16 thg 8, 2020

Thăm chùa Ông Bổn Sóc Trăng

Nếu có dịp ghé thăm chùa Ông Bổn du khách sẽ được trải nghiệm nhiều điều thú vị với nét độc đáo về kiến trúc ngôi chùa; đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng người Hoa tại TP. Sóc Trăng.

Chùa Ông Bổn là tên gọi quen thuộc của Hòa An Hội Quán lâu nay. Theo tài liệu còn lưu lại thì đây là một ngôi chùa cổ được xây dựng từ năm 1875 để thờ cúng Ông Bổn (A Côn - Trịnh Ân là một viên tướng vào đời Tống), tọa lạc tại số 9, đường Nguyễn Văn Trỗi, Phường 1, TP. Sóc Trăng. Vào ngày 12-5-2004, chùa được công nhận là di tích văn hóa, nghệ thuật kiến trúc cấp tỉnh. 

Chùa Ông Bổn. Ảnh: KGT 

Bước vào ngôi chùa, du khách sẽ không khỏi ngạc nhiên với toàn bộ phần chân cột, từ nền “tam cấp” trong khu vực nội thất cho đến khung cửa chính của ngôi chùa đều được tạc bằng đá tảng. Phía trên cửa chính sẽ bắt gặp bức biển đại tự cổ bằng đá còn khắc chữ “Hòa An Hội Quán” hoàn thành vào năm Tân Hợi 1911 được sơn son thếp vàng rực rỡ. Ngôi chùa còn giữ nguyên lớp ngói ống âm dương màu xanh và gốm tráng men màu, được dùng tạc tượng. Tiếp đến là đôi cánh cửa gỗ bằng danh mộc họa hình tướng Uất Trì Cung, Tần Thúc Bảo (danh tướng đời Đường) làm hai vị thần hộ môn trông rất uy nghi, lẫm liệt.

Tiếp theo, du khách sẽ thấy ở chính điện chùa Ông Bổn được xây dựng theo chữ “Phước” là kiểu kiến trúc tín ngưỡng, tôn giáo của người Hoa, tạo thành hình chữ nhật. Tại chính điện còn lưu giữ, bảo quản nguyên vẹn 10 biển câu đối bằng gỗ quý và 10 bức hoành phi khắc đại tự bằng tiếng Hán cổ được sơn son thếp vàng, chạm trổ khuôn viền tinh xảo với các đề tài trang trí hướng vào tín ngưỡng tâm linh trong cuộc sống nhân gian.

Trong chánh điện thờ Trịnh Ân, tức Cảm Thiên Đại Đế là vị phúc thần trong tâm thức bà con người Hoa nơi đây; nằm ở bên trái thờ ông Phước Đức và bên phải thờ bà Thiên Hậu Thánh Mẫu. Ở khoảng trống hai bên chính điện được xây bàn thờ bằng đá mài và đắp nổi hai bức tranh lớn bằng ximăng “Tả Thanh Long”, “Hữu Bạch Hổ” đúng theo thế phong thủy nên tại đây còn có hai khoảng trống thông thoáng gọi là “thiên tỉnh” (giếng trời). Ngoài ra, còn nhiều phối tự thần linh khác, nên ngôi chùa không chỉ thu hút thiện nam tín nữ người Việt gốc Hoa mà chùa Ông Bổn còn được đông đảo người Kinh, người Khmer địa phương thành tâm đến cúng bái trong những dịp rằm, lễ, tết và đặc biệt là ngày vía Ông Bổn vào 29-3 âm lịch.

Trong những năm trước, ngoài những lễ hội truyền thống của người Hoa, chùa Ông Bổn còn tổ chức lễ đấu giá lồng đèn vào rằm tháng giêng hàng năm, với ý nghĩa các câu chúc phúc của người Hoa, vừa làm tăng thêm không khí đón mừng năm mới, tạo sự vui tươi, tình đoàn kết trong cộng đồng dân tộc. Thông qua lễ đấu giá lồng đèn để tập hợp, đoàn kết mọi người cùng nhau đóng góp gây quỹ làm công tác từ thiện xã hội. Tuy nhiên, thời gian gần đây, không còn tổ chức lễ đấu giá lồng đèn mà chùa tổ chức cho bà con đăng ký trước rồi thỉnh đèn về.

Song song đó, cùng với Hội Tương tế người Hoa TP. Sóc Trăng, Ban Quản trị chùa Ông Bổn tích cực tham gia các hoạt động từ thiện xã hội; hàng năm giúp hộ có hoàn cảnh khó khăn hàng chục tấn gạo, nhu yếu phẩm, cứu trợ thiên tai, nạn nhân chất độc da cam và nhiều hoạt động từ thiện khác. Đặc biệt, trợ giúp 30 hộ đặc biệt khó khăn 10kg gạo/tháng. Ông Trần Thanh Tâm - Phó Chủ tịch Hội Tương tế người Hoa TP. Sóc Trăng, thành viên Ban Quản trị chùa Ông Bổn cho biết: “Hàng năm, chùa phối hợp với hội tổ chức nhiều hoạt động từ thiện xã hội. Mỗi năm vận động trên 50 tấn gạo, nhu yếu phẩm phát cho bà con nghèo trong tỉnh. Tuy không nhiều nhưng hội cũng đã góp phần cùng địa phương thực hiện các hoạt động an sinh xã hội. Bên cạnh đó, vận động mạnh thường quân đóng góp hỗ trợ kinh phí điều hành hoạt động của Trường Tiểu học và THCS Dục Anh (đơn vị giảng dạy song ngữ Việt - Hoa tại TP. Sóc Trăng), vận động mạnh thường quân tặng xe đạp, phát học bổng cho học sinh nghèo, hỗ trợ kinh phí cho các em có hoàn cảnh gia đình khó khăn được tiếp tục đến trường. Ngoài ra, còn quan tâm hỗ trợ các hoạt động văn hóa văn nghệ, hội diễn, hội thi, góp phần giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc Hoa”.

KGT

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét