23 thg 8, 2020

Bí mật trong 3 ngôi đền, chùa cổ ở Hưng Yên



Đó là hình ảnh trong buổi rước nước của Lễ hội tình yêu Chử Đồng Tử - Tiên Dung vào ngày 10/2 âm lịch hàng năm. Một nhóm phụ nữ mặc áo hồng xinh đẹp ghé mình khiêng chiếc kiệu rồng. Trên chiếc kiệu là một chóe nước. Đoàn rước từ đền thiêng từ từ di chuyển về hướng sông Hồng…

Mở đầu đoàn rước là con rồng dài do 30 thanh niên thay nhau múa, náo động cả một vùng. Theo sau là hàng nghìn người dân từ 5 xã của huyện Khoái Châu, Hưng Yên.

Đến bờ sông, đoàn người di chuyển lên thuyền. Thuyền rồng phải ra giữa dòng sông bởi người dân quan niệm, sông “bên lở bên bồi”, nước giữa dòng mới là nước tinh khiết nhất.

Ra giữa dòng sông, hai vị cao niên thả hai vòng tròn xuống sông với dụng ý “gạn đục khơi trong” dòng nước. Một cụ già khác kính cẩn dùng chiếc gáo được sơn son, từ từ múc nước trên sông hồng cho vào chiếc chóe cổ trên thuyền.

Kết thúc việc lấy nước, đoàn lên bờ và rước nước về đền trước 11h30 để kịp giờ khai hội.

Chỉ đến khi chóe nước được đưa lên ban thờ, ban tổ chức mới có thể khai mạc Lễ hội đền Chử Đồng Tử - một trong 16 lễ hội lớn nhất của người Việt.

Không biết lễ hội có từ bao giờ, nghi lễ đặc sắc này được khởi nguồn từ chuyện tình Chử Đồng Tử - Tiên Dung.

Truyền thuyết xưa nói rằng, sông hồng là nơi họ bắt đầu viết câu chuyện tình của mình…

Chàng - Chử Đồng Tử là người đàn ông nghèo, quanh năm đánh cá ven sông. Cái nghèo của chàng được người xưa ngoa dụ lên rằng: “Không có nổi cái khố mà dùng”.

Chiếc khố duy nhất, chàng dành cho người cha nay đã khuất núi. Chử Đồng Tử không còn quần áo che thân, nay đây mai đó trên sông nước để mưu sinh.

Nàng - Công chúa Tiên Dung, vừa xinh đẹp lại sinh ra trong hoa lụa. Một lần đi ngao du, công chúa yêu của Vua Hùng đã ghé qua khúc sông này.

Chử Đồng Tử thấy quan quân đông nên vùi mình trong cát để lẩn trốn.

Vô tình, trời nóng, công chúa chọn một bãi đất cao để tắm gội. Không ngờ, đó chính là nơi Đồng Tử giấu mình. Nước chảy cát trôi, Đồng Tử hiện ra. Tiên Dung kinh ngạc, trầm ngâm. Mối tình của họ từ đó được bắt đầu…

Nhưng truyền thuyết không chỉ dừng lại ở đó, nàng công chúa từ bỏ hết mọi vinh hoa phú quý để theo người tình đi ngao du khắp nơi. Họ còn chữa bệnh, giúp đỡ dân nghèo.

Chuyện tình của họ được cho là một trong những truyền thuyết đẹp nhất về tình yêu của người Việt. Nơi họ gặp nhau, người xưa đã lập nên ngôi đền Đa Hoà ( Đền thờ tình yêu) thuộc xã Bình Minh huyện Khoái Châu và Đền Dạ Trạch ( Đền Hoá) thuộc xã Dạ Trạch huyện Khoái Châu. Nơi này nằm lặng lẽ giữa màu xanh bạt ngàn của mùa nhãn lồng vào vụ thu hoạch.

Trong sân đền, như bất cứ ngôi đền nào của người Việt, hoa sứ phủ trắng sân. Bình yên đến nỗi, những người phụ nữ ngồi nói chuyện bên sân đền cũng khó làm xao động sự tĩnh lặng của không gian.


Ông Lê Xuân Cư - thủ từ đền thờ, chia sẻ, ngôi đền ở đây trở nên đặc biệt bởi có thờ chiếc nón và cây gậy của Đức Thánh.

Những người cao tuổi trong làng không rõ chiếc nón và cây gậy này có từ bao giờ hay đã được phục dựng lại hay chưa. “Nhiều đền thờ Đức Thánh nhưng chỉ ở đền này mới có thờ chiếc nón và gậy của ngài”, vị thủ từ nhấn mạnh.

Theo ông Lê Xuân Cư, ngoài nói về mối tình kỳ lạ, truyền thuyết cũng kể rằng, sau khi kết đôi, Chử Đồng Tử và Tiên Dung cũng đã phát triển mạnh việc giao thương, buôn bán, mang lại sự giàu có, thịnh vượng cho người dân trong vùng.

Chính vì thế, khách thập phương tới đây, ngoài vãn cảnh, còn cầu xin được may mắn, thuận lợi cả về kinh doanh, buôn bán.

Ngôi đền thứ hai - đền chính thờ Chử Đồng Tử và Tiên Dung nằm ở xã Bình Minh, huyện Khoái Châu.

Ngôi đền bình yên bên dòng sông Hồng nhìn ra bãi Tự Nhiên - nơi Tiên Dung gặp gỡ và nên duyên với Chử Đồng Tử.

Khung cảnh phía trước ngôi đền chính nằm ở xã Dạ Chạch, huyện Khoái Châu, Hưng Yên - nơi Chử Đồng Tử và 2 bà bay về trời.

Nơi đây thu hút du khách bởi màu xanh của sông nước, màu xanh của vùng quê đất nhãn và xa xa là những dãy phù sa cát trắng. Cây cối của đền - những cổ thụ, cũng được chọn lọc để khẳng định sự bất tử của con người.

Đền Ða Hoà được nhà nước xếp hạng di tích văn hoá năm 1962, nằm trên một khu đất cao, rộng, bằng phẳng hình chữ nhật có diện tích 18.720m².

Hiện nay, đền Ða Hoà còn bảo tồn được nhiều di vật quý hiếm, trong đó có đôi lọ Bách thọ - một trăm chữ thọ không chữ nào giống chữ nào, khắc trên thành lọ bằng gốm, một cổ vật vô giá của dân tộc.

Ðặc biệt, nơi đây lưu giữ các pho tượng đức thánh Chử Ðồng Tử và phu nhân được đúc bằng đồng thể hiện sự biết ơn của nhân dân với người xưa.


Không gian bao quát chùa Nôm: Ảnh: Tạp chí Kinh tế Môi trường

Cũng như nhiều ngôi đền, chùa trên đất Việt, lịch sử ra đời của ngôi chùa Nôm hay còn gọi là “Linh Thông Cổ Tự” - một trong ngôi chùa nổi tiếng bậc nhất đất Bắc, bắt đầu bằng một truyền thuyết rất xưa…

Một đêm mưa bão lớn ở huyện Văn Lâm, Hưng Yên, có một bè gỗ lim trôi trên sông rồi ghé vào bờ.

Sáng sớm, dân chài đẩy ra nhưng bè gỗ vẫn tự quay lại như một điềm lành. Kỳ lạ, ngạc nhiên, người làng bèn vớt lên. Họ dùng phần gỗ ấy để xây dựng nên ngôi chùa thiêng.

Nép mình trong khung cảnh làng quê Bắc bộ yên tĩnh, trong quần thể di tích làng Nôm (xã Đại Đồng, huyện Văn Lâm), chùa Nôm níu chân khách bởi vẻ đẹp cổ kính cùng những pho tượng tiêu biểu cho nghệ thuật điêu khắc từ ngàn xưa.

Quả thật, bước chân lên cầu đá dẫn vào chùa, du khách đã cảm nhận được không khí cổ xưa. Sư Thích Trúc Hiển- chùa Nôm, nhấn mạnh, cây cầu đá 9 bậc bắc qua sông Nguyệt Đức này được người xưa dựng thủ công.

Trải qua bao đời, cây cầu được xem là cầu Giác (ngộ) - cầu nối để người dân có thể dễ dàng tiếp cận với đạo Phật.


Dưới con mắt của các nhà nghiên cứu, cầu Nôm là một trong số ít cây cầu đá cổ đẹp nhất có niên đại vào thế kỷ 18 ở nước ta.

Sư thầy kể lại, trải qua thời gian dài, với nhiều biến đổi thăng trầm của lịch sử cũng như sự phá hủy của thiên nhiên, chùa đã bị xuống cấp và hư hỏng nặng.

Những năm gần đây, chùa dần được đầu tư, tu bổ, tôn tạo… thêm các hạng mục như: nhà Tổ, nhà Mẫu, nhà khách, gác Chuông, gác Trống, Lầu Quan Âm… với nhiều công sức và tâm huyết của Thượng tọa Thích Đồng Huệ - trụ trì chùa.

Đến nay, chùa Nôm còn lưu giữ nhiều cổ vật, trong đó có hơn 100 pho tượng cổ và nhiều hiện vật khác như bia đá, chuông đồng, văn khắc và các tư liệu quý khác…

Chùa Nôm cũng giống như một số chùa thời kỳ này như chùa Keo (Thái Bình), có kiểu bố cục tiền Phật hậu Thánh. Khu chùa hiện còn bảo tồn được hơn 100 pho tượng cổ giá trị.


Sư Thích Trúc Hiển cho biết, những pho tượng cổ quý giá này được làm bằng đất, nhưng không rõ bên trong tượng có kết cấu gì.

“Chỉ biết rằng sau mấy trăm năm, có những mùa mưa lũ về, nước cao gần tới đầu nhưng tượng vẫn còn nguyên vẹn, không mối mọt, hư hỏng”. Chính những sự lạ kỳ nhuốm màu tâm linh này đã làm nên sự hấp dẫn của ngôi chùa.

Chị Đoàn Thị Hạnh - du khách từ Hải Dương, chia sẻ: “Tôi viếng chùa vào một ngày mưa, nhìn những mái ngói thâm nâu, những pho tượng cổ… lòng người tĩnh lại hẳn.


Sự bình yên, cổ kính của làng Nôm níu chân du khách.

Ngay cạnh chùa lại có chợ Nôm, đặc biệt đông vui, nhộn nhịp vào những ngày chợ phiên. Khu chợ này còn giữ được nhiều nét của chợ quê xưa, sẽ khiến các du khách là chị em phụ nữ thích thú.

Những lần có nhiều thời gian, chúng tôi còn ghé qua làng Nôm để thăm thú. Phía sau cổng làng là một quần thể kiến trúc cổ gồm đình làng, giếng cổ, cây đa cổ thụ… Tự nhiên như khiến ta bước sang một thế giới khác - của ngàn năm trước”.


Cổng tam quan của chùa Chuông nhìn từ sân chùa

Trước mắt vị sư là một ngôi chùa cổ đổ nát. Những bức tượng vỡ, hàng lang của chùa đã sập từ bao giờ, phần tiền đường cũng không còn nguyên vẹn. Phía sau chùa là bãi đất để người dân thả trâu, bò…

Đó là khung cảnh một ngày tháng 2/1991 - ngày Đại đức Thích Thanh Khuê về chùa Chuông.

“Sư phụ tôi năm đó 79 tuổi, người ta bảo “cha già không bằng nhà dột” nhưng hoàn cảnh của tôi là cả 2 điều đó. Chùa xây từ lâu đời nay trở thành hoang tàn.

Mưa to gió lớn, nhìn cảnh nước đổ xuống dãy tượng lòng tôi đau nhói. Tôi đã bắt tay vào xây dựng lại, gom góp kinh phí, mỗi năm xây một chút”, trụ trì chùa Chuông nói.

Nhưng Đại đức Thích Thanh Khuê nói để được như ngày hôm nay hôm nay không đơn giản, không kiên trì không thể làm nổi. Chùa đã trải qua 3 lần bị sập do bão lớn suốt hơn 20 năm trôi qua.

Cũng theo Đại đức, không ai biết tuổi thật của ngôi chùa nhưng theo ước đoán, chùa có niên đại vào khoảng thế kỷ thứ 3 sau Công Nguyên.

Bởi vậy, người ta đã dựng nên một truyền thuyết để nói về sự ra đời của chùa. Nếu như vật đến với chùa Nôm là những mảnh gỗ quý, thì bảo vật để dựng nên chùa Chuông bắt đầu từ một quả chuông, đúng như tên gọi của chùa.

Truyền thuyết mở đầu bằng một năm đại hồng thuỷ. Dòng nước hung dữ cuốn theo một chiếc bè gỗ, trên bè gỗ là quả chuông vàng rất đẹp.

Người dân khắp nơi đua nhau kéo chuông vàng về địa phương mình nhưng chỉ có các bô lão thôn Nhân Dục (phường Hiến Nam) mới kéo được chuông lên bờ.

Cho là điềm lành, dân làng Nhân Dục bèn góp công, của dựng lại chùa cho rộng rãi hơn và xây lầu treo chuông. Mỗi lần đánh, tiếng chuông vang xa hàng ngàn dặm, đem đến cho người dân sự thanh bình, may mắn.

Chùa Chuông có từ bao giờ thì đến nay vẫn chưa xác định rõ. Qua những biến cố của lịch sử cùng sự bào mòn của thời gian, chùa Chuông đã nhiều lần phải tu bổ, sửa chữa. Kiến trúc xa xưa đã mất nhưng kiến trúc hiện nay của chùa Chuông so với những ngôi chùa được xây dựng hay trùng tu cùng thời có nhiều điểm khác biệt, tạo nên giá trị về kiến trúc, mỹ thuật.


Tại chùa Chuông còn lưu giữ lại nhiều di vật quý như: cây hương đá, cầu đá xây dựng năm 1702, bia đá năm 1711, hệ thống tượng Phật…

Kiểu kiến trúc liên hoàn giữa 2 khu thờ được nối nhau bởi một dãy hành lang dài được dựng nên mang ý nghĩa thiết thực nhiều hơn ý nghĩa về mặt tâm linh.

Vì nhờ có hành lang trong bố cục liên hoàn đã giúp các Tăng Ni, Phật tử cùng du khách đến vãn cảnh chùa không cần đặt chân ra ngoài trời mà vẫn có thể đi khắp các nơi trong ngôi chùa để thưởng ngoạn cảnh đẹp và thắp nén nhang cầu Phật.

Sau Tam quan là một ao nhỏ, được ngăn đôi bởi một cây cầu đá dài 3,7m, ngự ở 2 đầu cầu là 6 con sư tử làm bằng đá. Rất có thể, Tam quan và sư tử cùng được làm vào thời Lê (khoảng năm 1707). Xung quanh được kè đá kiên cố, trên bờ ao trồng nhiều cau và tùng.

Đi qua ao là sân chùa, tiếp đó là cửa tò vò. Ngay cạnh cửa tò vò là một giếng chùa có đường kính 6,8m.

Hiện nay, tượng Phật còn lại trong chùa rất đa dạng và phong phú. Những pho tượng được đặt ở đỉnh tôn nghiêm, cao nhất thể hiện triết lý vô thường của nhà Phật.

Năm 1992, chùa Chuông được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật.

Hiện nay, chùa Chuông là một trong 16 di tích thuộc di tích quốc gia. Đặc biệt, khu di tích Phố Hiến được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng ngày 31/12/2014.

Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, Phố Hiến đã không còn là thương cảng huyết mạch như xưa nhưng chùa Chuông vẫn là điểm đến cho những người ưa hoài cổ, muốn tìm về chút thanh tịnh vương vấn từ ngàn xưa.


Là địa phương đứng thứ 3 cả nước về số lượng di tích được xếp hạng, Hưng Yên nổi tiếng với các khu di tích lịch sử, văn hóa như cụm di tích Phố Hiến, chùa Nôm nằm trong quần thể làng Nôm, chùa Chuông, chùa Thái Lạc…

Năm 2018, Hưng Yên đã phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh đến năm 2025, tầm nhìn 2030 và phấn đấu đến năm 2025 đưa du lịch tỉnh Hưng Yên thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Với những nỗ lực của mình, du lịch tỉnh Hưng Yên bước đầu đã có những bước phát triển nhất định. Năm 2018, khách du lịch đến Hưng Yên ước tính đạt khoảng 900.000 người (tăng 13% so với năm 2017). Đặc biệt, trong 6 tháng đầu năm 2019, tổng số lượt du khách đến đây ước khoảng 670.000 lượt. Khách quốc tế có khoảng 14.500 lượt.

Đánh giá về tiềm năng phát triển du lịch tâm linh ở địa phương, Đại đức Thích Thanh Khuê - trụ trì chùa Chuông cho biết, ông từng có cơ hội được đi tham quan các ngôi chùa lớn ở những quốc gia phát triển về Phật giáo như Thái Lan.

“Họ làm rất bài bản và có sự liên kết giữa các điểm du lịch tâm linh với các điểm đến khác để “tour” của du khách trở thành một chuyến đi vừa mua sắm, vừa ngắm cảnh, nghỉ ngơi, kết hợp với du lịch tâm linh”, Đại đức nói.


Bàn về vấn đề này, ông Ngô Hoài Chung, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch nhận định: “Với Hưng Yên, xây dựng sản phẩm du lịch phải lấy tài nguyên nhân văn làm hạt nhân. Các sản phẩm du lịch văn hóa, tâm linh, trải nghiệm… cần được đa dạng hóa. Hưng Yên cũng cần chú trọng đầu tư, hoàn thiện các tiêu chí về điểm đến như đường sá, hạ tầng viễn thông, trung tâm giải trí… Đội ngũ hướng dẫn viên du lịch cần được tăng cường về số lượng và trình độ chuyên môn”.

Đại diện một công ty du lịch chuyên đón khách Hàn Quốc cho rằng, Hưng Yên là điểm đến lý tưởng cho du khách muốn đi du lịch trong ngày bởi lợi thế địa lý gần với nhiều thành phố lớn.

Tuy nhiên, các điểm đến của địa phương cần liên kết bài bản, chuyên nghiệp hơn. Thậm chí, nếu du khách muốn ở lại 2 ngày hoặc hơn, những tiềm năng du lịch tại đây hoàn toàn có thể đáp ứng được nhu cầu của du khách.


Nguyễn Thảo - Ngọc Trang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét