3 thg 8, 2020

Chuyến phà chiều về cù lao trên sông Tiền

Đi từ trung tâm TP Cao Lãnh vài km về phía tây, bạn sẽ chạm vào một vùng xanh mát đượm chất miệt thứ bình yên.

Từ bến Hòa An, con phà nhỏ đưa người địa phương và khách du lịch rời đất liền phía thành phố Cao Lãnh qua cù lao Tân Thuận Đông. Cùng bến đò An Nhơn, đây là hai đầu mối giao thông giúp hơn 12.000 nhân khẩu sống trên cù lao qua sông mưu sinh, học hành. 

Xã Tân Thuận Đông nằm giữa sông Tiền, gồm cồn Lân và cồn Chày, tổng diện tích hơn 1.600 ha. Nơi đây tổ chức đón khách bài bản từ cuối năm 2016 khi làng du lịch chính thức được thành lập với đặc sản trời cho là không khí trong lành, sông nước hữu tình, trái cây ngon ngọt. 

Nhà nào cũng có cây trái, chiếm đến 95% diện tích sản xuất, với những loại trái cây ngon như nhãn Thái, xoài, mãng cầu gai, cam xoàn… 

Người làm bếp của vườn xoài Thiện Thành ở ấp Tân Phát, một trong những hộ đầu tiên tại cù lao tham gia làm du lịch homestay, đang làm món cho nhóm khách vừa đến. 

Món ăn nơi đây được chế biến với nguyên liệu thiên nhiên tươi ngon từ dưới sông Tiền, ngoài ao, trong vườn. Tôm sông làm gỏi xoài, hàu nấu cháo hành, cá bông lau kho tộ, cá linh nấu canh chua… làm nức lòng thực khách. 

Từ một vườn xoài trên cù lao nhìn về phía thành phố Cao Lãnh. Trên sông Tiền, ghe thuyền đi lại khá nhộn nhịp, phía xa là cầu Cao Lãnh nối tỉnh lỵ với huyện Lấp Vò. 

Hai người phụ nữ mua thủy sản tươi sống mới được đánh bắt từ chiếc ghe vừa cập vô bờ. Chị Dương Mộng Linh cho biết, chị về thăm quê ở An Giang, trên đường trở lại Sài Gòn ghé qua Tân Thuận Đông tham quan, ăn uống, mua trái cây và cả cá, tôm tươi. 

Người dân Tân Thuận Đông và khách du lịch rời con phà lên phía bờ Cao Lãnh trong nắng chiều đang xuống bên hạ lưu sông Tiền. Có một số đơn vị làm tour nhỏ từ Cao Lãnh đi Tân Thuận Đông giá chỉ vài trăm nghìn đồng, khách được đón đưa, ăn uống, ngồi tắc ráng ngắm cù lao xanh miên man. 

Võ Tiến

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét