8 thg 8, 2020

Ầu ơ... ơi lá xào dông

Dạo gần đây tôi hay nhớ về một người. Một cậu chàng trai trẻ tuổi, da ngăm ngăm đàn ông chính hiệu. Không phải người tôi trót say nắng hay thầm thương gì tôi.

Tôi nhớ cậu chàng ấy chỉ vì một ánh mắt. Ánh mắt trợn hết cỡ, vừa như sửng sốt, lại vừa đùng đùng phẫn nộ: “Là lá xào dông mà! Chị dân Phan Rang mà không biết lá xào dông!”

Cây xào dông. Ảnh: Agriviet.com

Vẻ mặt tôi lúc hứng ánh mắt chắc phải rất mắc cười. Không có tấm gương nào bên cạnh, nhưng tôi có thể thấy tôi trong cặp mắt kính của nhỏ em ngồi đối diện. Luống cuống, ngơ ngác đến tội nghiệp.

“Phục vụ xứ chị quá trời ngầu ha!’’ - Nhỏ em ngó theo bộ giằng dỗi thình thịch bỏ đi của cậu chàng khúc khích cười.

Tôi lại thấy cứ như cô nhỏ đang cười mình.

Không cười sao được. Mới 3 phút trước, tôi còn là một hướng dẫn viên quá oách, thao thao quảng cáo, giới thiệu đủ thứ về xứ Phan cho cô em lần đầu thăm đất sa mạc. Vậy mà giờ chỉ với chùm lá mang cái tên lạ hoắc, rành rành hiện ra một đứa lơ ngơ chả biết gì lại thích múa mép, khua môi. Đứa đó là tôi.

Cậu phục vụ quán ăn trẻ tuổi ấy phải hại tôi ghê không. Chính xác là loại lá quái chiêu ấy nó hại tôi.

Lá gì lại đi tên lá xào dông!

Nghe cứ như cố tình đu theo lừng lẫy của con dông cát xứ nắng để nổi danh.

Trời hỡi sao mà tôi không cách nào ưa vô loại nổi danh này. Đã là một loài, một cá tính khác, dở ẹc cỡ nào cũng phải ráng kiếm cho riêng mình một cái tên chứ. Tại sao không?

Đã vậy, “xào dông’’, cái tên vừa buộc miệng kêu thôi đã thấy khù khờ hết chỗ nói. Người ta đua nhau làm kẻ khôn ngoan giấu mình hai mặt, gạt gẫm nhau cả đời còn không hết. Đằng này có tí công dụng lại đem toang toác hết ra lên cả cái tên.

Biết phải do tôi xài xể dữ quá không mà chùm lá xanh trong cái dĩa trên bàn ngó bộ muốn dàu dàu. Con dông nướng tẩm muối ớt đỏ lựng sát rạt bên cạnh lại thong thả duỗi bốn chân, phơi bụng. Đôi lúc đâu phải cứ gần nhau là hiểu thấu được nhau.

“Vị lá lạ quá trời luôn chị!”

Đang vẩn vơ, quay qua đã thấy nhỏ em đang nhâm nhi thích thú thứ gì đó trong miệng.

Con dông nướng, món ăn duy nhất vừa được dọn lên, vẫn còn nguyên si. Vậy em đã ăn gì?

Chẳng để tôi phải nghĩ ngợi lâu la, em lại tiếp tục cuối xuống bứt một cái lá xanh rờn đưa lên nhấm nháp. Từng chút, từng chút lá biến mất trong miệng đồng thời với vẻ rạng dần, rạng dần trên từng đường nét gương mặt của cô em thật không tin được.

Tôi còn nghe cả tiếng đầu lưỡi cô đánh “tóc” rõ to một cái đắc chí. Ngó em, chắc ai cũng tưởng phải đang thưởng thức một mùi vị thần kì.

Tò mò, tôi cũng thử bỏ tọt vào miệng hai cái lá. Chắc ghét tôi chê bai tên mình đủ thứ, một mùi hăng nồng muốn ắt xì từ đôi lá xộc từ vòm miệng lên hai hốc mũi. Tôi tưởng mình phải đang nhai cả chục cục kẹo bạc hà.

Nhưng đừng hòng được ve vuốt bởi lìm lịm ngọt như kẹo. Gắt gao, khe khé trùm lên mặt lưỡi tôi tiếp sau vị hăng bất ngờ là chát. Chát khè muốn níu rịt những xớ lưỡi lại với nhau. Để rồi lại bật ra, tưởng chừng phải nhảy tong tong trong vòm miệng vì một mùi cay nồng ụp tới liền đó, nhanh hơn cả chớp mắt.

Chỉ trong một khoảnh khắc, tôi cứ như người chới với ngụp lên ngụp xuống giữa dòng mùi này lại sang dòng vị khác.

Toàn những dòng cuốn mãnh liệt nhất, ồ ạt nhất. Thế là tôi bị kéo phăng đi trong mê mải, trong ngầy ngật bởi quẩn quyện, sánh đặc tổng hòa từ những dòng mùi vị.

Quẩn quyện ai mà ngờ lại đổ hết lên sắc xanh của một phiến lá nhìn cỡ nào cũng thấy nhỏ nhắn, mỏng manh.

Phải nói là lá xào dông đã đáp lại khinh khỉnh xem thường tên lá của tôi bằng một cú móc quá hiểm, quá sửng sốt. Nhơn nhơn, đinh ninh trong tôi thế là bị hạ cho bẹp dí, nằm đo ván. Bài học “xem mặt mà bắt hình dong” ngó vậy mà không phải ai cũng nhớ, dù từ ngày nhỏ đã vanh vách đọc thuộc lòng.

Cô em vẫn còn mơ màng trong vị lá tiếp tục gật gù rằng lâu lắm rồi mới gặp lại loại lá thơm độc đáo đến nhường này.

Lại còn thơm sao? Bộ xào dông tính gom bao sắc nét mùi vị ôm hết vào mình?

Vò một mẩu lá, tôi khẽ đưa lên mũi. Một mùi hương nồng nồng mà lại thanh, lại dịu mát thoáng qua làm thư thái hết đầu óc. Phải chăng những dòng quẩn quyện tuôn chảy từ vị lá trở nên mê hoặc, nồng nàn hơn là nhờ chất dẫn mùi hương.

“Chắc chỉ có lá mắc mật vùng Lạng Sơn, Cao Bằng mới địch lại lá xào dông quê chị ở lượng tinh dầu.”

Cô em chính hiệu dân báo chí. Tướng liễu yếu mong manh cũng lang thang giang hồ đủ khắp. Kiến thức chắc là tin được. Không như bà chị quanh năm một xó, chỉ biết dỏng tai nghe ngóng rồi chắp vá búa xua.

Lươn lướt tay trên màn hình điện thoại, chùm lá óng ả xanh em giơ ra cho tôi xem như nghiêng hết khỏi khung ảnh chụp, lom khom nhìn xuống. Từ mặt dĩa bên dưới, mấy túm lá xào dông chắc cũng muốn nhảy tưng lên cho một cái chào.

Kẻ xa tít nơi núi rừng miền Đông Bắc, kẻ tuốt luốt vùng cực Nam Trung Bộ gió quật cát tràn, dễ gì được gặp nhau.

Mà nhất là lại gặp kẻ giống hệt mình.

Từ cái dáng bầu bầu, thuôn dài. Từ những nét lượn, góc cong vừa quyến gợi, vừa mạnh bạo viền theo mép lá. Đến cái sắc xanh bóng lên như mặt lá vừa được phết lên, tráng qua một lớp dầu trơn nhẫy, láng ót.

Tôi không đồng ý với một trang web du lịch nói rằng lá xào dông giống lá chùm ruột non. Mỏng dính, ẻo lả của chùm ruột làm sao bì được đậm đặc quyết liệt trong cả dáng và sắc của lá xào dông.

Nếu trước mặt có một nhánh lá chùm ruột nhẹ nhàng phơ phất chắc tôi chỉ nghĩ tới một cô gái điệu đà chúm môi cười, làm duyên làm dáng cùng bọn gió. Cũng cái nền lãng đãng nên thơ ấy, thay vào một chùm lá xào dông, thì mới thật lạ đời.

Thô mộc rắn rỏi hệt đất, hệt người nơi sinh ra lá, xào dông có bao giờ làm được cô tiểu thư mong manh, đỏm dáng đâu mà.

Miên man lần theo những nét hao hao trong hình dáng lá, hai chị em còn đụng đầu thêm lá mãng cầu xiêm.

Dân miền Tây nghe đồn có món chuột đồng xào lá mãng cầu xiêm ngon lừng lẫy. Mấy lần về thăm miền Tây bạn thiết tha mời nhưng chắc vì cầm tinh con chuột nên nghe tới “thịt chuột” tôi toàn dị ứng lắc đầu. Sau này, nếu có thêm lần “miền Tây du kí” nào nữa nhất định tôi phải đánh liều một phen ăn thử. Dù gì thì cũng cần kiểm chứng trực tiếp vị lá thơm từ đặc sản miền Tây có giống được tí nào với vị thơm của lá xào dông.

Vị kết hợp với món ăn chưa thử chưa biết, những sắc xanh lá mãng cầu xiêm trong kí ức tôi nhất định độ đậm, độ nét không qua được xào dông. Phải biết lá xào dông sớm hơn, khi cây mãng cầu xiêm trong rẫy ngoại chưa héo chết, tôi đã ngắt hai loại lá đặt cạnh nhau để tẩn mẩn ngồi so.

Đời người nghĩ cũng lạ, toàn gặp cảnh phơn phớt sống, phơn phớt trôi qua nhau để rồi lại được phen thắc thỏm tiếc “phải biết” với “giá như”.

Bất giác tôi bỗng tự hỏi mình: Liệu có từng phơn phớt đi qua một nhành lá xào dông?

Trí nhớ như chiếc xe lâu không tu bổ cọc cạch qua từng vũng kí ức.

Hình như ngày giỗ ngoại năm nào đó cậu tôi có làm thịt những con dông mập ú mình nuôi đãi khách xa. Hình như tự tay tôi có rải lên thau gỏi dông cậu trộn mớ lá xanh ong óng. Có mùi lá thơm hình như bện chặt vào những đầu ngón tay tôi đến tàn buổi nấu nướng vẫn còn phảng phất.

Đôi lúc trí nhớ cũng lắc lở chơi xấu người khi cắt bỏ đi những phần quan trọng nhất trong đoạn phim kí ức.

Phải tua tới tua lui một đoạn phim kiểu này vừa lục được, tôi mới phát hiện ra còn có một bàn tay khác. Bàn tay ngồi băm băm mớ lá trên cái thớt gỗ đầu sứt góc trong bếp nhà ngoại. Bàn tay nếu bấm ngược thêm đôi ba phút của cái clip tên kí ức, chắc sẽ thấy đang bưng một rổ lá bước vào từ hông nhà. Bàn tay của mợ tôi.

Không giỗ nào của ngoại tôi mợ không làm người hái lá. Lá chuối lót khi nướng thịt vừa ngọt vừa ít nghe mùi khói. Lá me non nấu canh chua vừa dịu vừa thanh. Lá rau sam nhơn nhớt mà làm nên tô nước luộc sinh thời ngoại vẫn thích, cứ man mát, ngọt lành. Trong rổ lá năm nào mợ hái cũng chỉ những chiếc lá xanh đẹp nhất, mơn mởn nhất. Phải chăng ngày giỗ ngoại đến lá cũng biết chắt chiu bao đẹp đẽ, bao tâm ý để tưởng nhớ người đã trồng cây?

Trong rổ lá của mợ tôi năm nào đó ắt hẳn phải có lá xào dông. Ắt hẳn tôi đã đi qua lá ơ hờ như đi qua một loài rau cỏ vô danh, chưa ai biết đến nên chìm khuất dưới những lá me, đọt xoài, lá chuối,… tầm thường nhưng quen mặt.

Trí nhớ con người kể ra cũng khác nào một cái máy vô hồn, không cảm xúc. Lẽ ra cả nó (và nhiều thứ nữa) nên là cánh cửa không chỉ biết mở ra hân hoan chào đón những người quen.

Nếu vậy chắc tôi không phải “ồ à” tròn mắt theo cô em lần đầu tiên thấy lá, rồi chọc sùng cậu chàng phục vụ khi bằng giọng Phan Rang chỉ chỉ vào cái dĩa: “Em. Lá này là lá gì ta?”

Cậu chàng trẻ tuổi ấy nghĩ sao mà khó tính lạ kì. Thử cầm nhánh lá đi một vòng cái quán đang ồn ào cười nói, cụng ly xem, mấy người chính hiệu dân xứ Phan gọi được ra tên lá xào dông.

Không phải vì đất sa mạc lo vật lộn với nắng thiêu gió táp không ai màng đến lá, đến hoa. Chỉ là vì người Phan giờ cũng bộn bề, ngổn ngang lắm giữa trăm ngàn loại nhớ. Nhớ đổi mới, nhớ hiện đại còn không hết. Rảnh rang đâu nhớ mấy thứ cũ rích quê mùa.

Con đường “nổi danh” của lá xào dông bởi vậy xem ra trúc trắc quá chừng. Người xứ mình còn không nhớ, không biết đến, vậy mong gì dân miền khác. Chả trách lá cứ kè kè theo tên mình chữ “dông” để nương nhờ chút tiếng tăm của loài dông cát đồng hương.

Nghiệm ra điều này, tôi bỗng thấy hết đành hanh, bực bội với cái tên “lá xào dông”. Sướng ích gì đâu khi núp dưới tàn che của kẻ khác. Sướng ích gì khi thiên hạ nhìn mình mà chỉ nhớ tới cái bóng đi kèm.

Cũng có thể tôi nghĩ nhiều quá nên đâm lẩn thà lẩn thẩn. Có thể loài dông cát cũng cần lắm lá xào dông để hóa thân trọn vẹn thành món ăn tròn vị, đậm đà.

Rồi đâu chỉ một món “xào” như trong tên gọi. Dông nướng, chả dông, dông làm gỏi,.. chắc thế nào cũng trở nên thiếu thiếu gì đó nếu trên đầu lưỡi không được kèm thêm vị lá. Vậy thì với con dông cát, lá đâu chỉ kẻ nương nhờ.

Mà tự bao giờ tôi cứ áp đặt bon chen rối rắm của mình lên vô tư cây cỏ? Quấn quýt quyện lẫn vào nhau trong nồng đượm khăng khít, chắc cả lá, cả con dông cát đều đang cười.

“Xứ chị quá trời lạ. Đến lá cây cũng đậm đà!”

Ngó nhỏ em vẫn còn xuýt xoa nhai lá, tôi cười phì xé đưa cho em miếng thịt dông. Quấn quýt người ta làm vậy em cứ tách đôi khen một, lỡ mà con dông lại tủi lại ý kiến thì tôi biết làm sao.

Phiến lá mướt mát, phong phanh trên tay em chắc mừng rỡ lắm nên ôm choàng ngay lấy miếng thịt dông vẫn còn chưa kịp cởi lớp da nâu âm ấm. Nhưng cần gì phải cởi? Lá có bao giờ chê dông vì thô sần, nham nhám ấy đâu mà.

Lá nhìn thấy được dưới lớp ngụy trang không dễ ưa mắt ấy lòng dông cũng hệt như những xớ thịt trắng mềm dịu ngọt. Nảy lên giữa cỗi cằn nắng gió, lá hay làm sao, học được cách khiến mình lúc nào cũng lạc quan xanh phơi phới. Học được luôn cả cách nhận diện người.

Gọi điện về “mai mốt giỗ ngoại, mợ cho con theo lên núi hái lá xào dông nghen”, tôi nghe mợ la chói lói bên điện thoại: “Đâu lên tuốt núi, cô Hai! Có cây xào dông ngay cuối rẫy mình mà!”.

Tắt máy, tắt luôn màn hình ipad đang chấp chới dòng chữ vắt ngang một trang web “lá xào dông là loại lá sống trên vách đá vùng khô hạn”, tôi không khỏi nơm nớp nhìn quanh quất. May mà cậu chàng phục vụ da ngăm nọ không có mặt để nổi sùng với tôi thêm lần nữa.

Còn nhỏ em đang tấn công nhiệt tình dĩa dông nướng chỉ còn loe hoe vài cái lá xanh bóng lưỡng? Biết cô nàng có nghe được gì không, sao cứ tủm tỉm cười…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét