179 đang nằm tại Nhà máy xe lửa Gia Lâm trong tình trạng xuống cấp.


Thiết kế đặc trưng tạo nên cái tên 141-179 là 4 cặp bánh chủ động (đầu máy có một cặp bánh dẫn hướng, 4 cặp bánh chủ động và một cặp bánh theo sau). Các cặp bánh chủ động nhận lực từ động cơ hơi nước để tạo ra lực kéo đoàn tàu.

Dòng số hiệu của đầu máy 141-179 đã bong tróc, không còn nhìn rõ.


Trong khuôn khổ triển lãm, các nhà xưởng, kho bãi trong khuôn viên Nhà máy Xe lửa Gia Lâm cũng được cải tạo, thiết kế thành không gian âm nhạc và nghệ thuật, là nơi tổ chức hàng loạt hoạt động sáng tạo như trình diễn cổ phục "Vân Long lưu vũ", show nhạc Rock "Dòng chảy", show Acoustic "Giai điệu tự hào", trình diễn âm thanh "Âm cảnh Ga Hà Nội" hay trình diễn nghệ thuật "Đường trường", "Đối thoại Đôi bờ”…

Trong một phân xưởng, các nghệ sĩ đang chuẩn bị cho tác phẩm hội hoạ sắp đặt của hoạ sĩ Thu Trần với 3 tấm vải có chiều dài 46 đến 50 m được treo lên trần và bộ 15 bức tranh trừu tượng bằng chất liệu da có tên là Tiếng gọi.

Một không gian sắp đặt khác nhỏ hơn của nghệ sĩ trừu tượng Vy Trinh với các vật liệu xây dựng tại nhà xưởng với tên gọi Quá áp.

Các không gian tường văn phòng cũng được vẽ tranh để phục vụ cho triển lãm sắp tới.

Phần sân khấu chính đang được gấp rút hoàn thiện để kịp ngày khai mạc triển lãm.

Dịp này, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cũng tổ chức tuyến tàu di sản ga Hà Nội - Long Biên - Gia Lâm. Tuyến tàu trải nghiệm kết nối hai bên bờ sông Hồng, xuất phát từ nhà ga Hà Nội, đến ga Long Biên, qua cầu Long Biên và kết thúc tại nhà ga Gia Lâm, từ đó khách tham quan đi bộ đến Nhà máy xe lửa Gia Lâm để tham gia các hoạt động sáng tạo. Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam sẽ tăng cường các toa tàu nghệ thuật đặc biệt, trên đó trưng bày các tác phẩm trong khuôn khổ triển lãm "Chuyển động ngoại biên #2".

Toàn cảnh khuôn viên Nhà máy Xe lửa Gia Lâm. Ảnh: Google Earth

Giang Huy

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét